2- Ảnh Hưởng Của Chánh Sách Thuộc Địa

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 10435)
2- Ảnh Hưởng Của Chánh Sách Thuộc Địa

 Chế độ thuộc địa Pháp đã tạo ra những thay đổi lớn lao sâu rộng trong xã hội Việt Nam:

— Hoán chuyển nền kinh tế nông nghiệp cổ truyền thành một nền kinh tế theo mô thức tư bản.
— Làm cho xã hội Việt Nam phân hóa: thiểu số được ưu đãi, đại đa số bị bạc đãi, cả về quyền lợi kinh tế và vị thế xã hội.
— Tạo ra hai nếp sống cách biệt giữa đô thị và nông thôn.

Riêng tại khu vực nông thôn, Pháp đã áp dụng chánh sách phân phối ruộng đất như một lợi khí chánh trị, tạo ra tình trạng phân hóa xã hội với hai thành phần điền chủ và tá điền. Một bên là thành phần ưu đãi nắm trong tay phương tiện sản xuất, chính yếu là đất đai và tín dụng. Một bên là giới đại đa số bị bạc đãi, tức giới nông dân không có ruộng cày, phải mướn lại đất của điền chủ, và sống cuộc đời nghèo khổ cùng cực của tá điền.
Trong một bản phúc trình của một viên chức Pháp, có viết rằng:

Phật Giáo Hòa Hảo— 66 — Ngày nay ở nông thôn cũng như ở thành thị, cái xã hội Việt Nam mà chúng ta nghiên cứu là một xã hội gồm đại đa số vô sản hay nghèo nàn, một lớp trung gian không đáng kể, và một thiểu số nắm lấy quyền lực và sản nghiệp.

Cái xã hội miền Nam có hình ảnh một xã hội lưỡng cực, mà các nhà nghiên cứu xã hội cho là một tình trạng phân hóa, phân hóa xã hội, phân hóa tâm lý. Đúng ra đây là một sự chia rẽ không phải chỉ trên bề mặt mà càng ngày càng ngấm xuống bề sâu của xã hội, làm cho xã hội Việt Nam nứt vỡ ra, cái đường nứt càng ngày càng lớn rộng ra giữa hai giai cấp xã hội, theo sự cách biệt tài sản và quyền lực, đến đỗi có người đã cho rằng đó không chỉ là một sự cách biệt, mà là một tình huống ly dị. Thật sự đó là sự ly dị của một thành phần thiểu số, ly dị với quá khứ, ly dị với truyền thống, ly dị với một số giá trị tinh thần của nền văn hóa Đông phương, mà hấp thụ những giá trị mới của văn hóa Tây phương.

Cũng phải nói thêm về chủ trương tiêu diệt nho phong sĩ khí đề ra bởi một học giả Pháp "muốn củng cố chế độ thuộc địa lâu dài, trước hết phải tiêu diệt cái nho phong sĩ khí của dân tộc Việt Nam". Từ chủ trương này, Pháp đã tạo ra một lớp trí thức tân học mất gốc, trở thành tay sai đắc lực cho chính sách cai trị của họ.
Cố nhiên, không phải tất cả tân trí thức đều theo làm tay sai cho thực dân, và cũng không dễ dàng tiêu diệt được một truyền thống lâu đời của một dân tộc, nhưng quả thật trên bề mặt Pháp đã tạo ra một số người có đặc quyền đặc lợi để phục vụ cho họ.

Tình huống đó làm cho cái hố cách biệt giai cấp càng ngày càng sâu rộng, một sự cách biệt không những về lợi tức giữa giàu và nghèo, mà còn giữa đời sống đô thị với đời sống nông thôn, giữa hai nếp sống tân tiến và cổ truyền. Cũng không chỉ là sự cách biệt nhứt thời, mà còn gây ảnh hưởng rất sâu rộng, lâu dài về sau trong sinh hoạt chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của xã hội nói chung.

Theo khoa học kinh tế, một trong những điều kiện phát triển là tư bản, tức vốn. Khoa học xã hội nêu một nguyên lý về phát triển: phải cung cấp cho mọi người trong xã hội những cơ hội và phương tiện phát triển cần thiết, trước khi nói đến bình đẳng xã hội. Tổ chức xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đã đi ngược lại nguyên lý này. Cơ hội và phương tiện phát triển được dành riêng cho một thiểu số, Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc— 67 —trong khi đại đa số là giới nông dân yếu kém trong xã hội không được hưởng những cơ hội và phương tiện phát triển, nên không thể thăng tiến được, mà cứ triền miên trì trệ trong cảnh sống tối tăm, gần như vô vọng, không lối thoát.

Thành phần giàu mạnh tất nhiên chiếm ưu thế, thành phần yếu kém phải thất thế, và cứ thế từ đời này lưu truyền sang đời kia. Trên đây, đã nói về mặt lợi tức. Sau đây, đề cập ảnh hưởng về mặt giáo dục.

Trong các quốc gia tiến bộ, học vấn được cung cấp miễn phí và cưỡng bách cho con người đến một mức độ nào đó. Tại Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu, mức độ cưỡng bách và miễn phí giáo dục được định ở mức cuối của chương trình trung học 12 năm. Đại học mở rộng cửa để mọi người với các biện pháp giúp đỡ tài chánh và tín dụng cho sinh viên nghèo cũng có thể theo học và đỗ đạt. Đó là quan niệm cung cấp học vấn như một phương tiện phát triển, đồng đều cho mọi con người trong xã hội.

Nếu quan niệm này là đúng, và phát xuất từ kinh nghiệm lâu đời của các nền văn minh, thì thực trạng xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc nhứt định phải được gọi là tình huống nghịch lý và bất công, không những chỉ tác hại nhứt thời mà còn di hại hàng trăm năm về sau.

Trong khi lớp con em của giới nông dân nghèo khổ chỉ có thể đến học ở ngôi trường làng, để đạt khả năng đọc viết quốc ngữ, thì con em của giới nghiệp chủ giàu mạnh được đi học tại các Đại học đường hay xuất dương du học ngoại quốc. Khi con em nông dân bỏ sách vở ở lớp tuổi còn thơ ấu (khoảng 10 tuổi là đã học xong chương trình trường làng), rồi bước thẳng vào cuộc đời để giúp cha mẹ đi cày cuốc hay chăn trâu bắt cá ngoài đồng, thì con em giới nghiệp chủ được tiếp tục học hành, tăng gia kiến thức, trở nên những người "có văn bằng cao", tốt nghiệp các đại học, và đương nhiên chiếm được các địa vị ưu thế trong xã hội. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ, luật sư, giáo sư... nói chung là giai cấp trí thức tân học, sau này trở nên cấp lãnh đạo xã hội.

Điều này đã hiển nhiên xảy ra, cấp lãnh đạo tại Việt Nam xuất hiện từ 1945 về sau, ngay cả trong guồng máy chính quyền Cộng sản ở miền Bắc, cũng hầu hết là con cháu các gia đình có ưu thế trong xã hội kể từ thời Pháp thuộc. Những thế hệ sau cũng gần giống như vậy, Phật Giáo Hòa Hảo— 68 —mặc dù cũng có một số ngoi lên từ giới nông dân nhưng đại đa số các cấp chỉ huy quân sự và hành chánh trong guồng máy chính quyền, từ thời Pháp thuộc đến thời Bảo Đại và các chế độ cộng hòa ở miền Nam, là hậu duệ của thành phần được ưu đãi trước kia. Một số khác xuất thân từ thành phần tiểu tư sản thành thị, nhưng chỉ có rất ít thuộc thành phần nông dân.

Như học giả Đào Duy Anh viết trong quyển "Việt Nam Văn Hóa Sử Cương" nông dân được xem là thành phần đa số và căn bản của xã hội Việt Nam. Nhưng trong thực tế, quyền lực không nằm tại nông thôn, mà nằm tại đô thị. Đô thị đóng vai trò lãnh đạo nông thôn, quyết định vận mạng đất nước.
Tác giả này cũng nhận xét về đặc tính nông dân và xã hội nông nghiệp Việt Nam khi chạm trán với văn minh Tây phương vào đầu thế kỷ 20, như sau:
Hạng người xưa nay giữ được cái tinh thần của văn hóa là nông dân. Thực vậy, nông dân, một là thể chất mạnh mẽ, ăn mặc sơ sài, tuy nắng mưa dầu dãi mà ít tật bệnh, nòi giống vẫn giữ được kiện toàn, hai là tinh thần trong sạch nên đạo đức càng cao, những điều tệ tạp bại hoại cùng bao nhiêu tội ác vì khoái lạc chủ nghĩa sinh ra, nông dân thường không nhiễm phải. Ta thường nói "thuần phong mỹ tục", đó là đặc sắc của xã hội nông dân, chứ nói đến thành thị thì xưa nay ai cũng cho là phong tục suy đồi. Bảo rằng ta thờ Khổng giáo, nhưng phải vào trong dân quê, thì mới thấy rõ lòng hiếu trung ngay thực là thế nào, chớ ở giai cấp quan liêu và sĩ phu (bấy giờ) thì ta chỉ thấy lợi dụng ông Thánh để đạt chủ nghĩa vinh thân phì gia mà thôi. Bảo rằng ta thờ Phật giáo, nhưng cũng phải vào trong dân gian thì mới thấy có người thực hành cái đạo từ bi, chứ ở hạng người phú quý, thì ta chỉ thấy núp ở sau bóng ông Phật mà làm những điều bất nhân bất nghĩa. Giành nhau từng mảnh đất với sông rộng biển sâu ở trung châu Bắc Việt, xông pha giữa rừng rậm mà mở mang bờ cõi vào Chiêm Thành, Chân Lạp, đó là công phu của nông dân, theo Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, theo Tây Sơn đánh loạn thần Trương Phúc Loan cũng là nông dân; Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Tôn Sĩ Nghị, Phan Đình Phùng kéo đại cuộc Cần Vương, cũng đều là nhờ lực lượng của nông dân. Trong Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc— 69 —những lúc ấy thì biết bao nhiêu bọn thượng lưu xã hội, miệng phô trung hiếu, miệng niệm từ bi, mà thực thì chỉ có thủ đoạn "mãi quốc cầu vinh" và "đục nước béo cò". Xem thế thì nông dân thực là nền móng của dân tộc ta mà nông nghiệp là nền móng của văn hóa ta vậy...(*)

Một học giả Việt Nam khác, Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng nhận xét về giới tân trí thức thời đó như sau: Còn nói về Tây học thì trường nọ trường kia, bằng cao bằng thấp, cái vinh dự Tây học ngày nay lại càng sang trọng hơn mấy bác khoa giáp ngày trước. Ngày trước nói Khổng mạnh, thì ngày nay thay vào Hy Lạp, La Mã, Mạnh Đức, Lư Thoa, đổi các lối "chi hồ giả dã" mà bước sang a, b, c, d, cũng chỉ là ngoài biểu diện. Học giới như thế mà nói đến nhân tài,thật không sao tránh khỏi câu cụ Tây Hồ đã nói "ngày trước học Hán thì làm đồ Nho, ngày nay học Tây thì làm hủ Âu".

Theo các nhận xét trên đây, thì chế độ thuộc địa không những đã tạo phân hóa xã hội, mà còn tạo ra tình huống xung đột văn hóa giữa hai khuynh hướng truyền thống (tại nông thôn) và canh tân theo Tây phương (tại thành thị).

Giới trí thức tân học hấp thụ tư tưởng và văn minh Tây phương phát động phong trào tống cựu nghinh tân rất mạnh mẽ, như Mười Điều Tâm Niệm của Hoàng Đạo, như chủ trương chế riễu Lý Toét,Xã Xệ một cách quá đáng của báo Phong Hóa... Người không có căn bản kiến thức lúc đó nghĩ một cách sai lầm rằng những gì thuộc về truyền thống cũ là chậm tiến phải bỏ, những gì tân thời của Tây phương đều là tiến bộ nên theo.

Mặt trái của khuynh hướng tống cựu nghinh tân là cuộc sống tranh đua vật chất tại đô thị đã càng ngày càng mất đi các ý niệm về đạo đức, phong hóa, để chỉ còn cái vỏ bề ngoài văn minh hoa mỹ. Một hậu quả khác có ảnh hưởng lâu dài về chính trị, là khuynh hướng canh tân đã đưa một lớp trí thức mới vào con đường duy vật(*) Đào Duy Anh — Việt Nam Văn Hóa Sử Cương — Nhà xuất bản Xuân Thu,Houston, Texas (nguyên bản 1938), trang 320-321)Phật Giáo Hòa Hảo— 70 —chủ nghĩa, con đường Mác xít để trở thành cán bộ của hệ thống Cộng sản quốc tế.

Điều cần nói thêm là vai trò lãnh đạo xã hội Việt Nam đương nhiên nằm trong tay giới trí thức tân học. Và cũng đương nhiên, giữa giới tân học lãnh đạo và quần chúng truyền thống, cái hố cách biệt càng ngày càng sâu rộng do chánh sách thuộc địa của Pháp tạo ra.

Sự phân hóa tâm lý, phân hóa xã hội, văn hóa đó vẫn còn ảnh hưởng lâu dài, như ta đã thấy ngày nay, sau khi thực dân Pháp đi rồi, xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục là một xã hội bất công, bất quân bình, chia rẽ hàng ngang hàng dọc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn