Mẩu chuyện số 82 - KHÔNG HỌC MÀ THÔNG

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45725)
Mẩu chuyện số 82 - KHÔNG HỌC MÀ THÔNG

N

ăm Kỷ Mão 1939. Một hôm Đức Giáo Chủ thuyết pháp bỗng có hai ông khách vào nhà, dáng điệu trí thức, cử chỉ lịch thiệp nhanh nhẹ. Sau khi nói xong thời pháp, Đức Thầy ôn tồn hỏi:

-Xin hai ông cho biết phương danh và đến với tôi có việc chi?

Một trong hai ông khách đáp:

-Chúng tôi là người mộ đạo, chuyên nghiên cứu về các đạo trên thế giới, nên đến đây xin được hỏi nhờ ông cho biết ông tu theo đạo nào?

Đức Giáo Chủ đáp:

-Tôi đạo Phật.

Ông khách tiếp:

-Thầy thọ giáo với ai và học những kinh nào trong Tam Tạng Giáo điển, và tài học của thầy đến bậc nào?

Đức Thầy trả lời:

-Tôi không thọ giáo với ai, cũng không học kinh luật nào, còn sức học ngoài đời tôi chỉ học đến bậc tiểu học.

Ông khách hỏi thêm;

-Thầy không thọ giáo với ai, không học kinh luật nào, tài học cũng không cao, làm sao thầy truyền giáo phổ thông đạo đức được?

Đức Thầy đáp:

-Tôi hàng tiến hóa, Tôi đây có tâm Phật.

Nói đến đây Đức Thầy để bàn tay trên ngực, đoạn đưa ra, rồi tiếp:

-Toàn thể chúng sanh đều có Phật tánh; sáng suốt là Phật; mê muội là chúng sanh.

Nói xong Đức Giáo Chủ hỏi lại hai ông khách:

-Hai ông hỏi tôi học kinh luật nào, xin ông cho biết Đức Thích Ca Mâu Ni xưa học với ai? Nếu không phải là bậc tiến hóa sáng suốt tự tìm đạo để hiến cho trần thế?

Thính giả đến mỗi lúc mỗi đông. Tất cả lắng lặng theo dõi cuộc đối đáp. Ông khách thứ hai nãy giờ ngồi yên, bây giờ hỏi:

-Thầy truyền đạo dạy dỗ chúng sanh, nếu chúng sanh không nghe theo mà còn làm điều tội lỗi thì thầy có làm như Đức Chúa Giê Su không? Dạy mà chúng sanh không nghe, cứ làm điều tội lỗi nên phải chịu gia hình nơi Thánh giá để chuộc tội cho chúng sanh?

Đức Giáo Chủ hỏi vặn lại:

-Đức Giê Su ở ngôi vị cấp bậc nào?

Ông khách đáp:

-Ngài sáng lập tôn giáo độc thần: Chủ trương có bậc chí tôn là Chúa Trời do Giê Su khởi xướng.

Đức Giáo Chủ hỏi:

-Nếu Ngài là chí tôn, tha tội cho chúng sanh cũng bởi Ngài, thì Ngài chịu gia hình nơi Thánh giá thế tội cho chúng sanh, là tội với ai?

Hai ông khách không đáp, còn Đức Giáo Chủ tiếp tục giảng kinh!

Thuật theo tài liệu của ông Trần văn Tiên.

PHẦN NHẬN XÉT:

Thế thường người ta chuyên việc làm nào thì rành rẽ về việc đó. Sự học cũng thế, nếu để tâm nghiên cứu về sự học môn nào thì thông rành môn ấy. Thế nên ông khách hỏi Ngài học kinh luật nào và trình độ học vấn của trường đời đến đâu. Qua câu trả lời gãy gọn của Ngài làm ông khách không thỏa mãn. Bởi theo ông, là người đứng ra lãnh đạo một tôn giáo như Ngài, ít nhứt phải tài học hơn người và thông rành ba tạng giáo điển.

Thật ra, đó là ông khách hiểu theo lẽ thường của kẻ thế trí biện thông. Bởi hạng nầy có học mới có biết, còn trường hợp của Ngài thì “Bất học nhi tri” quán thông mọi lẽ, thấu triệt cơ huyền; tức là bậc toàn giác toàn năng thì đâu thể đem cái sở học tầm thường của hàng hữu học mà so bì cho được! Đành thế, Ngài vẫn khiêm nhường, chớ không tự khoe khoan, nên ôn tồn đáp: “Tôi là hàng đã tiến hóa” và nhờ khách cho biết là “Đức Thích Ca học với ai?”, khiến ông khách không thể trả lời được. Bởi, nếu căn cứ vào sự học mới có biết thì Đức Thế Tôn có học với ai đâu!

Đến ông khách thứ hai, hỏi về sự dạy đời không được có chịu khổ thế cho chúng sanh như Đức Chúa không: Ngài hỏi vặn lại để làm sáng tỏ vấn đề. Bởi khách cho rằng, Chúa giăng tay trên Thánh giá là chịu thế tội cho chúng sanh. Nhưng Ngài là độc thần giáo: Chúa Trời là đấng chí tôn thì Ngài chịu tội với ai? Và nếu chịu hết tội sao chúng sanh vẫn còn khổ?

Thật ra, thuyết ấy chỉ là huyền thuyết về Chúa mà thôi. Bởi căn cứ theo luật nhân quả thì chưởng hoa huờn đắc hoa; chưởng đậu huờn đắc đậu, và “Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy” thì dù cha mẹ cũng không chịu thế tội được cho con. Nếu thế được, thì chư Phật, chư Bồ Tát, đâu để cho chúng sanh chịu khổ bao giờ, vì bản nguyện của các Ngài là “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận, viên chứng Bồ đề” kia mà! Như Ngài Địa Tạng dù quá thương chúng sanh phải chịu khổ nhọc nơi địa ngục, ngài phải đành trụ ở địa ngục để độ sanh, nhưng cũng chỉ thuyết pháp cho họ nghe để họ giác ngộ mà sám hối mới ra khỏi địa ngục; chớ cũng không hề chịu tội thế cho một ai bao giờ.

Thế nên, các câu hỏi của hai ông khách đưa ra đó, chỉ là một sự nhận định của kẻ phàm tình, thì dù có đa văn quảng kiến đến đâu cũng không thấu triệt được ý nghĩa thanh cao của người đã hoàn toàn thoát tục.

Đọc câu chuyện trên, ta nên lấy đó làm kinh nghiệm: Mỗi khi muốn biện bác một việc gì ta cũng nên chánh kiến và khách quan mà nhận định, không nên dựa vào sở học của mình mà nhận xét một cách qua loa, không tế nhị, để phải khuất lý như hai ông khách đã nêu trên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn