6- Những Khía Cạnh Văn Hoá

21 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 89652)
6- Những Khía Cạnh Văn Hoá
NHỮNG KHÍA CẠNH VĂN HOÁ

Bởi vì tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ hướng về đối tượng quần chúng bình dân — và đó là dụng ý rõ ràng của Giáo Chủ, cho nên các giới văn học Việt Nam có vẻ như không lưu tâm tìm kiếm những giá trị văn hóa trong sấm giảng thi văn Phật Giáo Hòa Hảo

Từ trước đến nay, giới khoa bảng Việt Nam thường xem Phật Giáo Hòa Hảo như một “Tôn giáo Nhà quê”, giới chính trị thường xem Phật Giáo Hòa Hảo như một quần chúng hậu tiến. Đó cũng là lối nhìn của đô thị đối với nông thôn, phát xuất từ khuynh hướng “tống Cựu nghinh Tân” của phái Tân học nghiêng về văn minh Tây phương. Cũng là khuynh hướng thời đại của thế kỷ 20: Khuynh hướng bỏ nông thôn về thành thị mà hệ luận đương nhiên là thành thị lãnh đạo nông thôn.

Khuynh hướng bỏ nông thôn về thành thị tại các quốc gia phát triển, khế hợp với tiến trình cơ giới hóa, kỹ nghệ hóa, hoán chuyển nền kinh tế nông nghiệp sang kỹ nghệ, và do đó, chuyển dụng khối nhân lực từ khu vực đệ nhứt qua các khu vực đệ nhị và đệ tam.

Nhưng tại Việt Nam, trạng thái bỏ nông thôn về thành thị đã không phát triển theo tiến trình bình thường đó. Nông thôn chịu đựng chiến tranh nặng nề nhứt, hy sinh nhiều và người nông dân bỏ nông thôn lên thành thị phần nhiều vì lý do an ninh.

Trong khi nông dân từ các vùng nông thôn khác bỏ làng về đô thị, thì đặc biệt tại các tỉnh miền Tây, người nông dân Phật Giáo Hòa Hảo vẫn kiên trì bám lấy đồng ruộng, dù có phải tự lực chiến đấu cho sự an ninh của ấp mình, xã mình. Do đó, trong khi nông dân các vùng khác chuyển mình gia nhập khối dân đô thị, thì khối nông dân Phật Giáo Hòa Hảo vẫn bảo tồn giá trị cố hữu là nông dân.

Khối dân đô thị càng tăng gia các sinh hoạt chính trị, văn hóa càng quy tụ ở đô thị, phát xuất từ đô thị, mang nặng sắc thái đô thị. Trong trạng huống đó, cố nhiên Phật Giáo Hòa Hảo không có sự lưu ý của giới khoa bảng, văn học.

Vì không lưu ý, nên không tìm đọc, không tìm hiểu chu đáo, cho nên những sắc thái văn hóa trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo thể hiện qua khối lượng văn chương bình dân nhưng vĩ đại và sâu sắc của Huỳnh Giáo Chủ đã chỉ được xem như là gia tài của Phật Giáo Hòa Hảo, chớ không phải gia sản chung của dân tộc. Tư tưởng Huỳnh Giáo Chủ ngoài sắc thái tôn giáo còn rất phong phú về các sắc thái văn hóa để thành một phần của GIA TÀI VĂN HÓA DÂN TỘC.

Nghiên cứu sâu rộng, sẽ tìm thấy trong gia tài văn hóa ấy những giá trị cổ truyền của văn hiến Việt, những bản sắc và đặc tính dân tộc Việt, những tinh hoa Tam giáo Đông phương đã được dung nạp, tiêu hóa để trở thành các sắc thái văn hóa Việt, những công thức phối hợp văn minh đạo học Đông phương với văn minh kỹ thuật Tây phương để xây dựng một xã hội Việt tương lai, tiến bộ mà không vô luân, để xây dựng một mẫu người Việt gồm các đức tính căn bản, quân tử của Nho giáo, bất vụ lợi của Lão giáo, đại trượng phu của Phật Giáo, thực tế của Tây phương... Sẽ tìm thấy một vũ trụ quan, một nhân sinh quan Việt, để không phải nhắm mắt cuồng tín vào các loại học thuyết Duy vật, từ thuyết nhân chủng Khỉ tổ của Darwin tới thuyết Cộng Sản Tam vô của Karl Marx... Cũng sẽ tìm thấy một triết lý căn bản và công thức thực hiện của một thế giới Đại đồng thực sự hạnh phúc cho nhân loại.

Những giới lưu tâm đến phong trào Phật Giáo Hòa Hảo để tìm hiểu về nguồn gốc, tư tưởng và ảnh hưởng của tổ chức này trong lịch sử cận đại Việt Nam, sẽ tìm gặp trong mấy trăm trang của các tác phẩm bình dân mà Huỳnh Giáo Chủ sáng tác từ 1939 đến 1947 những tư tưởng cao đẹp xuất chúng.

Cố nhiên, văn hóa là một phạm trù rộng lớn bao trùm hầu hết các sinh hoạt của con người và xã hội, cho nên muốn trình bày về “giá trị văn hóa” của tư tưởng Phật Giáo Hòa Hảo đòi hỏi một công trình nghiên cứu sâu rộng. Trong chương “Tư tưởng” này, người viết chỉ trích dẫn một số quan điểm của các giới bên ngoài nhìn vào Phật Giáo Hòa Hảo với cái nhìn khách quan, trên một số khía cạnh mà họ lựa chọn.

Đoạn văn trích ra sau đây của tác giả Lý Khôi Việt, một trí thức trẻ nhận xét về giá trị tư tưởng dân tộc nhân bản của Huỳnh Giáo Chủ:

... Tại sao cuộc cách mạng dân tộc Nhân chủ đã họp nhất thành một dòng cách mạng toàn diện và nhất quán? Bởi vì đã có ít nhất ba con người Việt kỳ-vĩ đã họp nhất được cuộc cách mạng dân tộc và cuộc cách mạng nhân chủ. Ba con người đó là THIỀN SƯ VẠN HẠNH, LÝ ĐÔNG A và HUỲNH PHÚ SỔ. Tuy cách nhau 10 thế kỷ, nhưng họ đã gặp nhau, và qua sự gặp gỡ này, cuộc cách mạng dân tộc và nhân chủ đã trở thành một dòng cách mạng toàn diện và nhất quán. Cũng như thiền sư Vạn Hạnh, Lý Đông A và Huỳnh Phú Sổ đã gặp nhau vì cùng chung một tuệ giác, một linh thức, một thần trí, một hùng tâm. Đó là tuệ giác Phật, linh thức Phật, thần trí Việt và hùng tâm Việt.

... Sang đến thế kỷ 20, sau thiền sư Vạn Hạnh hơn 900 năm, Việt Nam đã thấy xuất hiện ba nhân vật lớn là PHAN BỘI CHÂU, LÝ ĐÔNG A và HUỲNH PHÚ SỔ. Nhưng Phan Bội Châu chỉ đi trên con đường dân tộc và chỉ đi được một đoạn đường khai phá. Sự nghiệp của Phan Bội Châu để lại bây giờ là một tiết tháo Việt, một kinh nghiêm cách mạng Việt, và một niềm thương cảm cho mọi người Việt. Đi sau, nhưng cao lớn hơn Phan Bội Châu là Huỳnh Phú Sổ và Lý Đông A.

Huỳnh Phú Sổ, một nhà cách mạng dân tộc, người sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo, là một thiền sư tuyệt hảo. Nhưng Huỳnh Phú Sổ đã mang tâm thức và hình tướng cư sĩ của Duy Ma Cật, của Tuệ Trung đã “tùy tục” đã đi vào đời, đã sống giữa thế gian bụi bặm đau khổ để cứu dân, cứu nước. Lý Đông A, một nhà cách mạng dân tộc, sáng lập chủ thuyết Duy Dân và Đảng Duy Dân, cũng là một thiền sư, đã ở chùa và mặc áo nâu sồng trong nhiều năm, nhưng rồi cũng xông pha vào cuộc đời gió bụi để thực hiện cuộc cách mạng dân tộc nhân chủ. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đất nước bị nô lệ, dân tộc lầm than, đau kho1ng A đã ôm mộng giải phóng quê hương và đã “cởi áo cà sa mặc chiến bào”, lên đường lớn cấp cứu và giải phóng dân tộc. Nhưng Lý Đông A vẫn tự nguyện với lòng rằng ngày nào làm tròn giấc mộng ấy thì sẽ trở lại hang sâu nhập Niết bàn:

Làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy,
Vào đến hang sâu nhập Niết bàn.
(Thơ Lý Đông A)

Vì mang Nợ nước Thù nhà, Huỳnh Phú Sổ cũng một tâm thức và sống trong cùng một thời đại với Lý Đông A, cũng đã “cởi áo cà sa mặc chiến bào” để lên đường ra trận giải phóng đất nước. Nhưng cũng như Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ tự nguyện ngày nào tan giặc sẽ trở về mái chùa xưa, sống đời đạo hạnh giải thoát:

Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha

Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô...
(thơ Huỳnh Phú Sổ)

Cùng một Tuệ giác Phật, một tâm thức Phật, một thần trí Việt, một hùng tâm Việt, Huỳnh Phú Sổ và Lý Đông A cùng hùng tráng ra đi trên con đường cách mạng dân tộc nhân chủ và tiếp nối được con đường siêu việt mà thiền sư Vạn Hạnh đã đi trước đó gần 10 thế kỷ, đồng thời đã mở ra được cho tất cả chúng ta một cuộc hành trình cách mạng thế nhập toàn diện tinh thần Việt Nam và tinh thần Phật Giáo.

Huỳnh Phú Sổ và Lý Đông A đều vừa là nhà tư tưởng, vừa là nhà hành động. Nhưng đối với Huỳnh Phú Sổ, tư tưởng cách mạng dân tộc nhân chủ, từ suối nguồn Việt Nam và đạo Phật đã được thể hiện qua thi ca, đặc biệt là thơ lục bát, một thể thơ Việt độc sáng và tuyệt vời nhất, diễn tả được sức sống vô cùng vô tận không bao giờ dứt của giống nòi; vì vậy nên đã đi thẳng vào muôn lòng, thấm sâu vào nhân gian. “Lập Ngôn” bằng thơ, dễ thích hợp và đi sâu vào quần chúng bình dân, mặt khác Huỳnh Phú Sổ về mặt hành động, đã đi vào việc “Lập Giáo” để bám rễ, phát triển, và duy trì sâu rộng, lâu dài trong lòng dân tộc. Ông đã thành công trong việc khai sinh Phật Giáo Hòa Hảo, là một tôn giáo dân tộc, dân tộc trinh nguyên và trong trắng, với hơn hai triệu tín đồ nhiệt thành, trung kiên. Đó là một trong những lực lượng dân tộc hùng mạnh nhất và đáng tôn kính nhất.

Còn Lý Đông A, tư tưởng cách mạng dân tộc nhân chủ đã được thể hiện qua cách “Lập Thuyết” bằng hệ thống hóa và triết lý hóa tư tưởng dân tộc nhân chủ thành một bộ triết thuyết Duy Dân. Về mặt hành động, Lý Đông A đã lựa chọn con đường “Lập Đảng” và đã khai sinh Đại Việt Duy Dân Đảng, một đảng cách mạng dân tộc chân chính, và đó cũng là một trong những đảng cách mạng có tiết tháo và khí phách nhất.

Vạn Hạnh cũng như Huỳnh Phú Sổ và Lý Đông A đều là những người dân tộc và nhân chủ, và đều là những người phát khởi trào lưu cách mạng dân tộc nhân chủ trong thời đại của họ. Nhưng Vạn Hạnh cao siêu nhất, vi diệu nhất, đi đúng truyền thống Phật Giáo và Việt Nam nhất, đã không qua con đường Lập giáo hay Lập đảng, cũng không đi con đường Lập ngôn hay Lập thuyết, mà đã hành động một cách vô ngôn, vô tác, vô hình, vô tướng, vô công, vô danh, nên sự nghiệp của Vạn Hạnh để lại đã trùm cả dân tộc, sông núi, ngự trị cả dòng sinh mệnh Việt Nam và có giá trị trong hàng ngàn hay hàng vạn năm. Bởi vì sự nghiệp Vạn Hạnh đã trở thành sự nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, Huỳnh Phú Sổ, thấm nhuần tinh thần Đông phương, lại sống trong buổi giao thời, nên đã tùy duyên đi vào con đường lập ngôn và lập giáo theo một phương thức thích hợp với truyền thống Việt Nam. Bởi vậy sự nghiệp của Huỳnh Phú Sổ tuy không vĩ đại như sự nghiệp Vạn Hạnh nhưng đó cũng là một sự nghiệp lớn có giá trị trong hàng trăm năm hay hàng ngàn năm. Còn Lý Đông A, tuy cũng thấm nhuần tinh thần Đông phương, nhưng lại có tiếp thu tinh thần kỹ thuật Tây phương, lại trẻ tuổi hơn và có chu du ở nước ngoài, nên đã đi vào con đường lập thuyết và lập đảng. Tuy không thể nào so sánh được với Vạn Hạnh và tuy không thành công như Huỳnh Phú Sổ, nhưng đó cũng là một sự nghiệp lớn có giá trị hàng chục hay hàng trăm năm.

Tuy khác nhau trong hình tướng và trong mức độ thành tựu, nhưng Vạn Hạnh, Huỳnh Phú Sổ, Lý Đông A đều là những con người Việt Nam vĩ đại đã tụ hội và tổng hợp một cách độc sáng, xuất chúng suối nguồn văn hóa Việt Nam và suối nguồn văn hóa Phật Giáo (bao gồm tâm thức, tinh thần, tư tưởng và truyền thống...) Suối nguồn văn hóa Việt Nam có một tên khác gọi là Dân tộc, và suối nguồn văn hóa Phật Giáo có một tên khác gọi là Nhân chủ. Bởi vậy, ta gọi cuộc cách mạng của Vạn Hạnh, của Huỳnh Phú Sổ, của Lý Đông A là cuộc cách mạng dân tộc nhân chủ.

Con đường cách mạng toàn diện nhất quán này suốt hàng chục năm qua đã không ngừng được tiếp nối và triển khai bởi những người mang tâm thức Việt và ý thức Phật, dù họ đứng ở bất cứ vị thế nào và trong hình tướng nào.

Trên cuộc hành trình trở về Đông phương, ta đã gặp Đức Phật, trên cuộc hành trình trở về Việt Nam, ta đã gặp Vạn Hạnh, Huỳnh Phú Sổ, Lý Đông A. Và qua họ ta đã thấy cuộc hành trình Cách mạng Dân tộc Nhân chủ. Đây chính là con đường của quá khứ vinh quang, của hiện tại vượt thoát và của tương lai tất thắng. Vừa là tất thắng của Việt Nam đối với những thế lực phi Việt, vừa là tất thắng của Con người Nhân chủ đối với những thế lực phi nhân.

Và đây không phải chỉ là chiến thắng của riêng Việt Nam, mà là chiến thắng của toàn nhân loại, không phải chiến thắng một thời, mà là chiến thắng muôn ngàn năm...

HUỲNH GIÁO CHỦ VÀ Ý THỨC MANH LIỆT VỀ THỐNG NHẤT VIỆT NAM

Tuy rằng vấn đề Độc lập và Thống nhất là vấn đề chính trị, nhưng về mặt ý thức, sự chấp nhận và niềm tin tưởng mãnh liệt của người tín đồ nông dân Phật Giáo Hòa Hảo rằng “Độc lập, Thống nhất là nhu cầu tất yếu của dân tộc”, là một ý thức văn hóa.

Một điều khá đặc biệt trong nếp suy nghĩ của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là họ không bị ảnh hưởng của chánh sách chia rẽ do thực dân Pháp đã thi hành tại Việt Nam. Pháp đã chia lãnh thổ Việt Nam thành ba Kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau: Bắc kỳ do một viên Thống sứ cai trị, Trung kỳ với một viên Khâm sứ, và Nam kỳ với một viên Thống đốc. Đối với Pháp, lãnh thổ Đông Pháp (tức Đông Dương thuộc Pháp) gồm năm đơn vị quốc gia: Cao Miên, Lào, Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ chớ không phải chỉ có ba quốc gia Việt, Miên, Lào. Trước 1945, người Việt tại Bắc kỳ muốn vào Nam kỳ phải xin cấp giấy thông hành như đi đến một quốc gia khác, như Cao Miên chẳng hạn.

Sau 1945, Pháp đối phó với ý chí thống nhất lãnh thổ của người Việt Nam bằng kế hoạch “Nam Kỳ Quốc”, thể hiện qua thái độ “sự thống nhất lãnh thổ Việt Nam phải do kết quả trưng cầu dân ý”, điều này hàm ý rằng Nam kỳ chưa được xem là một phần lãnh thổ Việt Nam. Thái độ này đã được Hồ Chí Minh chấp nhận trong hiệp ước sơ bộ 6-3-1946, nhưng lạ thay, người nông dân Phật Giáo Hòa Hảo lại triệt để chống đối ngay từ 1945.

Ý chí thống nhất lãnh thổ của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo được phân tích là một trạng thái tương phản với trình độ kiến thức của người nông dân miền Nam nói chung. Trước cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945, dân chúng thôn quê trong Nam thường có ý nghĩ khá mơ hồ về miền Trung, miền Bắc. Có người nghĩ rằng dân miền Nam là người Việt Nam, còn dân Trung, Bắc là “người Huế” hay “người Bắc”. Một vị văn thân bị Pháp biệt cư tại Long Xuyên (ông cử Côn) làm nghề Đông Y, được dân trong vùng kêu là “Ông Thầy Huế”, mặc dù ông là người gốc Bắc Việt (tác giả Nguyễn Hiến Lê nhận đây là cụ Cử Phương Hữu, người làng Phương Hữu, Bắc Việt, có họ hàng với tác giả — xem Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười). Dân trong Nam, kể cả người bình dân thành thị, thường gọi chung những người đi buôn bán bằng ghe bầu từ miền Trung vào, là “người Huế” dù rằng họ là người Phan Thiết, Nha Trang hay Quảng Nam, Quảng Ngãi chớ không phải là dân đất Thần Kinh.

Về mặt địa dư, giới quần chúng bình dân cũng không có quan niệm rõ rệt rằng lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả miền Bắc và miền Trung, có người nghĩ đơn giản rằng Việt Nam là Nam kỳ, hay ngược lại, Nam kỳ là Việt Nam. Cố nhiên, những người miền Nam có đến trường học, đều biết rằng dân tộc và lãnh thổ Việt Nam là một gồm cả ba kỳ Nam, Trung, Bắc. Ý thức phiến diện của người bình dân là do kiến thức mơ hồ của họ về lịch sử, địa dư và chủng tộc, lại thêm ý đồ của thực dân Pháp muốn tách Nam kỳ ra thành một quốc gia riêng biệt, mà ảnh hưởng lâu dài là vấn đề “Kỳ thị Nam Bắc” tuy giả tạo nhưng đã và vẫn còn ám ảnh sinh hoạt chính trị của miền Nam từ 1945 về sau.

Ngay trong những lúc mà vấn đề gọi là “kỳ thị Nam Bắc” ám ảnh chính trường miền Nam,—chỉ là một sự kiện giả tạo, ngộ nhạn—cũng không ảnh hưởng chút nào đến ý chí và chủ trương thống nhứt của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và đảng viên Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

Ý thức thống nhất này được hun đúc bằng những lời giảng của Huỳnh Giáo Chủ, trích ra một vài đoạn như sau:

Hãy tỉnh giấc hỡi muôn ngàn tráng sĩ,
Nhìn thời xưa hùng vĩ nước nhà ta.
Bắc Nam một giải sơn hà,
Mồ hôi giọt máu ông cha tài bồi. (*)

Mấy câu này mở đầu bài thơ “Gọi đoàn Tráng sĩ” Huỳnh Giáo Chủ viết vào tháng 4-1945 vừa khơi dậy tinh thần yêu nước vừa gây ý thức thống nhất lãnh thổ vì Bắc Nam là một giải sơn hà chung, mà tiền nhân đã đem bao xương máu mồ hôi để xây dựng tài bồi thành một giang sơn hùng vĩ.

Khi nói với nữ giới trong bài “Gọi đoàn Phụ nữ”, Huỳnh Giáo Chủ, ngay bốn câu đầu, đã gieo ý thức thống nhất:

Chị em ơi! Bắc Nam là một,
Chị em là rường cột giống nòi.
Giở sử xanh Nam Việt mà coi,
Gương Trưng Triệu còn roi muôn thuở. (**)

Ý thức “Bắc Nam là một” được lập đi lập lại nhiều lần ở nhiều bài khác nhau, người phụ nữ Phật Giáo Hòa Hảo khi đọc bài này, tự nhiên có niềm hãnh diện rằng mình là con cháu Bà Trưng Bà Triệu, hai vị nữ anh hùng đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc ở vùng lãnh thổ khởi đầu của Việt Nam (xưa là Nam Việt) tại miền Bắc xa xôi. Tuy xa xôi đó, mà vẫn liên hệ mậtvì Bắc Nam là một. Tuy bây giờ là người nông phu ở miền Nam nhưng đâu phải là sản phẩm riêng của miền đất mới, mà chính là thành phần bất khả phân với lịch sử, với miền Trung Bắc, với nguồn gốc liệt oanh của dòng dõi Trưng Triệu... Niềm hãnh diện đó chính là nền tảng của ý thức son sắt về thống nhất mà Huỳnh Giáo Chủ đã gieo rắc, xây dựng trong tâm hồn chất phác của người tín đồ bình dân.

Lúc đi khuyến Nông (1945), Huỳnh Giáo Chủ mở đầu bài “Khuyến Nông” bằng cách nhắc đến thảm cảnh đang diễn ra ngoài Trung Bắc:

Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!
Thần chết đã tràn vào Trung Bắc! (*)

và sau đó thiết tha kêu gọi người nông phu miền Nam:

Dầu những kẻ vô tình với nước,
Cũng tỉnh hồn mơ ước tự do.
Tiếng vang độc lập reo hò,
Từ Nam chí Bắc nung lò khí thiêng...
Nam kỳ đâu phải sống riêng,
Mà còn cung cấp cho miền Bắc Trung. (*)

Đó là Huỳnh Giáo Chủ đặt cho người nông phu mộc mạc, bình dân, tuy đã sống âm thầm khiêm tốn trong lũy cây xanh thôn dã miền Nam xa xôi, cũng phải ý thức nhiệm vụ đối với đồng bào ngoài Trung Bắc đang bị thần chết hăm dọa. Người nông phu đi cày cuốc, dãi dầu mưa nắng, tức là làm một loại công việc khổ nhọc thấp kém trong xã hội dưới cái nhìn của giới thành thị “văn minh”, nhưng lại được giảng dạy rằng mình đang làm một việc rất quan trọng cao cả là lo lắng cho đồng bào mình ở tận miền Trung Bắc xa xôi.

Kẻ phu-tá cũng là trọng trách,
Cứu giống nòi quét sạch non sông.
Một mai vác cuốc ra đồng,
Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai.
Mưa nắng ấy đâu nài thân xác,
Chí hy sinh dầu thác cũng cam.
Miễn sao cho cánh đồng Nam,
Dồi dào lúa chín gặt đam về nhà.
Chừng ấy mới hát ca vui vẻ,
Ai còn khinh là kẻ dân ngu.
Không đem được chút công phu,
Không đem sức lực đền bù nước non. (**)

Khi cuộc kháng chiến trở nên khốc liệt, vì thực dân Pháp dã tâm muốn đặt lại cái ách nô lệ, lập ra chế độ phân ly Nam Kỳ Quốc, Huỳnh Giáo Chủ viết bài ‘’Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh’’ (2-1946) với văn phong mãnh liệt hơn:

Lúc bây giờ muôn binh xâm lược,
Đang đạp vày non nước Việt Nam.
Thù riêng muôn vạn cho cam,
Cũng nên gác bỏ để làm nghĩa công.
Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống,
Tha thứ nhau để sống cùng nhau.
Quý nhau từng giọt máu đào,
Để đem máu ấy tưới vào địch quân. (*)

Những lời tha thiết nhưng đanh thép này được xem là những lời cảnh tỉnh gởi cho ông Hồ Chí Minh để cảnh cáo về những âm mưu độc tài đảng trị, tiêu diệt đối lập mà bọn cán bộ Cộng sản Đệ tam (Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai) đã thi hành trong miền Nam. Chính đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo đã là nạn nhân của chánh sách khủng bố, và hàng chục ngàn người đã bị Cộng sản sát hại kể từ cuộc biểu tình Cần Thơ 8-9-1945. Nhưng vì quyền lợi tối thượng của Đất nước, mọi nỗ lực phải hợp lại đối phó với quân đội thực dân Pháp đang hoành hành tại miền Nam, cho nên Huỳnh Giáo Chủ nêu cao ý thức “Lạc Hồng một giống” để nói cho ông Hồ Chí Minh biết rằng từ Nam ra Bắc phải một lòng để cứu nguy đất nước dân tộc, dù cho có dị biệt chủ nghĩa. Huỳnh Giáo Chủ vừa nói đến ý thức dân tộc, vừa nói đến ý thức thống nhứt, trong khi Hồ Chí Minh chỉ lo củng cố địa vị bằng cách thương thuyết với Pháp tại Bắc Bộ Phủ, bỏ rơi kháng chiến miền Nam, lại còn để mặc cho bọn Trần Văn Giàu thi hành độc kế sát hại người yêu nước không đồng chánh kiến!

Đồng bào nỡ giết nhau chi?
Bạng duật tương trì lợi lũ ngư ông.
Hỡi những kẻ có lòng yêu nước,
Nghe lời khuyên tỉnh được giấc mê.
Anh em lớn nhỏ quay về,
Hiệp nhau một khối chớ hề phân ly.
Đả đảo bọn Nam kỳ nô lệ,
Kiếp cúi lòn thế hệ qua rồi.
Lời vàng kêu gọi khắp nơi,
Anh em chiến sĩ nhớ lời ta khuyên. (*)

Những bài thơ trích ra trên đây vừa là những kích thích tố đưa quần chúng vào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, lại vừa gây tạo ý thức mạnh mẽ về thống nhất dân tộc, thống nhất lãnh thổ, đưa ra chủ trương chống lại cùng một lúc chánh sách phân ly Nam Kỳ Quốc, thực dân Pháp và chánh sách độc tài đảng trị gây chia rẽ dân tộc của Cộng Sản Đệ tam Quốc tế.

Ý thức thống nhất lãnh thổ và dân tộc được gieo rắc và củng cố trong tâm hồn người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bởi giáo lý và thi văn của Huỳnh Giáo Chủ, đã thể hiện rõ ràng minh bạch trong thái độ của họ khi tiếp xúc, cộng tác với các giới đồng bào và cách mạng từ Trung Bắc vào Nam. Điển hình là các lãnh tụ và cán bộ của các đảng cách mạng miền Bắc, miền Trung như Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Duy Dân, đã về miền Tây sống chung với Phật Giáo Hòa Hảo, đều được đối đãi thân thiết như ruột thịt, và được người nông dân Phật Giáo Hòa Hảo tin yêu, kính trọng không phân biệt Bắc Nam chi cả. Đồng bào Bắc Việt di cư năm 1955 vào định cư tại Hậu Giang (Cái Sắn, Đốc Vàng) không gây một ý thức kỳ thị nào trong tâm hồn người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Ông Lê Hưng, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng viết những lời thân tình như sau:

... Đối với Phật Giáo Hòa Hảo quả là tôi có kỷ niệm tốt đẹp khó quên. Đó là sau ngày đất nước bị cắt thành hai, chúng tôi bỏ Hànội vô Sàigòn, sau đấy cùng ba đồng chí đi về Ba Thê sống với người anh hùng áo vải Lê Quang Vinh có cái tên rất thân mật là Ba Cụt...

Ngay trong nội bộ của Phật Giáo Hòa Hảo, nhiều cán bộ cao cấp là người Bắc và người Trung, nhưng không hề bao giờ có vấn đề “kỳ thị Nam Bắc”, vì trong tinh thần “Hòa Hảo” tất cả đều là tín đồ chung một Đức Thầy, không hề có tư tưởng phân biệt Bắc Nam.

Ông Trần Văn Ân, một nhân sĩ miền Nam có nhiều liên hệ với Huỳnh Giáo Chủ đã nhận định về giá trị và tác dụng văn hóa của Sấm giảng Phật Giáo Hòa Hảo như sau:

Mới nghe qua tưởng là bài phê bình, có thể cho là tác giả kiêu ngạo, có ý vạch lá tìm sâu, để chê rẻ lời văn, ý thơ tầm thường.

Sở dĩ người viết có ý nghĩ này vì đã biết có lắm học giả, đỗ đạt đại học ngoại quốc, coi thường tôn giáo Việt Nam, có khi miệt thị là khác, tự phụ mình có cái học mới, chê bỏ văn chương bình dân nước nhà.

Người viết, viết ra sự nhận xét của mình nhắm dâng cho đồng bào, nhất là đồng bào không quên

gốc, biết giữ cái hay đẹp của dân tộc. Sấm giảng Thi văn của các bậc lãnh đạo tôn giáo có tánh cách xưa, mộc mạc, không cạo gọt về mặt hình thức mà nội dung rất là sâu xa. Lời văn và ý tứ giản dị, cũng có chỗ gần như tiên tri để nuôi hy vọng cho người đọc. Lời lời ý ý đều nhắm gieo vào tâm khảm của nhân dân những điều phải nhớ, phải giữ, xuyên qua không gian và thời gian. Do đó mà ta không thấy hành văn bay bướm hay kể chuyện truyền kỳ.

Tác giả vốn có học Âu Á ít nhiều, đã từng nghe Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ diễn giảng, có lúc cùng Đức Thầy trao đổi ý kiến, bàn luận về thời cuộc trước các biến cố, và cùng làm việc trong sự thành lập ĐảNG VIỆT NAM DÂN CHủ XÃ HỘI. Mặt trận Quốc gia Thống nhất đầu tiên, được thành lập vào tháng 6-1945 tại Sàigòn là do sáng kiến của Đức Thầy, sau khi họp bàn với một số trí thức như Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Lịnh v.v...

Nay, nguyện viết bài “Đọc Sấm Giảng và Thi Văn” của Đức Huỳnh Giáo Chủ, viết với lòng thành kính, với ý mong đáp nghĩa tri ngộ và đền ơn các bạn quá cố.

Không nhắm khen hay chê dở thường tình, tác giả muốn phơi bày sự dụng ý sâu xa với hình thức đơn sơ, không hoa hòe của Sấm giảng và Thi văn của Đức Thầy. Không chê vì chê là sai. Vả lại tinh thần cao cả và lòng ái quốc của Đức Thầy không cần khen chê, và mấy triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cũng không cần tôi khen chê. Điều cần là sự nhận định chỗ dính liền giữa tư tưởng của Đức Thầy và Dân tộc tánh Việt Nam. Chính cái dân tộc tánh đúc thành nhờ triết lý sống động của tổ tiên ta, chính cái đó là món quí báu vô giá mà tổ tiên ta để lại. Nó giúp ta biết sống động thăng hóa, biết sống toàn diện viên mãn, không “duy”, không lệch, sống trung dung đúng định luật trời đất, sống trong tình thương dân tộc và tình thương nhân loại.

Nhìn qua lịch sử nước nhà, ta thấy dân tộc ta trải qua lắm thăng trầm, đã mất nước mấy lần, có lúc thời gian bị trị dài đến cả ngàn năm. Thế mà ta còn ta, Việt còn Việt. Chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa mấy ngàn năm mà không mất dân tộc tánh. Cái đó, điều đó, là cái mà ta phải tiếp tục gìn giữ và khai triển.

Có người chỉ trích tôn giáo, chê lối sống xưa, tức lối sống văn minh nông nghiệp, coi thường cái học cũ, cái học đã đào tạo tinh thần Nho phong sĩ khí. Đó là quyền của họ, cái quyền tự do tư tưởng. Ta cũng có quyền tự do tư tưởng của ta. Ta không sống duy vật, mà ta cũng không bỏ vật chất. Ta không chỉ sống duy tâm mà ta biết sống có tâm tình, tâm trí và tâm hồn.

Có người học Tây học Mỹ, coi tôn giáo là lỗi thời, chê Nho học là hủ lậu. Cũng là quyền của họ. Ta có đức tin ta tiếp tục tin. Ta học Nho ta thấy Nho hạp với lẽ sống động và thăng hóa, sống tiến bộ mà vẫn trung dung, không thiên lệch (nhật nhật tân hựu nhật tân... Trí trung hòa thiên hạ vị yên, vạn vật dục yên).

Nay, kẻ sĩ tôi, đọc Sấm giảng Thi văn của Đức Thầy là nhắm làm bộc lộ tinh thần xưa, làm rõ cái tinh túy Văn hóa Việt, để mà tiếp nối dòng sinh mạng của dân tộc.

Dân tộc ta sống ở ngã ba đường, trên thì lo ngăn chận con voi khổng lồ Trung Quốc, dưới thì đương đầu nhiều sắc tộc, có cả sắc tộc thiện chiến, triền miên như vậy, nên không còn thì giờ sáng tạo, không có để lại nhiều sách vở như Âu Tây, cũng không có di tích văn minh như dân La Mã. Hoàn cảnh ấy bắt buộc tổ tiên ta dụng ý lưu lại toàn những tinh hoa tinh túy đủ giúp người sau sống động, giữ nước và mở rộng giang sơn. Cách lưu lại cho toàn dân hay nhất là ngụ ngôn, ca dao, các lối hát bình dân, dễ nhớ và thiết thực. Mời bạn cùng tôi đọc qua ít câu ca dao.

Ca dao tả cảnh:

Chiều chiều én liệng trên trời,
Rùa bò dưới nước, khỉ ngồi trên cây.
. . . . . . . .
Rủ nhau xuống biển bắt cua,
Lên non bắn nhạn, vô chùa nghe kinh.
. . . . . . . .
Bao phen quạ nói với diều,
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Thật là mộc mạc! Người dân quê ta thường thấy sao nói vậy, đủ vẽ một bức tranh thủy mặc với vài nét đơn sơ. Người nghe, thấy trước mắt có cả biển, cua, non núi, chim nhạn, lại có cả chùa để đọc kinh.

Ca dao cần lao:

Có khó mới có mà ăn,
Không dưng ai dễ mang phần tới cho.
. . . . . . .
Trâu anh con cỡi con dòng,
Lại thêm con nghé cực lòng thằng chăn.
. . . . . . . .
Một mình vừa chống vừa chèo,
Không ai tát nước đỡ nghèo một khi.

Quả là lời dạy “tay có làm thì hàm mới nhai”, phải biết cần cù.

Nghe qua ta thấy con trâu thằng chăn, cánh đồng Việt Nam. Thương thay cho người lao công, lướt qua bao khó khăn mà vẫn siêng năng làm việc. Chịu cảnh vất vả để được thanh nhàn.

Ca dao khuyến học:

Rừng nhu biển thánh khôn dò,
Nhỏ mà không học, lớn mò sao ra.
. . . . . . . .
Nghèo mà hay chữ thì hơn,
Giàu mà hay chữ như sơn thếp vàng.

Ca dao nhẫn nại:

Ai ơi, đừng chóng chớ chày,
Gắng công mài sắt có ngày nên kim.
. . . . . . . .
Người đời ai khỏi gian nan,
Gian nan có thuở, thanh nhàn có khi.
. . . . . . . .
Tới đây lạ xứ lạ người
Trăm bề nhẫn nhịn, đừng cười tôi quê.

Ca dao xã giao:

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
........
Chồng khôn vợ đặng đi giày,
Vợ khôn chồng ắt có ngày làm quan.

Ca dao tình thương:

Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên phu phụ ngàn năm cũng chờ.
. . . . . . . .
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Đất nào dốc bằng đất Nam Vang,
Một tiếng anh than đôi hàng lụy nhỏ,
Có chút Mẹ già biết bỏ cho ai.
. . . . . . . .
Chim chuyền nhành ớt líu lo
Lòng thương quân tử ốm o, gầy mòn.

Ca dao hiếu thảo:

Vắng nghe chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Thương thay chín chữ cù lao,
Tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình.
. . . . . . . .
Mẹ già ở tấm lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Nghe qua lời ca dao mộc mạc, cảm thấy nó dịu dàng dễ thương làm sao! Đọc “Chim chuyền nhành ớt líu lo”, nhà thơ bắt nghĩ “lưỡng cá hoàng ly minh bích liễu” (đôi lứa oanh vàng ca liễu biếc) của Đỗ Phủ. “Tới đây lạ xứ lạ người, Trăm bề nhẫn nhịn, đừng cười tôi quê”, làm cho khách lưu vong nhớ tới cảnh mình làm con người ở quê lạ phải biết nhẫn nhịn.

Ai là người ở miền Tây Nam Việt, đọc tới câu “Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm” mà không nhớ con sông Hậu Giang nhiều tôm cá, không nhớ khúc sông hùng vĩ Ông Chưởng! Nhớ, rồi bắt thèm tôm lứa Long Xuyên, cá cháy Cần Thơ, cá rô Thốt Nốt, hay cá he vàng Châu Đốc. Thuở nhỏ, chưa biết thế nào là văn chương, là thơ, tôi mãi ngâm nga những câu: ‘‘Sông dài cá lội biệt tăm, Phải duyên phu phụ ngàn năm cũng chờ. Gió đưa cây cải về Trời, Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, mỗi độ chạy ra nhà hái rau răm bên sàng nước. Cây cải cao ráo thung dung thì về Trời mà rau răm cay, bò la bò lết, thì ở lại dưới đất, ở với dân quê, với nhà nghèo. Câu hát nói lên hoàn cảnh rau răm và hình dung cây cải. Nhẹ nhàng và dễ thương làm sao!

Dân tộc nào cũng có ca dao, cũng có thi văn bình dân, nhưng ca dao của người Việt có những đặc sắc đặc thù riêng của Việt Nam. Đặc biệt là từ Bắc chí Nam, ca dao, hát chèo, hò, đố, ngụ ngôn, ăn sâu vào tâm khảm nhân dân. Nó thành những bài học luân lý, xã giao, xử thế, ái quốc, nhân nghĩa, đạo đức, lễ độ, hiếu thảo mà người người đều thuộc lòng. Nó dạy luôn ân nghĩa đối với Tổ quốc, tổ tiên, cha mẹ, đồng bào. Người ngoại quốc nào để ý đi từ Bắc vào Nam, lắng nghe người Việt bình dân nói chuyện, hát chèo, ngâm ca dao, không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra có một cái gì dính liền với dân tộc, không luận giai cấp, nghèo giàu, hữu học vô học.

Tôi còn nhớ rõ, ngay lúc sửa soạn kháng chiến, nhân dân đang bồng bột vùng lên, tháng Tám, Chín, năm 1945, Cộng Sản Đệ tam đã mưu toan hãm hại Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, vì lẽ Đức Thầy vừa có quần chúng, vừa là bạn đường của anh em Nhóm Đe Tứ và lãnh tụ các chánh đảng khác.

Điều nên nhấn mạnh, và nên nhắc đi nhắc lại, là Huỳnh Giáo Chủ, tuy bị Cộng Sản mưu sát, mà không hề làm cho công cuộc kháng chiến bị thiệt hại. Phải là một nhà đại ái quốc mới có thể xóa bỏ hành vi ác độc và sát nhân của Cộng Sản.

Sống không hổ kiếp anh hào,
Không ham tiền bạc sang giàu cá nhân.
Thân chiến sĩ vì dân vì nước,
Vì tự do hạnh phước đồng bào.

Những lời trên làm cho ta nhớ tới chuyện đuổi giặc của Phù Đổng Thiên Vương, cứu nước rồi biến mất. Phải là người thuộc dân tộc có khái niệm sống vị tha, sống vì dân vì nước mới có câu chuyện Phù Đổng.

Sở dĩ người Việt Nam không bao giờ biết tuyệt vọng vì trước tiên họ có ý chí sống mãnh liệt. Ý chí sống nhờ tin tưởng mình với Trời Đất là một. Hy vọng nhờ tin Sấm giảng, tiên liệu những năm hên xui. Sấm giảng không quyết đoán những năm nào khỏi tai trời ách nước và năm nào là khôi phục độc lập. Nhưng Sấm giảng gieo hy vọng, giục người nỗ lực mưu sinh cầu tồn, để rồi tự nhiên có cơ hội tốt cho mình quật khởi.

Bên trên, chúng tôi có nói là đọc Sấm giảng Thi văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ, chúng tôi không xét về văn chương, nhưng chúng tôi không tránh được dừng lại đoạn sau này:

Nước mất đâu dễ ngồi an,
Mượn gươm Lê, Lý dẹp tan quân thù.
Ngày hôm ấy tàn thu sương đượm,
Quân Pháp đem lực lượng tấn công.
Máy bay, tàu thủy, súng đồng,
Lục quân, cơ khí, quyết lòng hại dân.
Chúng gặp phải liên quân anh dũng,
Hạ phi cơ, tuốt súng, lấy bom.
Quanh tàu vây chặt mấy vòng,
Cả kinh giặc Pháp phục tòng rút lui.

Bạn đọc suốt bài Tế Chiến Sĩ Trận Vong không thấy sự thù hiềm hằn học, không làm cho bạn nghĩ tới con người mắt hầm hầm, miệng ngậm dao găm, hiển hiện sự hiếu sát. Trong bài chỉ có ba tiếng thù, mà là thù giặc chớ không thù người. Cho đến đánh nhau suốt chín mười năm, có nhiều chiến sĩ trận vong mà không có nuôi hận thù. Đó là đặc tánh của Dân tộc Việt, hiếu hòa bao nhiêu thì chống xâm lăng mãnh liệt bấy nhiêu, coi độc lập quốc gia, tự do dân tộc, là lẽ sống còn của con người. Người ái quốc Việt Nam chiến đấu giành độc lập không hề nghĩ tới danh phận, địa vị, sau khi kháng chiến thành công.

Một nhà sử học, giáo sư Phạm Cao Dương nhận xét về nhu cầu bảo tồn giá trị văn hóa và truyền thống dân tộc, trong giai đoạn đặc biệt của sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Đông phương và Tây phương, trong đó ảnh hưởng Tây phương lấn áp mạnh mẽ như một cuộc tấn công vào thành trì văn hóa Việt Nam.

Tác giả cho rằng Huỳnh Giáo Chủ đã chuyển khối nông dân thành bức thành trì kiên cố chống đỡ sự lấn áp của trào lưu Tây phương, đồng thời giải phóng con người Việt Nam để tiến vào một giai đoạn lịch sử mới...

Khác với hầu hết các phong trào cách mạng, giải phóng dân tộc hồi tiền bán thế kỷ hai mươi, và luôn cả trong những năm sau này nữa, Phật Giáo Hòa Hảo là một phong trào vô cùng hiếm hoi xuất phát từ nông thôn Việt Nam, được nuôi dưỡng bởi đồng bào nông thôn, phát triển mạnh ở nông thôn và do nông thôn lãnh đạo, thay vì phát xuất ở các đô thị lớn, bành trướng ở các đô thị lớn, và do các trí thức tiểu tư sản ở các đô thị cầm đầu. Đây là một nhận định rất quan trọng mà người viết đã có dịp nêu lên trong một bài viết về Phật Giáo Hòa Hảo như một phong trào giải phóng dân tộc. Nhận định này tuy nhiên mới chỉ được trình bày một cách vắn tắt, qua khía cạnh chính trị của phong trào đối chiếu với các phong trào chính trị khác ở nước ta đương thời. Thực sự và quan trọng hơn nữa, đặc tính dân tộc hay đúng hơn giải phóng dân tộc của Phật Giáo Hòa Hảo còn được biểu hiện một cách vô cùng rõ rệt trong giải pháp và trong cách vận động cứu dân, cứu nước của Huỳnh Giáo Chủ và các tín đồ của Ngài. Thay vì mang mặc cảm mất nước, từ đó tự ti nói chung, tự ti khi nhìn vào những gì của dân tộc nói riêng, để hô hào đả phá một cách nông nổi vô ý thức, Huỳnh Giáo Chủ đã chủ trương phục hưng những giá trị cổ truyền của văn hóa Dân tộc, dùng những giá trị này làm căn bản cho mọi công trình cảnh tỉnh giáo huấn con người. Chủ trương phục hưng và bắt nguồn từ nhận định về vọng ngoại và sự suy đốn trầm trọng của xã hội Việt Nam, không riêng gì ở miền Nam mà ở khắp trong nước trước sự tràn lan của văn hóa Tây phương sau hơn ba chục năm dân ta vận động duy tân, bỏ cũ theo mới. Điều này đã được Giáo Chủ nói rõ trong lời giải thích về chủ trương để tóc của Ngài:

Sở dĩ Thầy để tóc là muốn giữ kỷ niệm cái phong tục cổ của Tổ tiên và tỏ cho thiên hạ biết Thầy không chịu ảnh hưởng cái đời văn minh cặn bã của phương Tây. Thấy vậy nhiều người trong bổn đạo yêu mến Thầy liền bắt chước, vì thế số đông người hiểu lầm rằng để tóc là tu. Thật ra tu là tu, để tóc là để tóc, và tu không phải là để tóc, để tóc không phải là tu. Nếu để tóc mà không chịu trau tâm sửa tánh cũng chẳng phải là kẻ tu hành. Từ rày trở đi, đã thoát được ách người Pháp và tùy theo phong trào tiến hóa của nước nhà, Thầy cho phép bổn đạo tự do, cải cách hầu hòa hợp với lương dân cùng tôn giáo khác. (Sấm giảng Đức Huỳnh Giáo Chủ, Văn phòng Phật Giáo Hòa Hảo Hải Ngoại 1979, tr.156-157).

Con người, đúng hơn, con người nông dân chất phác, còn xa lạ với cuộc sống vật chất sa đọa của thành thị trong những năm cuối cùng của thời Pháp thuộc, vào những lúc vận động giải phóng dân tộc còn chưa tìm ra dạng thức thích hợp, đã được coi là trọng tâm của phong trào với bước đầu là đưa người dân ra khỏi tình trạng u mê, ra khỏi những cuộc sống xa hoa, đàng điếm và bài trừ những thói hư tật xấu nơi họ. Đưa ra bằng cách cảnh giác họ và tiếp theo tạo nên những cố gắng ở chính họ, cố gắng tu đạo và sáng đạo, không lệ thuộc vào những lễ nghi phiền toái, những phẩm vật thờ tự lỗi thời chỉ có tính cách bề ngoài của những hủ tục sai lạc. Người tín đồ đã được hướng dẫn tỉ mỉ từng bước một trong mỗi phạm vi sinh hoạt, từ những nhận định căn bản có tính cách tôn giáo, đạo đức, đến những hành động đơn giản nhất trong cuộc sống hàng ngày, từ những khía cạnh riêng lẻ của cuộc sống cá nhân đến những vấn đề lớn lao liên hệ đến cả cộng đồng, cả quốc gia và cả nhân loại.

Xuyên qua những đặc tính kể trên, cuộc vận động của Phật Giáo Hòa Hảo phải được coi là một vận động Giải phóng Con người Việt Nam thực sự chứ không phải chỉ là một vận động tôn giáo thuần túy hay một vận động chánh trị nhứt thời nhằm mục tiêu tranh thủ quyền hành dù đó là quyền hành cho một quốc gia Việt Nam độc lập, ít ra là trong những năm đầu. Nói cách khác, có hai hình thức giải phóng: Giải phóng quốc gia rồi sau đó Giải phóng Con người và Giải phóng Con người rồi sau đó Giải phóng Quốc gia. Phật Giáo Hòa Hảo, theo người viết, đã lựa chọn hình thức thứ hai, một hình thức ngày nay, sau bao nhiêu năm chiến tranh với bao nhiêu là xương máu và nước mắt đã đổ xuống, chúng ta phải nói là duy nhứt có thể cứu nguy cho dân tộc và dựng lại đất nước. Vấn đề Việt Nam, đúng hơn, thảm kịch Việt Nam, trong non một thế kỷ qua, không phải chỉ là một vấn đề đơn thuần chính trị và quân sự mà là một vấn đề toàn diện, trong đó có văn hóa đóng một vai trò trọng yếu. Muốn giải quyết, con người phải được tạo dựng lại trước hết. Tạo dựng không phải bằng cách nhập cảng một cách vô ý thức những lý thuyết ngoại lai và phá bỏ các truyền thống dân tộc, bất chấp những yếu tố bản địa và nhân tính; trái lại bằng cách giữ vững những giá trị đích thực cổ truyền song song với việc bồi dưỡng bằng những kiến thức và những kỹ thuật mới; đồng thời sự tạo dựng không thể chỉ giới hạn ở những khu vực sinh hoạt mới là các thành thị mà phải chú trọng tới các miền đồng ruộng xa xôi nữa. Phải chăng vì ý thức được mối nguy cho chế độ thuộc địa do Phật giáo Hòa Hảo mang lại, một mối nguy thực sự, mà người Pháp đã tìm cách ngăn chận trước?

Những hàng sau đây là của tác giả Phạm Nam Sách một người đã sinh hoạt rất nhiều về cách mạng và văn hóa, nhận xét về giá trị Sấm giảng Phật Giáo Hòa Hảo.

Có người nói với tôi họ “chê thi văn Đức Thầy không những vì cái tính cách vè của nó mà còn vì cái tính trùng ý, điệp ngữ, tư tưởng lộn xộn, ba hồi nói rồi, lại nói lại, thiếu bố cục, thiếu sáng sủa...” Những người này đã đọc Đức Thầy bằng tinh thần lý luận Tây phương, bằng đầu óc duy lý. Chúng ta cần đọc Sấm giảng bằng trực giác, bằng tấm lòng, bằng cảm thông, bằng suy nghĩ, bằng thực tế quê hương và thực tế nòi giống. Từ đó chúng ta mới thấy cái sâu xa của Sấm giảng, cái tình tự dân tộc của mỗi câu mỗi chữ, cái khổ tâm của một chí sĩ.

Tôi đọc giáo lý của Đức Thầy qua những vần thơ lục bát mà trước đây tôi cho là một loại vè không hơn không kém. Cái kiêu căng nông nổi của tuổi trẻ là như vậy. Nay, 20 năm qua, thiên ma bách chiết, tôi đã ngoài 50 tuổi. Bây giờ tôi mới thấy Sấm giảng là cả một kho tàng lý thuyết dân tộc và nhân bản, chính trị và xã hội, kinh tế và giáo dục. Tôi đã đọc, và càng ngày càng phát hiện ra những điều bất ngờ lý thú. Tôi phục Đức Thầy, bậc sinh nhi chi tri của giống nòi, bậc sĩ anh hùng đã xả thân vì đại nghĩa cứu nước tồn chủng.

Tôi đã đi vào con đường đấu tranh, tôi đã học tập “thương người như thể thương thân” yêu nước như yêu nhà. Nhưng trong đám quần chúng mà tôi đã dấn thân cùng lo toan, có một cái gì chia cách. Tôi vẫn chưa nói được tiếng nói của đồng bào tôi ở những nơi hang cùng ngõ hẻm, tôi vẫn chưa cảm được nếp nghĩ của dân tộc tôi ở những vùng sình lầy nước đọng. Tư tưởng của tôi còn trừu tượng quá, ngôn ngữ của tôi còn cầu kỳ quá, và cử chỉ của tôi còn xa lạ quá.

Bởi thế mà tôi lấy Sấm giảng làm những câu kinh nhật tụng đặng tu tâm sửa tánh. Tôi đã đọc nhiều sách vở của Tây phương, sách vở của Đông phương nhưng những ngọn nguồn mà tôi tìm đến không làm nguôi cơn khát của tôi. Tôi khát tình tự dân tộc, tôi khát tư tưởng dân tộc, tôi khát nguyện vọng dân tộc, và tôi khát sống như dân tộc tôi, đơn giản, đạm bạc, nhưng thuần hậu. Tôi đọc Sấm giảng. Tôi đã tìm ra nguồn giải khát, mộc mạc, đơn sơ mà tinh khiết.

Cái gì đã kéo được lòng người, cái lý luận nặng kinh điển của chúng ta, hay cái mộc mạc bình dân trong văn thơ của Đức Thầy? Làm chính trị là đem lại vận hội mới cho quần chúng, trước hết phải được quân chúng tin. Tôi không biết Socrate hay Platon với thuật thuyết phục gây mâu thuẫn trong lòng người đối thoại thế nào, nhưng với nhân dân Việt thì tôi tin rằng không kỹ thuật thuyết phục nào hay bằng kỹ thuật của Đức Thầy, rải rác trong Sấm giảng.

Phải đổi con người, chuẩn bị cho mẫu người Việt mới, xứng đáng làm dân nước Việt độc lập. Non một thế kỷ trong tăm tối, trong xiềng xích nô lệ, con người Việt nặng lòng tin ở tín ngưỡng. Vậy thì phải đem tín ngưỡng mà giáo huấn quần chúng, đem “lịnh Minh Vương” và “lịnh Phật đường” xuống bá tánh để nói cho bá tánh nghe. Người làm cách mạng nói ra phải có người nghe. Nghe, thích nghe, nghe dễ hiểu, là do ở trình độ và tấm lòng. Có tấm lòng thì thích nghe, và có trình độ thì dễ hiểu những lời người khác nói. Ngoảnh lại đồng bào chúng ta vào thập niên 30 và 40, không giảng đạo như Đức Thầy thì thật khó mà cải hoán con người. Nghĩa bố kinh, niềm trung hiếu... những tín điều của nòi giống đã từng giúp tổ tiên ta dựng và giữ nước, chẳng còn mấy ai giữ vẹn. Đức Thầy chủ trì phải dạy người ‘’tu” theo đạo Trời, Phật, ‘’trọng cha, yêu chúa, kính vì tổ tông’’. Thời cơ sẽ đến với nòi giống, cái thời cơ mà Đức Thầy gọi là ‘‘Hội Mây Rồng”: ‘’đến Hội Mây Rồng thân chẳng toàn thây”. Chúng ta nói long vân gặp hội, tôi nghĩ cái “hội” ở đây, là cơ hội chúng ta giành được độc lập trong tay thực dân Pháp đó. Đức Thầy đã bảo trước cho những kẻ bán rẻ giống nòi, đi theo phường cướp nước, lấy danh lợi hão huyền, làm điều tàn bạo, khiến “bá tánh hiểm nghèo’’. Nhưng ‘’cơ thâm thì họa diệc thâm’’ những thứ Việt gian đó sẽ thấy hùm beo và sẽ chết ‘’thân chẳng toàn thây’’. Với cái bề ngoài “điên khùng”, Đức Thầy đã tỏ rằng nòi giống chỉ có một, dù bọn thực dân phân chia Nam, Bắc, Trung, ‘’Khùng thời ba tớ một thầy’’. Chúng ta chỉ có một tổ tiên, một Thầy, một lịch sử. Và xem trước liệu sau, lịch sử còn tỏ gương xưa để quốc dân theo đó mà chiêm nghiệm.

Tôi biết cái tâm trạng của người nuôi chí cả, nhìn thấu đáo việc đời, luận cổ suy kim, biết rằng lo việc nước thì thân phải lao đao, tâm trí phải nhọc nhằn, nhưng mà trăm mài ngàn gẫy thì mới làm được thầy, thì mới là con người có tâm đạo. Con người ấy đã được đồng bào hưởng ứng, đã được bá gia đi theo. Phong trào quần chúng nổi dậy như sóng cồn.

Ta thấy rõ cái dung dị của một chí sĩ, đem lòng dạ giải bày với đồng bào, bất chấp rằng trong đám đồng bào có những tên mật thám làm việc cho Tây, sẵn sàng nói lại cho Tây biết hành tung của mình.

Cứ thế, Đức Thầy đi vào nhân dân, huấn hỗ lòng người, tỏ cho mọi người biết cái gì sẽ đến, và như thế thì phải làm gì. Đất nước sẽ cần những bàn tay xây dựng. Tôi có thấy lời của Mao Trạch Đông rằng: “Người du kích đi vào nhân dân như cá đi vào nước”. Mao nói câu này vào lúc chuẩn bị bỏ đô thị để về tổ chức nông dân, chuẩn bị làm cách mạng nông dân. Nhưng ở phương trời Việt Nam, Đức Thầy, vị lãnh tụ của quốc dân, đã thực sự đi vào nhân dân. Đức Thầy không phải là con cá thường, mà là con kình ngư cuốn nước đi theo mỗi khi kình ngư lội. Cuộc hành trình của Đức Thầy đi vào nhân dân thật là gian truân, bởi là dòng nước nhân dân đã bị thực dân Pháp làm nhiễm độc. Bên cạnh lớp Việt gian hợp tác đắc lực đưa tin cho Tây, là lớp người thừa nước đục thả câu. Đám quan lại phụ mẫu chi dân thì ‘’miệng nói vang rân, mà tâm dính chặt hồng trần bụi nhơ’’. Đám thương buôn thì: ‘’trọng tiền bạc bỏ nghĩa bỏ nhân’’, đám cường hào ác bá tung hoành ‘’cùng hết xóm làng tàn ác nhiều hơn’’, thậm chí kẻ tu hành ‘’như thể cây sơn, ngoài da coi chắc trong thời mối ăn’’. Những thành phần làm ăn bất lương ‘’bắt ngưu, bắt cầy’’ được thực dân dung dưỡng, làm đau lòng người chí sĩ.

Việc “mở đạo lành” không phải dễ dàng nếu tự mình không dấn thân đi vào quần chúng, thương người ngay, bênh vực kẻ bị áp bức, giảng con đường ‘’tu”, “quyết lòng dạy dỗ dương trần”.

Với hành trang là quyết tâm cải hoán con người, đưa ra mẫu người toàn thiện, toàn chơn, toàn mỹ, với hành trang là tấm lòng ‘’dẹp lòng vị kỷ, đầy lòng yêu dân’’, với hành trang là cặp chân đi không mỏi ‘’đêm ngày chẳng quản tấm thân, nắng mưa chẳng quản tảo tần ai hay’’, với hành trang là chủ nghĩa dân tộc xã hội, muốn tạo dựng một khuôn khổ xã hội mới mà công bằng và no ấm ngự trị, chẳng khác nào thời Nghiêu - Thuấn. Đức Thầy lấy trọng trách của mình đối với Dân tộc, và Người sẵn sàng nhận trọng trách đó.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn