8- Việt Tình Và Việt Tính Trong Hành Động Và Tư Tưởng Huỳnh Giáo Chủ, Cao Thế Dung

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 81910)
8- Việt Tình Và Việt Tính Trong Hành Động Và Tư Tưởng Huỳnh Giáo Chủ, Cao Thế Dung
Nghiên cứu toàn bộ Sấm Giảng Thi Thơ của Huỳnh Giáo Chủ, ta thấy rõ điều này: Việt Tính và Việt Tình là những nét độc đáo, phong phú, và sâu sắc nhất, thể hiện từ bài Kệ cho đến Thơ, cho đến các bài Hiệu Triệu đồng bào. Chân dung của Huỳnh Giáo Chủ là chân dung của một con người Việt Nam trọn vẹn, không thái quá, không bất cập, không kiêu căng mà vẫn giữ được cái Dũng, không độc tôn một chiều, cái Trí rất sáng trong một tâm hồn bình dị. Mạnh Tử nói: “Tận tín thư bất như vô thư” (tin tất cả vào sách thà rằng đừng có sách còn hơn). Huỳnh Giáo Chủ cùng một tư tưởng như thế, Ngài nói: “Mọi người hãy lấy trí thông minh nhận xét đạo lý hay lời nói của Thầy mình, chớ đừng lấy đức tín tin thọ lãnh những lời nói đó trong khi mình chưa hỏi tường tận...”

Người Việt Nam thực tế chớ không viễn vông hay dễ dàng mù quáng tin tưởng như đã thường ngộ nhân về bản chất đích thực của dân tộc Việt. Ca dao và tục ngữ, một thứ kinh nghiệm và kinh thư của dân tộc Việt đã nói lên rất rõ Việt tính và Việt tình. Tư tưởng của Huỳnh Giáo Chủ rất bình dị, giải lược, ai ai cũng có thể hiểu và dễ hiểu, thể hiện cái tinh thần Kinh Thi và Kinh Thư Việt từ đôn hậu chất phác của nông thôn lương hảo. Đạo của Ngài là đạo trung dung, đạo không xa người, đạo ở trong người, ở ngay trong thân xác của con người. Đối với thể xác, Huỳnh Giáo Chủ đưa ra một con đường trung đạo, vì chính thể xác mới là cổ xe chuyên chở Đạo trong một con người. Thể xác ấy của ta, ta phải trân trọng và bảo trọng nhưng cũng không tưởng dưỡng xác thịt quá ư sung sướng, lại cũng không nên “hành xác hay ép xác quá đáng”. Huỳnh Giáo Chủ quan niệm rất rõ: “Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay chẳng xúi dục ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhân của mình...” (*). Biểu tượng tôn kính của Phật Giáo Hòa Hảo ở bức Trần Điều, di sản tinh thần của Đức Phật Thầy Tây An, nhưng có một nhóm người lợi dụng Trần Điều làm điều dị đoan, nên Giáo Chủ cho dùng màu Dà. Màu Trần Điều hay màu Dà chính là mầu truyền thống của dân tộc. Màu dà mầu nâu chính là bản sắc của dân tộc Việt từ cội nguồn. Theo Huỳnh Giáo chủ “màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhơn loại, không phân biệt chủng loại và cá nhân”. (**)

Bản chất độc đáo của Phật Giáo Hòa Hảo ở điểm này, ở điểm hòa hợp hòa đồng vốn là bản chất của Việt tộc. Dân tộc Việt Nam không quá khích, không chủ ở một chữ duy, nghĩa là không độc tôn, không hẳn duy tâm, không hẳn duy linh, lại càng không duy vật. Tư tưởng Việt Nam là một tổng thể dung hợp giữa các dòng giao lưu văn hóa nhân loại và là một hợp điệu toàn bích của Nho Lão Phật để tạo nên một hệ thống tư tưởng đặc thù của Việt Nam. Cái màu nâu dà mầu kết hợp của các màu sắc khác chính là đặc chất của hệ tư tưởng Việt nam, nó đơn sơ mà hòa điệu. Màu nâu còn là màu của khiêm cung, vượt qua mọi thứ “quá đáng”.

Đối với dân tộc Việt Nam, Đạo chỉ là Đạo trước hết phải là đạo làm người. Đạo không thể xa người, xa người thì không còn đạo, Huỳnh Giáo Chủ lập ngôn: “Sanh ra ở đời, con người dầu muốn hay dầu không, cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên. Định luật ấy gồm một chữ ĐẠO, đạo của con người kêu bằng đạo nhân, nó là con đường đi trúng thì sống, bước trật thì chết.” (*)

Đạo Nhân hay là Đạo Người chính là đạo dân tộc của dân Việt Nam. Dân tộc ta thờ Người. Người chính là hình ảnh của Trời mà Phật thì tại tâm. Tất cả từ nơi người, vũ trụ ở trong con người (Vạn vật gia bị vụ ngã- Mạnh Tử). Trong thiên Thượng-thiên, Lão Tử tạm gọi là vũ trụ Đạo “Đạo trời đi khắp nơi không biết bao giờ mỏi có thể là mẹ của thiên hạ mà ta gọi gượng là Đạo. Đạo lớn Đất lớn Trời lớn, Người lớn.” Đọc toàn bộ Thi văn Giáo Lý của Huỳnh Giáo Chủ ta có thể kết lại giản dị một lời. Đó là Đạo Người. Trong Đạo Người lại là Phật. Phật là một khả năng vi diệu trong con người. Và con người trong dòng sinh mệnh là một nỗ lực không ngừng để đạt đến Đạo, để tiến lên Phật. Phật là một khả năng vi diệu không ngừng để đạt đến Đạo, con đường của trí tuệ, và là trí tuệ Việt Nam. Với tư tưởng Việt Nam từ khi chưa tiếp xúc với văn hóa Bắc phương và văn hóa Nam phương (tức hai nền văn hóa Hoa Ấn) thì dân tộc ta đã có riêng những quan niệm về nhân sinh và vũ trụ trong đó con người hiện diện hoàn toàn làm một con người nghĩa là con người vừa là giá trị cao cả của thần thánh, con người vừa là con người cả với tham sân si. Qua tư tưởng của Giáo Chủ, ta thấy tư tưởng đơn giản nhưng cơ bản cần yếu lại là như vậy, tức Người là người trước đã, có xấu có tốt, và là một hỗn tạp, nhưng trong hỗn tạp lại là một khả năng siêu việt rất thần thánh, để thăng hoa lên hàng Phật. Vì lấy đạo Người là cái gốc, cho nên trong suốt giòng tư tưởng của Huỳnh Giáo Chủ mà chúng tôi nghiên cứu, chúng tôi tìm ra được một chữ Nguồn, người không thể xa cội nguồn, bởi vì từ nguồn mà ra, cuối cùng người lại phải trở về nguồn. Cái nguồn của Người, trước hết từ nơi cha mẹ, cha mẹ là nguồn suối và là nguyên ủy của nhân sinh. Do đó mà Phật Giáo Hòa Hảo cũng như tư tưởng chân truyền của Phật Thầy Tây An chủ về chữ Hiếu, thờ Phật lại thờ cả Ông Bà (**), Đạo Phật Giáo Hòa Hảo trước hết là đạo hiếu:
Nợ nần Tiên Tổ gây nên,
Con cháu ngày nay phải báo đền.
(Huỳnh Giáo Chủ, SGTVGL, trang 381)

Chữ Hiếu đối với người Việt là một quan hệ thiết nhân, là cái bổn phận thứ nhất của con người. Là người con bất hiếu thì không thể là một người cha tốt, một người chồng tốt, và cũng không thể là một công dân tốt. Đạo hiếu của người Việt Nam đã có từ khi có giống người Việt Nam, nghĩa là có trước khi Nho giáo truyền qua Giao Châu. ở đây chúng tôi không bàn đến chữ Hiếu theo Nho giáo, mà chỉ giản lược theo dòng tư tưởng bình dân tự chốn nông thôn ruộng đồng. Thiết tưởng muốn tìm cái tinh túy của tư tưởng Việt thì phải tìm ở nơi thôn dã, từ chốn nhà tranh vách lá, từ nơi thôn cùng xóm vắng. Giản dị, Hiếu là thờ Cha kính Mẹ. Thờ lúc sống cũng như lúc chết. Khi sống thì thuận theo cha mẹ, trông nom săn sóc cha mẹ, khi chết thì hương khói thờ cha mẹ.

Cái tư tưởng đơn giản mà rất sâu xa về chữ Hiếu và báo Hiếu, ta bắt ngay trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý và ngay trong cuộc đời của Huỳnh Giáo Chủ, qua cách thờ cha kính mẹ của Giáo Chủ. Vậy thì đạo Hiếu ở Huỳnh Giáo Chủ trước hết là đạo Hiếu từ cội nguồn nguyên thủy của dân tộc. Thờ cha kính mẹ là từ trong đời sống, trong cách sống, là ở chữ THUẬN, thuận theo cha mẹ. Theo cuộc đời Huỳnh Giáo Chủ mà chúng tôi có dịp nghiên cứu qua cuộc phỏng vấn những vị cao niên trong Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, thì trước hết Giáo Chủ là một con người chí hiếu. Đạo Hiếu của Ngài vốn từ căn bản đã là thuần chất Việt Nam. Giáo Chủ đặt sự cao trọng của ông bà cha mẹ tổ tiên ngay với sự tôn thờ Đức Phật; và chỉ có Phật, Cha Mẹ, Ông Bà và các anh hùng cứu quốc mới xứng đáng được lạy sống. Khi Huỳnh Giáo Chủ còn vân du cứu đời, thì chính Giáo Chủ đã chủ trương “nên bỏ hẳn sự lạy lục người sống, cho đến Thầy mình cũng vậy, chỉ xá thôi”. Giáo Chủ nêu rõ: “Chỉ thờ lạy Đức Phật, Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ lúc còn sống” (*). Cái tinh túy của tư tưởng Việt Nam là ở điểm này: ở điểm thờ lạy cha mẹ ngay lúc còn sống. Tư tưởng này rất phù hợp với tín ngưỡng Việt Nam: “Thờ lúc sống cũng như lúc chết, thờ lúc còn cũng như lúc mất” (Sự tử như sự vong, sự sinh như sự tồn).

Về cách cúng Phật, theo tôn chỉ của Giáo Chủ: “Chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang khói thôi. Nước tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng báng mùi uế trược” (*). Cúng Phật thì phải như thế mà cúng tổ tiên cha mẹ tức cúng người, cúng đức sinh thành, thì lại: “Bàn thờ ông bà cúng món chi cũng đặng” (*). Chỉ một lời nói này, nếu ta vô tình thì coi như một lời nói thông thường nơi dân dã. Không, không đơn giản như thế. Nghiên cứu kỹ dân tộc học của dân tộc ta, nghiên cứu tỷ mỷ về tín ngưỡng trong gia đình Việt, thì một lời nói đơn giản ấy mà đã phổ hiện đầy đủ cái Việt tình, cái tình của người sống đối với người chết. Đối với người Việt Nam, gia đình không phải chỉ có người sống, mà phải kể cả người chết. Ông bà cha mẹ tuy chết mà vẫn như còn. Thôn quê miền Trung Bắc, nơi thờ gia tiên thường có treo bức đại tự có hai chữ “NHƯ TẠI”. Nghĩ là ông bà cha mẹ qua đời mà vẫn như còn sống. Cho nên cúng giỗ ông bà, một nghi lễ rất trọng đại, nhưng vẫn đơn giản. Làm cỗ thết người sống như thế nào, thì làm cỗ giỗ cũng như thế, chỉ thêm phần long trọng hơn là khói hương đèn nến. Nhà giàu cúng giỗ to, nhà nghèo, bữa cơm mình ăn thế nào thì cúng như vậy, thế cũng là đủ. Lời nói của Huỳnh Giáo Chủ “cúng ông bà món chi cũng đặng” là có ý biểu hiện cái tôn chỉ của dân tộc, vốn đơn sơ như thế, nhưng trong cái đơn sơ, lại gói ghém cả một tấm tình sâu dầy cao trọng của con cháu. Chúng tôi còn thấy các gia đình tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, trước khi ăn, mọi người đều đặt đôi đũa ngang miệng chén cơm, đưa lên trán kính vái ông bà trước rồi mình mới bắt đầu ăn. Đây cũng là một biểu hiệu rõ ràng của chữ Hiếu, thể hiện mỗi ngày, trong sinh hoạt hàng ngày của người tín đồ.

Chúng tôi nói: Cái Việt tình Việt tính trong tư tưởng của Giáo Chủ là nói đến những phần chân phác hồn hậu mộc mạc, và xa hơn nữa là cái bản chất trung dung và hòa của dân tộc. Không thái quá, không bất cập, ấy là bản chất Việt. Thật vậy, Huỳnh Giáo Chủ đưa ra những giáo điều, mà giáo điều ấy đều không cứng ngắc, không như đanh đóng cột, mà lại uyển chuyển. (Tùy phong hóa nhân sanh phù hợp-SGTVGL) Chẳng hạn như việc cấm uống rượu, Giáo Chủ cương quyết phải “phải cự tuyệt”. Nhưng Ngài lại uyển chuyển: “Những khi có tiệc lễ với người ngoài và không phải nhằm ngày chay lạt, có thể dùng một đôi chút rượu thật nhẹ để đừng tỏ sự chia rẽ với kẻ ngoại đạo”. (*)

Tư tưởng của Giáo Chủ thật rộng rãi. Tóm lại một câu, Ngài là nhà đại tu hành, nhưng đạo tu của Ngài thể hiện đạo tu chân truyền của dân tộc:
Thứ nhất là tu tại gia,
Thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa.

Tu của Ngài là con đường trọn đạo làm cha, làm con, làm anh em chú bác. Tu của Ngài là cách thế cụ thể tích cực để trọn đạo làm người, làm dân, làm kẻ đồng bào với nhau. Giáo Chủ cắt nghĩa về sự để tóc của ngài: “Sở dĩ Thầy để tóc là muốn giữ kỷ niệm cái phong tục cổ của Tổ Tiên, và tỏ cho thiên hạ biết Thầy không chịu ảnh hưởng của cái đời văn minh vật chất Tây phương”. Vì thế mà Giáo Chủ để tóc, nhiều tín đồ noi gương để tóc, Giáo Chủ nhận định rõ: “Tu là tu, để tóc là để tóc, và tu không phải là để tóc, để tóc cũng không phải là tu. Nếu để tóc mà không chịu trau tâm sửa tánh, cũng chẳng phải là tu hành’’. (**)

Con đường tu hành của Giáo Chủ là “tu nhà tu chợ” nghĩa là tu từ bản thân tu trong gia đình và ở đời, không hình thức, không câu nệ. Tu chủ ở chữ HÒA làm gốc. Đối với nhân sanh, đối với các tôn giáo khác không cùng con đường tu đạo của mình, thì đều phải lấy chữ HÒA làm gốc cho mọi xử thế: “Không nên đụng chạm đến cách thức tu hành của họ. Nhứt là không ỷ đông hiếp đáp nói xấu người ta. Nếu họ có làm dữ với mình, thì mình cũng chẳng được phép vì sự dữ của họ mà trả thù, và phải luôn luôn làm lành với họ”. (***)

Hiếu hòa là nền tảng của tư tưởng và hành động Việt Nam. Nghiên cứu thần tích từ 34 ngôi đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở miền Bắc, tất cả ta có thể rút lại một khuôn thước: Nhân Ái Hòa Bình. Hiếu hòa là cội gốc của nhân sinh.

Thế nào là Việt tính? Hiếu hòa và Nhẫn là Việt tính. Vì hiếu hòa mà dân ta ăn ở theo đạo trung dung. Ngay trong việc cưới xin người Việt cũng rất linh động. ở một giai cấp quyền quý mới xẩy ra những chuyện “cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó”, và theo cái tôn chỉ hà khắc “môn đăng hộ đối”, trong khi đại đa số không như vậy, cha mẹ để tùy con mà con cũng để tùy cha mẹ. Hai bên tùy lẫn nhau, không có sự cưỡng ép. Mặc dù dưới những khuôn thước khắc nghiệt của Nho giáo, và mặc dầu trong một xã hội đã tha hóa mục nát dưới thời lệ thuộc Tây phương, đa số dân Việt vẫn linh động tùy nghi mà không ép buộc quá đáng. Danh giáo thì buộc người ta phải nhắm mắt theo cha mẹ định đoạt, nhưng trong thực tế đại đa số cha mẹ vì thương con, vì cái bản chất tùy nghi của người Việt, nên đều theo con đường trung dung. Từ những điểm tưởng rằng bình thường song Huỳnh Giáo Chủ đã đưa lên như một tôn chỉ căn bản. Về hôn nhân, cội nguồn của nhân sinh Huỳnh Giáo Chủ quan định: “Bổn phận cha mẹ phải chọn lựa đôi bạn cho con một cách xứng đáng, bằng sự quan sát tường tận về đức tánh đôi trai gái. Không nên ép uổng con mình quá đáng, vì như thế làm cho khốn khổ nó về sau, nhưng cũng không nên để chúng quá tự do mà thiếu sự kinh nghiệm, làm cho đời chúng phải hư hỏng”. (*)

Con đường trung đạo của Giáo Chủ là ở điểm quan trọng từ nơi hôn nhân, từ một căn bản “đạo của người quân tử bắt nguồn từ đạo thất phu thất phụ, nghĩa là từ đạo vợ chồng” (Quân tử đạo dĩ tạo đoan hổ phu phụ). Đạo vợ chồng khởi từ hôn nhân thì không ép buộc quá đáng, cũng không để tự do quá đáng. Triết lý Việt Nam vốn ở chữ Tùy, chữ trung dung, tránh sự quá đáng, vì đã quá đáng thì tự nhiên sẽ tạo nên sự mất quân bình và là nguyên ủy của sự bất hòa.

Nói một cách tổng quát, con đường tu đạo của Huỳnh Giáo Chủ xây trên cơ bản Việt tính Việt tình, do đó mà từ trong tư tưởng Giáo Chủ đã thể hiện rõ cái nguồn rực sáng của dân tộc, nguồn Lạc Hồng, và nguồn của chủng tộc.

CAO THẾ DUNG
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn