- Tựa
- Chương I: Nguồn gốc Đạo Phật Giáo Hòa Hảo (Nguyên Thỉ)
- Chương II: Nguồn Gốc Đạo Phật Giáo Hòa Hảo (Hiện Duyên)
- Chương III : Đức Giáo Chủ Và Công Đức Truyền Giáo
- Chương IV: Đức Giáo Chủ và Sứ Mạng Thiêng Liêng
- Chương V: Đức Giáo Chủ Trong Việc Thi Hành Sứ Mạng
- Chương VI: Sự Canh Tân và Quy Nguyên Trong Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương VII: Giáo Lý Căn Bản Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương VIII: Tinh Thần Khổng, Lão Trong Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương IX: Tinh Thần Cách Mạng Quốc Gia trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương X: Phật Giáo Hòa Hảo Với Bản Sắc Dân Tộc
- Chương Thứ XI: Phật Giáo Hòa Hảo Với Quần Chúng
- Chương Thứ XII: Sự Thực Hư và Lối Vần Vè Trong Thi Văn Sấm Giảng Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XIII: Nền Văn Minh Tây Phương Qua Sấm Kinh Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XIV: Ý Nghĩa Vô Vi Trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XV: Vấn Đề Hòa Bình Trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XVI: Sự Dung Hóa Giữa Giáo Lý Từ Bi và Tinh Thần Ái Quốc Trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XVII: Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo Không Phải Là Một Đoàn Thể Chánh Trị
- Chương Thứ XVIII: Sự Bành Trướng Và Tiềm Lực Tự Tồn Của Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thư XIV: Phật Giáo Hòa Hảo Ngày Nay
- LỜI BẠT
Nhiều người ở đây từng nói tới đạo Phật, cũng như đã nói tới Cao Đài Giáo, Khổng Giáo, Thiên Chúa Giáo, Lão Giáo, Hồi Giáo. Nhân loại trên thế gian hầu hết nghe qua danh từ Phật Giáo như được nghe danh hiệu của các tôn giáo lớn. Nhưng có lẽ đa số chỉ hiểu Đạo Phật là mối Đạo do Đức Thích Ca Mâu Ni sáng lập với một mớ giáo điều đượm mùi tôn giáo, thần học hoặc huyền học.
Một số người hời hợt, dễ tin, có tâm nhưng thiếu trí, cũng cứ tưởng theo đạo Phật là để chuyên thờ cúng, lễ bái, cầu an, cầu phước và Giáo Tổ của đạo nầy đã chủ trương chấp nhận những nghi thức có tính chất thần hóa và thần kỳ kia.
Người ta chưa chịu khó để lòng tìm hiểu đạo Phật, nên mới nhìn Đạo qua một nhỡn kính có pha màu như vậy. Thật ra, đạo Phật là một Đạo căn cứ trên nền tảng duy lý, thực tế và chính xác. Không có một sự lập lòe huyền hoặc nào bộc hiện được trong các cuộc thuyết Pháp thật sự của Đức Như Lai.
Bởi vậy văn minh trí thức, văn minh khoa học của thế giới càng lên cao chừng nào, đạo Phật càng được số người có học tin tưởng, kê cứu. Trong khi nhiều tôn giáo chỉ dựa trên mê tín, trên huyền thoại để tìm đất sống lần lượt bị mất ảnh hưởng trước phong trào tiến bộ khoa học, thì đạo Phật được người ta tin cậy hơn.
Ta không thể so sánh Đức Phật Thích Ca và những giáo lý thực tế nhưng rất uyên súc của Ngài với các nền đạo học khác. Bởi vì Ngài là một vị Giáo Tổ duy nhứt thời xưa đã mạnh dạn tố giác mọi mê tín ngông cuồng. Ngài đánh thức lương tâm con người giữa đêm sâu mịt mùng nhưng rồi bảo mọi người “hãy tự thắp đuốc lên mà đi” Ngài không hề buộc một ai tin theo, nghe theo Ngài trong khi họ chưa hiểu rõ Ngài là ai. Đạo Ngài là gì !.
Trong một cuộc thuyết pháp trước đại đa thính chúng, Đức Gautama đã dạy :”Hãy tự mình làm ngọn đèn soi sáng cho mình, hãy tự mình làm chỗ nương cậy cho tự chính mình. Hãy nắm chặt ngọn đèn sự thật. Hãy nương cậy chắc vào một sự thật, đừng nương cậy điều gì ngoài sự thật”.
Ngài cũng không bao giờ tự xưng mình là Phật Thành để bắt người ta suy tôn. Nhưng thế nhân đã thấy rõ mọi thể hiện đặc biệt nơi Ngài và đã trịnh trọng xem Ngài là Phật, là đấng Giác Ngộ, là bậc Chí Tôn. Cũng như Ngài không khi nào khuyến dụ mọi người họp quần sau lưng Ngài cho đông đảo đề làm thành mối đạo với ước vọng được thế lực hơn ai. Ngài đã long trọng tuyên bố rằng :”Ta chỉ có thể chỉ con đường cho ai nấy theo”, nhưng con đường sáng đó, một lối về quang đảng cho những tâm hồn thiện nguyện đó là gì, nếu không mệnh danh nó là Đạo?.
Cho nên người tu Phật hay không tu Phật mà muốn hiểu đạo Phật, điều cần nhất là phải ý thức điểm tiên quyết nầy.