Mẩu chuyện số 56 - Y KINH DIỄN NGHĨA

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 44047)
Mẩu chuyện số 56 - Y KINH DIỄN NGHĨA

C

âu chuyện nầy xảy ra vào khoảng cuối năm Canh Thìn 1940, Đức Thầy đang lưu trú tại nhà ông Hương Bộ Võ Mậu Thạnh ở tại Kinh Xáng Xà No, làng Nhơn Nghĩa, Cần Thơ. Nguyên nhân nhà cầm quyền Pháp bắt Đức Thầy đem qua Châu Đốc rồi họ đưa luôn đi Sa Đéc. Ở đây qua một cuộc điều tra cật vấn, họ tuyên bố lưu xứ Ngài, tức cấm không cho Đức Thầy cư ngụ và truyền Đạo trong các tỉnh như: Châu Đốc, Sa Đéc, Long Xuyên. Ngoài ra, Ngài muốn đi đâu tùy ý. Họ tưởng làm như vậy là chận đứng được sự truyền giáo của Ngài, chẳng ngờ khi Đức Thầy đến làng Nhơn Nghĩa thì dân chúng kéo đến nghe Pháp và nhờ trị bịnh càng lúc càng đông, cũng như lúc ở Tổ Đình Hòa Hảo vậy.

Sáng hôm nọ Đức Thầy trị bịnh và thuyết giảng đạo lý đến 11 giờ trưa Ngài mới dùng cơm. Xong, Ngài vào phòng riêng an nghỉ. Bỗng có ba ông khách đến. Ông Bộ Thạnh, tức chủ nhà có trách nhiệm tiếp rước mời khách dùng trà nước và hỏi thăm nơi ở và lý do, thì được ba ông khách cho biết:

-Chúng tôi đều là người ở Cần Thơ, hôm nay đến đây xin được gặp Đức Thầy để hỏi chút việc.

Ông Bộ đáp:

-Các ông hãy đợi chừng một tiếng đồng hồ nữa vì Đức Thầy mới vào phòng nghỉ. Lúc đó thấy ba người khách có hơi nôn nóng, ông Thạnh liền nói tiếp:

-Nếu có việc chi cần gấp, các ông cứ trình bày, nếu thấy được tôi sẽ giải quyết, bằng không thì phải đợi Đức Thầy, chớ tôi không thể báo tin liền bây giờ được, vì Đức Thầy mới vào nghỉ.

Lúc đó một trong ba ông khách đại diện nói:

-Không có chuyện gì quan trọng lắm. Chúng tôi đã quy y với Đức Thầy hôm Ngài mới đến đây, nhưng vì chúng tôi có xem chút ít Kinh Phật và đọc qua bốn quyển sấm giảng của Đức Thầy, thấy rằng muốn giải thoát sanh tử mà còn sát sanh cung ứng cho khẩu dục mỗi ngày, tức là còn ăn chay kỳ mỗi tháng bốn ngày, như thế thì trong hai mươi sáu ngày kia còn ăn mặn, tức nhiên phải còn sát sanh, ắt khó mong được ý nguyện. Nên hôm nay đến đây định xin Đức Thầy cho phép chúng tôi ăn chay trường luôn.

Nghe ba ông khách nói xong, ông Thạnh vội vàng đáp:

-Vấn đề gì chớ việc ăn chay trường Ngài không cho rồi!

Ông Thạnh vừa nói tới đó thì Đức Thầy cũng vừa mở cửa phòng bước ra đi ngay lại bàn khách. Ông Thạnh vì ngồi xoay lưng lại cửa phòng nên không thấy Ngài, còn ba người kia vì ngồi đối diện nên cùng đứng dậy cúi đầu chào Đức Thầy, khiến ông Thạnh giựt mình quay lại.

Đức Thầy liền nói:

-Tôi không cho tín đồ ăn chay trường hồi nào mà ông Bộ nói vậy?

Lúc đó ông Bộ miệng mấp máy muốn biện lẽ, Đức Thầy biết ý nên tiếp:

-Cách mấy hôm rày, vợ chồng ông Sáu bên sông có qua đây hỏi xin ăn chay trường. Sở dĩ tôi không chấp nhận mà bảo ông bà nên ăn chay kỳ lần lần rồi sẽ tiến lên, là vì trình độ hoàn cảnh của ông bà ấy chưa ăn chay trường được ngay bây giờ. Còn cơ duyên của ba người nầy thì ăn chay trường được. Vậy ba anh về thực hành đi! Thầy sẽ chứng cho.

Ngài vừa nói vừa xoay qua ngó ba người ấy. Đến đây ông Bộ mới vỡ lẽ.

Thưa quí vị, câu chuyện nầy chúng tôi thuật theo ông Trương Minh Ký lúc đó có mặt tại nhà ông Bộ Thạnh.

PHẦN NHẬN XÉT:

Chủ yếu của Đạo Phật là đưa chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh tử. Cho nên người Phật tử khi đặt chân vào cửa Đạo phải giữ hạnh trai giới, bởi sự trì chay giữ giới là phương tiện thoát ly luân hồi, Đức Thầy thường dạy:

Đồ lao muốn lánh sớm nghe Ta,

Bố thí trì chay giữ giới mà.

(Ai Người Tri Kỷ)

Do đó nhà tu rất quan tâm đến sự ăn chay. Tuy nó là hình thức bên ngoài, song muốn thực hiện cũng không phải dễ dàng, vì những vị ngon thịt béo của sinh vật, con người đã ô nhiễm từ lũy kiếp. Thế nên trong qui luật của Đạo Phật, có phân định từ ăn chay kỳ, đến chay trường, để cho tín đồ dễ bề tu tập, ấy là tùy theo cơ duyên và trình độ của mỗi hành giả mà áp dụng.

Thế mà cũng có nhiều người chưa nhận xét tinh tường nên còn thiên chấp chê khen hoặc áp dụng không đúng tiết, như có người đọc đến hai câu giảng:

Chay bốn bữa ấy là quy tắc,

Của kẻ Khùng chỉ dắt chúng sanh.

(Giác Mê Tâm Kệ)

Thì cho rằng ăn chay mỗi tháng bốn ngày là quá thấp, cũng có người khác khi thấy ai ăn chay vượt lên hơn bốn ngày liền cho đó là sai quy tắc giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo.

Sự nhận xét của hai hạng người nói trên đều là phiếm diện đáng tiếc. Nếu ai chịu nhìn toàn diện giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo và suy cứu sự dụng ý của Đức Thầy một cách chính xác ắt họ không còn bị lầm lẫn nữa.

Đạo Phật rất cao sâu và thực tế, ấy là chơn lý xác thật, song khi áp dụng cứu đời thì nó hòa hợp cơ duyên của mỗi chúng sanh. Nói cách khác vừa khế lý và vừa khế cơ, nếu không đủ hai dữ kiện ấy là mất hết thực chất của Đạo Phật, cho nên người xưa đã bảo: “Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan. Ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết”. Có nghĩa là: Nói Đạo mà không hợp căn cơ của người nghe thì mắc phải cái lầm là nói oan cho Phật ba đời. Bằng nói Đạo mà không đúng chân lý thì lạc vào Ma thuyết.

Trường hợp ông Hương Bộ Thạnh nghe Đức Thầy khuyên vợ chồng ông Sáu không nên ăn chay trường, chỉ nên ăn chay kỳ lần lần. Khi gặp ba người khách ông Thạnh cũng nói y như vậy, ấy là ông kẹt ở chỗ y kinh diễn nghĩa là nói oan cho Phật, nên ông Thạnh bị Đức Thầy rầy:

-Tôi không cho tín đồ ăn chay trường hồi nào mà ông Bộ nói vậy?

Nếu bảo mỗi người mới tu phải ăn chay trường thì không khế cơ, bằng bảo tất cả Phật tử không được phép ăn chay trường lại là không khế lý. Vậy chúng ta hãy đào sâu vấn đề, tại sao lúc mới khai Đạo, Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo dạy tín đồ:

Chay bốn bữa ấy là quy tắc,

Của kẻ Khùng chỉ dắt chúng sanh.

(Giác Mê Tâm Kệ)

Và chính Ngài cũng vẫn ăn chay kỳ, bởi có hai lý do:

Lý do thứ nhứt: Sự ăn chay đối với người chưa tu hoặc mới tu đâu phải chuyện dễ dàng, vì chưa quen và lòng từ bi giác ngộ chưa cao. Nếu Đức Thầy ra quy tắc mỗi tín đồ phải ăn chay trường thì dù họ muốn tu cũng ngán không dám vào Đạo vì sợ ăn chay theo không nổi. Thế thì hột giống lành của họ chưa có cơ nẩy nở.

Điểm thứ hai nếu Đức Thầy ăn chay trường thì tín đồ thấy vậy bắt chước ăn theo, trong lúc họ chưa hiểu được chính xác lý do gì mình phải ăn chay trường, thì họ chỉ ăn thời gian rồi thối chuyển, hoặc giả người mới tu thường có cao vọng mau thành và hiểu lầm rằng ăn chay sẽ được thành Phật. Hạng người nầy chỉ tu được thời gian, khi gặp nghịch cảnh thử thách liền bỏ đạo thôi tu, đành rằng hễ tu thì phải ăn chay, hoặc nhiều hoặc ít.

Trong bá gia nhiều ít lòng chay.

(Giác Mê Tâm Kệ)

Chữ Nam mô trì giái giữ chay

(Sa Đéc)

Nhưng hành giả phải nhận cho rõ:

Chay được tánh tâm chay mới quí

(Sa Đéc)

Vì mục đích của sự ăn chay là để tăng trưởng lòng nhơn, nuôi dưỡng đức tánh từ bi và diệt lòng tham sát để khỏi luân hồi quả báo. Cho nên ăn chay muốn được kết quả, tâm phải cần thanh tịnh, chớ chẳng phải ăn chay ngoài cửa miệng hay bằng hình thức suông.

Tu hành nào luận mặn chay,

Miễn tâm thanh tịnh gặp ngày an cư.

Để cho hầu hết nhân sinh dễ bề tu tập, Đức Thầy tùy cơ duyên của mỗi người mà giáo huấn. Bắt đầu từ quy tắc, người mới vào đạo phải ăn chay mỗi tháng 4 ngày, tức là năm 1939, nhưng đến năm 1942 – 1945 Ngài bảo tín đồ ăn lên mỗi tháng là 6 ngày. Ngoài ra còn có những tín đồ ăn lên 10 ngày mỗi tháng, hoặc ăn chay trường. Ngài cũng tùy theo trình độ mà mặc nhận, song có điều Ngài quyết định toàn thể tín đồ phải tuân thủ là tu đúng theo con đường Trung Đạo, chớ không được tu theo lối ép xác hành khổ và trong đó Ngài có viết một đoạn:

“. . .Vậy Phật chẳng buộc ai ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay, chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhơn của mình. . ..”

Theo ý của đoạn văn trên, qua mặt văn phạm ta thử tìm hai từ ngữ chẳng “xúi” và chẳng “ép”: Thấy rằng chữ chẳng xúi là ý Thầy tín đồ làm việc gì đó, nhưng tại họ muốn làm, hoặc chừa bỏ chưa được, còn chữ chẳng ép là ý muốn bảo tín đồ làm những gì họ còn yếu sức, hoặc kém giác ngộ nên chưa thực hiện được, chờ khi trình độ và lòng nhơn của họ tiến bộ lên, tất sẽ thi hành được.

Tóm lại diệu dụng của Phật Pháp đối với chúng sanh bao giờ cũng khế cơ và khế lý. Vậy nhà tu nên nhận xét cho thấu đáo mới khỏi bị hiểu lầm lời chỉ giáo của Tổ Thầy trong việc hành đạo và truyền đạo của mình.

Coi rồi phải nhận cho hiểu lý

Câu huyền sâu của kẻ Khùng nầy.

(Giác Mê Tâm Kệ)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn