Mẩu chuyện số 51 - TÀ HAY CHÁNH

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 44325)
Mẩu chuyện số 51 - TÀ HAY CHÁNH

C

huyện nầy xảy ra năm Canh Thìn, tức năm 1940.

Lúc đó người Pháp vừa vời Đức Thầy xuống Sa Đéc, rồi ra lịnh cấm không cho Ngài truyền đạo ở các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc.

Thế là Ngài phải lưu trú đến nhà ông Hương bộ Võ Mậu Thạnh tại Xà No, làng Nhơn Nghĩa, tỉnh Cần Thơ.

Thời gian Ngài ở đây ít lâu, có ông Hương quản Diệp ở xã Hòa Hảo và ông Út Trác ở Mỹ Hội Đông đến viếng.

Sau khi tỏ lời thăm hỏi và được nghe Đức Thầy thuyết giảng đạo đức, hai ông liền trình hỏi thêm một việc:

-Bạch Thầy, hiện giờ ở trên Long Xuyên có ông Đạo mới ra đời, họ trị bịnh cũng na ná như Thầy. Người ta tới lui rất đông đảo, nhưng không biết ông ấy tà hay chánh, nhờ Thầy phân giải giùm để anh em tín đồ khỏi lầm lạc.

Đức Thầy không trả lời ngay ông đạo đó tà hay chánh, mà Ngài chỉ cầm viết, viết ra mấy giòng chữ như sau (lúc đó Ngài kêu hai ông đứng lại coi):

-Từ đây sắp tới, bất luận ai ra đời độ thế, nếu còn ăn tiền bạc là tà.

-Còn dùng màu sắc là tà.

-Còn lên xuống xưng hô Thần Thánh là tà.

-Còn bỏ tóc xả để đầu đanh là tà.

Thưa quí vị, câu chuyện nầy do ông Út Trác ở Mỹ Hội Đông thuật lại.

PHẦN NHẬN XÉT:

X

ưa nay hễ có Phật ra đời khai hóa nhân sinh, thì luôn có tà ma theo dõi để phá rối người tu Phật.

Phật ma ma Phật mới ra vở tuồng.

Hay nói cách khác là thời nào tà ma ngoại đạo lọng hành để gạt người mê tín và nhiểu hại lê dân, thì Phật Tiên cũng lâm phàm khai thông chánh đạo, dẹp tan tà thuyết để giác tỉnh chúng sanh trở về con đường chánh tín:

.. . Bởi đời nầy pháp-môn bế mạc, Thánh đạo trăn vu, người tâm trí tối đen, đời lắm Ma-Vương khuấy rối. Ta là một trong các vị cứu đời ấy. Ai liễu Đạo nơi quốc-độ nào thì cũng phải trở về quốc-độ ấy mà trợ tế nhân dân;. . .

Hoặc là:

Thời kỳ nầy nhiều quỉ cùng ma,

Trời mở cửa Qủi Vương xuống thế.

Nên Ta mới ra tay cứu tế,

Kẻo chúng sanh bịnh khổ quá chừng.

(Giác Mê Tâm Kệ)

Trong số ma qủi, hoặc tả đạo theo phá quấy Phật Giáo Hòa Hảo hiện nay, cũng như thời Đức Thích Ca ra đời, có Lục Sư ngoại đạo và ma Ba Tuần theo chống báng và phá hoại đạo Phật.

Khi Phật Giáo Hòa Hảo gặp cơn pháp nạn liền có nhiều người ra đời cũng thuyết đạo trị bịnh na ná như Đức Thầy, làm cho người tu phân vân, không biết đâu tà đâu chánh.

Do đó, ông Diệp và ông Trác mới đến Nhơn Nghĩa để hỏi Đức Thầy:

-Có ông đạo ở Long Xuyên mới ra đời trị bịnh cũng giống như Ngài, chẳng biết ông ấy tà hay chánh?

Sở dĩ Ngài không phân biệt ngay ngày hôm đó, mà nói chung tất cả, vì Ngài biết chẳng phải một người đó, mà còn nhiều người khác, ở nhiều nơi khác nữa, nên Ngài chỉ cho toàn thể một ý thức căn bản để nhận rõ đâu tà, đâu chánh và có tin nghe theo Ngài cũng phải là chánh tín, chớ đừng tu mê tín.

Điểm thứ nhứt Ngài nói: “Còn ăn tiền bạc là tà”.

Nếu nhìn về hình thức bên ngoài của hai ông đạo tà và chánh đều giống nhau khó mà phân biệt, nhưng bên trong của phái tà lợi dụng tiền bạc, còn phía chánh thì thật tâm độ đời bất vụ lợi.

Cũng như hai ông quan, hình thức và chức vụ giống nhau, nhưng một ông ăn hối lộ, còn một ông là không, rất dễ hiểu ở chỗ đó.

Để sáng tỏ hơn ta thử đọc lại một đoạn giảng của Đức Thầy:

Bây giờ bất luận người nào,

Không dùng của thế sắc màu cũng không.

Nói cho bổn đạo rõ lòng,

Ấy là chơn chánh mới hòng vinh vang

(Quyển 3 Sám Giảng)

Qua điều thứ hai:

“Còn dùng màu sắc là tà”,

màu sắc ở đây phân ra làm hai loại:

Một là loại có màu sắc đỏ, xanh, vàng chỉ cho hạng người đồng bóng, lên xác cô năm, cô mười, họ thích mặc lụa hàng, lãnh nhiễu màu sắc sặc sỡ. Khi lên xác làm bịnh thì đội khăn nhiễu màu dài năm thước, buộc người ta phải cung ứng các thứ đó.

Còn loại có hình tướng thì đối với vô tướng, vô vi. Đây chỉ cho các ông đạo tu hành, chủ trương theo hình tướng, tức là hữu vi, tức còn chạy theo âm thinh sắc tướng, như các thầy dưng bông, đi làm đám, tụng kinh mướn, không đúng chơn lý của đạo Phật.

Kinh xưa đã bảo:

“Sắc tướng âm thinh chư ngoại giáo,

Chơn truyền phụ thất đạo năng hành”

Nếu thấy nhà tu nào còn dùng hai màu sắc như trên, đều là không chơn chánh.

Thứ hai là loại sắc đẹp của người nam hoặc nữ, đây chỉ các ông đạo còn lợi dụng hoặc đắm mê nữ sắc.

Điểm thứ ba là “còn lên xuống xưng hô là tà”. Đây chỉ hạng thượng xác cỡi đồng, tức là những người lên sắc tướng, các cô đồng, bà bóng, thầy pháp, thầy phù thủy, làm bịnh bằng cách có vô xác, ra xác, coi bói, coi căn, cầu hồn, đoán số mạng hoặc bùa chú, trù ếm và sát sanh cúng tế Quỷ Thần. Đức Thầy từng bảo:

Bàn- môn tài phép nào tường,

Kêu Trời giậm Đất cũng thì dạ rân.

Nói cho trần-thế liệu toan,

Chớ theo tả-đạo mà tan xác hồn.

Nó làm nhiều phép nhiều môn,

Bùa mê thuốc lú mê hồn chúng-sanh.

Thành binh sái đậu cũng rành,

Nếu tin thì mắc tan tành về sau.

(Quyển 3 Sám Giảng)

Dương-gian làm huyễn nói càng,

Cùng xóm cuối làng đâu cũng như đâu.

Hò reo giục trống nhiều câu,

Sai đồng khiển quỉ nói lâu nực cười.

Ta khuyên hết thảy các người,

Nhiều chuyện trò cười hãy bỏ bớt đi.

Đừng hò đừng réo làm chi,

Nghinh-ngang kêu múa có khi hại mình.

(Quyển 3 Sám Giảng)

Qua điểm thứ tư, Đức Thầy bảo: “Còn bỏ tóc xả để đầu đanh là tà”.

Tức chỉ những thầy tu hay làm ra vẻ đạo mạo khác thường để lừa dối bá tánh. Họ lo trang điểm những tướng đạo bên ngoài, như bỏ tóc xã dài không bới, hoặc không chải gở lâu ngày tóc đanh lại, giống hình cái mão, hoặc chơn đi không mang dép, bước nối gót đi chữ đinh, không ngó qua ngó lại. Họ thường tự xưng là đã tu luyện lâu năm, từ non nầy động nọ, vừa xuống núi để cứu thế độ dân, khiến bá tánh tưởng lầm các ông đạo ấy khổ hạnh cao, công phu luyện đạo không ai bằng, liền chạy theo rần rộ. Chẳng ngờ trong thâm tâm của các ông ấy vẫn còn ô nhiễm danh, lợi, tình như hàng thế tục.

Hạng người nầy thường tu lệch đạo Tiên, vọng tưởng quá độ mà ra, và cũng một trong Lục Sư ngoại đạo từ trước còn truyền lại.

Thưa quí vị, để mọi người khỏi lầm lạc theo tà sư ngoại đạo, Đức Thầy dặn dò cặn kẻ:

Cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ, học Đạo nào, hay theo ông thầy nào, ta hãy suy-gẫm phán đoán kỹ-càng; chừng hiểu biết rõ-ràng ta sẽ theo Đạo ấy, Thầy ấy. Chẳng được như vậy, dầu mình theo Đạo rất chánh đáng, ông Thầy rất thông minh cũng chẳng có ích chi cho mình cả.. .

(Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ)

Tóm lại qua bốn điểm mà Đức Thầy dạy ông Diệp và ông Trác trên đây là một quy định tất yếu cho tín đồ sau nầy lọc lừa tà chánh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn