1- Thời Kỳ Phục Hoạt Tôn Giáo

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 76429)
1- Thời Kỳ Phục Hoạt Tôn Giáo
Đối với Phật Giáo Hòa Hảo, đây là giai đoạn phục hoạt (ngôn ngữ này được sử dụng trong tài liệu của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo). Điểm đặc biệt là không hề có khuynh hướng phục hoạt quân sự. Khuynh hướng duy nhứt và mạnh nhứt của Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó là phục hoạt giáo sự. Sinh hoạt chính trị (Dân Xã) cũng chỉ ở tầm quan trọng thứ yếu và giới hạn chớ không phổ cập toàn diện như sinh hoạt tôn giáo. Hiện tượng này có thể sử dụng để giải thích rằng đối với Phật Giáo Hòa Hảo, tôn giáo căn bản, các hoạt động quân sự và chính trị chỉ là những sinh hoạt phát sinh bởi nhu cầu của giai đoạn. Người nông dân Hậu Giang gia nhập đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo, trước hết và căn bản là do nguyên nhân tín ngưỡng. Họ quy y đạo Phật Giáo Hòa Hảo để tu hành và để tiến đến cứu cánh giải thoát. Các sinh hoạt quân sự và chính trị đối với họ chỉ là những nghĩa vụ giai đoạn mà họ phải gách vác trên lộ trình tu hành.

Cho nên, dù rằng giai đoạn quân sự 1945-1955 là một quá khứ quan trọng, và sự chấm dứt giai đoạn võ trang đó bằng võ lực đã tạo ra tâm trạng bất mãn, nhưng sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, phía Phật Giáo Hòa Hảo không nẩy sinh phản ứng “phục hồi thế lực quân sự”.

Có một sự đồng tình toàn bộ, gồm luôn các cán bộ đã hoạt động quân sự, về việc phục hồi sinh hoạt tôn giáo. Phản ứng khá mau lẹ, chỉ một tháng sau ngày 1-11-1963, một phiên Đại hội Sơ bộ được triệu tập tại Thánh Địa Hòa Hảo, các cán bộ tôn giáo và quân sự lấy quyết định và thảo kế hoạch tổ chức lại cơ sở Giáo Hội (1-12-1963) trong đó có việc xin Bộ Nội vụ chánh phủ Việt Nam hợp thức hóa Bản Điều Lệ quy định tổ chức và sinh hoạt của Giáo Hội.

Trong tình trạng “chân không” đã kéo dài suốt chín năm, kế hoạch phục hoạt khởi sự từ công tác bầu cử hệ thống Ban Trị sự bắt đầu từ đơn vị căn bản là Xã, Ấp, làm khởi điểm cho cơ cấu Giáo Hội. Sau một năm chuẩn bị hệ thống Ban Trị sự Phật Giáo Hòa Hảo đã thành hình ở các cấp Ấp, Xã, Quận, Tỉnh và đến ngày 18-11-1964 một Đại hội Toàn quốc gồm trên một ngàn đại biểu Phật Giáo Hòa Hảo đã họp để bầu cử một Ban Trị sự Trung ương, là cơ quan lãnh đạo điều hành Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Hòa Hảo từ 1939 đến 1963, đoàn thể này có một cơ cấu điều hành mang danh nghĩa một GIÁO HỘI, với hệ thống Ban Trị sự hiện diện ở mọi Xã, Ấp, có tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và được bầu cử theo nguyên tắc dân chủ tập trung.

Trong lúc vắng mặt Huỳnh Giáo Chủ, không một tín đồ nào có uy quyền bao trùm và tuyệt đối, cho nên cơ quan lãnh đạo được hình thành qua phương thức bầu cử, lựa chọn những nhân vật mà uy tín đã thể hiện qua hai tiêu chuẩn: những người đã được Huỳnh Giáo Chủ tín nhiệm trước kia, và những người đã chứng minh lòng trung kiên với đoàn thể, có khả năng hoạt động trong thời gian qua.

Sau này, Phật Giáo Hòa Hảo đã cải tiến phương thức bầu cử bằng cách bãi bỏ các hình thức tranh cử, vận động, thay thế bằng hình thức triệu dụng, suy cử qua một Hội Đồng Bầu Cử gồm đại diện các Tỉnh hội để thể hiện ý nguyện các cấp trong toàn thể. Một Đại Hội Toàn Quốc được dùng để hợp thức hóa danh sách đề nghị bởi Hội Đồng Bầu Cử. Sự phân nhiệm trong nội bộ cơ quan Trung Ương Giáo Hội do chính những người đã được Đại Hội tín nhiệm, tự phân định lấy trong tinh thần tương nhượng, hòa hợp, rồi sau đó công bố cho các cấp rõ.

Cơ cấu Trung Ương Giáo Hội gồm một cơ quan Trị Sự có nhiệm vụ hành chánh và một cơ quan Bảo Pháp có nhiệm vụ giám sát (Hội đồng Bảo Pháp).

Về phương diện pháp lý, lúc đó Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo vẫn còn bị chi phối bởi Đạo Dụ số 10, ban hành từ năm 1950, mà chế độ Đệ nhứt Cộng Hòa (1955-1963) đã duy trì chớ không bãi bỏ. Cho nên tư cách pháp nhân của giáo hội này, cũng như của Cao Đài Giáo, vẫn là tư cách Hiệp hội, với các giới hạn của Đạo Dụ số 10. Vì vậy, mà Bản Điều Lệ do Đại Hội Toàn Quốc Phật Giáo Hòa Hảo biểu quyết ngày 1-12-1963, muốn có giá trị pháp lý, phải được hợp thức hóa bởi một nghị định của Bộ Nội vụ Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu không có thủ tục hợp thức hóa đó thì tổ chức tôn giáo này bị xem như hoạt động bất hợp pháp. Cũng chính vì các giới hạn khắt khe (trong khi Thiên Chúa Giáo không bị chi phối bởi Dụ số 10 này) cho nên tổ chức Phật Giáo đã đấu tranh đòi hủy bỏ văn kiện lỗi thời và bất công đó.

Phật Giáo Hòa Hảo cũng ở trong tâm trạng bị kỳ thị khi Bản Điều Lệ của tôn giáo mình phải tùy thuộc vào Bản Nghị Định của Bộ Nội Vụ (số 112/BNV/KS ngày 5-2-1964). Phải đến tháng 7 năm 1965, và sau nhiều vận động đòi hỏi của hai tôn giáo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, chánh quyền Đệ nhị Cộng Hòa mới ban hành sắc luật 002/65 ngày 12-7-1965, với chữ ký của chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia công nhận tư cách tôn giáo của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, minh định rằng tôn giáo này không bị chi phối bởi Đạo Dụ số 10 ngày 6-8-1950. Tình trạng pháp lý nội bộ của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo cũng theo quy chế mới mà thay đổi. Bản Hiến Chương Phật Giáo Hòa Hảo ban hành ngày 6-12-1964 được áp dụng thay thế Bản Điều Lệ 19-12-1963.
Ý kiến bạn đọc
04 Tháng Bảy 20117:00 SA
Khách
I raelly needed to find this info, thank God!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn