Từ Khùng Điên đến Tiên Phật

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 42557)
Từ Khùng Điên đến Tiên Phật

Ngay trong năm Kỷ Mão, liền sau khi mở đạo, Đức Giáo Chủ đã viết ra 4 quyển Sấm Giảng và Kệ dưới hình thức những tác phẩm văn vần trường thiên, mỗi quyển dài trong khoảng từ trên 600 câu đến trên 900 câu.

Trong các quyển I và II, tức các quyển “Sấm giảng khuyên người đời tu niệm” và “Kệ dân của Người Khùng”. Đức Giáo Chủ xuất hiện như một kẻ “Khùng, Điên”. Ngài tự xưng như thế trong các câu văn và luôn luôn những chữ “Điên nầy”, “Khùng nầy” được lập đi lập lại như với một dụng ý nhấn mạnh ở những tiếng đó.

Mặc khác, ý tưởng và lời nói dường như cũng phù hợp với tính cách của một người điên thật sự. Nói lẩn thẩn, hay nói nhiều việc lạ thường, bằng một giọng điệu , một ngôn ngữ kỳ dị (tất nhiên là đối với những người mới gặp gỡ, mới nghe thấy lần đầu tiên). Người thường ở trong cuộc đời nầy không thể không cho rằng đó là lời nói của người Khùng Điên được. Đó cũng là dụng ý của Đức Thầy.

Đức Thầy không Điên Khùng nhưng muốn làm một kẻ Điên Khùng, xuất hiện như một kẻ Khùng Điên; dụng ý đó có nghĩa đặc biệt gì? Chắc nhiều người đã nghĩ ngay đến lý do chính trị vì họ có thể căn cứ trên chính lời nói của Đức Thầy. Trong “Sấm Giảng khuyên người đời tu niệm”, ngài viết :

 Việc đời nói chẳng có cùng
 Đến sau mới biết đây dùng kế hay
 Bây giờ mắc việc Tà Tây
 Nên mới làm vầy cho khỏi ngại nghi.

Và sau nầy trong một bài nói về sứ mạng của mình, Đức Giáo Chủ lại bảo :

 “Đến trung tuần tháng tám ta cùng Đức Thầy mới tá hiệu Khùng Điên, mượn bút mực tiết lộ lấy Thiên Cơ… Vẫn biết đời Lang Sa thống trị, phép nước nghiêm hình, dân chúng nếu yêu thương sẽ lắm điều hiềm khích”…

Những điều nói trên đây khiến người ta phải nghĩ đến tình hình chánh trị khó khăn lúc bấy giờ. Sự nghi ngờ, lo sợ, theo dõi, cũng như những biện pháp gắt gao của chánh quyền thực dân đối với người dân Việt hồi đó tất nhiên phải có. Vậy cho rằng việc tá hiệu Khùng Điên của Đức Thầy có một dụng ý chánh trị thì cũng đúng một phần nào, nhưng nếu chỉ nhìn thấy có lý do  chánh trị không thôi thì chưa đủ. Sự cắt nghĩa bằng lý do chánh trị nếu không sai lạc thì cũng làm nghèo nàn ý nghĩa cao siêu của tôn giáo. Đức Thầy không phải chỉ là một Nguyễn Khuyến dưới lốt của bà “mẹ mốc” đem “tấm hồng nhan bôi lấm xóa nhòa”, để che mắt tục, hầu giữ vẹn tiết trinh, mong tìm chồng con muôn dậm xa  xôi (1). Dụng ý của Đức Thầy khác hẳn, dụng ý đó chỉ có thể giải thích được bằng lý do tôn giáo mà thôi, lý do chánh trị chỉ là lý do phụ.

Nhưng thế nào là lý do tôn giáo ?

Chúng ta ai cũng biết : Đức Giáo Chủ chỉ có thể hoàn thành sứ mạng thiêng liêng của Ngài khi nào những lời dạy của Ngài được nhiều người nghe, hiểu, tin và làm theo. Muốn như thế trước hết phải chứng tỏ ngôi vị đặc biệt của Ngài đối với Phật và đối với thế gian để gieo một niềm tin vững chắc trong lòng người. Sự tá hiệu Khùng Điên là để đi đến chỗ xác nhận ngôi vị Phật vậy. Bởi vì mượn lốt Điên Khùng hay bịnh tật nghèo hèn để gần gũi dân chúng, đem tâm trí cứu độ chúng sanh không phải là một điều mớI lạ trong xã hội Á Đông. Tế Điên bên Trung Hoa, Sư Vãi Bán Khoai ở Việt Nam… đã từng gây nhiều tin tưởng trong dân chúng. Đức Thầy trong bước đầu giảng đạo cũng theo đường lối đó.

 Điền nầy nối chí theo Khùng
 Như thể dây đùn đặng cứu bá gia

Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, người ta bắt đầu ý thức rằng “Điên, Khùng” ấy là của Phật của Trời chứ không phải điên khùng thật sự của người dưới thế. Cho nên từ tác phẩm thứ ba và thứ tư, tức “Sấm Giảng” và “Giác Mê Tâm Kệ” trở đi , danh từ Điên Khùng không còn được Đức Thầy dung để xưng hô nữa. Bấy giờ Ngài chỉ xưng “Ta” mà thôi . Nên trong hai quyển trước Ngài mở đầu :
 
Năm mèo Kỷ Mão rõ ràng
 Khắp trong trần hạ nhộn nhàng xiết chi
 Ngồi buồn Điên tõ một khi
Và 
           

           Ngồi Khùng trí đoái nhìn cuộc thế

Thì trong hai quyển sau Ngài lại nói :

 Kể từ Tiên cảnh ta về
 Non bồng Ta ở dựa kề mấy năm

Và 
             Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện…

 …Ta quyết lòng nhắc lại tánh xưa

Điều nên nhớ là 4 quyển Sấm Kệ trên đây được viết ngay sau khi Đức Thầy mở đạo, từ trung tuần tháng 8 năm Kỷ Mão. Khoảng cách giữa hai quyển đầu và hai quyển sau không có bao lâu, vậy mà cách xưng hô  đã khác hẳn. Từ một kẻ “Khùng, Điên” bị người đời khinh rẽ đến một vị Phật được thiên hạ sung bái tôn lên hang giáo chủ trong khoảng khắc, thật là một kỳ diệu quả đúng như Ngài đã nói :

 Đến sau mới biết đây dùng kế hay

Tại sao ? Ở đây có một điểm tâm lý cần giải thích. Hiểu rõ điểm tâm lý đó là thấy rõ kỹ thuật kỳ diệu. Hãy thử tưởng tượng như ta đang đứng trước Đức Thầy và đối thoại với Ngài. Giả sử như đây là lần đầu tiên gặp gỡ, ta chưa biết gì về Ngài, chưa biết Ngài là ai, là hạng nào ở trên đời nầy. Lúc ấy Ngài đến với ta như bao nhiêu người khác trong thân xác con người. Ta chờ đợi ở Ngài những ý tưởng, những lời nói mà trong thâm tâm ta dự đoán là sẽ thông thường như ở bao nhiêu người khác nhưng bất ngờ, qua một vài câu trao đổi, ta thấy có cái gì khác lạ ở nơi người đối thoại. Ta sẽ rất ngạc nhiên trước những ý tưởng, những lời nói khác thường của Người. Sau cái ngạc nhiên ta sẽ thắc mắc băn khoăn tự hỏi: con người lạ lùng ấy là ai? Là ngườì gì?. Có phải là một người điên không, hay là một đấng thiêng liêng nào?

Không để ta kịp suy nghĩ, Người đã vội nói: “Ta đây là một kẻ Điên Khùng”. Nhưng sự tự nhận là Điên Khùng của Người không làm cho ta hết thắc mắc, trái lại ta càng thấy băn khoăn hơn. Ta lại nghĩ: Người điên thật sự có bao giờ tự biết mình điên không? Người Điên thật sự thường nói và làm nhiều việc lạ lùng khác thường; nhưng cái lạ lùng khác thường đó ở dưới mức  thông thường, đầu đuôi bất nhất và không bao giờ đi đến một thành công, một kết quả nào. Người tự nhận là Điên Khùng trước mặt ta đây lại khác. Điên mà có ý thức về cái Điên của mình đã là một việc không thể có, đến những hành động, cử chỉ, lời nói lạ lùng nhưng rất khôn ngoan sâu xa kia lại càng không thể có ờ người Điên thật sự được.

Tất cả như có cái gì huyền bí, siêu phàm ở nơi người nầy khiến ta bắt đầu sợ hãi lẫn kính nể. Đồng thời ta như ý thức được cái kém cõi ở nơi ta và cái cao cả ở nơi người. Ta chỉ còn chờ một mặc khải, một lời xác nhận của người để chấm dứt những âu lo và hoài nghi còn sót lại để bắt đầu một niềm tin vững chắc. Người không để ta chờ đợi lâu, lời xác nhận mà ta đang mong đợi liền khi đó :

Điên nầy điên của thần tiên

Hoặc là :

Bồng Lai Điên Dại có ngôi
Tây phương cực lạc Khùng ngồi tòa sen

Nỗi băn khoăn chấm dứt, tâm trạng bình an trở lại với ta cùng một lúc với sự hy vọng tin tưởng mãnh liệt. Trong bình an, ta lặng lẽ cúi đầu …

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn