8- Việt Minh Cộng Sản Sát Hại Các Kảnh Tụ Quốc Gia

29 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 81426)
8- Việt Minh Cộng Sản Sát Hại Các Kảnh Tụ Quốc Gia
Qua những diễn tiến liệt kê trên đây, ta thấy trong hai tháng 9 và 10 năm 1945, Cộng Sản Việt Minh tại miền Nam đã thất bại trên mặt trận ngoại giao, bất lực trên mặt trận quân sự chống quân đội Pháp, nhưng khi rảnh tay được như trong thời gian hưu chiến từ 8-10-1945, là quay về dùng bộ máy công an để thanh toán các phần tử quốc gia yêu nước nhưng không đồng chánh kiến. Bởi vì lúc đó Cộng Sản biết rằng họ đang còn ở thế yếu, nếu không sớm thanh toán hết đối lập, sợ rằng phe quốc gia có thể vươn lên nắm lại tình thế thì họ không thể nào đủ sức đối phó với Pháp ở phía trước, phe quốc gia ở phía sau. Cho nên họ đã áp dụng chiến thuật tạm hòa hoãn với Pháp để triệt đối lập trước đã.

Chiến thuật này Cộng Sản Đệ tam vẫn tiếp tục áp dụng về sau tại Bắc Kỳ, ký kết hiệp định sơ bộ 6-3-1946 với Pháp và đàn áp các đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng để nắm lấy độc quyền lãnh đạo.

Trong miền Nam, Cộng Sản Việt Minh trước hết đàn áp hai tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, sau đó diệt các lãnh tụ nhóm Đệ Tứ, đảng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập, đảng Lập Hiến và một số nhân sĩ. Khi đối phó với các tổ chức có quần chúng, Cộng Sản Việt Minh còn gặp phản ứng, nhưng đối với các nhân sĩ và các lãnh tụ Đệ Tứ, Việt Nam Quốc Dân Đảng, bộ máy công an võ trang của Việt Minh chỉ cần chờ khi nào Pháp tấn công phía trước, các giới đối lập tản cư về hậu phương, là đến bắt từng người, không lo ngại phản ứng nguy hiểm nào.

Kế hoạch ruồng bắt đối lập đã được Việt Minh hoạch định sẵn, thi hành chớp nhoáng: chỉ trong mấy ngày hưu chiến với Pháp, công an võ trang đã bắt trọn tất cả các lãnh tụ tên tuổi của nhóm Đệ Tứ như Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Nguyễn Văn Sổ, và 64 cán bộ Đệ Tứ đang lui về vùng Thủ Đức. Sau đó, họ sát hại tất cả. Sở dĩ nhóm Đệ Tứ bị sát hại toàn bộ như thế là vì họ đã chọn thái độ “thà chết chứ không bỏ ra thành”. Thái độ này được quyết định qua một cuộc thảo luận và bỏ thăm trong một cuộc hội nghị có mặt 68 lãnh tụ và cán bộ khi rút lui về Thủ Đức.

Riêng lãnh tụ Tạ Thu Thâu, một nhân vật sáng giá xuất sắc của nhóm Đệ Tứ, ông đã bị Cộng Sản hạ sát tại Quãng Ngãi. Ông từ Nam ra Bắc, và khi về đến Quãng Ngãi thì bị ủy ban Cách mạng Việt Minh bắt giữ rồi thủ tiêu tại cánh đồng Dương Liễu trên bờ biển Mỹ Khê, vào tháng 9-1945. Lúc ấy lãnh tụ Tạ Thu Thâu mới 39 tuổi.

>

Theo tài liệu của nhóm Đệ Tứ (Đỗ Bá Thế, Phương Lan) thì chính Trần Văn Giàu đã hạ lịnh thủ tiêu Tạ Thu Thâu, mặc dầu Thâu là thầy học của Giàu, đã tận tình giúp đỡ Giàu khi còn du học bên Pháp, coi Giàu như nghĩa đệ của mình. Giàu phải giết Tạ Thu Thâu vì biết ông vượt hẳn mình về mọi phương diện: tài ba, đức độ, uy tín, nhưng lại không chịu đứng chung phe Cộng Sản Đệ tam. Giàu giết Thâu là giết một đối thủ lợi hại, trừ hậu hoạn.

Ông Hồ Tá Khanh, nguyên Bộ trưởng Kinh tế Nội các Trần Trọng Kim 1945, người cùng du học bên Pháp với Tạ Thu Thâu và Trần Văn Giàu, đã ghi chú như sau về cái chết của Tạ Thu Thâu:

“Tôi gặp anh Thâu lần chót tại Huế khi anh ở Bắc trở vô, lối vài tuần trước khi anh bị bắt tại Quãng Ngãi. Tôi vừa ra khỏi tù Việt Minh (đồn Hội An) trở ra Huế, ở vài ba tuần, rồi cùng với Trần Văn Văn và Trần Đình Nam vô Touranne, rồi Qui Nhơn, Phan Thiết, Saigon. Lúc tôi đến Qui Nhơn thì có Vĩnh Huyên (con Bửu Du và thơ ký văn phòng của Bộ Kinh tế của tôi) cho hay: ‘’Hôm qua ông Thâu bị bắt tại Quảng Ngãi”. Sáng ra, trước khi đi về Nha Trang, tôi chạy lại trụ sở tỉnh Việt Minh bảo anh cán bộ ở đó đánh điện ra Trung ương Hà Nội nói Hồ Tá Khanh phản kháng vụ bắt anh Thâu. Thật là điếc không sợ súng.

Vào đầu năm 1946, tôi đang trở ra ở nhà ông bạn Trần Đình Nam, thì con trai của ông Nguyễn An Ninh lại mách rằng: “Chú Thâu đã bị giết vì chú ghé Quãng Ngãi muốn gặp tôi cho tôi nghe lời trối trăn của cha tôi. Chúng nó cấm nói ông Thâu bị giết, nếu nói thì phản tuyên truyền...” (Hồ Tá Khanh ghi chú).

Cái chết của Tạ Thu Thâu được xem là một biến cố quan trọng bởi vì ông là một lãnh tụ suốt đời hy sinh cho cách mạng, mấy lần bị Pháp lên án tù đến tàn phế thân thể, một chiến sĩ can trường không bao giờ lui bước trước trở lực, lại là một nhân tài xuất chúng, một con người đức độ, được bạn bè yêu mến, kể cả giới ngoại quốc. Sở dĩ phải nói nhiều về cái chết của Tạ Thu Thâu, là vì trường hợp của ông chứa đựng những điểm điển hình để ta nhận xét về chánh sách tiêu diệt của Cộng Sản Đệ tam.

Yêu nước, có tài, có uy tín, gan dạ, bền chí, một lãnh tụ có các đức tính này phải được xem là một cái vốn quý của dân tộc cần thiết cho công cuộc cứu nước dựng nước. Nhưng đối với Cộng Sản Đệ tam, các đức tính này, nếu không đặt dưới sự sử dụng của họ để phục vụ cho mục tiêu của họ, thì sẽ là mối hại cho họ. Cho nên phải tiêu diệt.

Có rất nhiều bằng chứng cho lập luận trên đây. Điển hình là vụ Hồ Chí Minh bí mật báo cáo với sở tình báo Pháp tại Thượng Hải để bắt chí sĩ Phan Bội Châu (1925, Pháp đưa chí sĩ họ Phan về nước, lên án tử hình). Một bằng cớ khác là tài liệu của Cộng Sản Hà Nội ghi lại những chỉ thị của Hồ Chí Minh đối với phe độc lập, luôn luôn là phải “tiêu diệt”. “Không thỏa hiệp, không nhượng bộ, phải dùng mọi cách để vạch mặt chúng, phải tiêu diệt chúng về mặt chính trị” (Nguyên tác “Il faut les exterminer politiquement”, nhưng ta phải hiểu thế nào là “exterminer politiquement” đối với các lãnh tụ cách mạng. Chữ exterminer, tự điển nào cũng có nghĩa là tiêu diệt”.

Cho tới đầu năm 1946, lãnh tụ và cán bộ Đệ Tứ Quốc tế đã bị Cộng Sản Đệ tam tiêu diệt (nói đúng là sát hại), trong đó có các lãnh tụ xuất chúng về tài ba, đã nổi bật như những ngôi sao sáng của sinh hoạt chính trị tranh đấu miền Nam trong thập niên 30, 40: Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương.

Tài liệu sau đây là cuộc đối thoại giữa một trí thức Việt Nam với Hồ Chí Minh, tại Paris năm 1946, khi Hồ Chí Minh sang Pháp ký thỏa hiệp án (modus vivendi) với Marius Moutet ngày 14-9-1946.

Hoàng Đôn Trí là anh hay em của Hoàng Đôn Văn, có mặt người bạn Lê Văn. Hoàng Đôn Văn là cựu Bộ trưởng Lao động Chánh phủ Việt Minh năm 1945. Hoàng Đôn Tri, Kỹ sư trường Trung ương (Ecole Centrale, Paris) thuộc phe Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, Tổng ủy ban Việt Kiều tại Pháp năm 1944-45.

Năm 1946, lúc Hồ Chí Minh qua Pháp, Hoàng Đôn Tri có xin gặp, và sau khi nói chuyện đó đây, Đôn Tri cung kính thưa:

— Tôi là người học trò cũ của Tạ Thu Thâu. Tôi cho Thâu là người tốt nhứt, Thâu yêu nước vô cùng và nhứt là yêu hạng người nghèo khó. Thưa Chủ tịch, tại sao Thâu bị giết và ai giết?

Hồ Chí Minh sau một phút suy nghĩ, và lấy làm lạ sao có câu hỏi như vậy:

— Phải, Tạ Thúc Thâu (tôi không hiểu tại sao lại gọi Thúc) là người tốt. Thâu bị giết lầm. Mà tại sao anh lại đặt câu hỏi ấy? Tại sao lại gợi lên sự chia rẽ lúc này, giữa lúc có hàng vạn người chết vì nước?

— Thưa Thâu không phải là một cá nhân, Thâu đại diện cho một trào lưu tư tưởng, một nếp sống, một lối hành động vì nhân dân mà hàng vạn vạn người quan tâm. Sự mờ ám (về cái chết của Thâu) gây chia rẽ chớ không phải sự làm sáng tỏ.

Hồ Chí Minh không trả lời thẳng mà nói:

— Anh còn trẻ và biệt tín lắm!

— Thưa không...

Rồi chủ tịch cho tôi một trái pomme lớn để chấm dứt câu chuyện.

Thái độ “lấp lửng” với những câu trả lời “mập mờ” và xảo thuật “tránh đi vào đề”, viện nhu cầu “tránh chia rẽ”... của Hồ chí Minh qua cuộc đàm thoại này, một mặt tố cáo bản chất xảo quyệt tinh ma của con người Hồ Chí Minh, mặt khác xác nhận Cộng Sản Đệ tam đã sát hại lãnh tụ Tạ Thu Thâu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn