9- Sau Khi Thoát Khỏi Sự Kềm Kẹp Của Pháp

20 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 81685)
9- Sau Khi Thoát Khỏi Sự Kềm Kẹp Của Pháp
Từ tháng 10-1942, sau khi Huỳnh Giáo Chủ thoát khỏi sự kềm kẹp của bộ máy công an Pháp và về tạm trú tại Sàigòn dưới sự bảo vệ của Nhựt, tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo bước vào một giai đoạn mới.

Củng cố hàng ngũ, chuẩn bị để chuyển mạnh sang giai đoạn đấu tranh, đó là đặc tính nổi bật nhứt của các năm 1943-1945. Từ lúc khai sáng tổ chức (1939) cho đến cuối năm 1942, có thể nói rằng suốt ba năm này, Phật Giáo Hòa Hảo chỉ có một vị Giáo Chủ trên đỉnh cao và một khối quần chúng ở hạ tầng cơ sở. Không có cơ cấu điều hành, cũng không có cán bộ được tổ chức, huấn luyện, phân công nhiệm vụ như trong các hệ thống điều hành của các tổ chức quần chúng, các đảng chánh trị... Giới chức Phật Giáo Hòa Hảo giải thích hiện tượng đó là “Huỳnh Giáo Chủ cố ý tránh hình thành cơ cấu để giảm bớt sự lưu ý của mật thám Pháp”, nhưng trong thực tế, có thể hiểu được rằng thời gian ba năm quá ngắn trong khi sức phát triển tín đồ lại ồ ạt, mau chóng, nên Phật Giáo Hòa Hảo không thể thực hiện được những công việc bình thường về cơ cấu hóa tổ chức.

Bây giờ có được hoàn cảnh dễ dàng hơn, vì người Nhựt không giới hạn sự tiếp xúc của Huỳnh Giáo Chủ với tín đồ, cho nên một số những tín đồ có học, có uy tín, được sự tín nhiệm của Giáo Chủ, đã lần lượt đến trực tiếp trình bày các ý kiến, các vấn đề, và nhận chỉ thị cũng như trách vụ về thi hành công tác tại địa phương. Những nhân vật thường xuyên được xem như các cộng tác viên trực tiếp chung quanh Huỳnh Giáo Chủ lúc đó là những ông Lê Công Bộ, Mai Văn Dậu, Lâm Thư Cưu, Lương Trọng Tường, Nguyễn Ngọc Tố, Quan Hữu Kim, Trần Văn Tâm... Ngoài ra còn một số thanh niên có học được tuyển chọn để đảm nhận công tác đặc biệt: văn phòng, phổ biến kinh tế, giao thiệp với người Nhựt...

Vào thời điểm 1945, xảy ra các biến cố quan trọng khơi mào cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam bùng nổ, tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo đã quy tụ được khoảng trên một triệu tín đồ. Một số thanh niên đã được đoàn ngũ hóa vào tổ chức bán quân sự mang tên là Bảo An, tập dượt võ nghệ, sử dụng các loại vũ khí bén để chờ cơ hội chuyển thành lực lượng võ trang chống Pháp.

Chuyến đi miền Tây mà tài liệu Phật Giáo Hòa Hảo gọi là hành trình “Khuyến Nông” đích thân Huỳnh Giáo Chủ đã diễn thuyết tại 107 địa điểm tại các tỉnh miền Tây trong vòng một tháng rưỡi, đã làm cho số tín đồ quy y nhập đạo tăng thêm rất nhiều.

Lý do cuộc hành trình này là tình trạng thiếu lương thực xảy ra tại Bắc Việt tạo ra nạn đói (làm thiệt hại khoảng hai triệu sanh mạng người Việt Nam). Phần Huỳnh Giáo Chủ cũng nhìn thấy đây là một cơ hội tốt để đích thân tiếp xúc với khối tín đồ ở khắp các tỉnh quan sát sự kiện và ý thức quần chúng, chuẩn bị cho một thời kỳ đấu tranh sôi động chắc chắn sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới.

Do đó trong bài ‘’Khuyến Nông’’ viết ra và phổ biến rộng rãi trong chuyến đi này, Huỳnh Giáo Chủ đã sử dụng những từ ngữ khá khích động, vì không phải chỉ kêu gọi “tăng gia sản xuất” mà còn hiệu triệu tấm lòng hy sinh của quần chúng nông dân:

Kẻ phu tá cũng là trọng trách,

Cứu giống nòi quét sạch non sông.

Một phen vác cuốc ra đồng,

Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai.

Mưa nắng ấy đâu nài thân xác,

Chí hy sinh dầu thác cũng cam. (*)

Trong một cuộc phỏng vấn, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, ông Lê Minh Điều kể lại cảm nghĩ của chính ông khi nghe bài Khuyến Nông như sau:

‘’... Tôi là người làm ruộng ở Sa Đéc, và có tham gia phong trào Bảo an Phật Giáo Hòa Hảo. Khi nghe được bài thi Khuyến Nông của Đức Thầy, chúng tôi thảo luận với nhau, và đồng ý rằng thời cuộc đã đến lúc xoay chuyển, cho nên Đức Thầy mượn cơ hội khuyến nông để kêu gọi tín đồ hãy sẵn sàng để hy sinh cho đất nước. Chớ có lẽ nào đi làm ruộng mà phải nói đến các danh từ “cứu giống nòi, quét sạch non sông” hay là phải “thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai”. Chúng tôi là người sống về ruộng rẫy, biết rằng làm ruộng thì đâu có cần “hy sinh dầu thác cũng cam” cho nên chúng tôi cho rằng đó là Đức Thầy nói khéo cho chúng tôi biết mà chuẩn bị...”

Với một khối tín đồ đông đảo trong tinh thần sẵn sàng, Huỳnh Giáo Chủ bước vào giai đoạn đấu tranh, ngay sau khi kết thúc hành trình khuyến nông. Lúc đó là cuối tháng 7-1945, và ngày 26-7-1945 các đài phát thanh Đồng minh đều phổ biến lời kêu gọi của các nước Đồng minh kêu gọi Nhật Bổn đầu hàng vô điều kiện, theo quyết định của hội nghị Potsdam 17-7-1945.

Trong cuộc đấu tranh của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo, Huỳnh Giáo Chủ đã thành lập và tham gia các tổ chức sau đây:
  1.     Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội 1945
  2.     Việt Nam Vận Động Độc Lập Hội 1945
  3.     Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt 1945
  4.     Đệ Tứ Sư Đoàn Dân Quân 1945
  5.     Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp 1946
  6.     Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng 1946
  7.     Mặt Trận Toàn Quốc 1947.
Chi tiết về sự tham gia của Huỳnh Giáo Chủ và tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc từ 1945 về sau, sẽ được trình bày ở chương “Sơ lược diễn tiến đấu tranh tại miền Nam’’.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn