2- Con Người Lê Quang Vinh

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 85120)
2- Con Người Lê Quang Vinh
Nhìn vào nguồn gốc xã hội của con người Lê Quang Vinh, ta thấy đây là một người nông thôn rặt ròng. Các vị lãnh tụ quân sự khác của Phật Giáo Hoà Hảo không xuất thân nông dân rặt ròng như Lê Quang Vinh. Ông Trần Văn Soái sinh hoạt trong nghề xe đò chuyển vận, ông Lâm Thành Nguyên trong ngành cơ khí. Ông Nguyễn Giác Ngộ trước là một quản cơ trong tổ chức quân sự. Những người này thường sinh hoạt ngoài khu vực nông thôn, có cuộc sống đô thị, lại ở một thế hệ lớn tuổi hơn, cho nên khi trở thành lãnh tụ quân sự, đã có khuynh hướng hoạt động và nếp sống khác nới người nông dân Lê Quang Vinh.

Trái lại, người thanh niên Lê Quang Vinh (1925-1956) trở thành lãnh tụ quân sự của một lực lượng võ trang khoảng 5000 người (1954), chưa đầy 30 tuổi, vẫn còn trong dòng máu cái bản chất nông dân, không dễ dàng thỏa hiệp hay thay đổi lập trường, không xa rời đồng đội vì cùng là nông dân với nhau, không tự cao tự đại, không tự mãn để hưởng thụ, không sợ chết sợ khổ. Lê Quang Vinh là con người có óc cầu tiến, muốn làm những việc lớn theo ước vọng của mình khi thụ nhận ý thức cách mạng trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo. Cho nên Lê Quang Vinh không có tài sản, nhà cửa, cơ sở kinh doanh hay trương mục ngân hàng nào. Và cũng vì không có tài sản riêng mà Lê Quang Vinh không bị ràng buộc, sống tự tại như con chim trời, có thể một sớm một chiều kéo quân trở về bưng biền, không bịn rịn ngần ngại chi cả.

Mục đích của ông là thêm võ khí, không phải thêm tài sản của cải. Năm lần vào bưng và trở ra hợp tác, ông đã tiến từ vị trí chỉ huy đơn vị 100 người lên tư lịnh một đơn vị 5.000 người. Nhưng có nhiều võ khí để làm gì? Để trở thành một lãnh chúa tiểu vương, điều này không phải chí hướng Lê Quang Vinh. Người thanh niên nông dân ấy đã giác ngộ sứ mạng công dân thời loạn, có cơ hội trở thành một anh hùng, nhưng lại không đủ kiến thức để có thể đối phó với mưu lược của những thành phần xuất thân từ giai cấp ưu đãi trong xã hội từ khi thực dân Pháp mới đến xâm chiếm Việt Nam. Sự thua kém kiến thức đã làm cho con người yêu nước ấy mang cái “loạn tướng” và bị hành quyết năm 1956, lúc ấy mới 31 tuổi.

Có thể lấy Lê Quang Vinh làm con người điển hình cho chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo, và lấy trường hợp xử tử Lê Quang Vinh như điển hình của tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo trong xã hội Việt Nam. Tuy có số quần chúng đông đảo, nhưng Phật Giáo Hòa Hảo vẫn bị uy hiếp và chịu thiệt thòi. Giai cấp ưu đãi trong xã hội có nhiều cơ hội và phương tiện để giành lấy ưu thế trong sinh hoạt quốc gia, trong khi người chiến sĩ nông dân Phật Giáo Hòa Hảo, hình ảnh của giai cấp bị bạc đãi trong xã hội từ một trăm năm qua, bây giờ vẫn tiếp tục bị thiệt thòi.

Lê Quang Vinh muốn “ngoi lên” nhưng khi anh ra khỏi môi trường nông thôn và cuộc chiến bưng biền, anh bị lạc lỏng vào môi trường mới hoàn toàn xa lạ, không thích hợp với anh, mà chính anh cũng không có khả năng tự thích nghi với môi trường mới. Cho nên anh giống như con cá đã ra khỏi mặt nước, không thể bơi lội được nữa, mà phải “chết cạn” trong môi trường mới.

ẢNH HƯỞNG LÂU DÀI CỦA CHÁNH SÁCH THUỘC ĐỊA
Chế độ thuộc địa đã tạo những thay đổi lớn lao trong xã hội miền Nam Việt Nam, có thể tóm lược như sau:

— Hoán chuyển nền kinh tế nông nghiệp cổ truyền thành một nền kinh tế theo mô thức tư bản.

— Làm cho xã hội Việt Nam phân hóa thành hai thành phần khác biệt: một bên là thiểu số được ưu đãi, một bên là đa số bị bạc đãi.

— Tạo ra hai nếp sống cách biệt giữa đô thị và nông thôn.

Riêng tại khu vực nông thôn, Pháp đã áp dụng chánh sách phân phối ruộng đất như một lợi khí chánh trị, tạo ra tình trạng phân hóa xã hội với hai thành phần điền chủ và tá điền.

Một bên là thành phần ưu đãi nắm trong tay phương tiện sản xuất, chính yếu là đất đai và tín dụng; một bên là giới đại đa số bị bạc đãi, tức giới nông dân không có ruộng cày, phải mướn lại đất của điền chủ, và sống cuộc đời nghèo khổ cùng cực của tá điền.

Tình huống đó làm cho cái hố cách biệt giữa hai giai cấp chủ điền và tá điền, càng ngày càng sâu rộng, một sự cách biệt không những về lợi tức giữa giàu và nghèo, mà còn giữa đời sống đô thị với đời sống nông thôn, giữa hai nếp sống tân tiến và cổ truyền. Cũng không chỉ là sự cách biệt nhất thời, mà còn gây ảnh hưởng rất sâu rộng, lâu dài về sau trong sinh hoạt chính trị, xã hội và kinh tế, văn hóa của xã hội nói chung.

Theo khoa học kinh tế, một trong những điều kiện phát triển là tư bản, tức vốn. Khoa học xã hội nêu một nguyên lý phát triển: phải cung cấp cho mọi người trong xã hội những cơ hội và phương tiện phát triển cần thiết, trước khi nói đến bình đẳng xã hội. Tổ chức xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đã đi ngược lại nguyên lý này. Cơ hội và phương tiện phát triển được dành riêng cho một thiểu số, trong khi đại đa số là giới nông dân yếu kém trong xã hội không được thừa hưởng những cơ hội và phương tiện phát triển, nên không thể thăng tiến được, mà cứ triền miên trì trệ trong cảnh sống tối tăm, gần như vô vọng, không lối thoát.

Thành phần giàu mạnh tất nhiên chiếm ưu thế, thành phần yếu kém phải thất thế, và cứ thế từ đời này lưu truyền sang đời kia. Trên đây, đã nói về mặt lợi tức. Sau đây, đề cập ảnh hưởng về mặt giáo dục.

Trong các quốc gia tiến bộ, học vấn được cung cấp miễn phí và cưỡng bách cho con người đến một mức độ nào đó. Tại Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu, mức độ cưỡng bách và miễn phí giáo dục được định ở mức cuối của chương trình trung học 12 năm. Đại học mở rộng cửa cho mọi người, với các biện pháp giúp đỡ tài chánh và tín dụng cho sinh viên nghèo cũng có thể theo học và đỗ đạt. Đó là quan niệm cung cấp học vấn như một phương tiện phát triển đồng đều cho mọi người trong xã hội.

Nếu quan niệm này là đúng, và phát xuất từ kinh nghiệm lâu đời của các nền văn minh, thì thực trạng xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc nhứt định phải gọi là tình huống nghịch lý và bất công. Không những chỉ tác hại nhứt thời mà còn di hại hàng trăm năm về sau.

Trong khi lớp con em của giới nông dân nghèo khổ chỉ có thể đến học ở ngôi trường làng, để đạt khả năng đọc viết quốc ngữ, thì con em của giới nghiệp chủ giàu mạnh đang đi học tại các đại học đường hay xuất dương du học ngoại quốc. Khi con em nông dân bỏ sách vở ở lớp tuổi còn thơ ngây (khoảng 10 tuổi là học xong chương trình trường làng), rồi bước thẳng vào cuộc đời để giúp cha mẹ đi cày cuốc hay chăn trâu bắt cá ngoài đồng, thì con em giới nghiệp chủ được tiếp tục học để tăng gia kiến thức, và trở nên những người “có văn hóa cao”, xuất thân từ các đại học, và đương nhiên chiếm được các vị thế ưu thế trong xã hội. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, bác học, luật sư, giáo sư... nói chung là giai cấp trí thức tân học, sau này trở nên cấp lãnh đạo xã hội.

Điều này đã hiển nhiên xảy ra, cấp lãnh đạo tại Việt Nam xuất hiện từ 1945 về sau, dù trong guồng máy chính quyền Cộng sản ở miền Bắc, cũng hầu hết là con cháu các gia đình có ưu thế trong xã hội kể từ thời Pháp thuộc. Những thế hệ sau cùng gần giống như vậy, mặc dù cũng có một số ngoi lên từ giới nông dân nhưng đại đa số các cấp chỉ huy quân sự và hành chánh trong guồng máy chính quyền, từ thời Pháp thuộc đến thời Bảo Đại và các chế độ Cộng Hòa Miền Nam, là hậu duệ của thành phần được ưu đãi trước kia.

Một số khác xuất thân từ thành phần tiểu tư sản thành thị, nhưng chỉ có rất ít thuộc thành phần nông dân.

Nông dân được xem là thành phần đa số và căn bản của xã hội Việt Nam. Nhưng trong thực tế, quyền lực không nằm tại nông thôn, mà nằm tại đô thị. Đô thị đóng vài trò lãnh đạo nông thôn, quyết định vận mạng đất nước.

Tình trạng xã hội mô tả trên đây đã tiếp diễn, và vẫn còn đang tiếp diễn, vẽ ra cho nhà phân tích xã hội môt bức tranh khá bi hài. Đó là cảnh thi đua giữa hai người Việt Nam. Một người ốm yếu bịnh tật đang chạy bộ trong đồng ruộng sình lầy bằng đôi chân gầy guộc, để thi đua với một người Việt Nam khác, mạnh khỏe thông minh, chễm chệ lái xe hơi trên đường tráng nhựa bằng phẳng.

Cuộc thi đua này có thể gọi bằng danh từ mỹ miều là “tự do cạnh tranh” nhưng trong thực tế xã hội Việt Nam, cuộc thi đua đó chính là thảm trạng lâu dài của dân tộc Việt Nam, bởi vì cuộc thi đua chênh lệch và phi lý này đã tiếp diễn từ thập niên 30 đến bây giờ, trước đám khán giả, mà phần đông có khuynh hướng chê bai khinh miệt con người thất thế ốm yếu, và tâng bốc khen ngợi ông nhà giàu mạnh khỏe thông minh kia. Đó cũng lại là một thực trạng tâm lý con người trong cái xã hội đô thị ở Việt Nam, đánh giá nhân loại trên các tiêu chuẩn vật chất bề ngoài. Thực trạng tâm lý ấy, cũng vẫn là sản phẩm của chế độ thuộc địa Pháp.

Hai tay đua nói trên có thể được đặt tên là Lê Quang Vinh và Nguyễn Ngọc Thơ, để dễ dàng diễn tả một thực trạng sống, được nhiều người biết đến.
Ông Nguyễn Ngọc Thơ là con của ông Huyện Chơn tại Long Xuyên. Ông Huyện là một trong những người nhìn xa thấy rộng, nằm trong thành phần giai cấp được người Pháp ưu đãi dưới thời Pháp thuộc, và ông có được những điều kiện phát triển thăng tiến xã hội, đạt địa vị xã hội và tài sản cao hơn nhiều người khác. Kết quả, ông trở thành một điền chủ giàu có, lại thêm chức quyền ông Huyện. Con của ông là Nguyễn Ngọc Thơ bước thẳng vào quan trường, với địa vị đặc biệt là bí thơ của Toàn quyền Decoux. Sau đó ông được Pháp bổ nhiệm vào chức vụ quan trường, rồi tỉnh trưởng tại Long Xuyên, tức quê quán của ông. Lúc đó ông là đốc phủ sứ, ngạch cao nhứt của hệ thống công chức bản xứ. Trong phong trào cách mạng chống Pháp giành độc lập, ông Thơ vẫn là một quan lại của Pháp, suốt từ buổi đầu của nấc thang quan trường quyền lực, ông liên tục phục vụ bộ máy cai trị Pháp.
Khi ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh năm 1954, ông được ông Diệm tin cậy, giao cho chức vụ Đặc sứ Việt Nam tại Đông Kinh (Nhựt Bổn). Sau đó ông được ông Diệm xem như một cố vấn về vấn đề Miền Nam. Khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm lật đổ Quốc trưởng Bảo Đại thiết lập chế độ Đệ nhứt Cộng Hòa, ông Thơ được đặt vào chức vụ Phó Tổng thống, tuy rằng có qua một cuộc bầu cử, nhưng ai cũng biết thực chất cuộc bầu cử đó là không dân chủ như ở các chế độ dân chủ chân chánh. Thế là, từ một công chức phục vụ bộ máy cai trị của thực dân Pháp, bây giờ ông Thơ nghiễm nhiên trở thành một người lãnh đạo của chế độ mới, của quốc gia Việt Nam độc lập. Cũng phải thêm rằng sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ do cuộc đảo chánh 1-11-1963, ông Thơ lại được bạn bè hay tay chân cũ đưa vào chức vụ Thủ tướng của chánh phủ cách mạng, hiện tượng này được diễn giải như một sự cấu kết giữa những người cùng nhóm quyền lợi với nhau, thuộc giai cấp ưu đãi trong xã hội Việt Nam dưới tời Pháp thuộc và chế độ Đệ nhứt Cộng Hòa.

Đối chiếu lại trường hợp ông Nguyễn Ngọc Thơ, là một trường hợp đặc biệt khác, cũng được rất nhiều người biết đến. Đó là con người Lê Quang Vinh tự Ba Cụt, một nông dân sau trở thành một “loạn tướng”, rồi bị hành quyết.

Người thanh niên Lê Quang Vinh (sanh năm 1925, tại vùng Bàng-Tăng, tỉnh Long Xuyên) hàng ngày lam lũ với ruộng đất, xử dụng cây phảng nhiều hơn cây viết. Anh phát cỏ, cày bừa, gieo lúa, gặt hái... Nhà không có tiền, cho nên anh không được đi học xa, vốn nhà trường vỏn vẹn có mấy năm tiểu học trường làng. Không có định chế tín dụng nào cho thân sinh của anh vay tiền để phát triển sản nghiệp, cũng không có nấc thang nào cho anh bước vào quan trường. Anh chỉ có thể là một người nông dân chân lấm tay bùn suốt đời, nếu không có các biến cố lịch sử xảy ra ở thập niên 1940.

Biến cố thứ nhất là sự ra đời của Phật Giáo Hòa Hảo năm 1939. Người nông dân ấy quy y nhập đạo, và hăng say theo Đạo. Anh hăng say tập luyện võ nghệ để chuẩn bị chống thực dân Pháp, cho nên anh bị thân sinh quở mắng nặng nề, đến đổi anh phải dùng cây phảng phát cỏ chặt đứt ngón tay, mà thề rằng “nếu ngón tay này mọc lại, sẽ về làm ruộng cho vui lòng tía.”

Người thanh niên ấy đã không có cơ hội và điều kiện thăng tiến lên nấc thang xã hội, nhưng đã đi thẳng vào con đường đấu tranh cách mạng, khởi đầu là chống thực dân Pháp, và sau đó là chống Cộng sản, chống luôn cả chế độ Ngô Đình Diệm.

Bỏ cày cuốc để cầm võ khí, bỏ ruộng rẫy để ra chiến trường, anh đã sống một cuộc sống thường xuyên nguy hiểm gian truân trong bưng biền kháng chiến, song hành với cuộc sống yên lành sung túc quan quyền của nhân vật Nguyễn Ngọc Thơ ngoài đô thị dưới sự bảo vệ của Pháp.
Đây là hai thái cực đối nghịch rõ rệt. Anh đã leo từ nấc thang thấp nhứt của người chiến sĩ, lên đến nấc thang khá cao của một người lãnh đạo quân sự (cấp tướng), do tinh thần chiến đấu can đảm và uy tín cá nhân mà anh đã tự tạo cho mình đối với binh sĩ dưới quyền. Chẳng may cho anh, anh bị ông Nguyễn Ngọc Thơ lừa gạt vào một cuộc thương thuyết, để lọt lưới của chế độ Ngô Đình Diệm. Anh bị bắt, bị giam cầm, bị đưa ra tòa xử như một keœ phiến loạn, và sau hết, bị hành quyết tại Cần Thơ ngày 13-7-1956.

Hai cuộc đời của hai nhân vật Nguyễn Ngọc Thơ và Lê Quang Vinh, cùng sanh quán tỉnh Long Xuyên, nhưng phát xuất từ hai giai cấp xã hội khác nhau, rồi cùng trải qua những biến cố sôi động của lịch sử Việt Nam từ đầu thập niên 1940. Trong biến cố lịch sử đó, mỗi người đi một con đường: một bên theo Pháp, một bên chống Pháp, để rồi sau hết, người theo Pháp lại ngồi trên ghế cao hàng nhì của quyền lực lãnh đạo quốc gia. Ngược lại, người chống Pháp ngồi ghế tử tội, và bị chém đầu. Trong tiến trình đưa Lê Quang Vinh đến pháp trường, ông Nguyễn Ngọc Thơ là người đóng vai trò trọng yếu.

Câu chuyện “hai cuộc đời song hành” trên đây thể hiện tình trạng xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc với hậu quả lâu dài của chánh sách cai trị mà thực dân Pháp áp dụng.

Giai cấp được Pháp ưu đãi điển hình là con người Nguyễn Ngọc Thơ, tuy là thiểu số trong xã hội, nhưng có điều kiện giàu mạnh và nắm lấy quyền lực lãnh đạo. Trong khi đó, giai cấp đại đa số bị bạc đãi thiệt thòi, điển hình là con người Lê Quang Vinh chỉ có thể thoát ra khỏi hoàn cảnh bất công và vô vọng qua đại biến cố lịch sử, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhưng rốt cuộc, trên con đường cách mạng, Lê Quang Vinh bị đè xuống, bị đàn áp vì quyền lực chưa được thực sự chuyển từ chánh quyền thực dân qua quốc dân Việt Nam, tức quần chúng cách mạng, mà lại được chuyển vào tay một giai cấp được ưu đãi bởi chính thực dân tạo nên.

Người nông dân Lê Quang Vinh có cơ hội biến cố cách mạng mà thay đổi số phận của mình trong sự thay đổi số phận chung của dân tộc, nhưng vì biến cố cách mạng đó lại bị khống chế bởi giai cấp thiểu số nhờ những ưu thế sẵn có từ trước, mà nắm lấy quyền lực lãnh đạo xã hội, cho nên rốt cuộc thì người nông dân Lê Quang Vinh chỉ có thể trở thành một “loạn tướng”, mọi công lao chiến đấu bị phủ nhận, ngay cả lòng ái quốc cũng bị phủ nhận bởi quyền lực đương quyền, để rồi sau hết người nông dân Lê Quang Vinh vẫn là nạn nhân trong một giai đoạn giao thời được cai trị bởi quyền lực phát sanh từ giai đoạn tiền cách mạng.

Cho nên có thể nói rằng cái chết của Tướng Lê Quang Vinh năm 1956, nhìn theo lăng kính phân tích xã hội, vẫn là hậu quả của chánh sách xã hội bất công của thực dân Pháp. Cũng vì thế mà Huỳnh Giáo Chủ, ngay năm đầu lập Đạo, đã dùng tinh thần đạo đức mà khuyên nhủ giới điền chủ nên thay đổi thái độ đối xử với giới tá điền, mở lòng từ thiện mà cứu giúp nông dân nghèo khổ. Sau này, 1946, Huỳnh Giáo chủ lấy sáng kiến thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng với mục đích thực hiện một xã hội công bình nhân đạo. Nói cách khác, sau cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vẫn còn nhu cầu giải phóng con người Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn