7- PGHH Như Một Vân Động Dân Tộc, PGHH Và Chủ Trương Chấn Hưng Xã Hội, Phạm Cao Dương

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 82432)
7- PGHH Như Một Vân Động Dân Tộc, PGHH Và Chủ Trương Chấn Hưng Xã Hội, Phạm Cao Dương
Ông Phạm Cao Dương nguyên là Giáo sư Sử học tại Đại học Sư phạm và Văn Khoa Saigon

Trong những vận động giải phóng và phát triển dân tộc, thuộc tiền bán thế kỷ 20, vận động của Phật Giáo Hòa Hảo có thể nói là ít được người ta chú ý tới, đặc biệt là đối với các nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam hiện đại. Có nhiều nguyên nhân. Trước hết, các cuộc võ trang kháng chiến chống Pháp, các phong trào Đông Du, Duy tân, Đông Kinh Nghĩa Thục và sau này là cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quốc Dân Đảng, các hoạt động của các nhóm Cộng Sản. Trong phạm vi lịch sử, các phong trào chấn hưng Phật giáo ở các thành thị và trong hàng ngũ các nhà trí thức, các nhà tu hành uyên thâm, các vận động văn học mới như vận động của các nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong... Trong phạm vi văn hóa, nhờ ồn ào hơn, mãnh liệt hơn, đã làm lu mờ mọi cố gắng của đồng bào ta ở nông thôn, nhứt là nông thôn ở những nơi như miền Tây đồng bằng sông Cửu Long. Một mặt khác, các công trình nghiên cứu, viết lách trong suốt thời gian của lịch sử nằm hoàn toàn trong tay các nhà trí thức mới, những người được đào tạo bởi nền giáo dục mới ở trong nước hay ở ngoại quốc. Cuộc sống của họ phần lớn gắn bó với các thành thị. Mọi liên hệ với cuộc sống nông thôn của các nhà trí thức xưa kia không còn nữa. Nông thôn đã trở thành nhà quê, lạc hậu và bị coi rẻ. Cuối cùng là bản tính vọng ngoại cố hữu của giới trí thức Việt Nam, bản tính này đã đưa họ đến chỗ tôn thờ những gì của ngoại quốc và chỉ chú trọng tới những gì nguyên thủy của người ngoại quốc hay do người ngoại quốc làm ra. Hậu quả là trong suốt ba chục năm đấu tranh giải phóng dân tộc, đâu đâu người ta cũng nói tới sự quan trọng của nông thôn, coi nông thôn như mục tiêu chính yếu của mọi giải pháp, nhưng tất cả đều do thành thị nắm vai trò chủ động, còn nông thôn thì hoàn toàn thụ động, bị cưỡng bách hay bị lừa nhận lãnh sự chủ động của thành thị. Sự kiện này đã xảy ra không riêng gì cho hàng ngũ những người quốc gia mà luôn cả ở những người Cộng sản. Hậu quả là những giải pháp được đưa ra hoặc không thích hợp với quần chúng nông thôn, nên không được nông thôn nhiệt tình hưởng ứng, hoặc mang nặng tính chất lừa bịp nên chỉ được nông thôn ủng hộ lúc đầu sau đó đã trở thành những công cụ của những lớp cường hào, quan lại mới.

Phật Giáo Hòa Hảo nói riêng và những vận động của Phật giáo ở miền Tây đồng bằng sông Cửu Long nói chung là những vận động hiếm hoi phát xuất từ nông thôn Việt Nam và hướng vào quần chúng nông thôn. Những vận động này không đặt trọng tâm chung quanh những ngôi chùa lớn, do những tu sĩ có học vấn uyên thâm hay các trí thức ở các thành thị và các kinh điển cao siêu bằng chữ Hán như các vận động chấn hưng Phật giáo khác. Đó cũng không phải là những vận động khởi xướng bởi các thành phần công chức, trí thức, tiểu tư sản ở các thành thị. Về nội dung, các vận động này cũng không chú trọng nhiều tới những định chế, những kinh điển, đặc biệt là những định chế Xã hội và Kinh tế như các vận động chính trị và xã hội khác, từ đó đưa tới những căm thù, chia rẽ giữa các giai cấp và đấu tranh cách mạng sắt máu. Con người ở đây được coi là yếu tố căn bản, và cải cách ở đây được nhắm tới con người, những con người nông thôn ôn hòa chất phác. Các xã hội Việt Nam cổ truyền chưa chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, chưa có những kinh nghiệm trực tiếp với những tiến bộ văn hóa Tây phương, chưa có những kinh nghiệm trực tiếp với những tiến bộ văn minh vật chất của các thành thị. Những đặc tính này đã được biểu lộ trong những bài Sấm Giảng của Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ với những lời lẽ vô cùng giản dị mộc mạc bình dân mà các nhà phê bình văn học với quan niệm cố định về lượng giá tác phẩm văn học theo các tiêu chuẩn cũng cố định sẵn, chắc chắn sẽ bỏ qua một bên, sau khi đọc một hai trang đầu. Đối với các học giả ngoại quốc, Phật Giáo Hòa Hảo, với một quá khứ chưa đủ lâu dài để hấp dẫn, những kinh điển lại không biểu dương màu sắc của những triết lý hữu danh, không có những ngôi chùa hay Tòa thánh vĩ đại, cho nên từ đó không có sức thu hút như các tôn giáo khác.

Về phương diện chính trị, trong hơn hai chục năm qua, kể từ ngày nền Cộng Hòa được thành lập ở Miền Nam, Phật Giáo Hòa Hảo, được người ta chú trọng tới nhiều hơn, nhưng đó chỉ là những chú trọng có giới hạn, người ta đã nhìn Phật Giáo Hòa Hảo như một thế lực chính trị cục bộ của miền Tây, đồng bằng Cửu Long, chứ chưa nhìn đại cộng đồng này như một tập thể văn hóa, xã hội có một tầm quan trọng quốc gia, chiến lược và lâu dài. Người ta đã đến với Phật Giáo Hòa Hảo để tìm kiếm những thế liên kết cho các cuộc bầu cử, để tìm hậu thuẫn cho những mưu toan chính trị hơn là để tạo một tương lai lâu dài và phát triển dân tộc. Ngay trong phạm vi tôn giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, mặc dù cũng là Phật Giáo nhưng vẫn bị nhìn như một giáo phái địa phương riêng biệt trong những vận động thống nhứt của Phật Giáo Việt Nam.

Toàn bộ tình trạng kể trên, phải nói là đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới những diễn tiến lớn lao đã xảy ra trong lịch sử nước nhà trong suốt hơn hai mươi năm qua và luôn cả trong hiện tại. Sự thiếu chú trọng đúng mức tới Phật Giáo Hòa Hảo biểu lộ cho những sai lầm của giới trí thức Việt Nam nói riêng và cả tập thể các nhà lãnh đạo Việt Nam nói chung.

Cách mạng, cải cách hay gì gì đi chăng nữa mà chỉ thực hiện, bằng sự nhập cảng máy móc các tư tưởng, các định chế, các kế hoạch, luôn cả các tín ngưỡng, sản phẩm của các xã hội bên ngoài, chắc chắn không thể nào thành công được. Cần phải có những cố gắng lớn lao để thích ứng những gì muốn du nhập với hoàn cảnh của đất nước của dân tộc—ở đây là đại đa số quần chúng ở nông thôn—đồng thời sửa soạn cho đám đông, quần chúng chấp nhận và hòa hợp với những gì được coi là mới mẻ ấy. Trường hợp của Phật Giáo Hòa Hảo là trường hợp tự phát và tự cứu của quần chúng nông thôn miền Tây đồng bằng Cửu Long, tiếc thay nó đã bị đánh giá quá thấp. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, trước những thất bại nặng nề và thảm hại của chế độ Cộng sản, một sự xét lại vẫn chưa phải là muộn.

PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ CHỦ TRƯƠNG CHẤN HƯNG XÃ HỘI
Nguyên văn bài thuyết trình đọc tại Đại lễ kỷ niệm 44 năm ngày khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo, 26-6-1983, tại Huntington Beach, California.

Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật Giáo nói riêng trong những năm cuối của thời kỳ Pháp thuộc, đúng hơn là trong hai thập niên ba mươi và bốn mươi, đã được đánh dấu bởi hai biến cố vô cùng quan trọng. Đó là sự phát sinh của phong trào chấn hưng Phật Giáo truyền thống, và sự hình thành của Phật Giáo Hòa Hảo. Cũng là Phật Giáo,nhưng hai phong trào này đã có những hoàn cảnh xuất hiện khác nhau, những chủ trương khác nhau, những đường hướng khác nhau, những điều kiện phát triển khác nhau, do đó, đã mang lại những thành quả khác nhau. Có điều cả hai đều đã góp những phần vô cùng tích cực vào sự hình thành của một nền Phật Giáo Việt Nam thuần túy sau khi tôn giáo này đã du nhập vào nước ta từ hơn mười thế kỷ.

Bắt nguồn từ phong trào chấn hưng Phật giáo bên Trung Quốc, đồng thời cũng là một phản ứng của các tăng sĩ và cư sĩ Việt Nam trước tình trạng thoái hóa của Phật Giáo ở nước ta, từ nhiều thế kỷ trước, trước những lấn át của Nho Giáo, đặc biệt là trong thế kỷ mười chín, dưới thời nhà Nguyễn cũng như dưới thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ mà theo Thượng tọa Mật Thể, “từ trên vua cho đến thứ dân, ai ai cũng an trí đạo Phật là cúng cấp, cầu đảo chứ không biết gì khác nữa”, trong khi đó thì tăng đồ “lần lần sa vào con đường trụy lạc, cờ bạc, rượu chè, đàn trước thanh sắc”, “đã có vợ con một cách công nhiên, không còn áy náy”, riêng ở Nam Kỳ thì ông thầy, bà vãi lại còn hỗn độn hơn nữa, và “cái cảnh chùa trong nước đã thành những gia đình riêng, không còn gì là tính cách đoàn thể của một tôn giáo nữa” (*). Tuy nhiên vì chỉ nhằm chấn hưng Phật Giáo thuần túy, các nhà chủ trương phong trào này đã đặt trọng tâm của mọi cố gắng vào việc tìm hiểu, phiên dịch sang quốc ngữ để phổ biến các kinh điển đạo Phật từ chữ Phạn hay chữ Hán cho các tăng sĩ và cư sĩ. Công việc này tất nhiên đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự đóng góp của nhiều người, chưa kể, cũng theo Thượng Tọa Mật Thể, “dân tình tồi bại, điêu tàn của ngày qua vẫn còn lưu hành lại rõ rệt và có thế lực” (tr.227). Chính vì vậy hơn mười năm, tức khoảng 1942, khi Thượng tọa hoàn thành tác phẩm của Ngài “chưa hội nào làm được việc gì có vẻ đỉnh cách cho nền Phật Giáo cả” và chấn hưng mới chỉ là “hình thức và danh hiệu”, lời Thượng tọa. Người ta phải đợi đến nhiều chục năm nữa, sang các thập niên sáu mươi và bảy mươi, một nền quốc học Phật Giáo mới thực sự khởi sắc và phát triển. Người Phật tử Việt Nam xuyên qua các bản dịch các kinh sách từ chữ Hán hay chữ Phạn sang tiếng Việt, và những sự giảng giải cặn kẽ của các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tinh thâm cả ba thứ tiếng, đã có thể trực tiếp đi xa hơn vào nền triết học sâu thẳm và bao la của nhà Phật, với tâm hồn và những tình cảm của con người Việt Nam thuần túy. Những công lao và những thành quả này, lịch sử văn hóa Việt Nam trong tương lai chắc chắn sẽ phải ghi nhận.

Phật Giáo Hòa Hảo trái lại, tuy một mặt cũng chú trọng tới sự suy đồi của Phật Giáo ở trong nước, điển hình là ở các chùa chiền hay trong hàng ngũ các tăng đồ mà người ta có thể thấy được rất nhiều trong các Sấm Giảng của Đức Thầy. Chẳng hạn như:
Trong sáu tỉnh nhiều điều tà mị,
Tu hành mà vị kỷ quá chừng.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 164-165) hoặc:
Ghét những kẻ tu hành bốc xước,
Miệng kêu gào chuyện phước bề ngoài.
Bước vào chùa thấy Phật lạy dài,
Lui khỏi cửa ra tay cấu xé.
(Giác Mê Tâm Kệ, câu 299-302)
hoặc:
Thấy dương gian lường gạt Thánh Thần,
Mà chua xót cho đời Ngươn Hạ
(Giác Mê Tâm Kệ, câu 309-310)
hoặc:
Thấy chúng tăng làm chuyện quái kỳ,
Ta khuyên mãi cũng không chịu bỏ.
(Giác Mê Tâm Kệ, câu 317-318)
Lý do là vì:
Rừng kinh kệ ít người hay chữ,.
Quá mắc mỏ bởi chưng Phạn Ngữ.,
Nên người đời khó kiếm cho ra,
Mõ chuông bày, đọc tụng ó la,
Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa lý.
(Giác Mê Tâm Kệ, câu 13-16)

Nhưng Đức Thầy đã không chỉ chú trọng tới sự suy đồi của Phật Giáo mà thôi, Ngài còn chú trọng nhiều hơn tới tình trạng suy đồi của toàn thể xã hội Việt Nam về nhiều phương diện, trong đó có sự suy đồi của cuộc sống đạo đức theo quan niệm bình thường và theo quan niệm của Khổng Giáo. Ưu tư về sự suy đồi của đạo đức xã hội này đã được Đức Thầy nói tới rất nhiều trong Sấm Giảng. Suy đồi trong quần chúng cũng như suy đồi trong hàng ngũ giới trí thức mới, trong giới trẻ cũng như giới già. Một sự suy đồi đến độ cùng cực khiến cho Đức Thầy phải than rằng:
Chẳng có người nào tu niệm hiền lương.
(Sấm giảng Khuyên Người Tu Niệm, câu 768)
vì bá tánh thì “nghinh tân yểm cựu”
Phụ mẹ cha khinh rẻ Phật Trời,
Chẳng có kể công sanh, dưỡng dục.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 83-84)
Văn minh sửa mặt sửa mày,
Áo quần láng mướt ngày rày ăn chơi.
Dọn xem hình vóc lả lơi,
Ra đường ăn nói những lời nguyệt hoa.
Trong tâm nhớ những điều tà,
Lời ăn tiếng nói thật là quá lanh.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 580-785)

Trong khi giới trí thức cũ cũng như mới cũng chẳng có gì hơn. Vì trí thức cũ thì:
Thấy đời ta cũng héo von,
Học Nho mà chẳng làm tròn nghĩa nhơn.
Khoe mình chẳng có ai hơn,
Nhờ làm thuốc Bắc đỡ cơn túng nghèo.
Hiền nhơn chẳng chịu làm theo,
Đợi ai có bịnh túng nghèo chẳng tha.
Hốt thời cắc bảy, cắc ba,
Nó đòi năm cắc người ta hoảng hồn.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 305-312)
còn trí thức mới thì:
Mấy anh thầy thuốc Lang-sa,
Cũng là mổ mật người ta lấy tiền.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 314-315)

Tất cả đã bắt nguồn từ sự suy thoái chung của một xã hội lệ thuộc ngoại bang, nguyên do chính yếu mà Đức Thầy đã nhấn mạnh bằng một quyết định liên hệ đến bản thân mình, quyết định để tóc dài. Quyết định này đã được Ngài giải thích rất rõ, kèm theo với quan niệm tu đạo của Ngài:

Sở dĩ Thầy để tóc dài là muốn giữ kỷ niệm với cái phong tục cổ của Tổ Tiên và tỏ cho thiên hạ biết Thầy không chịu ảnh hưởng cái đời văn minh cặn bã của phương Tây. Thấy vậy nhiều người trong bổn đạo yêu mến Thầy liền bắt chước, vì thế số đông người hiểu lầm rằng để tóc là tu. Thật ra tu là tu, để tóc là để tóc, và tu không phải là để tóc, để tóc không phải là tu. Nếu để tóc mà không chịu trau tâm sửa tánh cũng chẳng phải là kẻ tu hành. Từ rày trở đi đã thoát được ách người Pháp và tùy theo phong trào tiến hóa của nước nhà, Thầy cho phép bổn đạo tự do cải cách hầu hòa hợp với lương dân cùng tôn giáo khác. (*)

Vì nhận định một cách rộng rãi như vậy, Đức Thầy và Phật Giáo Hòa Hảo đã không giới hạn các cố gắng của mình trong phạm vi Phật Giáo thuần tuý mà đã hướng tất cả vào một phong trào to lớn hơn, quan trọng hơn và phức tạp hơn. Đó là phong trào phục hưng toàn quốc xã hội Việt Nam, ít ra là miền châu thổ sông Cửu Long, về mọi phương diện tôn giáo, chính trị, văn hóa và xã hội, đặt trên căn bản phục hưng con người Việt Nam truyền thống. Những chất liệu mà Đức Thầy và Phật Giáo Hòa Hảo đã lấy ra để xây dựng nền lý thuyết cho đạo mình hoàn toàn tại chỗ, hoàn toàn Việt Nam, Việt Nam một cách đơn sơ, thuần hậu, không cầu kỳ, không trí thức đến độ kiểu cách, không quá sâu sắc đến độ bí ẩn. Tất cả đều rút tỉa từ cuộc sống bình dị của người nông dân miền Nam, từ những căn bản Khổng Giáo hay Phật Giáo đã được dân tộc hóa và được trộn lẫn vào nhau trong một tinh thần cởi mở tự nhiên để đón nhận mọi tinh túy từ bốn phương không chút mặc cảm. Về phương diện này người ta có thể nói rằng Phật Giáo Hòa Hảo là một kết tinh trọn vẹn nhất của văn hóa dân tộc và là một trong những biểu dương trọn vẹn nhất của truyền thống vì trong Phật Giáo Hòa Hảo người ta có thể tìm thấy được những màu sắc Khổng Giáo trong đời sống đạo đức hàng ngày, những tín ngưỡng Phật Giáo và thờ cúng tổ tiên trong sinh hoạt tôn giáo, và tình tự quê hương dân tộc trong cuộc sống tình cảm. Trong những lời dạy của Đức Thầy, người ta thấy Đức Thầy đã nhắc tới các Thánh Hiền, tới Khổng Mạnh một cách vô cùng tự nhiên coi như tài sản quý báu chung của dân tộc:
Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,
Sách Thánh Hiền dạy đạo làm người.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 62-63)
hoặc:
Trai trung liệt đáng trai hiền thảo,
Gái tiết trinh mới gái Nam trào,
Lời Thánh Hiền để lại biết bao,
Sao trai gái chẳng coi mà sửa.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 21-25)
và:
ở chòm xóm đừng cho nhơ bợn,
Ráng giữ gìn phong hóa nước nhà,
Câu tam tòng bạn gái nước ta,
Chữ hiếu nghĩa trẻ trai cho vẹn.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 200, 203)

Chính vì những đặc tính kể trên, Phật Giáo Hòa Hảo đã đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội miền Nam vào lúc chế độ thuộc địa của người Pháp tan rã và đất nước chuyển mình. Chúng giải thích tại sao chỉ trong một thời gian ngắn tôn giáo này đã vượt được những thờ ơ, lạnh nhạt, kể cả chế riễu mà Huỳnh Giáo Chủ đã gặp phải trong mấy ngày đầu truyền đạo của Ngài, để tiến đến chỗ trở thành một tôn giáo quan trọng vào bậc nhất ở Việt Nam với hơn hai triệu tín đồ trong những năm đầu của thập niên bảy mươi. Tôi nói những năm đầu của thập niên bảy mươi vì từ sau năm 1975, biết đâu chẳng có thêm nhiều người theo đạo. Theo vì bản chất chống Cộng của Phật Giáo Hòa Hảo và theo vì với quan niệm tu đạo đơn giản không cần chùa chiền, không cần bàn thờ tượng Phật, không cần chuông mõ, mọi sự đàn áp, dẹp bỏ trong những điều kiện này rất khó thực hiện, trừ người ta dẹp bỏ luôn chính con người của Phật Giáo Hòa Hảo, một điều không thể thực hiện được. Nói cách khác, nếu trong thời gian Pháp thuộc và trong những năm hậu Pháp thuộc, Phật Giáo Hòa Hảo đã là một giải đáp cho xã hội nông thôn Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long, thì sau năm 1975, Phật Giáo Hòa Hảo cũng phải là một giải pháp cho một xã hội bị đô hộ bởi chủ nghĩa Cộng sản.

PHẠM CAO DƯƠNG
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn