10- Ông Nguyễn Giác Ngộ Bất Hợp Tác Với Pháp

02 Tháng Hai 201510:35 CH(Xem: 12858)
10- Ông Nguyễn Giác Ngộ Bất Hợp Tác Với Pháp
Một lãnh tụ quân sự Phật Giáo Hòa Hảo khác là ông Nguyễn Giác Ngộ cũng cố giữ đường lối bất hợp tác với Pháp.

Ngay từ sau khi Huỳnh Giáo Chủ bị Việt Minh ám hại, ông Nguyễn Giác Ngộ đã chọn lựa thái độ: ông trao võ khí của bộ đội Nguyễn Trung Trực mà ông là chỉ huy trưởng, cho các ông Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên ra hợp tác với Pháp để cứu đồng đạo, chớ không đích thân “bắt tay người Pháp”.

Bộ đội Nguyễn Trung Trực có lịch sử như sau:

Cuối năm 1945, khi thực dân tái chiếm Saigon và các tỉnh miền Nam, Huỳnh Giáo Chủ thống hợp các lực lượng tự động võ trang đã có sẵn thành một lực lượng Dân quân Cách mạng kháng Pháp lấy tên là Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc Liên Đội Nguyễn Trung Trực.

Liên Đội ra đời gồm có bốn đơn vị:

— Chi đội 1 do Trần văn Soái chỉ huy, hoạt động vùng Cần Thơ.

— Chi đội 2 do Lê Minh Điểu (tức xã Nhiễu) chỉ huy, hoạt động vùng Long Xuyên.

— Chi đội 3 do Lê Phát Khuynh chỉ huy, hoạt động vùng Châu Đốc.

— Phân đội 4 do Phan Hà chỉ huy, hoạt động vùng Rạch Giá.

Để kịp thời đối phó với tình hình nghiêm trọng của đất nước trước nạn Pháp xâm lăng, Huỳnh Giáo Chủ sắp xếp lại hàng ngũ cho được chỉ huy thống nhứt. Ngày 18-12-1946 tại chiến khu Bình Hòa (Tân An) các cấp chỉ huy Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc Liên Đội Nguyễn Trung Trực, trong một Đại hội Quân sự, đã cải tổ bốn đơn vị thành một Chi đội mạnh mẽ hơn mang danh là Chi đội Nguyễn Trung Trực Hậu Giang, với Ban chỉ huy như sau:

§ Chi đội trưởng: Nguyễn Giác Ngộ

§ Chi đội phó kiêm trưởng ban cơ khí: Lâm Thành Nguyên

§ Tham mưu trưởng kiêm ủy viên Chánh trị: Trần Đức Thu (tức luật sư Lê Văn Thu).

§ Tham mưu phó: Trương Kế Tự (tức giáo sư Trần Kiệt)

Chi đội Nguyễn trung Trực Hậu Giang gồm có 3 đại đội và 1 phân đội biệt lập.

§ Đại đội 1 do Trần Tín Nghĩa làm Đại đội trưởng, phụ trách vùng Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bặc Liêu.

§ Đại đội 2 do Ngô Trung Hưng (tức Lâm Thế Xương) làm Đại đội trưởng, phụ trách vùng Long Xuyên, Sa Đec và Đồng Tháp Mười.

§ Đại đội 3 do Lê Hoài Nam làm Đại đội trưởng, phụ trách vùng Châu Đốc, khu vực Thất Sơn và ranh giới Cao Miên.

§ Phân đội 4 biệt lập do Phan Hà làm Phân đội trưởng, phụ trách vùng Rạch Giá và Hà Tiên.

§ Lúc bấy giờ Lê Quang Vinh được đức Thầy đề cử làm Phân đội trưởng phân đội 2 thuộc Đại đội 2/NTT Hậu Giang.

Sau khi chi đội Nguyễn Trung Trực Hậu Giang được cải tổ, Chi đội 1 của Trần văn Soái trong Liên đội, được cải thành chi đội Lưu Động 2, còn Chi đội Nguyễn Trung Trực được gọi là Chi đội số 1.

Khi Huỳnh Giáo Chủ chấp nhận tham chánh với chức vụ ủy viên Đặc biệt trong ủy ban Hành chánh Nam Bộ, để biểu dương tinh thần đoàn kết quốc gia chống xâm lăng, Chi đội Nguyễn Trung Trực được chánh thức hóa thành Chi đội 30 Vệ Quốc Đoàn Việt Nam.

Ban chỉ huy Chi đội 30 được Huỳnh Giáo Chủ giữ nguyên chức vụ và vùng hoạt động của các Đại Đội lệ thuộc cũng không thay đổi.

Sau khi chánh thức hóa, Chi đội dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Giác Ngộ từ Côn Đảo mới về và được Huỳnh Giáo Chủ đề cử chấp chưởng binh quyền, tích cực tranh đấu và lập nhiều chiến công trong cuộc hạ đồn Pháp và đoạt vũ khí của giặc.

Để làm hậu thuẫn cho Chi đội, về mặt vũ khí, một công binh xưởng được thiết lập tại Hiệp Xương, đúc khí giới và đạn dược, và về mặt tăng bổ hàng ngũ chiến binh, nhiều lớp huấn luyện các cấp sĩ quan và hạ sĩ quan được khai giảng.

Khóa huấn luyện đầu tiên đã được mở vào cuối năm 1946 tại núi Dài vùng Thất Sơn, đào tạo cấp tốc 10.500 quân, do một Ban huấn luyện với sự hợp tác của bốn sĩ quan Nhựt Bổn cấp tá.

Công cuộc đang tiến triển đẹp đẽ và kế hoạch thành lập Liên Khu Quốc Gia đang bước sang giai đoạn thực hiện thì một tai biến xảy ra làm tan vỡ chương trình kế hoạch đã định. Đó là biến cố: Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn tại Đốc Vàng Hạ. Một tai nạn lớn lao chẳng những đối với khối Phật Giáo Hòa Hảo mà còn là một sự thiệt thòi to tát đối với hàng ngũ quốc gia.

Trước sự phản bội của Cộng Sản, chi đội 30 rút ra khỏi hàng ngũ Vệ Quốc Đoàn Việt Nam và theo quyết định của Hội nghị tối cao Quân Chính họp tại Hòa Hảo liền sau khi Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn, chi đội 30 trao khí giới cho đoàn thể để võ trang Bộ Đội Dân Xã và Bộ Đội Phật Giáo Hòa Hảo hầu bảo vệ đoàn thể.

Cuối năm 1947, để đáp ứng với nhu cầu chiến đấu trong tình thế mới, một phiên họp khoáng đại Quân Chính được triệu tập tại Hiệp Xương. Chi đội 30 được cải tổ thành Bộ Đội Nguyễn Trung Trực với thành phần Ban chỉ huy tối cao như sau:

§ Chỉ huy trưởng: Nguyễn Giác Ngộ

§ Chỉ huy phó: Lê Phát Khuynh

§ Chủ nhiệm chánh trị bộ kiêm Tham mưu trưởng: Trần Kiều

Bộ đội Nguyễn Trung Trực có trên hai ngàn binh sĩ tại ngũ.

Ngoài ra còn tổ chức Bảo An Quân (lực lượng bán quân sự) khắp các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre... để giữ an ninh trật tự trong thôn ấp và đồng thời làm kho cung cấp binh sĩ cũng như tiếp tế lương thực cho Bộ đội .

Để đào tạo chiến sĩ, nhiều khóa huấn luyện liên tục được mở ra.

Không kể khóa huấn luyện tại núi Dài cuối năm 1946, sau đây là các khóa huấn luyện sau ngày cải tổ:

§ Các khóa huấn luyện mở vào cuối năm 1947 tại Hiệp Xương, đào tạo cấp Đại đội trưởng.

§ Các khóa huấn luyện cán bộ Chính trị viên mở tại chiến khu Ba Dầu (Long Xuyên) năm 1948.

§ Các khóa huấn luyện mở vào đầu năm 1949 tại Mỹ Hội Đông đào tạo cấp Tiểu đội trưởng và Trung đội trưởng.

§ Các khóa huấn luyện mở vào cuối năm 1949 tại Kiến An đào tạo cấp Trung đội trưởng và Đại đội trưởng.

Song song với chương trình huấn luyện binh sĩ, Bộ đội còn phái cán bộ lưu động đến các tỉnh, quận huấn luyện quân sự căn bản cho các cán bộ và đội viên Bảo An Quân.

Năm 1949 thực dân Pháp tìm đủ cách khủng bố, bức ép bộ đội phải ra hợp tác với quân đội Viễn Chinh Pháp, nhưng vì trung thành với lập trường quốc gia kháng chiến nên Bộ đội Nguyễn Trung Trực bị tấn công tới tấp bằng hải lục không quân, dồn ép phải rút về kinh Cựu Hội (Cái Tàu Thượng) địa giới giữa vùng Quốc Gia và Cộng Sản.

Mặc dầu bị đặt vào thế kẹt giữa hai gọng kềm Thực Dân và Cộng Sản, Bộ đội Nguyễn Trung Trực vẫn cương quyết giữ vững lập trường kháng chiến thà chịu cảnh cùng khốn thiếu đạn dược, thiếu vũ khí nhưng được nhân dân tiếp tế dồi dào, chớ không chịu chấp nhận điều kiện ra hợp tác với Thực Dân.

Trong thời gian này, đã có nhiều cuộc tiếp xúc giữa ông Nguyễn Giác Ngộ và các lãnh tụ cách mạng quốc gia tại Saigon, như các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn... mục đích để duy trì thế quân sự của Bộ đội Nguyễn Trung Trực như một tổ chức nghĩa binh cách mạng vừa chống Pháp vừa chống Cộng, để bảo tồn chính nghĩa quốc gia, làm nền tảng cho giải pháp quốc gia dưới sự lãnh đạo của Cựu Hoàng Bảo Đại lúc này đang thương thuyết với Pháp.

Đọc trong cuốn hồi ký của Cựu Hoàng Bảo Đại “Le Dragon d’Annam” ta thấy ông Bảo Đại đã phải tranh đấu gay go vô cùng để đối phó với dã tâm của người Pháp thế nào, thì trên bình diện địa phương, đơn vị của ông Nguyễn Giác Ngộ cũng phải chịu đựng khốn khó vô cùng trước áp lực đánh phá của quân đội Pháp ở miền Tây. Lúc đó Pháp chỉ muốn cho Việt Nam độc lập trên mảnh giấy hiệp ước, chớ trên thực tế họ ngoan cố không chịu trao trả quyền hành, làm cho từ vị Quốc Trưởng xuống đến chánh phủ, và cả giới lãnh tụ cách mạng quốc gia trở thành “tay sai bù nhìn” trước công luận quốc tế và quần chúng Việt Nam. Trạng huống này chỉ có lợi cho Việt Minh, và tuyên truyền của ông Hồ Chí Minh đã khai thác triệt để, hầu bôi nhọ chánh nghĩa quốc gia. Trong khi đó, Pháp cố tìm mọi cách dồn ép ông Nguyễn Giác Ngộ phải ra hợp tác với họ.

Nhưng ông Nguyễn Giác Ngộ và bộ tham mưu đã cương quyết, dù chết không nhượng bộ. Có một câu chuyện được kể lại về tình trạng này:

“Trước áp lực nặng nề và nguy hiểm của Pháp, ông Nguyễn Giác Ngộ có ý muốn bắt chước theo gương xưa của lãnh tụ Nguyễn Trung Trực, hy sinh thân mình để cứu lấy đồng đội khỏi nạn tiêu diệt, nhưng các sĩ quan trong bộ tham mưu của ông đã quỳ trước mặt ông mà khóc với lời yêu cầu khẩn thiết xin ông dù có chết cũng giữ lấy lập trường chống thực dân Pháp, đừng bao giờ ra hợp tác với chúng’’.

Cho nên bộ đội Nguyễn Trung Trực kiên quyết bất hợp tác với Pháp, và sau cùng chỉ còn xuất lộ duy nhất—dù miễn cưỡng—là hợp tác với Quốc Trưởng Bảo Đại.

Nói miễn cưỡng là vì lúc đó dã tâm của Pháp được biểu lộ rõ rệt, Quốc Trưởng Bảo Đại chỉ là chức vị hữu danh vô quyền, thành ra tuy là hợp tác với Quốc Trưởng Bảo Đại, nhưng sự thật vẫn là gián tiếp bị Pháp chi phối. Chỉ bảo tồn được phần danh nghĩa mà thôi.

Tuy nhiên, thái độ của các lãnh tụ quân sự trong đơn vị Nguyễn Trung Trực đã chứng tỏ tinh thần chống Pháp của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, trong truyền thống của Đạo và đường lối ái quốc của Huỳnh Giáo Chủ.

Có lẽ cái truyền thống hào hùng của Nguyễn Trung Trực cũng tạo ảnh hưởng trong tâm hồn của những người chiến sĩ nghĩa binh Phật Giáo Hòa Hảo khi tham gia chiến đấu dưới ngọn cờ cách mạng kháng Pháp của một bộ đội được mang danh nghĩa và oai linh của anh hùng Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Trung Trực.

Sau này đơn vị quân sự Nguyễn Trung Trực trở thành một trong những đơn vị đầu tiên của quân đội quốc gia Việt Nam, trung đoàn 55 và 63, nhưng cũng không được chế độ Ngô Đình Diệm đối xử đàng hoàng, bị đưa ra tuốt ngoài miền Trung, binh sĩ đâm ra chán nản, xin giải ngũ trở về quê quán cày ruộng tu hiền. (Trung đoàn 63 bị giải tán ngày 19-6-1956, cùng một lúc với nhiều đơn vị gốc Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn