Chương 8: Tư Tưởng Huỳnh Giáo Chủ

20 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 81787)
Chương 8: Tư Tưởng Huỳnh Giáo Chủ
Ý kiến chung các giới đối với những tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ, mà sau này Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo đã tập trung thành một bộ sách dày trên 500 trang mang tên “Sấm giảng Thi văn Toàn bộ” ấn hành bởi Ban Phổ thông Giáo lý Trung ương Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo năm 1965, có nhận xét tổng quát là: về hình thức cũng như nội dung, tác phẩm cũng như tư tưởng của Huỳnh Giáo Chủ đã không sắp xếp thứ tự theo phương pháp khoa học, thành một hệ thống tư tưởng hay hệ thống ý thức, gọi tắt là ý thức hệ, hay ý hệ.

Có thể tự nhiên như thế, hoặc có thể do chủ ý của Giáo Chủ. Phần các giới chức Phật Giáo Hòa Hảo tin rằng đó chỉ là chủ ý của tác giả, và thường hay viện dẫn những câu sau đây mà Giáo Chủ đã viết:

Quyết dạy đời nên nói lời thường,
Cho sanh chúng đời nay dễ biết. (*)

Dạy bổn đạo lấy câu trung đẳng,
Chẳng nói cao vì sắp rốt đời. (**)

Nói chung, thánh kinh các đại tôn giáo trên thế giới (Ấn giáo, Phật Giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo) không hẳn là các ý thức hệ. Những lời thuyết giảng của vị Giáo Chủ được các đệ tử và học giả đương thời ghi nhớ hay chép lại, rồi dần dà theo thời gian, được đối chiếu, hiệu chính, san định, phân tích, luận giải, sắp xếp theo trình tự thời gian hay tư tưởng, để sau hết trở thành các thánh kinh Veda, Tam Tạng, Bible, Coran...

Từ thánh kinh, các học giả nghiên cứu về sau mới rút ra những tư tưởng triết lý, luân lý, đạo đức, và các tư tưởng về xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế... Khi được sắp xếp thành hệ thống, người ta gọi là hệ thống tư tưởng, Tây phương gọi là “Ism”: Hindouism, Buddhism, Catholicism, Islamism...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn