6- Cao Hồng Lãnh Và Hoàng Quốc Việt

02 Tháng Hai 20156:52 CH(Xem: 11675)
6- Cao Hồng Lãnh Và Hoàng Quốc Việt
Tổng bộ Việt Minh thấy đồng bào Nam Bộ không có thiện cảm với Cộng Sản, nên đã cấp tốc gởi Cao Hồng Lãnh và Hoàng Quốc Việt vào Saigon, triệu tập đại hội cải tổ Lâm Ủy.

Trong cuộc hội nghị đêm ngày 7-9-1945 tại trụ sở tổng công đoàn, Saigon, có mặt hai sứ giả Hoàng Quốc Việt, Cao Hồng Lãnh của Việt Minh từ Hà Nội vừa vào Saigon để điều chỉnh những quá trớn của Trần Văn Giàu, đã xảy ra cuộc đấu khẩu kịch liệt về vấn đề Trần Văn Giàu cộng tác với Pháp.

Bác sĩ Hồ Vĩnh Ký nhơn danh Phó Giám đốc Công an Nam bộ, đưa hồ sư Trần Văn Giàu ra trước hội nghị, mà tố cáo:

— Trong hồ sơ này, tôi có các tài liệu giấy trắng mực đen, minh chứng rằng ông Giàu có làm việc suốt hai năm qua cho sở Mật thám Pháp. Về tin đồn ông Giàu trốn khỏi trại giam núi Bà Rá giữa khu rừng rậm rộng trên 5.000 cây số vuông, chỉ là một dàn cảnh ngụy trang. Sự thật, đó là kế hoạch tên trùm mật thám Arnoux tổng giám đốc công an Đông Dương. Mấy tờ báo Pháp đăng tải tin ông Giàu vượt ngục khá rùm beng lúc đó, và các giới yêu nước đã tin là thật, nên đã tiếp đón, che giấu, nuôi dưỡng ông Giàu. Nhưng sự thật là ông Giàu không gặp nguy hiểm nào cả, vì ông đã đi từ núi Bà Rá về Saigon bằng xe hơi của sở Mật thám Pháp. Rồi suốt hai năm qua, ông Giàu đã thi hành nhiệm vụ bẩn thỉu của một người điểm chỉ viên cho mật thám Pháp…

Lời tố cáo này, cùng với nhiều đại biểu khác cũng lên án, làm cho Trần Văn Giàu rất hằn học. Hai người được Giàu coi là kẻ thù phải diệt cho kỳ được và bác sĩ Hồ Vĩnh Ký và Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ. Chỉ ít lâu sau cả hai vợ chồng Hồ Vĩnh Ký, Nguyễn Thị Sương đều bị Giàu bắt giam và sát hại. Ngày 7-9-1945, Lâm ủy cải tổ, nhưng Cộng Sản lại giở thủ đoạn cũ: để Huỳnh Phú Sổ tham gia rồi tìm cách bắt Huỳnh Phú Sổ.

Thì chính ngày đó, sau khi hội nghị giải tán, họ liền ra lịnh cho công an cảnh sát đến bắt Huỳnh Phú Sổ tại nhà riêng ở đường Miche. Báo chí Việt ngữ lúc bấy giờ đều đặt dưới quyền kiểm soát của Mai Văn Bộ, một cán bộ tuyên truyền của Cộng Sản, đưa ra để chỉ huy báo chí. Đối với việc vây bắt ông Huỳnh Phú Sổ, Mai Văn Bộ làm thông cáo, viết bài tố cáo Huỳnh Phú Sổ mưu loạn. Họ vu khống Huỳnh Phú Sổ muốn cướp chánh quyền. (*)

Phiên họp đêm 7-9-1945 tại trụ sở Tổng Công Đoàn đường Lagrandière (Gia Long sau này) quyết định thành phần Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ (để thay thế Lâm ủy Hành chánh) do ông Phạm Văn Bạch làm chủ tịch, Trần Văn Giàu phó chủ tịch kiêm nhiệm Ủy trưởng Quân sự.

Những ngày đầu tháng 9-1945 tại miền Nam, tình hình vô cùng rối loạn do các biến cố dồn dập xảy ra.

Khởi đầu là cuộc biểu tình tại Saigon ngày 2-9-1945 do Việt Minh tổ chức để hưởng ứng ngày "tuyên bố Việt Nam độc lập", Hồ Chí Minh ra mắt đồng bào tại Hà Nội. Tại Saigon đây là cuộc biểu tình thứ ba trong vòng mười lăm ngày: 21-8 biểu tình vĩ đại (200.000 người) do Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt tổ chức; 25-8 Việt Minhtổ chức ra mắt đồng bào; 2-9 biểu tình độc lập.

Cuộc biểu tình 2-9 do khuynh hướng quá khích của cán bộ Việt Minh, đã gây đỗ máu và hỗn loạn. Đây là cuộc biểu tình gọi là "võ trang", Trần Văn Giàu tuyên bố có bốn sư đoàn dân quân cách mạng tuần hành trên đại lộ Norodom (đại lộ Cộng Hòa, rồi Thống Nhứt sau này). Năm người Pháp trong đó có linh mục Tricoire bị giết, khoảng 30 người bị thương. Sau đó Trần Văn Giàu ra thông cáo rằng "chúng ta đã thắng lợi". Nhưng sự thật đây là một thất bại trên bình diện ngoại giao với hậu quả trầm trọng của nó.

Sau cuộc biểu tình này, phái bộ quân sự Anh thay mặt Đồng minh hạ lịnh cho Thống chế Terau chi Tổng Tư lịnh Quân đội Nhựt tại Đông Nam Á phải triệt để bảo vệ trật tự tại Việt Nam.

Quân đội Nhựt liền chuyển bảy tiểu đoàn vào Saigon giữ trật tự trong thành phố, và hạ lịnh giải tán các tổ chức võ trang của Việt Nam, đòi hỏi Lâm ủy Hành chánh phải giao nạp tất cả võ khí, cấm hoạt động phá rối trị an, cấm tụ tập biểu tình…

Khi phái bộ Pháp do Cedille cầm đầu đến Saigon, họ viện cớ hành động quá khích ngày 2-9 và Lâm ủy Hành chánh bất lực trong việc giữ trật tự bảo vệ sanh mạng tài sản dân chúng, cho nên đã vận động được với tướng Gracey, Tư lịnh phái bộ quân sự Anh hạ lịnh gắt gao: Cấm mang khí giới, cấm hết báo chí Việt ngữ, giới nghiêm cấm dân chúng ra đường từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng. Sau đó Gracey lại võ trang 1.400 lính Pháp tại thành Săn Đá 11 ème RIC, để phụ lực giữ trật tự, bước đầu lộng hành của Pháp tại miền Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn