Người tường thuật công tác vượt thoát của Huỳnh Giáo Chủ là ông Lâm Ngọc Thạch. Ông là một trong những tín đồ được phục vụ bên cạnh Giáo Chủ, và đã được Giáo Chủ gởi đi học Nhựt ngữ. Lúc đó, ông đảm trách công tác phối hợp với bộ phận chuản bị thành lập Đệ tứ Sư đoàn dân quân, bằng cách tuyển lựa các đội viên Bảo An đưa lên Saigon thụ huấn quân sự.
Sau đây là lời tường thuật của ông Lâm Ngọc Thạch:
‘’... Sau khi được tin Trần Văn Giàu bao vây trụ sở đường Sohier đêm 9-9-1945, tôi lập tức từ trường Mỹ nghệ Gia Định xuống Saigon quan sát tình hình vào sáng ngày 10-9. Rất đông thanh niên tiền phong và công an, quốc gia tự vệ cuộc của Lý Huê Vinh canh gác nghiêm mật quanh trụ sở. Tôi thấy thế nguy không thể vào trụ sở được bèn đi về văn phòng đường Lefèbvre (sau là Nguyễn Công Trứ). Vì nơi đây còn trong khu vực của Kempetai Nhựt, Việt Minh không tới, nên còn bình yên. Tôi gặp một đồng đạo là Hai Cống từ dưới chợ Cầu Ông Lãnh vừa đạp xe máy lên tới nơi. Tôi liền yêu cầu đồng đạo Hai Cống chờ tôi và sẵn sàng để lên Biên Hòa báo tin cho ông Hội trưởng Phật Giáo Hòa Hảo tỉnh Gia Định là Ngô Văn Ký tức ông Phán Ký hay biến cố vừa xảy ra, yêu cầu ông Ký chuản bị nơi nào kín đáo để tôi tìm cách đưa Huỳnh Giáo Chủ lên ản náu. Vì lúc đó trong trí tôi đang thiết lập một kế hoạch đưa Giáo Chủ ra khỏi vòng vây của Lý Huê Vinh tại trụ sở Sohier.
Sau đó tôi về đường Farinolles là nhà của một nữ đồng đạo tên là bà Năm Cò. May thay, tại đây tôi gặp được cô Năm Tournier là một nữ đồng đạo chủ nhân căn nhà 38 đường Miche, giáp với phía sau căn nhà số 8 đường Sohier. Cô Năm Tournier báo tin mật: Đức Thầy hiện còn tại nhà của cô, và cô ra đây để báo tin cho anh em tìm cách đưa Đức Thầy ra khỏi vòng vây.
Kế hoạch của tôi lúc đó là hóa trang làm một sĩ quan quân đội Thiên Hoàng, lái xe có cắm cờ quân đội Nhựt, chạy vào căn nhà bên hông trụ sở đường Miche, lúc đó đang là văn phòng của hải quân Nhựt, rồi tại đó cấp tốc báo tin cho Đức Thầy chuyển sang, và lên xe chạy đi.
Tôi trở về đường Lefèbvre, sắp đặt cho đồng đạo Hai Cống đi Biên Hòa, nói rõ điểm hẹn để ông Phán Ký chờ đợi tại đó. Rồi tôi đến trụ sở hiến binh Nhựt yêu cầu họ cho mượn một chiếc xe hơi của Kempetai. Trung sĩ Yori đồng ý vì có quen biết trước, nhưng khi trình lên thiếu tá Hara thì ông này không chấp thuận cho lấy xe Kempetai, mà giao cho tôi một chiếc xe của hãng Mitsubitsi, có cắm cây cờ mặt trời của Nhựt trên đầu xe. Tôi cần có một người tài xế để dễ bề đối phó khi bị chặn đường, và bà Năm Cò đã sốt sắng giao đứa con trai duy nhất mà bà rất cưng (tạm gọi là anh Hai) đi làm nhiệm vụ nguy hiểm đó. Tôi nhận thấy đây là một cử chỉ hy sinh đáng kể của bà, vì bà chỉ có một đứa con mà thôi, mạo hiểm đi làm công tác này thiệt là nguy hiểm, vì xông vào vòng vây địch, có thể bị bắt, hay bị xả súng bắn chết như không.
Tôi thay quần áo, mặc bộ sắc phục sĩ quan Nhựt, đeo gươm dài, đội mũ lưỡi trai cản thận. Bộ quần áo này do ông Trần Văn Soái may tặng cho tôi từ lâu, tôi chưa hề mặc, đây là lần đầu tiên đem ra sử dụng trong một công tác đặc biệt, để hóa trang làm sĩ quan quân đội Thiên Hoàng.
Anh bạn tài xế lúc đó cũng còn trẻ, khoảng 25 tuổi, công tử con nhà có tiền, mặt mũi thiệt dễ thương hiền lành, nghe lời mẹ dạy, mà lãnh nhiệm vụ lái xe cho tôi. Anh cầm tay bánh, tôi ngồi bên cạnh phía mặt, băng sau là hai thiếu nữ có mang theo một bộ quần áo đàn bà Việt Nam, để sẽ trao cho Đức Thầy mặc vào, hóa trang thành phụ nữ để dễ qua mặt công an Việt Minh.
Tôi dặn anh tài xế là cứ lái như thường, nhưng nếu bị công an chặn lại, thì đừng có ngừng, mà phải nhấn ga phóng xe mau vào căn nhà hải quân. Vào đó rồi, bọn công an sẽ không có cơ hội xét hỏi nữa. Quả vậy, trên đường Miche, ngay góc Sohier, mấy chục nhân viên Quốc gia Tự vệ cuộc và Thanh Niên Tiền Phong còn canh gác bao vây. Khi xe chúng tôi tới nơi, tài xế bóp kèn, vọt ga, đám người đó phải vẹt ra một bên nhường đường, vì sợ bị xe cán. Và tài xế quẹo thật mau vào căn nhà hải quân cạnh căn nhà số 38 đường Miche của cô Năm Tournier.
Xe vừa ngừng, tôi bước xuống lên tiếng kêu “Đức Thầy”, để ngài nhận ra tôi. Chỉ một phút sau, ngài vượt qua bức tường thấp giữa hai căn nhà, nhảy xuống phía bên nhà hải quân, ngay chỗ xe tôi đậu sẵn. Ngài lên xe, ngồi băng sau, và chiếc xe lập tức rời căn nhà đó, phóng ra ngoài đường. Bọn công an chặn lại, nhưng chiếc xe vọt mạnh, họ không bám được, và để cho xe chạy luôn. Chúng tôi chạy thẳng đến chỗ hẹn với ông Phán Ký. Đức Thầy cũng không thay y phục phụ nữ, mà vẫn mặc nguyên quần áo của ngài.
Tới điểm hẹn, ông Phán Ký đã chờ sẵn, đón Đức Thầy đi xe ngựa tới một địa điểm kín đáo tại vùng Long Thành. Tôi và anh bạn tài xế lái xe trở về Saigon, trao trả cho hiến binh chiếc xe hơi, với lời cảm ơn. Công tác táo bạo này đã hoàn tất thật mau lẹ. Tôi không nghĩ rằng tôi có thể tự có sáng kiến và kế hoạch toàn vẹn như vậy. Tôi cũng không ngờ rằng kế hoạch đã được thực hiện xuôi lọt như thế. Tôi nghĩ rằng hẳn phải có Ơn Trên hộ độ.’’
(Thuật lại theo lời ông Lâm ngọc Thạch)
Sau khi đã hoàn tất kế hoạch đưa Huỳnh Giáo Chủ khỏi vòng vây công an, ông Lâm Ngọc Thạch lại sa vào lưới của công an. Đây cũng là một sự việc chứng minh tấm lòng tha thiết đoàn kết chống Pháp của Huỳnh Giáo Chủ. Vừa mới thoát khỏi âm mưu hãm hại của Trần Văn Giàu, Huỳnh Giáo Chủ đã không hề nuôi hận thù, mà đã hành động đúng với tâm thức một người yêu nước và một vị Giáo Chủ. Ngài viết một bức thơ, giao cho ông Lâm Ngọc Thạch trở về Saigon, tìm gặp Ung Văn Khiêm mà trao tận tay. Mục đích là để nói rõ cho Ung Văn Khiêm biết mọi sự thật, để tìm biện pháp gỡ rối cho một tình thế nguy hiểm: tiềm lực dân tộc tan vỡ trong khi quân Pháp sắp đến tái chiếm.
Nhưng Cộng Sản không nghĩ như Ngài, không đặt quyền lợi đất nước lên trên hết như vị Giáo Chủ, mà họ chỉ nghĩ đến quyền lợi đảng Cộng Sản, cho nên thay vì nhận tiếp sứ giả của Huỳnh Giáo Chủ, Ung Văn Khiêm lại để cho công an đến bắt ông Lâm Ngọc Thạch, giam vào hầm tối tại khám lớn Saigon. Tuy là một sự việc nhỏ, cũng đủ để chứng minh rằng Cộng Sản không biết đến dân tộc, cũng không biết đến nhân đạo, có cơ hội là giở ngón độc tài và đàn áp đối lập.
Gửi ý kiến của bạn