Mẩu chuyện số 69 - TOKYO NHẬT BẢN

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 44927)
Mẩu chuyện số 69 - TOKYO NHẬT BẢN

C

âu chuyện được kể đúng vào thời điểm của cuộc biến cố năm 1975, khi số lượng mấy mươi người bị giam trong một phòng giam nhỏ hẹp của Ty Cảnh Sát. Tất cả được tập trung từ các nơi gởi về vào ngày 25 tháng 5 năm 1975.

Một đêm nọ trong tuần đầu, qua sự giới thiệu của anh Trưởng Chi Thông Tin Hà Tiên, chúng tôi tiếp xúc với người cháu của y cũng đang bị giam chung trong phòng. Người ta không còn rõ tên họ của người cháu nầy, mà chỉ gọi là Cậu Sáu, là danh từ gọi để tôn trọng những người tu hành. Được biết Cậu Sáu tu nhiều năm trên núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn). Lúc đó Cậu độ khoản 25 hay 26 tuổi, bằng cách nói lưu loát đạo hạnh của Cậu làm cho nhiều người phải chú ý. Trong đó có tôi (Lê Tấn Bửu).

Cậu thuật nhiều chuyện nghe khá ly kỳ, trong đó có mẫu chuyện làm tôi chú ý nhứt: Trước năm 1975, khi đang ngồi thiền trong thạch thất nơi Thiên Cẩm Sơn, Cậu nghe văng vẳng bên tai lệnh của Sơn Thần bảo cậu phải đi Tokyo để nhận lãnh sứ mạng. Cậu lập tức lên Sài Gòn nhờ Đại Tá Nguyễn Quang Sanh lúc ấy làm việc trong cơ quan Giám Sát Viện, vốn là đệ tử của Cậu, lo cho cậu thủ tục xuất ngoại, đồng thời, Đại Tá Sanh hướng dẫn cậu đi Tokyo. Đại Tá Sanh lúc đầu từ khước vì không đủ tiền mua vé phi cơ khứ hồi cho cả hai người. Nhưng dường như được sự trợ giúp của chư Thần, liền theo đó có người Hoa Kiều đến nhờ xin giùm thông hành đi Hongkong, Đại Tá Sanh liền hỏi xin ông nầy tiền để mua hai vé phi cơ Sài Gòn đi Tokyo khứ hồi.

Thế là sau đó hai thầy trò đáp phi cơ đi Tokyo. Tiếng người tiếp viên báo cho biết là sắp đến nơi. Đại Tá Sanh hỏi:

-Không biết rồi đây có ai đón chúng mình không?

Cậu Sáu bảo:

-Đừng lo.

Quả nhiên vừa ra khỏi cửa thì thấy có một người Nhật đến chào hỏi rồi hướng dẫn cả hai làm thủ tục nhập cảnh Quan thuế. Khi ra tới bãi đậu xe liền được một vị hơi lớn tuổi, ngồi băng sau, nói tiếng Việt, mời hai thầy trò ngồi chung.

Xe chạy đến thành phố Tokyo, rồi vào thẳng cổng thành, tường thành cao và đen. Sau khi tiếp tục chạy thẳng tắp tới ngôi biệt thự tọa lạc ở trong sâu thì xe ngừng lại. Vị chủ xe mời hai thầy trò vào trong ngơi nghỉ, hẹn sáng hôm sau gặp lại.

Mọi việc ăn ở đều có kẻ phục dịch chu đáo. Sáng ngày hai thầy trò được mời đến văn phòng và được tiếp chuyện với vị chủ xe lúc ấy đã ngồi vào bàn giấy. Đang lúc nói chuyện, Cậu để ý thấy có một vài người Nhật trịnh trọng đến xá chào vị chủ nhà, nói một vài câu tiếng Nhật rồi lễ phép cúi chào đi ra. Cậu thầm nghĩ vị chủ nhà nầy ắt có nhiều uy quyền mới được trọng vọng như thế.

Chúng tôi hỏi Cậu Sáu sứ mạng cậu nhận lãnh của vị ấy như thế nào? Có liên quan gì đến đất nước của mình không? Cậu đã cho biết là không thể tiết lộ vì đã tuyên hứa rồi.

Tuy nhiên có một điểm quan trọng mà cậu sẵn sàng cho chúng tôi biết là vị chủ nhà có tướng trạng đặc biệt là CỔ CÓ BA NGẤN, mà xưa nay chưa ai có được tướng hảo như thế.

Khi về lại Việt Nam, trên đường đi qua tỉnh lộ, Cậu mới có sự chú ý đặc biệt và hết sức sửng sốt khi nhìn lại những bức chơn dung trên Độc Giảng Đường của Phật Giáo Hòa Hảo, được xây dựng hai bên lộ xe, thì quả đúng là hình của Đức Huỳnh Giáo chủ và người chủ ngôi biệt thự bên Nhật chỉ là một.

Cuối cùng Cậu xác nhận với chúng tôi là Cậu được tiếp xúc với vị chủ nhà bên Nhật là Đức Huỳnh Giáo Chủ bằng xương bằng thịt.

Về sau, khi bị đày ra Bắc, tại trại Nam Hà đầu năm 1979, chúng tôi có dip may gặp được anh Nguyễn Quang Sanh. Không bỏ qua cơ hội tốt, chúng tôi liền hỏi về Cậu Sáu ở núi Cấm. Được anh xác nhận là Thầy của anh, anh có hướng dẫn Cậu Sáu đi Tokyo trước năm 1975. Anh cùng Thầy của anh có tiếp xúc với vị ẩn danh tại ngôi biệt thự. Thầy của anh có nhận lịnh với vị chủ ngôi biệt thự nầy, nhưng anh không được phép tiết lộ câu chuyện. Sự bí mật hoàn toàn bí mật, càng làm cho chúng tôi thêm thắc mắc. Sau năm 1988, khi được trả tự do về Sài Gòn, chúng tôi được tin của Cậu Sáu đã qua đời dù tuổi chưa đầy bốn mươi.

Chuyện của ông Lê Tấn Bửu, Niên Lão Phật Giáo Hòa Hảo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn