3- Cách Mạng Với Ý Thức Dân Tộc Dân Chủ

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 80832)
3- Cách Mạng Với Ý Thức Dân Tộc Dân Chủ
GIAI ĐOẠN CANH TÂN

Bắt đầu vào thập niên 30, người Việt Nam yêu nước ý thức rằng họ tham gia cách mạng không phải để phục hồi chế độ quân quyền, cũng không phải vì lòng trung thành với Thiên tử (vua chúa), mà chính là để phục vụ quốc gia và dân tộc, và để thiết lập một chế độ tự do dân chủ trong một nước Việt Nam độc lập. Tuy ý niệm quân chủ lập hiến vẫn còn phần nào giá trị trong nếp suy nghĩ của quần chúng trong một nước có truyền thống quân chủ lâu đời, nhưng phần đông giới thanh niên đều biểu lộ khuynh hướng dân chủ tự do rất rõ rệt và mạnh mẽ.

Một khuynh hướng cực đoan cũng phát sinh trong giới trí thức tân học. Đó là lớp người hướng về chủ thuyết Mác xít, vì họ cho rằng Nga Sô sẽ giúp họ chống lại đế quốc tư bản. Số người này đã lựa chọn con đường đi vào hệ thống cộng sản quốc tế, dựa vào Nga Sô Viết để chống Pháp, đuổi Pháp, rồi sau đó thực hiện một cuộc cách mạng vô sản tại Việt Nam, trong tiến trình vô sản hóa thế giới.

Trong giai đoạn này, khởi đầu từ thập niên 30, nhiều tổ chức cách mạng Việt Nam đã xuất hiện, và một số còn tồn tại đến bây giờ.

Nam Đồng Thư Xã (1927) sau trở thành Việt Nam Quốc Dân Đảng, với cuộc nổi dậy lịch sử tại Yên Báy, do lãnh tụ Nguyễn Thái Học cầm đầu (10-2-1930), 13 chiến sĩ VNQDĐ bị Pháp hành quyết.

Đại Việt Quốc Dân Đảng thành lập năm 1941 bởi lãnh tụ Trương Tử Anh, ông bị Cộng sản hạ sát năm 1946.

Đại Việt Duy Dân Đảng thành lập năm 1942, bởi lãnh tụ Lý Đông A. Ông mất tích trong đợt khủng bố tại Hòa Bình năm 1946, Cộng sản hạ sát nhiều cán bộ của đảng này.

Việt Nam Phục Quốc Hội, thành lập bởi Kỳ ngoại hầu Cường Để, đã tấn công vị trí quân sự Pháp tại Lạng Sơn năm 1940, lãnh tụ Trần Trung Lập bị giết. Kỳ ngoại hầu Cường Để tạ thế năm 1951 tại Đông Kinh (Nhựt).

Đông Dương Cộng Sản Đảng thành lập năm 1930 do Hồ Chí Minh, dựa vào hệ thống Cộng sản đệ tam quốc tế Nga Sô, để đoạt thắng lợi đấu tranh tại Việt Nam. Đảng này đã cai trị miền Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1975, và cai trị toàn bộ Việt Nam sau 30-4-1975.

Phật Giáo Hòa Hảo, một tôn giáo cách mạng thành lập năm 1939 tại miền Nam Việt Nam, do Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, và sau này thành lập thêm chánh đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội (1946). Năm 1947, Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ bị Cộng sản ám hại và vắng mặt từ thời điểm đó.

Cao Đài Giáo, một tôn giáo cách mạng khác thành lập tại miền Nam, sau 1928, bởi ông Ngô Văn Chiêu, và sau đó được chỉ đạo bởi Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Ông bị Pháp bắt và đày biệt xứ tại Madagascar, rồi sau này từ trần tại Cao Miên trong giai đoạn đi lưu vong thời chế độ Ngô Đình Diệm.

Ngoài các tổ chức cách mạng trên đây được xem là vẫn tiếp tục hoạt động và tồn tại từ khi thành lập đến ngày nay, còn có nhiều nhóm tranh đấu khác có tầm vóc giới hạn và đời sống ngắn ngủi hơn, như: Việt Nam Nghĩa Đoàn, Việt Nam Hưng Quốc (1925), Việt Nam Thanh niên Cách mạng, Tân Việt Cách Mạng Đảng (1925), Phạm Hồng Thái, Trịnh Văn Căn... Trong Nam Việt có các phong trào Thiên Địa Hội, đảng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập, đảng Lập Hiến, nhóm Đệ Tứ, tổ chức Bình Xuyên... đều đã có đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp để giải phóng dân tộc. Các tổ chức này ngày nay đã không còn hoạt động và hiện diện như một chánh đảng hay tổ chức nữa, tuy rằng vẫn còn những cá nhân bảo tồn danh nghĩa. Nhưng tất cả đều như các mảnh vụn trong kiến trúc Cách mạng Việt Nam, bị nghiền nát bởi khủng bố đàn áp của thực dân, cộng sản và các chế độ cộng hòa sau 1954.

Trong giai đoạn canh tân này, các tổ chức cách mạng áp dụng hình thức tổ chức, phương pháp và chiến thuật đấu tranh khác với giai đoạn Cần vương. Hình thức tổ chức có tính cách dân chủ, và tập thể chỉ huy, thay vì lãnh tụ chế như trước kia. Phương pháp đấu tranh bây giờ đa dạng, chớ không chỉ có võ trang kháng chiến. Các tổ chức này vận dụng lực lượng quần chúng vào đấu tranh, tham gia biểu tình chống đối, sử dụng hiệu lực văn hóa vào công tác tuyên truyền cách mạng, hoặc nêu lên các yêu sách công khai, hoặc tổ chức bí mật ám sát phá hoại địch... Về chiến thuật, các tổ chức đấu tranh này đưa dần phong trào cách mạng từ các hình thức chính trị sang cách mạng, từ ôn hòa sang bạo lực, từ phản đối bất hợp tác sang võ trang kháng chiến... Đây cũng là những phương pháp và chiến thuật đấu tranh thích hợp với từng hoàn cảnh mới, và một phần được du nhập vào Việt Nam qua các sách vở và kinh nghiệm Tây phương.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn