Học Phật (Tu Phước và tu Huệ)

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 43144)
Học Phật (Tu Phước và tu Huệ)

Về học Phật, Đức Giáo Chủ nhận thấy trong thời Pháp thuộc, đạo Phật lắm phen bị lấn áp tư tưởng, nền Quốc giáo bị lâm vào tình trạng phân chia riêng chùa, riêng Phật. Đạo pháp mờ lu, tăng sĩ sa đọa vào mê tín dị đoan, những chuyện sai đồng khiển quỉ được mang vào cửa thiền một cách công nhiên, cho nên trước tiên, Ngài chú trọng một cuộc cải cách lớn lao trong đạo Phật như chúng ta vừa đọc ở chương trước.

Ngài nhận thấy :

Quá mắc mỏ bởi chưng Phạn ngữ

Nên người đời khó kiếm cho ra

Cho nên mới đem những giáo điều căn bản của Phật Tổ như : Tam Nghiệp, Thập Ác, Bát Chánh và Tứ Diệu Đề diễn thành văn vần với những lời văn vô cùng giản dị, nhưng ngọt ngào và ống chuốt, để cho hạng bình dân dễ thuộc dễ theo. Nhờ có cách truyền dạy phổ thông như thế mà biết bao tín điều cao siêu trong Phật Giáo được thấm nhuần một cách dễ dàng và mau lẹ trong hàng cư sĩ tại gia, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Đức Giáo Chủ từng phán dạy :

Quyết dạy trần nên nói lời thường

Cho sanh chúng đời nay dễ biết

Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chỉ cần phải sửa mình là trước nhứt, phải làm sao cho phát triển phẩm hạnh và trí tuệ, đưa con người đến chỗ toàn thiện toàn mỹ chớ không cần chú trọng ở sự phô trương hình thức bên ngoài hoặc nhất thiết phải khổ hạnh trường trai :

Tu không cần lạy cần quỳ

Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau

Và :

Chay bốn bữa ấy là qui tắc

Của Kẻ Khùng chỉ dắt chúng sanh

Sauk hi dọn mình trong sạch để gần được Đạo, để tỏ ngộ bản tâm lần đến giải thoát người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cần phải trau dồi Phước Huệ mà kinh điển thường gọi là Phước Huệ song tu.

1.Tu Phước : Tu phước là tạo tác phước điền. Người tu Phật cần phải đem hết khả năng của mình mà làm tất cả những việc lành, việc phải.

Đức Phật từng dạy rằng :

Chư ác mạc tác

Chúng  thiện phụng hành

Và Đức Giáo Chủ cũng khuyên:

“Cái hạnh đạo đúng theo ý nghĩa của nó là làm thế nào thực hiện những đức tính cao cả bằng mọi biện pháp đem lại phúc lợi cho toàn thể chúng sanh. Đó là sự thỏa mãn trong đời hành đạo của mình”.

Tóm lại, muốn tu phước, người tại gia cư sĩ phải tích cực giúp đời, tham gia công tác xã hội, gieo duyên lành để hưởng lấy quả ngọt về sau.

2.Tu Huệ : Còn về tu huệ, tức phải trau dồi trí huệ cho tinh minh, vẹt sang màn vô minh che mờ căn trí, có thể khiến ta mãi mãi lăn lộn trong bể trần thống khổ. Mà muốn cho trí huệ thông minh, đắc thành đạo quả, Đức Giáo Chủ dạy phải tu Thiền tu Tịnh.

Tu Thiền phải tự độ, phải đem sức mình mà độ rỗi, lấy mình nhiên hậu Chư Phật mới gia hộ cho chúng ta. Người tu Thiền nhứt định không được ỷ lại vào tha lực.

Đức Giáo Chủ há không dạy rằng :

Coi rồi phải thân mình tự trị

Chẳng độ xong Phật khó dắt dìu

Bản tâm của chúng sanh vốn đồng cùng chư Phật, lúc nào cũng tròn đầy sang tỏ như vành trăng trung thu in trên nền trời trong vắt hoặc như ánh bình minh hiện lên giữa không gian xanh sáng, nhưng bởi đám mây mù của con tim vọng niệm phủ che nên phải mê mờ u tối. Nếu phá vẹt được mây, tức huệ nhựt hiện bày tỏ rõ …

Về điểm nầy, Đức Giáo Chủ trong một buổi vân du thuyết giáo, trời đang quang đảng bỗng nhiên mây kéo phủ xuống một màu đen. Ngài liềng chỉ giữa hư không mà phán dạy :

Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt

Vạn lý vô vàn vạn lý thiên

Bởi vậy Hưởng Hải Thiền Sư trong đời nhà Lê đã trả lời cho vua Lê Dụ Tôn khi vua hỏi: “Thế nào là ý của Phật”

Nhạn quá trường không

Ánh trầm hải thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chí tâm

Tạm dịch :

Giữa trời cánh nhạn

Trong nước bong chim

Nhạn không còn lưu dấu vết

Nước chẳng để lại bóng hình

Như vậy, chúng sanh tự định để lần đến phát huệ và có thể tự dung trí huệ sáng tỏ của mình mà đắc thành Phật quả như Đức Thầy đã dạy là “Nếu lặng tâm tỏ ngộ Đạo mầu”, chứ không phải do cầu mà có (1)

Còn về tu Tịnh, tức tu theo pháp môn Tịnh Độ, là trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà để nương nhờ Từ bi oai lực nhiệm sâu hầu có Độ con thoát chốn ưu sầu trần ai.

Sự trì niệm nói trên, phải thành khẩn thiết tha, niệm cho đến chừng nào nhất tâm bất loạn  mới đạt được kết quả.

Đức Giáo Chủ có nói :

Môn Tịnh độ là phương cứu cánh

Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa

Và Ngài dạy rằng :

Rán trì tâm tưởng niệm canh thâu

Nằm đi đứng hay ngồi chẳng chấp

Hoặc là :

Muốn niệm Phật bất cần sớm tối

Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà

Thì hiền lương quên mất điều tà

Được hạnh phúc nhờ lòng cố gắng

Nhờ có cố gắng, tâm trí sẽ bình tỉnh an nhiên, diệt được ma trọc phiền não, và cõi tịnh độ sẽ thể hiện trước mắt ta một cách chân thực vậy.

Bởi rất tin vào môn Tịnh độ, cổ nhân từng bảo :”Mạc đãi lão lai phương niệm Phật, cô phần đa thị thiếu niên nhân”. Sở dĩ Đức Giáo Chủ dạy cả hai phép Thiền Tịnh là để dễ bề hóa độ tất cả mọi người, bởi vì với hai pháp môn nầy, dù cho trình độ cao thấp thế nào, nếu quyết tâm là có thể làm theo được.

Thật vậy, nếu mọi người vừa tự tu tự luyện than tâm, vừa chuyên trì niệm Phật để nương  nhờ sự gia hộ của Đức Phật  thì việc tu hành không khác gì  cánh buồm no gió con thuyền nước xuôi, kết quả sẽ dễ dành thu hoạch.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn