Các Vị Hoằng Đạo Sau Đức Phật Thầy

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 43112)
Các Vị Hoằng Đạo Sau Đức Phật Thầy
Từ khi Đức Phật Thầy viên tịch về sau, có nhiều vị kế tiếp đứng ra truyền giáo theo những pháp môn và nghi thức của Ngài. Chúng tôi muốn nhắc tới Đức Phật Trùm, (phát tích tại núi Tà Lơn),tên Việt là Đặng Văn Lược (còn gọi là đạo đèn). Đức Bổn Sư (giáo truyền tại núi Tượng) và ông Sư Vãi Bán Khoai (hóa hiện tại Vĩnh Tế).

 Đức Phật Trùm gốc người Miên, tên thật là Ta Paul, quê ở sốc Lương Phi. Năm 1868, sau một cơn đau nặng chết đi sống lại. Ngài hoát nhiên tỏ ngộ, giảng đạo toàn bằng tiếng Việt. Trong một bổn giảng còn lưu truyền. Ngài có tự nhận:

 Tuy rằng hồn xác của Mên
 Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời

 Và nhân Ngài thường nói: “Ta là Trùm của Phật sai xuống giảng dân” , cho nên người đương thời gọi Ngài là Đức Phật Trùm.

 Ngài có những phương pháp trị bịnh lạ lùng và đem lại kết quả tốt cho nhân dân, nên người ta ngưỡng mộ rất đông.
 Khoảng 1870, Ngài bị quân Pháp tình nghi qui tụ quần chúng để dấy loạn, nên bắt đày ra hải ngoại. Sau đó một thời gian họ trả tự do cho Ngài. Ngài lại tiếp tục giáo đạo cho đến năm Ất Hợi (1873) thì tịch. Kể từ khi hóa hiện cho đến lúc nhập diệt, cũng như Đức Phật Thầy, Ngài có sứ mạng độ đời chỉ trong bảy năm.

 Sau Đức Phật Trùm là Đức Bổn Sư. Ngài chính danh là Ngô Lợi, sanh năm Canh Dần (1830) mở đạo năm Mậu Dần (1878) và tịch năm Canh Dần (1890). Thọ 61 tuổi và độ đời được 12 năm.

 Đức Bổn Sư cũng tự tâm tỏ ngộ như Đức Phật Thầy và Đức Phật Trùm. Ngài cứu bịnh dạy đời và lập ra tông phái Hiếu Nghĩa tại núi Tượng. Tín đồ của Ngài cũng để tóc để râu, cũng tại gia tu niệm như phái Bửu Sơn Kỳ Hương trước kia và Ngài cũng bị Pháp khủng bố như Đức Phật Trùm, nhưng họ không làm hại Ngài được. (1)

 Khi Đức Bổn Sư viên tịch chừng 12 năm, vào khoảng năm Nhâm Dần (1902), tại kinh Vĩnh Tế người ta thấy xuất hiện một vị chân tu hình vóc mảnh mai, chèo thuyền đi bán khoai mà miệng luôn luôn khuyên đời tu niệm.

 Vị ấy hằng xưng là sư và vóc hình có hồi trông như bà vãi, cho nên người người gọi là Sư Vãi. Chỉ trong hai năm, Ông Sư Vãi Bán Khoai sau khi truyền lại cho đời quyển Sám Giảng Người Đời thì không còn ai thấy tâm hơi của Ông ở đâu nữa.

 Ngoài công việc khuyên đời tu tỉnh, trong Sám Giảng nói trên còn nhiều đoạn tiên tri sự biến thiên hãi hùng cho nhân loại trong thời kỳ hạ nguơn mạt kiếp.

 Khi rõ ra thì chuyện đã rồi, không một ai được qui y với Ông Sư Vãi. Người ta chỉ truyền tụng với nhau những câu kinh của người vắng bóng:

 Nào khi Sư Vãi Bán Khoai
 Trong kinh Vĩnh Tế ai ai cũng lầm
Mặt cân tôi chẳng biết cầm
Quê mùa già cả âm thầm biết chi!


 Ngoài cách giáo truyền đồng nhất là những lời Sám Kệ hô ứng với nhau, có một điều ám hợp lạ lùng giữa Đức Phật Thầy, Đức Phật Trùm và ông Sư Vãi đáng chú ý là:

1) Đức Phật Thầy hóa hiện trong bảy năm và Đức Phật Trùm cũng độ đời trong thời gian đúng y như thế.
2) Đức Phật Thầy tịch 12 năm thì Đức Phật Trùm xuất hiện, còn Đức Bổn Sư thì giáo đạo cũng trong khoảng thời gian 12 năm (2)
3) Đức Bổn Sư sanh năm Dần, mở đạo năm Dần và tịch cũng năm Dần, thì Ông Sư Vãi cũng hoá hiện trên kinh Vĩnh Tế trong năm có mang địa chỉ ấy.
4) Đức Bổn Sư tịch 12 năm thì Ông Sư Vãi xuất hiện, giống như khoảng cách giữa Đức Phật Thầy và Đức Phật Trùm
.

Tài liệu nầy bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ thềm về sự chuyển kiếp của các Ngài mà nhiều người đã đề cập.
****
Chú Thích:

(1) Giáo sư G.Coulet trong quyển Les sociétés secrètes en terre d’Anam (1962) đã để ý ngờ rằng mỗi ông đạo ở miền Thất Sơn đều là một hội kín. Sự thật không đúng hẳn như thế.
(2) Trong cuốn Đức Phật Thầy Tây An cũng như cuốn Thất Sơn Mầu Nhiệm, những năm sanh và tịch của Đức Bổn Sư đều sai. Xin xem bài đính chính của tác giả đăng trên tạo chí Giác Tiến, số 13 xuất bản năm 1957

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn