4- Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 88327)
4- Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia
Nhưng Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã không chấp nhận tiến trình mà ông cho là mất thì giờ. Tôi cho rằng ông muốn củng cố uy quyền quốc gia càng sớm càng tốt, và tôi cảm thấy ông bị ảnh hưởng rõ rệt và mạnh mẽ của áp lực hiệp thương tuyển cử 7-1956 đề ra trong hiệp định Giơ-neo 1954. Theo phụ bản của hiệp định này, hai miền Nam, Bắc Việt Nam sẽ mở hiệp thương tiến tới tổng tuyển cử, hai năm sau ngày ngưng bắn (20-7-54) để thống nhứt đất nước. Qua những câu chuyện trao đổi với quý vị trong chánh phủ và với Thủ tướng Ngô Đình Diệm, cũng như với các giới chánh trị bên ngoài, tôi đều nhận thấy mối ưu tư chung đối với kỳ hạn hiệp thương tuyển cử 1956. Rất ít người lúc đó đưa ra ý nghĩ táo bạo và có giá trị chiến lược là: bất chấp hiệp định Giơ neo, bác bỏ hiệp thương tuyển cử. Thật ra, thái độ bất chấp tổng tuyển cử là một thái độ hợp tình hợp lý theo quan điểm của Miền Nam, bởi vì Miền Nam đã không ký bản hiệp định Giơ-neo, không thể bị ràng buộc, trên căn bản pháp lý, vào điều kiện hiệp thương và tuyển cử. Sự thật, Miền Bắc tự nhận thấy rằng chính họ cũng chẳng hăng hái gì đối với hiệp thương tuyển cử 1956, bởi lý do rõ ràng là họ chưa sẵn sàng và chưa tin rằng tổng tuyển cử đem thắng lợi chắc ăn cho họ.

Trong tình huống chung đó, vấn đề thời hạn 1956 rất dễ dàng được dời lại, không cần phải thực hiện năm 1956, và không đến đỗi trở thành một áp lực ám ảnh chánh trường Miền Nam như thế. Việc chối bỏ tổng tuyển cử còn là một phương thức mà Miền Nam vẫn có thể đơn phương thực hiện, như đã xảy ra.

Tuy nhiên ở thời điểm 1954, áp lực kỳ hạn 1956 là một lý do làm cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm không chấp nhận mất thì giờ trong việc thống nhất quân đội. Ngoài ra, cũng còn phải kể các lý do khác tạo thành thái độ quyết liệt bác bỏ tiến trình sáp nhập từ từ đề nghị bởi các giáo phái: các vị cố vấn của Thủ tướng, các sĩ quan cao cấp trong Bộ Tổng tham mưu, và Tướng Lansdale sau này. Những thành phần này sẵn thành kiến đối với quân đội giáo phái, và không nhìn vấn đề đúng tầm quan trọng lâu dài và chánh trị của nó, lại chủ quan tự tin ở ưu thế chánh quyền, cho nên đã bác bỏ kế hoạch của các giáo phái. Vì thế, chỉ còn giải pháp võ lực, vì phía các giáo phái cũng không chấp nhận thái độ cứng rắn của phía chánh quyền, mà họ cho là phi lý, ngoan cố, có hậu ý.

Và việc phải đến, đã đến: súng nổ đầu tiên tại Sàigòn đánh dẹp tổ chức võ trang Bình Xuyên, rồi sau đó đánh dẹp Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây.

Riêng phần cá nhân tôi, sau cuộc thảo luận thứ nhì với Thủ tướng Ngô Đình Diệm, tôi không còn dịp nào được gặp riêng ông nữa. Lần gặp thứ ba, là trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng và phái đoàn Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, tại dinh Độc Lập, mà tôi là phát ngôn viên của phái đoàn, với nhiệm vụ lấy quyết định về việc trao hay không trao đề nghị cho Thủ tướng. Tôi đã quyết định không trao, và bản tài liệu ấy cũng không hề được công bố sau này.

Tôi đã không trao, bởi vì những điều ghi trong bản tài liệu đó, tôi đã có dịp trực tiếp trình bày với Thủ tướng rồi, và ông đã bác bỏ rồi, bây giờ có trao thêm tài liệu cũng không thể làm ông thay đổi thái độ về vấn đề này. Trước khi phái đoàn khởi hành đến dinh Độc Lập, tôi vẫn còn nuôi hy vọng, tuy mong manh, rằng vì tình thế khó khăn và không khí căng thẳng tột độ lúc đó, Thủ tướng sẽ điều chỉnh thái độ cho mềm dẻo hơn, trong trường hợp này, tôi sẽ rất vui mừng trao toàn bộ tập tài liệu và đề án của Mặt Trận cho Thủ tướng.

Tập tài liệu này, ngoài vấn đề sáp nhập các lực lượng võ trang giáo phái vào quân đội quốc gia, còn bao gồm những đề nghị cải tổ cơ cấu chính quyền, chớ không chỉ riêng vấn đề cải tổ nội các. Nhưng vấn đề các lực lượng giáo phái đã không thỏa thuận được, tất nhiên các vấn đề khác cũng không có khung cảnh để giải quyết. Tôi còn nhớ đề nghị của Mặt Trận về cải tổ cơ cấu gồm có sự thành lập một Hội Đồng Quốc Chánh có thẩm quyền, bên cạnh Thủ tướng. Mục tiêu là tránh độc tài độc tôn, tăng gia hiệu lực và thiết lập chánh sách quốc gia, đồng thời giải quyết vấn đề các giáo phái và đảng phái. Đại diện các tổ chức có quần chúng sẽ được mời tham gia Hội Đồng, chớ không nhứt thiết phải tham gia nội các. Nội các được quan niệm như một đội ngũ gồm các thành phần có tiêu chuẩn tài năng hơn là tư cách đại diện, để phối hợp chặt chẽ mà thực hiện chánh sách quốc gia đề ra bởi Hội Đồng Quốc Chánh. Nội các không thể được quan niệm như một môi trường để chia phần đại diện qua sự phân phối các bộ, để rồi hiệu năng không đạt, lại còn “trâu trắng trâu đen” với nhau. Tôi còn nhớ có một điểm khá quan trọng trong đề nghị của Mặt Trận, là yêu cầu Thủ tướng đưa vợ chồng ông Ngô Đình Nhu khỏi các sanh hoạt chánh quyền. Đó là một quan điểm cứng rắn của phía Mặt Trận, và có lẽ đó cũng là một trong nhiều lý do làm cho Thủ tướng không chấp thuận.

Nếu ai đã từng sống trong cuộc, của tình hình lúc đó, mới hiểu được đúng lý do tại sao Mặt Trận lại đặt vấn đề vợ chồng ông Nhu như vậy. Rồi về sau này, khi thái độ và đường lối của ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân được tự do thể hiện qua chín năm cai trị Miền Nam, thì hầu hết mọi giới đều cho rằng những tai hại gây cho đất nước và chế độ, một phần quan trọng do vợ chồng ông.

Quan điểm căn bản của Thủ tướng lúc đó là: “Các quân lực giáo phái phải sáp nhập quân đội quốc gia trước đã. Chấp nhận sự thống nhứt quân đội quốc gia rồi, mới bàn tới chánh trị”. (*)

Phía Mặt Trận có quan điểm là giải quyết toàn bộ các vấn đề một lần, chánh trị và quân đội, bởi vì, đối với các giáo phái, đây là một vấn đề gồm hai khía cạnh, không thể tách làm hai vấn đề.

Nói thêm ít hàng về cuộc hội kiến đó.

Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc làm Chủ tịch, gồm các thành phần: Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Bình Xuyên, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng và Cao Đài Liên Minh (Tướng Trình Minh Thế). Ngày 21-3-1955 Mặt trận gởi đến Thủ tướng một văn thơ, mà dư luận gọi là tối hậu thư, yêu sách Thủ tướng cải tổ chánh quyền. Thủ tướng yêu cầu Mặt Trận gởi đại diện đến dinh Độc Lập để trao đổi quan điểm. Phái đoàn đi phó hội ngày 25-3-1955 gồm có Ngài Bảo thế Lê Thiện Phước (Cao Đài), ông Trần Văn Ân (nhân sĩ Cố vấn Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia), Tướng Lâm Thành Nguyên (quân đội Phật Giáo Hòa Hảo), Đại tá Trần Thái Huệ (quân đội Cao Đài), ông Nhị Lang (Liên Minh) và tôi là Thành Nam (Phật Giáo Hòa Hảo), lúc đó Tướng Trình Minh Thế vẫn còn là một thành viên Ban Chấp Hành Mặt Trận, mặc dù ông đang là sĩ quan quân đội quốc gia từ ngày về hợp tác (18-2-1955). Do đó, khi ký tên tham gia Mặt Trận, Tướng Thế có ghi thêm một câu ở dưới chữ ký của mình rằng: ‘’Tôi là thiếu tướng quân đội quốc gia, cố nhiên không có quyền làm chánh trị, nhưng vì nhận rõ nguy cơ chung của dân tộc, tôi tán thành bản quyết nghị này”. (*)

Đúng như lời tường thuật của ông Nhị Lang trong cuốn sách “Phong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế”, trước khi phái đoàn lên đường, Tướng Lê Văn Viễn có cho bố trí hỏa lực trọng pháo và quân đội, trong tư thế sẵn sàng nổ súng vào dinh Độc Lập, nếu chánh phủ bắt giữ phái đoàn. Như thế đủ thấy mức độ căng thẳng tột độ của tình hình.

Nhưng có hai điều mà tác giả Nhị Lang đã thuật không đúng, có lẽ vì lâu quá quên đi, đó là điều ông nói rằng Tướng Lâm Thành Nguyên trao tối hậu thư cho Thủ tướng, làm cho Thủ tướng căm giận. Bản văn mà Tướng Lâm Thành Nguyên trao cho Thủ tướng là bản Ủy nhiệm thơ chánh thức của Mặt Trận, do Đức Hộ pháp nhơn danh Chủ tịch ký tên, Ủy nhiệm các vị có tên trong đó được có thẩm quyền thay mặt cho Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia để thảo luận và quyết định với Thủ tướng. Tôi còn nhớ rõ chi tiết về lý do phải có Ủy nhiệm thư. Vì không khí đấu tranh lúc đó, hai bên đều không tin nhau, giữ thế với nhau, cho nên Ban Chấp hành Mặt Trận, sau khi thảo luận, thấy cần có một bản Ủy nhiệm thư chánh thức, đề phòng trường hợp Thủ tướng có thể không chấp nhận tư cách đại diện của phái đoàn, và đổ lỗi cho Mặt Trận không nghiêm chỉnh, đã gởi những người vô thẩm quyền đến, rồi lấy cớ đó mà không tiếp hay không thảo luận với phái đoàn. Hơn thế, trong thư mời phái đoàn, Thủ tướng có nhấn mạnh: một phái đoàn có thẩm quyền.

Điều không xác thực thứ hai là tác giả Nhị Lang viết rằng “Đức Quốc trưởng hứa chắc là sẽ chọn anh Baœy (Lê Văn Viễn) làm Thủ tướng chính phủ tương lai” (*). Không hề bao giờ có chuyện Tướng Lê Văn Viễn làm Thủ tướng chánh phủ. Phía chánh phủ Ngô Đình Diệm đã đưa ra luận điệu này để đánh hạ giá trị của Mặt Trận, tạo ra mối lo ngại cho dân chúng “nếu Bình Xuyên thắng, nước ta sẽ có một ông Thủ tướng Lê Văn Viễn” thì thật là bất lợi. Sự thật về nguồn gốc tin tức “Thủ tướng Lê Văn Viễn” là như thế. Phía Mặt Trận đâu có ấu trĩ đến đỗi không hiểu được hậu quả của việc đưa Tướng Lê Văn Viễn làm Thủ tướng. Thật ra, cá nhân Tướng Lê Văn Viễn cũng không bao giờ nuôi cao vọng làm Thủ tướng, vì ông cũng đủ trí để tự hiểu khả năng mình không thích hợp với chức vụ chánh trị đó.

Tôi còn nhớ lúc đó Mặt Trận không hề nghĩ đến việc đưa một người trong Mặt Trận ra làm Thủ tướng, bởi vì như thế sẽ làm mất chánh nghĩa: tranh đấu giành cái thế Thủ tướng. Yêu sách căn bản của Mặt Trận lúc đó là cải tổ cơ cấu quốc gia ở cấp trung ương để bộ máy chánh quyền hữu hiệu, có đại diện tính, không bị cá nhân thao túng, nhứt là cá nhân ông Ngô Đình Nhu. Chớ Mặt Trận không chủ trương giành ghế Thủ tướng của ông Ngô Đình Diệm. Nếu ông Diệm không còn làm Thủ tướng nữa, thì cũng không phải người của Mặt trận ra làm Thủ tướng, mà Mặt Trận có chủ trương rõ rệt giao nhiệm vụ đó cho một nhân sĩ Miền Nam độc lập, để trấn an nhân tâm và quân đội, cứu vãn tình hình. Trái lại, Mặt trận cũng ý thức rằng, nếu Mặt Trận nắm lấy chánh quyền, Mặt Trận sẽ mất chánh nghĩa và lòng dân lòng quân không được yêyên, bởi lo ngại cái thế thượng phong của Mặt Trận sẽ bao trùm lên sinh hoạt quốc gia. Tôi còn nhớ lúc đó Bác sĩ Hồ Văn Nhựt được Mặt Trận nhắc nhở đến trong cuộc thảo luận về chức vụ Thủ tướng tương lai.

Những nhân vật có tầm vóc chánh trị trong Mặt Trận lúc đó là ông Trần Văn Ân, Hồ Hữu Tường. Trước đó, còn có quý ông Nguyễn Đức Quỳnh, Bác sĩ Lê Kiểu. Đây là các nhân sĩ không đảng phái. Ngoài ra, đại diện các tổ chức trong Mặt Trận đều là những người có kinh nghiệm đấu tranh, và biết nhìn cuộc diện, cho nên đã thảo luận rất sâu rộng vấn đề này, trước khi đi đến quyết định nguyên tắc là không đưa người của Mặt Trận làm Thủ tướng. Do đó không hề có việc ông Lê Văn Viễn sẽ làm Thủ tướng.

Đó là những điều quan trọng trong đường lối chủ trương lúc đó của Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, mà từ sau khi Mặt Trận tan vỡ năm 1955, không có cơ hội nói lên, cho nên công luận trong nước và thế giới chỉ được nghe một chiều dư luận của phía chiến thắng, qua bộ máy tuyên truyền của Chánh phủ Ngô Đình Diệm.

Qua bộ máy tuyên truyền đó, và với sự a-dua của báo chí lúc đó, Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia bị đồng hóa với các hành động cờ bạc, mãi dâm, cướp bóc, ngoan cố, bè phái, tham vọng cá nhân... đủ các tội xấu xa trong xã hội.

Sau cuộc hội kiến không kết quả nói trên, riêng phần tôi rất đỗi bi quan, vì tôi biết trước rằng nội chiến chắc chắn phải xảy ra, không cách gì ngăn cản được. Bởi vì ngoài thái độ cứng rắn của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, tôi còn biết được thái độ của Tòa đại sứ Huê Kỳ tại Sàigòn lúc đó, là cương quyết đứng về phía ông Ngô Đình Diệm. Lúc đầu, Đại sứ Lawton Collins không nhiệt tình ủng hộ ông Diệm, nhưng quan điểm của ông đã phải nhường cho chủ trương của Đại tá tình báo Lansdale, ông này đóng vai cố vấn thân tín của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, lại cương quyết không chấp nhận bất cứ nhượng bộ nào đối với Mặt Trận. Chính Lansdale đích thân vận động với Hoa Thịnh Đốn để quan điểm của mình được chấp nhận, và cũng chính ông vận động với phía ông Ngô Đình Diệm để tạo niềm tin vào một giải pháp võ lực, và cũng chính ông đã đi vận động các sĩ quan cao cấp quân đội quốc gia để thực hiện kế hoạch đối phó vũ lực với Mặt Trận.

Thái độ này của Huê Kỳ đã làm lệch hẳn cán cân nghiêng về có lợi cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ngược lại, nếu lúc đó mà tòa đại sứ Huê Kỳ chủ trương bảo tồn thăng bằng, không nghiêng hẳn về một bên như thế, thì Thủ tướng Ngô Đình Diệm hẳn đã phải mềm dẻo hơn, vì đã tìm được giải pháp khác hơn là võ lực.

Hãy đọc một đoạn trong tập sách “In the Midst of Wars"’ (tác giả: Tướng Lansdale), được dịch ra Việt văn dưới nhan đề “Tôi làm quân sư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm”, như sau:

Sau khi rời dinh Độc Lập, tôi gặp Collins (đặc sứ của Tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc đó) cho biết về nhận định của ông Diệm, và trình bày quan điểm về phản ứng của ông Diệm, không chấp nhận giải pháp do Pháp và Mỹ đề nghị. Hơn nữa đa số dân chúng đứng về phía ông Diệm. Khi dân chúng nghe tin về giải pháp đề nghị nói trên, sẽ có sự lộn xộn lớn. Đó là một sự khiêu khích chớ không phải là một giải pháp...

Collins tin chắc, với ý nghĩ có lẽ chưa toàn thiện, rằng giải pháp ấy có thể thực hiện được. Mục tiêu chính vẫn là dập tắt tình trạng căng thẳng để tránh đổ máu. Collins sẽ về Hoa Thịnh Đốn... (*)

Những dòng trên đây là một phần tin tức trong lúc đó, cho biết rằng Đặc sứ Collins và Đại tá tình báo Lansdale không đồng ý với nhau về giải pháp của tình hình tranh chấp giữa Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia và Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Tướng Lawton Collins muốn tìm cách tránh xô xát, trong khi Đại tá Lansdale quyết tâm trong đường lối “không nhượng bộ các giáo phái”. Do đó, ông đã đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy Thủ tướng và các sĩ quan cao cấp dùng võ lực đánh dẹp các giáo phái. Vai trò của Đại tá Lansdale rất quan trọng trong bối cảnh chánh trị lúc đó tại miền Nam Việt Nam.

Về sau, theo lời thuật lại của ông Trần Văn Ân, thì chính Đại tá Lansdale đã cho quăng trái lựu đạn khiêu khích cho cuộc chiến nổ bùng vào lúc 12 giờ đêm 29 rạng 30-3-1955 tại đại lộ Trần Hưng Đạo, trước bót cảnh sát Trung ương. Tin tức này được nói lại cho ông Trần Văn Ân bởi một giới chức Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sàigòn, khi ông Trần Văn Ân từ khám tử hình Côn Đảo trở về Sàigòn (1964) và nhận chức Tổng trưởng Chiêu hồi (1965).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn