3- Nghĩa Binh Và Thân Binh

02 Tháng Hai 201510:41 CH(Xem: 11134)
3- Nghĩa Binh Và Thân Binh
Năm 1945, khi Pháp trở lại dùng binh lực tái chiến miền Nam, họ mộ một số người Việt Nam vào phục vụ cho họ dưới danh nghĩa “Partisan” tiếng Việt là “thân binh”. Những thân binh này đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của các hạ sĩ quan, sĩ quan Pháp hay người Phi Châu trong quân đội Pháp.

Nhiệm vụ các toán thân binh là đóng đồn bảo vệ các trục lộ giao thông và trong thành phố. Thân binh thường sách nhiễu dân chúng, cho nên hễ nói đến “lính Partisan” người dân lo sợ, không có cảm tình.

Về sau, với số thân binh tăng gia, Pháp quyết định tổ chức lại thành đơn vị lớn hơn gọi là quân phụ lực (Forces supplétives).

Về mặt tinh thần, thân binh không có lý tưởng, họ theo Pháp cũng không phải vì lý tưởng thân Pháp, muốn làm ích lợi cho Pháp. Họ theo Pháp vì quyền lợi cá nhân của bản thân họ: có lương bổng và có chút quyền hành với bộ quân phục và võ khí, để làm oai và sách nhiễu.

Khác với thân binh, Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài hợp tác với Pháp bởi động cơ lý tưởng, họ muốn thực hiện lý tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của họ theo một tiến trình mà lịch sử đã buộc họ phải chọn lựa và đi vào. Vì bị Việt Minh Cộng Sản uy hiếp, đàn áp, và vì đối nghịch tư tưởng cho nên các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, chọn lựa đường lối mới: Hợp tác với Pháp để chống lại Cộng Sản Việt Minh. Đây là một sự lựa chọn rất khó khăn, vì họ bị lâm vào một thế kẹt lưỡng nan:

1. Không thể chiến đấu chống một lần cả hai địch thủ: đằng trước là Pháp, đằng sau là Việt Minh.

2. Tiếp tục hợp tác với Việt Minh thì khi Việt Minh mạnh sẽ tiêu diệt họ, nhưng hợp tác với Pháp sẽ mang tiếng cộng tác với thực dân xâm lược.

Khi phải lấy quyết định hợp tác với Pháp, họ cho rằng trước trào lưu thế giới sau đệ nhị thế chiến, Pháp sẽ phải trả chủ quyền cho Việt Nam vì thời đại thực dân chiếm thuộc địa đang suy tàn. Trái lại Cộng Sản là hiểm họa mới phát sanh và đang độ phát triển, khi mạnh lên sẽ là một đại họa nguy hiểm lâu dài về sau. Từ nhận xét đó, họ chọn lựa hợp tác với Pháp, hiểm họa nhứt thời, để đối phó với Cộng Sản, hiểm họa lâu dài.

Do đó, đây không phải là những cá nhân cộng tác với Pháp như những thân binh nói trên, mà là các đơn vị hay tổ chức hợp tác với Pháp, mà vẫn giữ nguyên quyền chỉ huy, sĩ quan Pháp không chỉ huy các đơn vị võ trang Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo.

Sự hợp tác này dựa trên căn bản những điều đã cam kết song phương ghi trong những bản thỏa hiệp hay hiệp định (Convention) như bản Hiệp định Liên quân ký kết giữa Pháp và quân lực Phật Giáo Hòa Hảo ngày 18-5-1947 cũng gọi là hiệp định Cluzet-Trần Văn Soái.

Quân đội Pháp không mộ binh, không chỉ huy, mà chính các sĩ quan Phật Giáo Hòa Hảo quy tụ binh sĩ theo công thức dân quân tình nguyện, thành lập các đơn vị chiến đấu do chính họ chỉ huy. Nhiều đơn vị căn bản cấp Đại đội đặt dưới quyền chỉ huy tối cao của Bộ Tư lịnh Quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, với một Bộ Tham mưu riêng, 100% là sĩ quan Phật Giáo Hòa Hảo, không có sĩ quan Pháp xen vào. Quân đội Pháp thiết lập một phái bộ liên lạc đặt bên cạnh Bộ Tư lịnh Quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, để phối hợp mọi công việc về tổ chức, trang bị, hành quân, phát triển.

Với tư thế đó, họ có tự do hành động trên nhiều lãnh vực: điều động nội bộ, hành quân, phân phối phương tiện chiến đấu, sắp xếp nhân sự, phát triển đơn vị, lập các kho dự trữ riêng, thiết lập cơ xưởng chế tạo vũ khí... Ngoài ra họ còn có các hoạt động chính trị theo đường lối của họ, để phục vụ lý tưởng của họ, với các cơ sở thông tin, báo chí, các bộ phận chính trị, ngoại giao...

Trong lịch sử hợp tác giữa quân lực tổ chức Nghĩa quân Hòa Hảo với quân đội Pháp từ 1947 đến 1955, đã xảy ra nhiều cơn khủng hoảng, vì họ không chịu thi hành những điều Pháp muốn, nhưng ngược với chủ trương của họ, không phù hợp với lý tưởng của họ.

Cho nên dù hợp tác với Pháp, họ vẫn chiến đấu cho lý tưởng yêu nước, xem sự hợp tác này chỉ là một nhu cầu của một giai đoạn khó khăn, buộc lòng phải chấp nhận.

Bản chất nghĩa binh khác hẳn với thân binh, cho nên tuy chiến đấu trong những điều kiện vật chất thiếu thốn, nghĩa binh vẫn không vì thế mà tan rã hàng ngũ. Trong khi người thân binh vì quyền lợi cá nhân mà theo Pháp, không thể đủ tinh thần chiến đấu khi không có lương bổng. Tinh thần chiến đấu, mức độ kiên cường gan dạ, khả năng chịu đựng gian khổ, lòng hy sinh không sợ hãi cái chết, lấy các tiêu chuẩn tinh thần này mà so sánh, người ta thấy ngay rằng tinh thần chiến đấu của nghĩa binh cao hơn người thân binh rất nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ giản dị như thế, vì đây không phải các vấn đề cá nhân, đây là vấn đề của một tập thể, một tổ chức, một quân lực. Phải có cơ cấu chỉ huy, tham mưu, tiếp vận, y tế, chuyên chở...và tất cả những loại chi phí khác không thể thiếu, nếu muốn cho toàn thể bộ máy chạy được, điều hành được, chiến đấu được.

Ở vào bối cảnh giữa năm 1947 tới 1955, quân lực Phật Giáo Hòa Hảo có cái thế uy quyền tạo ra bởi sức mạnh võ khí và thế lực quần chúng ở miền Tây. Họ không xin phép chính quyền cho những hoạt động tài chánh, họ tự ý thiết lập những hệ thống riêng biệt để thâu thuế các loại, thâu lúa ruộng trong các vùng nông thôn, thâu tiền thuế của các giới thương mại ngoài đô thị, giới chuyển vận trên lộ, dưới sông, trên các hoạt động ngư nghiệp...

Theo tài liệu quân đội Pháp, các nguồn tài chánh của quân lực Phật Giáo Hòa Hảo gồm có:

1. Một số lương chánh thức dưới danh nghĩa quân lực bổ túc.

2. Thuế thâu trong nội bộ tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và dân chúng.

3. Lợi tức nghiệp vụ của đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo.

4. Tài sản thâu đoạt được.

>Lương bổng của họ chỉ bằng 1/4 quân số thực sự. Thuế thâu trong nội bộ Phật Giáo Hòa Hảo phần nhiều là tự nguyện, và nhẹ, bằng hiện vật (lúa). Các vị chỉ huy quân sự Phật Giáo Hòa Hảo hiểu rằng sức mạnh của họ dựa vào khối quần chúng nông thôn, cho nên họ không ép buộc quá đáng. Phải nói rằng nông dân có vẻ hài lòng khi đóng thuế cho Phật Giáo Hòa Hảo.

Các lãnh tụ quân sự Phật Giáo Hòa Hảo hiểu rằng họ có thể dùng thế lực để thiết lập các nghiệp vụ sanh lợi: ngư nghiệp, thương mại ngư sản, nhà máy xay lúa, xưởng làm gạch, xưởng làm nước mắm, chuyên chở hành khách bằng xe đò và ghe máy...

Các nghiệp vụ chắc có lợi, vì không ai dám cạnh tranh, và họ cũng không phải đóng các sắc thuế thông thường về nghiệp vụ.

Dân đô thị là nguồn cung cấp tài chánh sau cùng. Những người đi thâu thuế đến từng nhà, nhận những số tiền đóng góp gọi là “tự nguyện”. Một số cơ sở cờ bạc giải trí mọc lên gần các khu vực Hòa Hảo, để cho dân chúng không phải tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đến giải trí. Những xe đò bị chặn, tàu bè trên sông bị chặn để thâu thuế. Người nào cưỡng lại không đóng thuế, có thể bị hậu quả trừng phạt, cảnh cáo, để bộ máy lý tài chạy đều... (*)

Những người ghi chép sử liệu, hay những tác giả viết về chiến tranh Việt Nam và về các giáo phái miền Nam, không lưu tâm đến yếu tố tài chánh vừa được trình bày trên đây. Ngược lại, các tài liệu nói khá nhiều đến các hành động lý tài bất hợp pháp của phía quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, với những lời phê phán nghiêm khắc, gây một ấn tượng chung trong dư luận cho rằng quân lực Phật Giáo Hòa Hảo có những hành động cướp bóc, sách nhiễu, làm tiền phi pháp...

Lên án chung như vậy, vừa thiếu tinh thần khách quan, lại vừa bất công. Chỉ kết tội mà không tìm hiểu nguyên nhân đã làm phát sanh sự việc, là một lối nhận xét đơn thuần bằng hậu quả, và trên hậu quả. Theo một số giới chức Phật Giáo Hòa Hảo và giới tranh đấu tại Việt Nam mà chính họ cũng đã phải trải qua các hoàn cảnh giống như của Phật Giáo Hòa Hảo, thì trước hết phải đặt người Pháp vào trách nhiệm của họ. Vì tính toán sai lầm hay vì một chánh sách sâu độc, Pháp cố tình tạo ra tình trạng đó, đưa quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vào một hoàn cảnh “phải làm tiền để tự đài thọ các chi phí chiến đấu”? Hay là họ chỉ nhìn thấy nhu cầu hợp tác chiến đấu chống Cộng sản, nhu cầu bình định lãnh thổ, mà không nhìn thấy nhu cầu phải cung cấp tài chánh hợp lý cho các quân nhân Phật Giáo Hòa Hảo nhận lãnh vai trò chiến đấu bình định đó.

Chắc chắn người Pháp không thể không biết đến điều sơ đẳng đó, bởi vì họ đang có một quân đội viễn chinh tại chiến trường, tất nhiên họ phải biết rõ quân đội cần những gì, người lính cần những gì? Nhưng họ đã cố tình đầu cơ trên tâm lý “căm thù Cộng Sản” và nhu cầu tự vệ tự tồn của Phật Giáo Hòa Hảo trong nghịch cảnh xẩy ra tháng 4-1947. Cho nên họ đã không giải quyết vấn đề một cách hợp tình hợp lý theo công thức thông dụng và bình thường của nguyên tắc thiết kế, nghĩa là phải bảo đảm phương tiện để thực hiện công tác đề ra trong kế hoạch. Hay là phải nghĩ rằng người Pháp đã thiết kế bằng đường lối chánh trị tinh ma xảo trá để vừa lợi dụng được khả năng chiến đấu của tín đồ chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo, vừa đạt mục tiêu bôi đen hạ giá đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo, để không còn giá trị của một tổ chức cách mạng mà họ phải lo ngại nữa.

Điều giả thiết này cũng phù hợp với chánh sách chung của Pháp tại Việt Nam, trong thái độ Pháp đối với giải pháp Bảo Đại.

Biết rằng giới quốc gia kẹt vào cái thế phải đi với họ, cho nên Pháp đã cố tình đưa các chánh quyền quốc gia vào cái thế bù nhìn mất chánh nghĩa. Quân đội Pháp cũng áp dụng chánh sách đó đối với Phật Giáo Hòa Hảo, biết rằng các đơn vị quân sĩ Phật Giáo Hòa Hảo có nhu cầu cần phải dựa vào Pháp để đối phó Cộng Sản, để tự cứu tự tồn. Chánh sách này đem lại ít ra là hai điều lợi: ít tốn kém tiền bạc, và hạ uy tín của một tổ chức có thực lực quần chúng mà họ đã từng phải lo âu trong quá khứ. Cho nên hiệp định liên quân 18-5-1947 không có ấn định khoản nào về tài chánh, đây cũng là điều sơ hở của chính phía Phật Giáo Hòa Hảo, đã không nói rõ nhu cầu tài chánh khi nói về nhu cầu võ trang và chiến đấu.

Trong hoàn cảnh chiến đấu tự túc của những năm 1947-1948, thời kỳ hoàn toàn không có ngân sách đài thọ một phần lương bổng nào, cũng là thời kỳ mà nhu cầu quân số phải tăng qia theo một nhịp độ mau chóng bất thường, những người lãnh đạo quân sự Phật Giáo Hòa Hảo không thể tránh được các hành động lý tài để tự đáp ứng nhu cầu tài chánh.

Và chắc chắn các hành động đó đụng chạm quyền lợi của một số người trong xã hội chung quanh, làm cho họ bất bình, oán thán Phật Giáo Hòa Hảo. Ông điền chủ lánh nạn ra chợ, nay thấy đã yên, muốn trở về điền mình đòi thâu lúa ruộng, lại chạm trán một đại đội trưởng Phật Giáo Hòa Hảo không chấp nhận góp lúa nộp cho ông điền chủ, mà lại thâu lúa đó cho chính đơn vị của mình. Ông điền chủ bất mãn và nói rằng: “Hoà Hảo là kẻ cướp”.

Một nhà buôn, một ông chủ nhà máy xay, một ông chủ xe đò, một bữa nào đó được thơ mời, hay có người lạ đến thăm, đó là để thâu một “Sắc thuế an ninh ủng hộ binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo”. Ông chủ nhứt định không vui lòng, cho rằng “Hòa Hảo thâu thuế bất hợp pháp”, mặc dù trong thực tế doanh nghiệp của ông phát triển được là nhờ có an ninh bảo đảm bởi các binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo đó.

Tất cả bất mãn của các giới “bị thâu thuế” này cộng chung lại thành một luồng dư luận chống đối Phật Giáo Hòa Hảo.

Cũng còn phải kể, trong bối cảnh thời cuộc lúc đó, bộ máy tuyên truyền cộng sản chắc chắn không bỏ qua cơ hội để đào thêm cái hố chia rẽ các giới bên ngoài đối với Phật Giáo Hòa Hảo, điều này có lợi cho Cộng Sản. Cho nên tuyên truyền Cộng Sản, từ Nam ra Bắc, đã thành công ở mục tiêu gieo rắc vào lòng người những thành kiến xấu xa về Phật Giáo Hòa Hảo. Những đồng bào Bắc Việt di cư vào Nam năm 1954-1955 có sẵn các thành kiến xấu xa và sai lầm về Phật Giáo Hòa Hảo, đó là kết quả của tuyên truyền đầu độc của Cộng Sản.

Lấy công tâm mà nhìn cái quá khứ đó, trong bối cảnh xã hội chiến tranh đó, và cái hoàn cảnh đặc biệt đó của Phật Giáo Hòa Hảo, thì có thể nói rằng:

§ Người quân nhân Phật Giáo Hòa Hảo đã cung cấp hiệu năng chiến đấu với một phí tổn rất thấp. Đó là một thực trạng bất công, so sánh với chi phí bằng mười lần cao hơn của một chiến sĩ vệ binh quốc gia đương thời, mà hiệu năng chiến đấu đã tỏ ra nghèo nàn hơn.

§ Người Pháp đã thi hành một chánh sách sâu độc, vừa ít tốn kém chi phí, lại vừa làm mất chánh nghĩa và uy tín của một tổ chức có thực lực quần chúng mà họ thường phải lo ngại.

Những người lính nông dân này không có tội gì, không ai có thể kết tội họ “làm tiền phi pháp”, vì họ vẫn chỉ có cuộc sống nghèo nàn, đạm bạc, không hề có một tài sản riêng nào cho bản thân. Hàng vạn các chiến sĩ nghèo nàn đó đã hy sinh xương máu tại các chiến trường miền Tây.

Nhưng chắc chắn phải có những người có tội về những lạm dụng. Kẻ nào, dù dưới danh nghĩa Phật Giáo Hòa Hảo, hay bất cứ danh nghĩa nào, đã lợi dụng vị thế của mình để vơ vét tham lam, thỏa mãn tham vọng cá nhân, những kẻ đó không những có tội đối với xã hội, mà còn có tội đối với đồng đội và đồng đạo của họ, bởi vì chính các hành động tham lam cá nhân của họ đã tạo ra tiếng xấu cho cả một tập thể. Một tỷ lệ nhỏ nào đó đã hành động xấu, làm cho đại đa số chiến sĩ và cấp chỉ huy tốt của quân lực Phật Giáo Hòa Hảo phải chịu chung búa rìu khắc nghiệt của dư luận bên ngoài. Trong bất cứ tập thể nào cũng thường có những con người xấu, nhưng không thể vì thế mà bôi xấu toàn bộ tập thể đó.

Tổng kết lại, giai đoạn quân sự của Phật Giáo Hòa Hảo 1947-1955, công tội ra sao đối với lịch sử? Và những nhân vật lãnh đạo của giai đoạn quân sự này, công tội ra sao đối với đất nước, và đối với chính tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo?

Quả thật, tinh thần địa phương của Phật Giáo Hòa Hảo khá rõ rệt. Bản chất nông dân là bảo thủ. Tinh thần gia đình và làng xã, nói rộng ra là tinh thần địa phương. Những nhà văn hóa thường ca tụng chế độ xã thôn tự trị, truyền thống làng xã Việt Nam như những đặc thái Việt Nam trong nền văn minh nông nghiệp. Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo sanh ra và lớn lên trong bối cảnh nông thôn ấy, tất nhiên không thể không có tinh thần yêu mến đặc biệt đối với làng xã, địa phương mình.

Cố nhiên ở thế kỷ 20, quan điểm văn hóa này bị lấn áp bởi các tư tưởng dân chủ du nhập từ Tây phương, giá trị cổ truyền bị lạt phai suy giảm, vì cần phải thích nghi với hoàn cảnh xã hội mới. Tuy nhiên các thay đổi xã hội và tâm lý thường đến với dân đô thị trước và theo nhịp độ mau hơn là đến với người dân nông thôn. Như vậy, tinh thần địa phương của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là nếp suy nghĩ tự nhiên, và nhà cầm quyền có nhiệm vụ phải tôn trọng, nói theo tinh thần dân chủ, đồng thời tìm biện pháp cải tiến theo nhu cầu tiến hóa của dân tộc và quốc gia, chớ không thể chê bai chỉ trích và lên án lạc hậu như một nhà độc tài bài xích bác bỏ tất cả những gì không theo đúng ý mình.

Về sự lạm dụng hay sách nhiễu dân chúng, như đã trình bày chi tiết ở phần trên, có các nguyên nhân của nó. Thủ phạm là những cá nhân, như ở trong bất cứ tập thể nào, kể cả tôn giáo, nên không thể lấy điều bất chánh cá nhân mà gán cho cả một tập thể.

Nhưng mặt khác, cũng vẫn lấy công tâm mà xét, nhìn vào thành quả mà luận công, tội, thì thành quả đã đạt được bởi phía Phật Giáo Hòa Hảo từ 1947 đến 1955 trên bình diện quân sự, bảo tồn một vùng lãnh thổ quốc gia, bảo vệ an ninh cho các giới tiếp tục sinh hoạt kinh tế và guồng máy chính quyền quốc gia tiếp tục hiện diện, tất nhiên phải ghi đó là phần công trạng của các lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo.

Một điều rất rõ ràng: Vùng đất miền Tây Nam Việt trước 1947, bị Việt Minh thao túng, phá rối, các sinh hoạt kinh tế, sản xuất nông nghiệp, giao thông chuyển vận, bị đình trệ, tắc nghẽn không thể phát triển được. Với quân lực Phật Giáo Hòa Hảo từ 1947 về sau, vùng đất này lấy lại được sinh khí, nhờ an ninh lãnh thổ được vãn hồi và bảo đảm, khai thông các sanh hoạt kinh tế, các trục giao thông. Quyền lực Việt Minh dù có bao trùm miền Bắc Việt Nam, nhưng không thể bao trùm luôn miền Nam; và vùng đất miền Tây được bảo vệ, thoát khỏi ảnh hưởng và quyền lực Cộng Sản, là một yếu tố ngăn chặn âm mưu Cộng Sản nuốt trọn Việt Nam ở thời điểm 1954.

Hồ Chí Minh đã có thể đòi Pháp giao trọn lãnh thổ Việt Nam cho Cộng Sản từ 1954, nếu lúc đó Hà Nội đã nắm được quyền hành tại miền Nam, giống như ở miền Bắc. Vì tại miền Nam, quân đội quốc gia và các quân lực của các tôn giáo đã làm chủ được tình hình an ninh trên một số vùng then chốt, cho nên mới còn lại phân nửa lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, từ 1954 đến 1975.

Sự đóng góp xương máu của các chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo vào cuộc chiến đấu quân sự là một sự kiện lịch sử, minh bạch và cụ thể, không phủ nhận được. Đó là công, chớ không phải tội, dù rằng cơ cấu tổ chức quân sự Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó có dạng thức như một “quốc gia trong một quốc gia”. Dùng từ ngữ “một quốc gia trong một quốc gia” là để diễn tả bức tranh xã hội lúc đó, nhưng sự thật không phải Phật Giáo Hòa Hảo đã truất phế quyền hành của bộ máy chánh quyền Việt Nam, hay đã xô đuổi chánh quyền ra khỏi khu vực Phật Giáo Hòa Hảo. Từ ngữ ấy, trong thực tế lúc đó, chỉ có ý nghĩa tương đối mà thôi.

Nói về sự sách nhiễu dân chúng mà nhiều người đã cực đoan coi là cướp đoạt tài sản cũng như sự trạng “Hòa Hào thâu thuế bất hợp pháp”, cố nhiên không thể đứng vững được trước một tòa án lấy luật pháp thông thường ra mà xử. Nhưng dù bỏ đi khía cạnh chánh trị của vấn đề, luật pháp nào cũng có trường hợp giảm khinh. Trường hợp giảm khinh ở đây là: Quốc gia đã không đài thọ lương bổng, chi phí cho các binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo có một mức lợi tức lương thiện đủ sống thì làm sao quốc gia có quyền bắt tội người binh sĩ kia, khi họ phải tự tạo lấy lợi tức để mà sống, mà chiến đấu? Mỗi chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó chỉ có 150 đồng bạc một tháng, so với lương tháng của một chiến sĩ quân đội quốc gia đương thời là 1.000 đồng cho cấp binh nhì. Công bằng xã hội đã không có thì làm sao có an bình xã hội được?

Cho nên có thể khẳng định rằng người chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo chỉ có công, không có tội gì. Họ đã thực sự hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến đấu chống lại Việt Minh Cộng Sản ở miền Tây từ 1947 đến 1955. Các nghĩa địa Cái Vồn, Bằng Tăng, Long Kiến, Bình Mỹ, và rải rác trên phần đất này là những bằng chứng cụ thể hùng hồn về mức độ hy sinh xương máu của các chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo cho đại nghĩa dân tộc, mà còn là những chứng liệu tố cáo sự trả thù của Cộng Sản đối với những người đã chống lại họ. Sẽ là một bất công lịch sử nếu các chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo bị trả thù bởi Cộng Sản hiện nay—mồ mả bị Cộng Sản cày lên ở các nghĩa trang miền Tây—, lại còn bị trả thù bởi cả những người cùng chiến tuyến chống lại Cộng Sản!

Về hiện tượng lạm dụng quyền lực để làm giàu bất chánh, không phải chỉ có trong phạm vi phần đất miền Tây và đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo, mà còn xẩy ra ở mọi thứ xã hội trên địa cầu, bất luận là cộng sản hay tư bản, dân chủ hay quân chủ. Thu hẹp lại trong khung cảnh Việt Nam, nếu so sánh tài sản đã tích tụ trong tay một số lãnh tụ quân sự Phật Giáo Hòa Hảo của thời kỳ 1947-1955, với những tài sản đã tích tụ trong tay những lãnh tụ quân sự chánh trị và giới tài phiệt gian thương, qua hai chế độ đệ nhứt và đệ nhị Cộng Hòa, thì sẽ thấy cách biệt nhau một trời một vực.

Hãy nhìn vào thực tế để xem lãnh tụ Trần Văn Soái có bao nhiêu tài sản, không quá vài ngôi nhà và một ít động sản tư trang để dành theo thói quen của những giới không thông thạo cách thức đầu tư vào xí nghiệp hay chuyển ngân ra ngoại quốc.

Thử hỏi lãnh tụ Lê Quang Vinh tự Ba Cụt sau khi chết đã để lại những gì cho vợ con, ngoài ngôi nhà ở đường Huỳnh Quang Tiên Sài Gòn, dùng làm trụ sở của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

Và hãy nhìn vào thực tế để xem các tài sản kếch xù hàng trăm triệu bạc, hàng tỷ bạc của những lãnh tụ quân sự, chánh trị trong guồng máy chánh quyền Đệ nhứt, Đệ nhị Cộng Hòa. Đó là những bất động sản đắt tiền tại thủ đô và các tỉnh lÿ, đó là những xí nghiệp kỹ nghệ thương mại với vốn đầu tư hàng trăm triệu bạc, đó là những số tiền ngoại tệ giấu diếm tại các ngân hàng ngoại quốc, đó là những quý kim, những quý vật, đồ cổ đáng giá hàng trăm triệu và phải mướn nguyên cả chiếc tàu thủy để chuyển vận ra ngoài nước trong cuộc di tản 4-1975...

Những vụ buôn lậu có còi hụ dẫn đường mà báo chí Sài Gòn đã có nhiều lần nói đến, với bằng chứng đầy đủ, là của giới chức chánh quyền cao cấp nhứt nhì trong hệ thống hành pháp Việt Nam Đệ nhị Cộng Hòa. Những vụ chuyển ngân lậu chẳng may bị bại lộ, đưa ra các con số khủng khiếp hàng trăm triệu mỹ kim của một ông tướng chỉ huy vùng chiến thuật. Những vụ tướng tá bán gạo, bán thuốc tây cho Việt Cộng. Những vụ các ông bà dược sĩ có thân thế trong quốc hội và hành pháp gian lận ngoại tệ Hoa Kỳ viện trợ hàng mấy chục triệu mỹ kim, đã bị báo chí quốc tế khui ra... Những tài sản đồ sộ của giới chức có quyền thế một thời như ông dược sĩ kinh tài cho hai chế độ, nước mất rồi mà còn mấy chục triệu Mỹ kim để sẵn ở ngoại quốc, những gian thương sống ung dung trên những tài sản kếch sù đã thâu thập tại Việt Nam thời chiến. Trong khi chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa đổ máu ngoài tiền tuyến để bảo vệ xứ sở, thì lớp gian thương này an nhiên ở thủ đô, dùng mọi mánh khóe gian lận và thế lực để trục lợi làm giàu riêng...Và còn nữa, còn nữa, những tài sản vơ vét bởi chính những giới đã từng hãnh diện “dẹp sứ quân, dẹp sách nhiễu” sau lại chính họ tích tụ tài sản lên hàng tỷ bạc, như được tố cáo bởi tác giả Đỗ Mậu trong tập hồi ký chánh trị của ông.

Tất cả những tài sản đã tích tụ bằng hối mại quyền thế, gian manh bất chánh, lợi dụng thời cuộc, chính là xương máu của Việt Nam bị hút vào túi riêng của một thiểu số có ưu thế ưu quyền, suốt hai triều đại Đệ nhứt, Đệ nhị Cộng Hòa. Nếu đặt một bên để so sánh với những tài sản mà một ít lãnh tụ quân sự Phật Giáo Hòa Hảo đã thâu thập trong lúc có quyền thế, sẽ làm cho người quan sát phải thương hại cho những người Hòa Hảo thiếu kiến thức kia, bị mang tiếng rất nhiều, mà thật sự tài sản chỉ bằng một phần trăm, một phần ngàn của những lớp người có kiến thức, và dùng kiến thức đó để sử dụng vị thế quyền lực hay ưu đãi xã hội mà vơ vét thành các tài sản khổng lồ. Nhưng lại không bị kết tội, hay là vẫn được xem là người ‘’đàng hoàng’’, ái quốc, vô tội!!!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn