Phật Giáo Hòa Hảo đã canh tân Giáo Điều

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 45141)
Phật Giáo Hòa Hảo đã canh tân Giáo Điều

Một vài người chưa có dịp biết qua Phật Giáo Hòa Hảo, ngờ rằng Đạo nầy không có một Giáo Lý sâu sắc làm căn bản tu học. Mà thản hoặc có, thì không có gì là vững chắc, mới mẻ, thích thời !

Ngờ như vậy là lầm.

Chính nhờ ở cái giáo lý vững chắc của Phật mà Đức Giáo Chủ đã thấm nhuần từ vô lượng kiếp (6) và đã làm một cuộc chỉnh lý lớn để đem giáo lý ấy đúng lại  với chân truyền, nên mới làm cho Phật Giáo Hòa Hảo vượt hẳn được cái thần khải tôn giáo mà trở thành một nền đạo có lương tri, duy lý, vững mạnh và thích thường trong cuộc sống nhân loại hôm nay.

Chẳng những vậy, Ngài còn dung hòa giáo nghĩa của Đức Phật Thầy Tây An với những nhận thức mới của mình mà canh tân phương pháp tu Phật.

Hơn một trăm năm trước, Đức Phật Thầy Tây An  đã :

Khát thời uống nước Tào Khê

Đói ăn Ma phạn tối về canh tân

Thì hôm nay Đức Huỳnh Giáo Chủ suy ra trong giáo lý Phật Tổ cách nay hơn hai ngàn năm và thiên chuyển đi hằng thiên vạn lý từ Ấn sang Tàu, sang Việt, tất có chỗ biến dịch hoặc lỗi thời, cho nên mới xét lại để canh tân lại.

Chính Đức Phật từng phán dạy:

“Nầy các tỳ kheo! Chánh Pháp của ta giảng dạy cũng như chiếc bè để đưa người qua biển khổ sanh tử, không phải để cho người giữ chặt lấy!”.

Vả lại, Phập pháp là bất định pháp , mỗi vị Phật đều có thể tùy theo căn cơ trình độ của tín chúng mà hóa dụ chứ không phải nhứt thiết lập lại những gì của Đức Như Lai.

Công việc canh tân của Đức Giáo Chủ trước tiên là không thờ tượng cốt mà đặt vào Ngôi Tam Bảo một vật thể tượng trưng. Đó là bức Trần Đỏ. Ngài đã nói :

Ngôi Tam Bảo phải thờ Trần Đỏ

Tạo làm chi những cốt với hình !

Hãy nghe sự giải thích đầy nhân ái và lương tri của Ngài trong sự không thờ tượng cốt.

Từ trước đến nay, các chùa chiền đã tạo quá nhiều hình tượng. Đành  rằng vì tôn kính đấng Từ Bi mới làm ra thờ phượng Ngài, nhưng cũng có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không nên tạo thêm nữa. Làm thế chúng ta không có ý hủy báng sự phượng thờ của các chùa chiền. Cách thờ phượng ấy tùy theo điều kiện các sư mà chúng ta cũng có thể sùng ngưỡng đặng. Nhưng về cư sĩ ở nhà không nên tạo thêm nữa, nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở sự hào nhoáng bề ngoài”.

Đối với ý nghĩa tấm Trần màu Dà (trước màu đỏ, sau đổi màu dà) nói lên tinh thần vô vi của Đức Phật, Ngài cũng giảng rõ: Màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc  và cá nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật.

Bức Trần Dà tất nhiên ngày xưa trong giáo điều của Phật không có.

Còn biết bao nhiêu điều “cải mới” khác, như  : Đem tính ba Nho, Lão lồng vào Giáo Pháp. Dựng một bàn thông thiên trước nhà làm nơi thanh tịnh trì niệm hầu cách cảm tứ phương. Không chấp nhận việc xây tháp lớn, dựng chùa to. Lạy thì lật ngữa bàn tay chớ không lật sấp. Xá thì không chỉ xá ngay chính giữa Đức A Di Đà mà còn xá cả hai bên để tỏ lòng sùng ngưỡng cả hai vị Quan Thế Âm và Đại Thế Chí v.v….

Theo Tứ Ân trong kinh điển cũ, thì : Ân Phụ Mẫu, Ân Quốc Vương, Ân Tam Bảo, Ân Chúng Sanh. Nay trong căn bản giáo điều của Phật Giáo Hòa Hảo đã được canh cải: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân tam bảo, Ân đồng bào và nhân loại.

Những sự thay đổi trên lời văn không đáng chú trọng bằng một điểm cải cách quan trọng trong bốn ân đó,  là ân thứ hai. Nếu trong giáo điều trước kia ân thứ hai là ân quốc vương thì ở đây, đã được đổi lại là ân đất nước. Từ sự tôn thờ quân quyền phong kiến đổi sang khuynh hướng bảo vệ quốc gia dân tộc là gì, nếu không phải nói lên một sự canh tân trong Phật Giáo ?

**

Cần phải có một quyển sách dày dặn với những công phu nghiên cứu nhiều hơn mới nói đầy đủ nổi những cải cách lớn lao của Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo.

Những điều sơ lược vừa trình bày, kẻ cầm bút chỉ với mục đích dựng lên một ý thức, cắm lên những cây nêu, cái mốc, để cho các hàng thức giả có thể y cứ mà phăng tìm, chứ chưa đặt chút kỳ vọng nào ở đây, trong việc tìm đủ và biết đủ của vấn đề.

(1)Xem Việt Nam Tam Giáo Sử Đại Cương của tác giả Phạm Văn Tươi, xb 1957

(2) Tham khảo theo Lịch Sử Thế Giới của Thiên Giang và Nguyễn Hiến Lê do nhà Nguyễn Hiến Lê xuất bản 1954

(3) Cuối đời Vũ Vương, đạo Phật rất đỉnh đốn, lại còn bị lấn át đủ điều. Tả ngoại Trương Phúc Loan là một quyền thần, nhiệt liệt bênh vực các cố đạo và lên án tăng đồ: “Thầy chùa là bọn ngu dốt, trốn sưu lậu thuế, phần nhiều đáng tội treo đầu. Trái lại các cố đạo người Âu là những người thông thái, lại giàu lòng bố thí, trợ giúp kẻ bần nhơn cô quả. Họ trọng nể pháp luật của triều đình” (L Cadiere – Quelques figures de la cour de Võ Vương)

(4) Số 9, tháng 9 năm 1937

(5) Đại sư họ Lê người Chiết Giang, từng chu du khắp Âu Mỹ để tuyên dương Phật pháp. Lập Hải Triều Âm và viết được 218 tác phẩm. Tịch năm 1947

(6) Xem bài “ Sứ Mạng của Đức Thầy” trong Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn