Các hoạt động cách mạng quốc gia và tinh thần dân chủ xã hội của Đức Thầy

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 40347)
Các hoạt động cách mạng quốc gia và tinh thần dân chủ xã hội của Đức Thầy

 

Bởi theo đuổi chủ trương Phật đạo vì nhân sinh mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tiếp tục theo truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương, nên Ngài đã bằng mọi phương cách, đứng lên thể hiện tình yêu thương rộng lớn của Ngài đối với chúng sanh qua việc cứu nước và báo ân cho đồng bào nhân loại. Hoài bảo ấy của Ngài, đã được biểu lộ trong những vần thờ đượm thắm tình yêu:

 

Ta đã mang một khối tình

Dường như thệ hải với sơn minh

Tình yêu mà chẳng riêng ai cả

Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.

 

Cũng bởi tình yêu tràn ngập cả nhân loại chúng sinh ấy mà Đức thầy không nỡ ngồi yên để nhìn dân nhìn nước mình đang chịu thảm họa xâm lăng đè nặng trên vai trên cổ. Ngài đã than:

 

Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau

Quyết rứt cà sa khoác chiến bào

Đưởi bọn xâm lăng gìn đất nước

Ngọn cờ độc lập phất phơ cao

 

Tất nhiên chủ trương vì dân giữ nước của Đức Thầy đã được ghi nhận bàng bạc trong Sấm Giảng P.G.H.H. ngay sau khi Ngài mở cơ hóa đạo. Nhưng trên phương diện thực thi thì sau cuộc đảo chánh ngày 9-3-1945 Ngài mới chính thức đứng lên lãnh đạo các phong trào giải phóng dân tộc.

 

Ngoài việc thành lập các cơ cấu tôn giáo để hoằng Pháp và chẩn tế, đồng thời gây lên tinh thần tôn giáo liên hiệp rộng rãi trong toàn thể đồng bào như chúng ta đã biết. Đức thầy đã tổ chức Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội  hô hào các giới đứng ra tranh thủ độc lập cho quốc gia; tổ chức Bảo An Đội với mục đích bảo vệ an ninh cho nhân dân từ thành đến xã lúc ấy đang bị trộm cướp bạo hành; thành lập Đệ Tứ Sư Đoàn để đối kháng với xâm lăng vì chế độ thực dân được đặt trở lại...

 

Ngày 14-8-1945, để cho cơ sở đấu tranh được rộng lớn hơn, Ngài đem Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội hiệp tác với Cao Đài Giáo, Tịnh Độ Cư Sĩ, Liên Đoàn Công Chức, Nhó Trí Thức , Thanh Niên Tiền Phong, Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng để thành lập một mặt trận, lấy tên là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất với bốn mục tiêu tranh đấu: chống đế quốc Pháp, chống họa thực dân, bảo vệ trị an, bài trừ phản động.

 

Trên bước đường cách mạng, từ đó, Đức thầy đã trải qua không biết bao nhiêu lượt gian nguy. Có khi bị quân Pháp truy tầm, có hồi bị cộng Sản vu cáo... Nhưng Ngài vẫn không chút sờn lòng, mà chỉ khư khư một mực:

 

Thân ta ta chẳng tiếc chi

Miễn cho bá tánh nạn gì cũng qua.

 

Cho nên Ngài phải có lúc nhận nhiều khổ ải:

 

Từ ấy lao mình vượt khổn nguy.

Băng rừng lội suối giả man di...

 

Và có khi đem thân len lỏi trong núi thẳm rừng xanh mà lòng luôn nặng vấn vương tình chủng loại:

 

Gió hiu hắt bên rừng quạnh quẻ

Nhìn non sông đượm vẽ tang thương

Mối tình chung loại vấn vương

Thấy quân xâm lược hùng cường căm gan

 

Qua nhiều phen trở ngại lớn trên đường hoạt động cách mạng, vào tháng 4 năm 1946. Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp ra đời sau một phiên đại hội kéo dài ba ngày đêm tại Bà Quẹo mà Đức thầy là Chủ Tịch, Ngài đã đứng ra tiếp tục tranh đấu không ngừng. Nhưng công tác đáng được chú ý để nghiên cứu kỹ lưỡgn hơn cả là chủ trương dân chủ xã hội mà Ngài đã cùng một số trí thức đề ra ngày 21 tháng 9 năm 1946. Đó là việc thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng gọi tắt là Dân Xã Đảng.

 

Dân Xã Đảng có tuyên ngôn, chương trình hẳn hòi. Nhìn qua vài điểm trong bản tuyên ngôn ấy, ta đã thấy rõ được chủ trương của Đảng:

 

Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảgn quốc gia, tranh thủ sự tự chủ hoàn toàn của dân tộc củng cố nền độc lập quốc gia và cấu tạo xã hội Việt Nam mới.

 

Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảng dân chủ, chủ trương triệt để nguyên tắc chánh trị của chủ nghĩa dân chủ: chủ quyền ở nơi toàn thể nhân dân.

 

Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảng cách mạng xã hội, chủ trương tổ chức nền kinh tế theo nguyên tắc chủ nghĩa xã hội: không để giai cấp mạnh cướp công quả của giai cấp yếu, làm cho mọi người đều được hưởng phúc lợi cân xứng với tài năng và việc làm của mình.

 

Đặc điểm của Dân Xã Đảng là khôn gchủ trương giai cấp đấu tranh giũa dân tộc Việt, vì xã hội Việt Nam trong hoàn cảnh 1946, sau 80 năm bị trị, chỉ có một giai cấp bị tư sản thực dân bóc lột.

 

Còn chương trình của Đảng là nhằm chủ trương toàn dân chánh trị. Bởi chủ trương toàn dân chánh trị, thế tất Đảng phải chống độc tài bất cứ hình thức nào.

 

Các vấn đề đối ngoại, đối nội, các nguyên tắc kinh tế, xã hội, văn hóa, quân sự, chương trình của Đảng đều có đề cập với những đường lối hoạch định rõ rệt.

 

Khoảng tháng 10 năm 1946, để thể hiện chủ trương thống nhất lãnh thổ, độc lập quốc gia và nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc. Đức Thầy đã tham gia Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ với chức vụ Ủy Viên Đặc Biệt. Nhưng Cộng Sản đã phản bội và âm mưu hại Ngài. Ngài vắng mặt từ ngày 16-4-1947.

 

Việt Nam Dân Xã Đảng cho đến nay, vẫn còn được tiếp tục hoạt động. Dưới những năm chịu đựng chính sách hà chính của anh em họ Ngô, nhiều yếu nhân của Đảng vì theo đuổi lý tưởng cao cả của Đức Thầy đã bị tù đày và bị sát hại một cách tàn nhẫn, nhưng Đảng không vì thế mà tan rã được. Đó là một đoàn thể chánh trị mà hầu hết đảng viên đều là người công dân P.G.H.H.

 

Những tuyên ngôn, chương trình, điều lệ của Đảng, những tài liệu huấn luyện cán bộ được Đảng – qua sự lãnh đạo của Đức Thầy – đã viết ra thành tập và đưa ra trong các khóa huấn luyện cán bộ từ năm 1947, ngày nay giới hữu trách có thể khai thác một cách sâu rộng để đưa bước tiến của Đảng đến một con đường hoàn thành sứ mạng một cách vinh quang (1)

 

***

Nghiên cứu để tìm hiều về P.G.H.H... chúng ta không nên quên rằng Đức Thầy ngoài sứ mạng thiêng liêng của một đấng Giáo Chủ khai cơ hóa Đạo, còn là một vị Thủ Lãnh cao cả của một phong trào cách mạng quốc gia. Nhưng chúng ta không nên lầm tưởng rằng Ngài chủ trương chánh trị hóa tôn giáo.

 

Một vài suy nghĩ cạn hẹp của một vài người cho rằng Đức Thầy ban sơ lấy đạo để qui tụ nhân dân rồi về sau biến Đạo thành Đời mà đưa Đạo trở về con đường chánh trị, điều đó là một sai thù không bao giờ được chấp nhận.

 

Đạo luôn luôn vẫn phải là Đạo, nhưng Đạo không thể lìa Đời vì như thế là trốn cái nợ hằng hữu của con người tại thế gian. Phải đền xong nợ thế gian, con người Đạo mới thành được Đạo ở bên kia bờ giải thoát. Đó là cơ pháp tất yếu trong Giáo Lý tu Nhân học Phật (2)

 

(1) Những tài liệu như vậy, thật là cần thiết, nhất là những quyển sách nói về tư tưởng dân chủ xã hội của Đức Thầy cũng như các thư tịch nói về các hoạt động chánh trị của Ngài, là những cây kim chỉ nam cho các cán bộ hậu tiến nghiên cứu học tập. Chúng tôi mong mõi và vững tin rằng các nhà lãnh đạo của Đảng đã và đang để tâm nhiều về vấn đề thiết thân này.

 

(2) Xem chương XVII: Bửu Sơn Kỳ Hương và PGHH không phải là một đoàn thể chánh trị.

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn