1- Bối Cảnh Lịch Sử

20 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 90489)
1- Bối Cảnh Lịch Sử
Bửu Sơn Kỳ Hương xuất hiện vào giữa thế kyœ 19, xã hội miền Nam Việt Nam sinh hoạt theo nếp sống cổ truyền, khép kín chưa có ảnh hưởng chính trị và văn hóa ngoại quốc. Tuy là một xã hội chậm tiến kinh tế, nhưng quân bình và tự chủ, không phân hóa giai cấp và có chủ quyền đất nước hành xử bởi vua và triều đình. Trong bối cảnh xã hội ấy, Bửu Sơn Kỳ Hương đã xuất hiện và được truyền bá như một tôn giáo với sứ mạng văn hóa và xã hội, cải thiện tín ngưỡng và cải tạo con người, gieo rắc ý thức về sự tương quan mật thiết giữa Đạo Pháp và Dân Tộc, qua thuyết Tứ Ân.

Bối cảnh xã hội Việt Nam khi Phật Giáo Hòa Hảo xuất hiện có một số đặc tính khác hẳn, cho nên Phật Giáo Hòa Hảo không giới hạn hoạt động trong địa hạt thuần tín ngưỡng, mà còn tích cực tham gia cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cuộc cách mạng xã hội.

Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp, vừa là một quốc gia mất chủ quyền độc lập, lại vừa là một xã hội phân hóa bất công, đồng thời còn là một xã hội đang chuyển hướng văn hóa trong sự giao tiếp của nền văn minh truyền thống phương Đông với nền văn minh duy lý, kỹ thuật mới nhập cảng từ phương Tây. Đây là một xã hội đang bị đè nén dưới sức nặng của bộ máy cai trị thuộc địa. Nhưng cánh cửa đã hé mở đón nhận luồng gió mới thổi đến từ một chân trời mới, hai yếu tố nội tại và khách quan này khích động mạnh mẽ sự bùng nổ của một cuộc cách mạng đáp ứng nguyện vọng vươn lên đòi thay đổi, không những chỉ thay đổi thân phận, mà còn thay đổi cả lịch sử, thay đổi cả hướng đi tương lai. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại bang thống trị, và cũng là cuộc cách mạng giải phóng con người khỏi tình trạng bất công xã hội.

Phần phân tích sơ lược các thay đổi xã hội tại miền Nam Việt Nam trong thời Pháp thuộc (chương 3) cho thấy cuộc sống tối tăm của giới nông dân tá điền, một cổ hai tròng: vừa bị ngoại bang thống trị, vừa bị xã hội bạc đãi. Trong cuộc sống nghèo kém về kinh tế, áp bức bởi quyền lực ngoại bang và cường hào ác bá, lớp nông dân đa số này không có cơ hội và phương tiện để thăng tiến xã hội, cũng không có khả năng tự giải thoát ra khỏi tình trạng bế tắc mà ông cha họ đã trải qua, bây giờ chính bản thân họ đang chịu đựng, và sau này con cái họ sẽ phải tiếp tục chịu đựng. Những dày vò hàng ngày của các nhu cầu vật chất và nợ nần, của nếp sống lao nhọc và thiếu thốn, cộng với những ẩn ức tâm lý của con người bị chèn áp, áp bức về tinh thần bởi các thế lực mạnh hơn trong xã hội, tất nhiên tạo ra trong tâm hồn họ một niềm u uất bi phẫn mà họ không dám bộc lộ thành lời nói hay hành động phản kháng, và tất nhiên cũng nung nấu trong lòng họ một ước vọng giải thoát mà chính họ, họ cũng không biết làm sao, đi con đường nào, để thực hiện nguyện vọng giải thoát đó.

Tâm trạng ấy đương nhiên hướng những con người mộc mạc trong một xã hội đa tín ngưỡng về với các vị Thần linh hay Trời Phật mà họ nghĩ rằng chỉ có phép lạ nhiệm mầu của các bậc siêu phàm mới cứu giúp họ, mới giải thoát họ ra khỏi cuộc đời tối tăm đau khổ vô vọng hiện tại. Nhưng Trời Phật và các vị Thần linh vẫn vô hình và xa xôi quá, mà cuộc sống thực tế vẫn tiếp diễn hàng ngày trong nghèo khổ và áp bức. Đó là một tình trạng bế tắc, không lối thoát nào hé mở cho họ, không một thần lực nào giúp đỡ cho sự bất lực của họ.

Phật Giáo Hòa Hảo đã xuất hiện tại nông thôn miền Hậu Giang Nam Việt, giữa tình trạng bế tắc của giới nông dân, như một sinh lộ đưa họ ra khỏi tắc nghẽn vô vọng. Người nông dân hưởng ứng và tin theo Phật Giáo Hòa Hảo, bởi vì nhận thấy rằng Phật Giáo Hòa Hảo đúng là sinh lộ đưa họ thoát ra khỏi cuộc sống hiện tại bị bạc đãi thiệt thòi, lại còn là con đường giải thoát họ trong hậu kiếp sau khi họ từ giã cuộc đời thế gian này. Họ cảm nhận rằng Giáo Chủ họ Huỳnh đã khai sáng cho họ con đường lý tưởng Phật Giáo Hòa Hảo đã để họ thoát khỏi cái bế tắc xã hội và cả cái bế tắc tín ngưỡng.

Qua những lời truyền giảng của Giáo Chủ và kinh sách Phật Giáo Hòa Hảo, người nông dân nhận thấy rằng từ nay chân trời của họ không còn bít kín nữa, từ nay họ biết đường nào mà đi, biết cách nào mà làm để tự cứu mình và để vươn lên trong xã hội. Niềm tin tôn giáo đã tạo cho họ sức mạnh tinh thần và niềm tin vào tổ chức đã tạo cho họ sức mạnh thể chất. Họ không còn là những cá nhân đơn độc leœ loi và bất lực trong xã hội. Họ và những người đồng hội đồng thuyền từ nay cùng chung niềm tin tôn giáo, cùng chung tổ chức tín ngưỡng, cùng đứng trong một hàng ngũ xã hội, sẽ có khả năng tự vệ tự tồn, ứng phó với các áp lực mà xưa nay họ phải chịu đựng trong thân phận của con người bị ngoại bang thống trị và bị keœ mạnh bản xứ áp bức. Họ lại còn biết rằng sau cuộc sống thế gian hiện tại nay, họ còn có triển vọng được siêu thoát về cõi tịnh độ niết bàn mà họ từng nghe nói đến, nhưng chỉ hiểu biết một cách mơ hồ. Bây giờ giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo đã giúp cho họ hiểu được thế nào là Địa Ngục, thế nào là Thiên Đàng, và đi con đường nào để thoát khỏi Địa Ngục đọa đày khốn khổ, đi con đường nào để được lên cõi Thiên Đàng tự tại an lạc.

Tuy rằng trên bình diện giáo lý, Phật Giáo Hòa Hảo không phải là một tôn giáo mới, nhưng sự ra đời của Phật Giáo Hòa Hảo năm 1939 đã tạo ra “Một Niềm Tin Mới” hay một ánh sáng Tín Ngưỡng Mới. Phật Giáo Hòa Hảo xuất hiện ngay trong bối cảnh xã hội nông thôn, tức ngay giữa khung cảnh mà họ đang sống, với các nghi thức sinh hoạt thích hợp nếp sống nông nghiệp của họ, được người dân nông thôn xem như quen thuộc, gần gũi, hội nhập vào đời sống cá nhân, gia đình, làng xã của họ, cho nên quần chúng nông thôn đã ồ ạt hưởng ứng, tin tưởng và gia nhập. Họ không thấy có sự cách biệt xa lạ giữa vị Giáo Chủ và họ, giữa những điều thuyết giảng của Giáo chủ và trình độ hiểu biết cũng như nếp suy nghĩ của họ. Giáo Chủ nói những điều mà họ thầm kín nuôi dưỡng trong lòng nhưng không thể diễn tả, cũng không thể tìm cách nào để thực hiện; Giáo chủ lại còn nói với họ bằng thứ ngôn ngữ của chính họ, ngôn ngữ mộc mạc mà họ hiểu ngay được và có thể làm theo được.

Những điều “quen thuộc” này đã tạo ảnh hưởng mau chóng và trực tiếp trong quần chúng nông thôn, chớ không làm họ nghi ngại, ngờ vực, như khi họ nghe các cán bộ chánh trị (đảng viên đảng Cộng sản Đông Dương đã hoạt động tại nông thôn miền Nam từ 1930) thuyết phục họ bằng những lý thuyết lạ tai, ngôn ngữ khó hiểu, mục tiêu xa vời... Các cán bộ chánh trị đã không thâu phục được quần chúng nông thôn miền Nam. Trái lại Phật Giáo Hòa Hảo, với Huỳnh Giáo Chủ, đã tạo ra một rung chuyển lớn trong tâm hồn người dân nông thôn đang khao khát mong mỏi một thay đổi thích hợp với nguyện vọng của họ.

Sự hình thành tổ chức tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo được xem là một hiện tượng đặc biệt hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Hiện tượng hưởng ứng mau chóng, gia nhập ồ ạt của nông dân và điền chủ vào tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo, ngay từ những ngày tháng đầu tiên khai lập, đã làm cho tôn giáo này có đến nửa triệu tín đồ vào cuối năm 1939. Thông thường, sự chiêu mộ đảng viên cho một đảng chính trị hay đoàn viên cho một hiệp hội, một tổ chức xã hội, văn hóa... vẫn phải mất nhiều thì giờ, và chỉ thâu nhận được từng cá nhân, với kết quả giới hạn. Hơn nữa, bản chất người nông dân xưa nay, ở đâu cũng vậy, thường dè dặt rất bảo thủ, nghi ngại, cho nên huy động được sự tham gia của họ là điều khó khăn hơn là đối với người dân đô thị.

Phải nói rằng niềm tin tôn giáo là động lực đầu tiên và chính yếu của phong trào quần chúng gia nhập Phật Giáo Hòa Hảo trong những tháng đầu khai đạo. Người nông dân miền Tây tin rằng Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ là một vị Phật sống, giáng phàm để cứu thế độ nhân. Những lời giảng đạo là “con đường giải thoát” mà Giáo Chủ vạch ra cho họ. Nhưng thực tế cụ thể hơn là hiệu lực trị bịnh thần diệu của Huỳnh Giáo Chủ, đã chữa trị được nhiều loại bịnh nan y mà không dùng dược liệu, cũng không dùng phù phép bùa chú như phù thủy, chỉ dùng lá cây, nước lạnh, giấy vàng.

Tuy rằng ý thức quốc gia dân tộc và tình yêu quê hương là động lực chung phát sinh các phong trào chống Pháp tại Việt Nam, nhưng khi thể hiện vào hình thức tổ chức, người ta thấy có sự dị biệt giữa miền Bắc và miền Nam: tại miền Bắc các đảng cách mạng xuất hiện (Quốc Dân Đảng, Duy Dân, Đại Việt...) và tại miền Nam, các tôn giáo cách mạng ra đời (Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo). Cố nhiên ngoài các tổ chức chính trên đây còn một số tổ chức hay nhóm cách mạng khác nữa có đời sống ngắn và sinh hoạt giới hạn.

Xã hội miền Bắc Việt Nam thiết lập từ lâu đời, nên có truyền thống và kyœ cương vững chắc, so với xã hội miền Nam mới khai phá và thiết lập từ vài thế kyœ, chưa có nền tảng vững vàng thì đã phải tiếp xúc với sức mạnh quân sự và văn minh của Pháp.

Một thành phần xã hội mới đã hình thành trong cuộc giao tiếp với Tây phương và qua chánh sách cai trị, mô thức kinh tế tư bản của Pháp. Đó là thành phần “tiểu tư sản Việt Nam” gồm những công chức, quan lại, công kỹ nghệ thương gia, điền chủ.

Giới tân trí thức xuất thân từ các cơ sở giáo dục cao đẳng thiết lập tại Hànội nhiều hơn là tại Sàigòn, nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ các trào lưu tư tưởng Tây phương về tự do dân chủ, và ý thức duy lý, cho nên những người đi vào hoạt động cách mạng, có tâm trạng và thái độ giống như thành phần “tiểu tư sản trí thức thành thị” trong xã hội Tây phương. Họ kết hợp nhau thành chánh đảng khi cần có tổ chức để tranh đấu cho lý tưởng yêu nước của mình. Cũng cần thêm rằng ảnh hưởng Nho giáo sâu xa vững chắc trong xã hội miền Bắc đã tạo ra tinh thần thực tiễn trong sinh hoạt cách mạng miền Bắc.

Trong khi đó, tại miền Nam, vùng đất mới khai mở sau này, ảnh hưởng Nho giáo giới hạn trong một số công chức của triều đình và giới văn học, chớ chưa phổ cập trong dân gian. Sinh hoạt tín ngưỡng dân gian cũng phong phú hơn các sinh hoạt tín ngưỡng chính thức. (Tại Việt Nam, tín ngưỡng chính thức thường được định chế hóa bởi triều đình như Thành hoàng thờ tại đình làng có sắc chỉ vua ban, như Văn miếu thờ Thánh Khổng, như lễ tế Thần nông. Tín ngưỡng dân gian gồm các sự thờ phượng Tổ Tiên, cúng kiếng Thần linh, thổ thần, sơn thần, thủy thần, tài thần tại các đền các miễu, các hình thức đồng bóng, bùa phép, phù thủy...)

Trong bối cảnh tín ngưỡng ấy, khuynh hướng chung của quần chúng, đặc biệt tại vùng nông thôn, thường thiên về tôn giáo hơn là về các tổ chức tín ngưỡng. Cho nên một số các sinh hoạt mang tính chất chính trị, đấu tranh tại miền Nam đã được lồng vào khuôn khổ hay ảnh hưởng của các hội kín như “Thiên Địa Hội”, một di phẩm của các hội kín “phản Thanh phục Minh” bên Trung Hoa đã theo chân các đoàn Minh Hương sang tị nạn tại Việt từ thế kyœ 17. Các hội kín này được tổ chức và sinh hoạt giống như một thứ tôn giáo đấu tranh, có cắt máu ăn thề tuyên thệ kết nghĩa với nhau có thờ Tổ hay Trời Đất, có niềm tin siêu hình như tôn giáo, tuy rằng mục đích không hẳn là làm lành lánh dữ hay tu hành giải thoát như tôn giáo.

Dưới thời Pháp thuộc, vì giao thông cách trở và chánh sách chia rẽ của Pháp, quần chúng miền Nam gần như bị cắt đứt khỏi mối liên hệ với Triều đình Huế, giống như một phần cơ thể bị tách rời khỏi cái đầu lãnh đạo. Trong tình huống đó, người dân sống đời sống riêng của họ, trong khung cảnh làng xã của họ. Liên hệ xã hội giữa họ với giới thị dân không mật thiết và lại miễn cưỡng, cho nên dân làng sống gần như biệt lập tại nông thôn, sinh hoạt kinh tế vụ vào nông nghiệp tự túc, sinh hoạt xã hội nặng phần tín ngưỡng dân gian. Họ còn mang tâm trạng bất mãn đối với triều đình, với đô thị, đối với keœ ngoại bang thống trị.

Bởi vì triều đình Huế đã thỏa hiệp với xâm lược Pháp, nên dưới cái nhìn của quần chúng miền Nam, (mà tư tưởng Khổng giáo về một tương quan quân thần của thuyết tam cương ngũ thường chưa có ảnh hưởng vững mạnh trong xã hội) cho rằng Vua đã tự mình làm mất tư cách thiêng liêng của thiên tử thay Trời trị dân. Do đó mà niềm tin của quần chúng miền Nam đối với nhà Vua đã suy giảm. Họ không nghĩ rằng Vua là thiên tử thay Trời nữa. Vua đã mất thiên hạ rồi.

Trước kia, Vua là trung gian giữa Trời và thứ dân, Vua là điểm quân bình Trời Đất, có thiên mệnh nên có quyền uy tuyệt đối và tối thượng trong nước. Khi người Pháp tới. Vua bị đánh bại, hạ nhục, và trở thành con bài trong tay thực dân Pháp. Nam Việt (tức Nam kỳ) không còn là đất của nhà vua nữa, nay đã trở thành một thuộc địa của Pháp. Bỗng nhiên cái xã hội miền Nam mất cái đầu, cái đầu cần thiết để giữ giềng mối cho xã hội văn minh nông nghiệp đã lưu truyền bao nhiêu thế kyœ qua. Hiện tượng “khủng hoảng từ đầu mối” tức từ trên đỉnh của hình tháp tượng trưng cho sự tương quan giữa Vua và Dân, cố nhiên tạo ra tâm lý hoang mang trong quần chúng, mà người ta gọi là một trạng thái khủng hoảng niềm tin. Từ tâm trạng hoang mang đó, quần chúng lo sợ sự trừng phạt của Trời và tai họa khủng khiếp sẽ đến. Kế tiếp là cuộc sống trong chế độ thuộc địa, quần chúng nông thôn bị đẩy lui từ vị trí nông dân canh tác mảnh đất nhỏ vua ban (do làng xã phân phối) xuống vị trí keœ tá điền vô sản, từ nay lệ thuộc vào giới điền chủ, để rồi bị bạc đãi, bóc lột, với cuộc sống tối tăm vô vọng.

Từ tâm trạng đó, họ sẵn sàng tham gia một tổ chức cách mạng mang sắc thái một tôn giáo cách mạng, một niềm tin mới cho họ.

Một học giả đã nghiên cứu về xã hội Việt Nam và đã dạy tại Đại học Văn Khoa Sàigòn là thạc sĩ Michel Dufeil, có phân tích về hiện tượng các tôn giáo mới ở miền Nam như sau:

‘’... Trên bình diện phân tích xã hội, người Pháp chiếm miền Nam (1862) đã tạo ra trạng thái gẫy đổ tín ngưỡng (rupture religieuse) và phá sản (faillite sociale). Thiên tử, tức là Vua, trên đỉnh cao của trật tự xã hội Nho giáo, chỉ còn là con cờ trong tay các quan cai trị Pháp, nay phế mai lập (vua Thành Thái, Duy Tân). Pháp lại còn chia cắt nước Việt Nam thành Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, làm cho vua ngồi ở cung điện Huế bị cắt rời ảnh hưởng đối với dân chúng Bắc kỳ, trong khi đó thì Nam kỳ được chuyển thành một thuộc địa của chánh quốc Pháp, không biết gì đến quyền lợi của triều đình nữa...

Giới sĩ phu mới tức trí thức Việt Nam học văn hóa Pháp, không đáp ứng được khuynh hướng dân tộc của đại đa số quần chúng nên bị tách rời khỏi quần chúng. Trong khi quần chúng còn bảo tồn dân tộc tính và bản chất dân tộc thì giới trí thức tư sản tân học lại chạy theo Pháp, tạo một khoảng trống; quần chúng mất địa bàn tin tưởng, mất cả điểm tựa cố hữu... Trong trạng huống xã hội đó, quần chúng ở một trạng thái tâm lý sẵn sàng hướng về tôn giáo mới. Họ đã mất tin tưởng nơi giới sĩ phu Nho học thất thế, lại không tin tưởng lớp trí thức tân học vong bản, còn triều đình thì xa vời, bất lực, đạo Phật truyền thống cũng đang suy vi, cho nên những tôn giáo mới xuất hiện như Cao Đài và Hòa Hảo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và thích ứng bản chất dân tộc của quần chúng, đương nhiên có mãnh lực cuốn hút được đông đảo quần chúng...” (*)

Tôn giáo Cao Đài ra đời năm 1928, tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo ra đời năm 1939, tuy có những đặc điểm riêng khác với nhau về giáo lý, nghi thức thờ phượng, nhưng có các điểm tương đồng sau đây:

— Thành phần tín đồ đại đa số là quần chúng sống tại khu vực nông thôn, và nhiều nhứt tại miền Nam Việt Nam.

— Ngoài tín ngưỡng, cả hai tổ chức này đều có khuynh hướng khá mạnh mẽ và rõ rệt: đấu tranh chống thực dân Pháp để đòi lại chủ quyền quốc gia.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn