Quân lực Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó không phải bất cứ binh sĩ nào cũng có súng. Vì nhu cầu chiến đấu cần phải ứng phó với tình thế đặc biệt, số thanh niên xung phong vào các đơn vị chiến đấu rất cao. Đây là những thành phần Bảo An quân chuyển sang đơn vị chiến đấu. Do đó, các đơn vị đại đội Phật Giáo Hòa Hảo tuy ấn định con số lý thuyết căn bản là 100 người, nhưng thường con số thực tế lại nhiều hơn, có khi đến 150 hay 200 người. Họ ở trong tình trạng sẵn sàng để nhận võ khí chiến đấu. Hàng ngày họ nhận công tác liên lạc, tình báo, bảo trì, hỏa đầu vụ... Võ khí này gồm có một phần là võ khí cá nhân cơ hữu của đơn vị, và được tăng cường khi có hiệp định liên quân Pháp-Hòa Hảo. Pháp cũng luôn luôn dè dặt không cấp phát các võ khí mới, phần nhiều chỉ là những võ khí đã sử dụng rồi, và Pháp cũng không muốn có thêm đơn vị mới Phật Giáo Hòa Hảo võ trang đầy đủ mà họ không kiểm soát được.
Về đời sống vật chất, tuy đã thoát ly bưng biền, nhưng quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vẫn giữ các sắc thái sinh hoạt của tổ chức chiến đấu tại bưng biền. Nhu cầu vật chất của binh sĩ vẫn chỉ là cơm ăn, áo mặc, đôi khi có điếu thuốc lá phì phèo.
Tuy nhiên, điều kiện vật chất thấp kém này không làm cho tinh thần và khả năng chiến đấu của họ thấp kém, mà trái lại họ đã chứng minh một mức độ hiệu năng khá cao. Bởi vì họ không phải là thân binh của Pháp, họ chiến đấu cho lý tưởng của chính bản thân họ, họ chiến đấu chống Cộng Sản.
Cấp lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo và Dân Xã lúc đó cũng đặt vấn đề “không để binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo trở thành thân binh, mà phải bảo tồn lấy tư cách người chiến sĩ nghĩa binh”, dù phải ở thế kẹt liên quân với Pháp, nhưng không chiến đấu cho quyền lợi của Pháp, mà chỉ dựa vào Pháp trong lúc khẩn trương để tự tồn và chiến đấu cho lý tưởng quốc gia dân tộc.
Gửi ý kiến của bạn