Mẩu chuyện số 86 - TU CÁCH NÀO

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 47541)
Mẩu chuyện số 86 - TU CÁCH NÀO

V

ào một buổi trưa hè năm Nhâm Ngọ (2002) trên bờ kinh của miệt Cửu Long giang, một căn nhà sàn nhỏ nằm trên sóng nước, trước sân những chậu kiểng được chăm sóc cẩn thận, kê nền khá cao để tránh mùa nước nổi, chính giữa mái hiên nhà là bàn Thông Thiên, bên trong nhà, phòng khách được trang trí ngôi Tam Bảo trên cao, mỗi lần dâng hương là phải leo lên cây cầu thang làm bằng tre khá mỏng manh, phía dưới thấp hơn là bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ.

Cảnh trí tuy đơn sơ nhưng đúng với nghi thức của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thành thử trở nên trang nghiêm khác thường, trước phòng khách bên cạnh được kê một cái giường bằng gỗ, làm nơi tiếp khách và cũng là nơi nghỉ qua đêm của khách. Cảnh trí như thế làm người viết lâng lâng một niềm cảm xúc tình người xa quê, suốt hơn hai mươi lăm năm mới có dịp sống trong thực cảnh; bằng vào mối tình đồng đạo đượm nét chân thành, lời lẽ chơn thật của những người mà lòng luôn chứa chan mùi đạo vị, lúc nầy thì người viết mới thật sự thưởng thức lời đạo hạnh, quả là: “Mùi đạo vị gỏi nem khó sánh.”

Chú Mười một niên lão trong Đạo, tuổi đã gần 80, mặc bộ bà ba đen, đầu búi tóc. Chú mười tuy tuổi đã cao nhưng dáng người còn quắc thước, cơ thể chú trông gầy nhưng rắn chắc của một người chay lạt lâu năm, chú kể chuyện Đạo cho tôi nghe, với lời lẽ ôn hòa tríu mến, hễ mỗi khi tôi hỏi chú về mẩu chuyện bên Đức Thầy thì giọng của chú cất cao lên, bằng một cử chỉ hân hoan đầy nét tôn kính:

“Cháu ơi! Có nhiều chuyện lắm, nhưng làm sao cùng một lúc mà nhớ hết cho đặng, hiện thời thì nhớ tới đâu kể cho cháu nghe tới đó, một câu chuyện mà chú còn nhớ đầy đủ nhất như vừa mới xảy ra. Nguyên khi Đức Thầy đi Khuyến Nông cả thảy 107 vị trí, mỗi nơi số người tham dự thật đông, nên phần nhiều các nơi thường tổ chức ở sân vận động mới đủ sức chứa số người càng lúc càng đông.

“Vào ngày mùng 4 tháng 6 năm Ất Dậu (1945), Đức Thầy thuyết giảng ở sân vận động xã Mỹ Luông, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên. Từ hai bên đường đến bến tàu, nơi nào cũng đông nghẹt, không thể đếm lường con số được. Dầu vậy, nhưng chẳng hề nghe tiếng động hay tiếng nói chuyện lớn, tất cả đều ở trong tư thế nghiêm trang chờ đón.

“Từ thuyền máy, Đức Thầy bước lên vừa đi vừa chào đáp mọi người cho đến khi bước lên diễn đàn, Ngài xoay mặt bốn phía, chào đồng bào bằng cách hai tay nắm chặt vào nhau, đầu hơi cúi. Đoạn Ngài cất tiếng nói, giọng Ngài nghe thanh ấm như chuông đồng. Chú ngồi cách xa vẫn nghe được rõ ràng, lời lẽ của Đấng Từ Bi tuôn ra như suối đổ. Một điều cần nhắc thêm để cháu ghi nhớ, thuở đó người ta chưa sữ dụng máy phóng thanh, tuy sân vận động đông nghẹt người mà âm thanh lời nói của Đức Thầy ai cũng đều nghe rõ giống hệt như nhau.

“Còn chuyện lạ hơn nữa, sẵn đây chú kể cho cháu nghe. Lúc đó Đức Thầy ngụ tại nhà ông Cả Nãng, nhà của ông Cả tọa lạc xa bờ sông độ gần hai trăm thước, tờ mờ sáng là đồng đạo đã đến đông nghẹt rồi, họ đứng chật hai bên bờ của đường đi, chờ mong Đức Thầy bước ra để họ được gặp mặt, trong lòng mọi người đều hồi họp mong đợi phút giây quí hiếm này.

“Mắt mọi người đều chăm chú nhìn vào ngôi nhà, nhưng mọi người đều bàng hoàng khi hay tin Ngài từ bờ sông đi vào, hôm đó Ngài mặc bộ bà ba đen, cổ quấn khăn bàn bố.

“Từ trong nhà Ngài đi ra thì không một ai thấy được, chỉ sau khi tắm rửa xong rồi, đến khi Ngài trở lại và được ông Cả Nãng báo tin thì mọi người mới hay. Quả thật phép Phật nhiệm mầu, con người của thế gian không sao hiểu đặng.

“Và chính mắt chú thấy, trong phái đoàn đi tuy có rất đông người, nhưng khi nhìn thì thấy Đức Thầy cao hơn mọi người cỡ nửa cái đầu, khi đi Ngài thong thả bước mà mọi người phải lúp xúp chạy theo, còn khi Đức Thầy đứng riêng một mình Ngài, nhìn dáng dấp của Thầy cũng trung bình vậy thôi, cho đến bây giờ, chú cứ nhớ mãi hình ảnh đó mà không sao giải thích cho được.

“Chú cũng trong số người đứng đợi Đức Thầy, riêng chú hôm đó mục đích gặp Thầy đặng xin thuốc cho con của người chú thứ Tám, chú ấy mắc bịnh lao phổi hết sức nặng, và nhờ uống năm vị thuốc Nam của Đức Thầy cho mà chú ấy hết bịnh và sống cho đến ngày hôm nay. Khi Đức Thầy từ bờ sông đi vào, gần đến chú thì chú quỳ xuống bên đường, kính bạch với Đức Thầy việc người em bà con bị bịnh, Đức Thầy chỉ cho chú năm loại trong đó có bông và lá cây bảo về tìm hái mà sắc uống.

“Chú nhớ dường như lần Khuyến Nông tại đây là lần sau cùng cho tới khi Thầy vắng mặt; chú có đến nhà cô Phí, trước khi Thầy vắng mặt, Thầy có tặng cho Cô tấm giấy vàng, trên có in hai bàn tay của Đức Thầy bằng son, tới nay vẫn còn rõ nét và giấy cũng chưa đổi màu. Cháu ơi! Bàn tay của Đức Thầy thật là đẹp, ngón đều, thon dài như ngòi viết, trong đời chú chưa thấy bàn tay nào đẹp như vậy.

“Đến khi buổi Khuyến Nông chấm dứt, Đức Thầy vừa từ khán đài bước xuống, đi đến trước mặt, chú liền quỳ xuống cung kính bạch với Thầy về việc tu hiền:

-“Bạch Thầy, như con tu có sống được không Thầy? Đức Thầy trong cử chỉ hòa ái tươi vui, Ngài đưa tay vuốt trên đầu của chú từ trước ra sau rồi vỗ vai bảo:

-Tu thì được sống đó con, tu đâu có chết, mà phải tu như con lươn thì mới sống.

“Chú lẹ miệng bạch với Thầy tu như thế nào thì chết. Đức Thầy tươi cười bảo rằng:

-Tu như con cá linh thì chết.

“Cháu ơi, trải dài suốt lịch sử Đạo, kể từ thời niên thiếu, cái duyên hạnh được gặp Đấng Tôn Sư và được nghe từ Kim Khẩu của Ngài trao truyền cho chúng sanh lời thuyết giảng bình dị, mới nghe qua thì không ai lại không hiểu tùy theo trình độ của mình vào thuở đó, và nếu chịu áp dụng theo thì cả cuộc đời không thế nào làm hết cho đặng, riêng chú tuổi tuy đã xế chiều nhưng lúc nào chú cũng: “Rán tu đem được Phật vào trong Tâm”. Và còn lại điều mong chờ sau cùng của chú là: “Làm theo lời chỉ ngày rày gặp TA”.

Viết theo lời thuật của ông Lê văn Tho 78 tuổi, hiện ngụ tại An Thạnh, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ngày 19 tháng 8 năm 2002, nhằm ngày 11 tháng 7 năm Nhâm Ngọ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn