3- Lịch Sử Truyền Bá Bữu Sơn Kỳ Hương

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 80014)
3- Lịch Sử Truyền Bá Bữu Sơn Kỳ Hương

Phật Thầy Tây An, Giáo tổ khai sáng Tông phái Phật Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, sanh năm 1807, tức năm Gia Long thứ 8, khai đạo năm 1849, viên tịch năm 1856.

Bửu Sơn Kỳ Hương không có hệ thống tổ chức giáo hội như các tôn giáo Tây phương. Do đó những người kế truyền lãnh đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã không được đề cử, thăng cấp, bổ nhậm theo các thủ tục của một giáo hội, hay được trao truyền y bát theo truyền thống Tổ Tổ lưu truyền của Phật giáo Trung Hoa.

Các vị kế truyền trong hàng lãnh đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đều đã tự nhiên xuất hiện như một bực siêu phàm đắc đạo và được tín đồ tôn sùng như một vị giáo chủ. Hoặc là những vị đã trung kiên hành đạo, sáng suốt lãnh đạo quần chúng, nên được tín đồ cảm phục tin tưởng mà theo.
Có thể phân biệt ra hai dòng kế truyền:
1. Lãnh đạo tinh thần với tư cách Giáo chủ kế truyền của Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
2. Lãnh đạo thế tục, là các cao đồ hay đại đệ tử của Phật Thầy Tây An.

Hàng Giáo chủ kế truyền gồm các vị mà ngôn ngữ tây phương gọi là Prophet, dịch ra là Tiên Giác, tự nhiên đắc đạo, thông đạt trí huệ, vượt hẳn lên trên người phàm tục và được chư tín đồ tôn sùng thờ kính như Giáo chủ. Các vị này cũng viết ra kinh giảng để truyền bá giáo lý cũng trị bịnh cứu đời bằng phương pháp mầu nhiệm không cần dược liệu. Nội dung kinh giảng và pháp môn tu hành của các vị này cũng giống như giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương, và địa bàn hoạt động cũng trên một vùng địa dư với Bửu Sơn Kỳ Hương, và nhứt là đều có liên hệ đến linh địa Thất Sơn. Cho nên các Vị được quần chúng tin tưởng như bực siêu phàm hay Hoạt Phật xuất hiện, với sứ mạng thiêng liêng hoằng dương đạo pháp cứu thế độ dân.

Theo các tài liệu hiện hữu về Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, các vị Giáo chủ kế tiếp được xếp theo trình tự sau đây:
1. Đức Phật Thầy Tây An, tục danh Đoàn Minh Huyên, Giáo tổ khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (1849-1856).
2. Đức Phật Trùm (không rõ tục danh) truyền đạo 1868-1875.
3. Đức Bổn Sư, tục danh Ngô Lợi truyền đạo 1879-1890.
4. Đức Sư Vãi Bán Khoai (không rõ tục danh) truyền đạo 1901-1902.
5. Đức Huỳnh Giáo Chủ (tục danh Huỳnh Phú Sổ) khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo năm 1939.

Còn một vị khác là ông Cử Nguyễn Đa đồng thời với Đức Bổn Sư Ngô Lợi, nhưng không nổi tiếng như các vị trên đây.

Hàng thứ hai là các vị Đại Đệ tử, truyền bá giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương và thay mặt Phật Thầy Tây An để lãnh đạo tín đồ trong công việc hành đạo, khẩn hoang và kháng Pháp. Các Đại Đệ tử được quần chúng cảm phục, tuân hành chỉ thị, nhưng không ở mức độ được sùng bái và tôn thờ tuyệt đối như các bực siêu phàm lãnh đạo tinh thần kể trên. Đây là những vị lãnh đạo thế tục của Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

Không sáng tác kinh giảng, mà chỉ truyền bá và khai triển các kinh giảng của Phật Thầy Tây An đã viết ra. Cũng không lập thuyết, không thoát tục xuất gia, các vị này lại là những thể hiện thực tế và mãnh liệt của giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương trong cuộc sống, trong sinh hoạt con người và xã hội. Họ là những cao đồ hay đại đệ tử, đã làm cho giáo lý sống động, và chính nhờ sự sống động đó mà danh tiếng Bửu Sơn Kỳ Hương được thấm sâu vào quần chúng, để tồn tại như một mạch sống phong phú tiềm tàng lưu truyền mãi về sau, kết thành một truyền thống mà các giới gọi là truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương mang hai đặc tính Tu hành và Yêu nước.

Các tài liệu của Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo cũng phân chia lịch trình phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương ra các thời kỳ sau đây:
Thời kỳ thứ nhứt, cũng gọi là thời kỳ khai lập, kể từ năm Kỷ Dậu (1849) tức năm Phật Thầy Tây An khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, cho đến năm Ất Hợi (1875) tức năm Đức Phật Trùm viên tịch.

Thời kỳ thứ hai, cũng gọi là thời kỳ củng cố, kể từ khi Đức Bổn Sư Ngô Lợi bắt đầu hành đạo (1870) cho đến ngày viên tịch (1890). Về điểm này, có nhiều người không hoàn toàn đồng ý về năm khởi đầu 1870 của thời kỳ thứ hai. Lý do thứ nhứt là Đức Phật Trùm viên tịch năm 1875, tức năm cuối của thời kỳ thứ nhứt, do đó không thể có hai vị Giáo chủ (Phật Trùm và Bổn sư) cũng hiện diện trong khoảng thời gian 1870-1875. Lý do thứ hai là tuy ông Ngô Lợi hoạt động truyền đạo và cách mạng chống Pháp từ 1867, nhưng mãi tới 1879, Đức Bổn Sư mới thọ ký (nghĩa là chánh thức lấy danh hiệu Đức Bổn Sư và lãnh đạo Bửu Sơn Kỳ Hương). Như thế lấy năm 1879 làm năm khởi đầu của thời kỳ thứ hai có thể đúng hơn.

Thời kỳ thứ ba, tức thời kỳ phát triển, được chuẩn bị từ khi ông Sư Vãi Bán Khoai phổ biến tác phẩm ØSám Giảng Người Đời (1901-1902) nhắc nhở giáo lý Đức Phật Thầy Tân An, nuôi dưỡng dòng tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương trong quần chúng, để đến năm 1939, Huỳnh Giáo chủ xuất hiện, tông phái này phát triển mạnh mẽ trên nền tảng đã có sẵn, dưới danh hiệu mới là Phật Giáo Hòa Hảo. Tuy nhiên, phải nói rằng Thời kỳ thứ ba, tức thời kỳ phát biểu chỉ thực sự bắt đầu khi Phật Giáo Hòa Hảo xuất hiện năm 1939.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn