Nghiên cứu so sánh cho thấy rằng nếu Pháp không đến xâm chiếm Việt Nam vào giữa thế kỷ 19, (yếu tố khách quan tạo bùng nổ) thì chắc chắn lịch sử cận đại đã chẳng ghi tên những nhân vật kháng Pháp như Thiên Hộ Dương, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định...
Những nhân vật Phật Giáo Hòa Hảo Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lê Quang Vinh, Lâm Thành Nguyên (bốn lãnh tụ quân sự cấp tướng và chánh yếu trong giai đoạn quân sự hóa) của Phật Giáo Hòa Hảo, cũng như các nhân vật quân sự Trần Quang Vinh, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thành Phương, Trình Minh Thế của khối Cao Đài, nếu không sống trong môi trường xã hội Việt Nam của hoàn cảnh lịch sử đặc biệt 1945 về sau, mà các sanh hoạt quân sự được xem là quan trọng hàng đầu, thì có lẽ tên tuổi họ đã không được nhắc tới nhiều như thế. Điều này không những đúng với dư luận bên ngoài, mà cũng đúng với dư luận nội bộ của chính các tổ chức này. ảnh hưởng hỗ tương giữa dư luận nội bộ và bên ngoài lại càng làm tăng thêm mức quan trọng.
Về phần Phật Giáo Hòa Hảo, trong giai đoạn 1939-1944, tức thời kỳ sanh hoạt thuần tôn giáo, hay đúng ra chánh yếu là tôn giáo, chưa có vấn đề quân sự, những nhân vật được khối tín đồ biết đến nhiều nhứt, là những người làm việc trực tiếp với Huỳnh Giáo Chủ. Đó là những người có học, Nho học hay Tây học, có sẵn địa vị xã hội, theo chân Giáo Chủ từ những năm đầu lập Đạo, được Giáo Chủ tin cậy và giao phó trọng trách, có kiến thức để xử thế và hành xử nhiệm vụ, điều hành guồng máy sanh hoạt của tổ chức. Những nhân vật này ngày nay được mặc nhiên công nhận bởi khối tín đồ là những “cao đồ của giáo chủ”, tương tự những vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca thời xưa.
Cố nhiên trong bất cứ tổ chức quần chúng nào, trí thức cũng là thiểu số, quần chúng là tuyệt đại đa số, nhưng đối với Phật Giáo Hòa Hảo, một tổ chức căn bản nông thôn, thành phần trí thức lại hiếm hoi hơn là ở các tổ chức quần chúng thành thị. Vì thế ở trạng thái sanh hoạt bình thường, vai trò lãnh đạo vẫn là của trí thức. Nhưng ở tình trạng bất bình thường đòi hỏi phải ứng phó bằng sức mạnh quân sự, các khả năng tiềm ẩn trong quần chúng gặp cơ hội vươn lên, và những con người của quần chúng có khả năng trội hơn, đặc biệt hơn quần chúng, tự nhiên xuất hiện, nắm lấy vai trò chủ động hay lãnh đạo.
Những nhân vật Trần Văn Soái tự Năm Lửa, Nguyễn Giác Ngộ tự Quản Ngượt, Lâm Thành Nguyên tự Hai Ngoán, Lê Quang Vinh tự Ba Cụt, tuy sanh hoạt trong các nghề nghiệp khác nhau, nhưng đều xuất thân từ giới bình dân, từ nông thôn, thời gian học nhà trường rất giới hạn. Cho nên không thể so sánh Phật Giáo Hòa Hảo với các tổ chức và nhân vật quân sự đồng thời lúc đó, như Việt Binh Đoàn ở Trung Việt do Trung tá Nguyễn Ngọc Lễ chỉ huy, UMDC ở Bến Tre do Đại tá Leroy chỉ huy (Unité de Défense chrétienne). Tuy cũng là những tổ chức quân sự bổ túc, không phải quân đội chánh quy Việt Nam (thời điểm đó chưa có), nhưng Việt Binh Đoàn do ngân sách Trung phần đài thọ, UMDC có ngân sách tỉnh Bến Tre đài thọ. Và Trung tá Nguyễn Ngọc Lễ do Thủ Hiến (chánh quyền) Trung phần bổ nhiệm, Đại tá Leroy là một sĩ quan quân đội Pháp chấp chưởng chức vụ tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre.
Các tổ chức quân sự Phật Giáo Hòa Hảo cũng như Cao Đài, thuần túy xuất phát từ quần chúng, tự động hình thành bởi quần chúng, cho nên các vị chỉ huy quân sự cũng không có sự bổ nhiệm của chánh quyền nào, không học trường đào tạo sĩ quan nào, và cũng không có tên trong sổ lương nào. Sự thành lập các tổ chức quân sự này đã không đi qua tiến trình “quy định ngân sách trước khi thành lập tổ chức”, như nguyên tắc quen thuộc của các nhà quản trị hiện đại.
Một khía cạnh khác không kém phần quan trọng trong sự so sánh này là quyền hạn. Trong hệ thống tổ chức công quyền, quyền uy phát sanh từ pháp lý (văn kiện bổ nhiệm) cho nên người thụ quyền phải tuyệt đối hành động theo pháp lý trong khuôn khổ hệ thống pháp lý đã sanh ra tổ chức và tạo ra chức chưởng của mình. Đó là trường hợp Trung tá Nguyễn Ngọc Lễ và Đại tá Leroy. Ngược lại, quyền hạn của những Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lê Quang Vinh, Lâm Thành Nguyên phát sanh từ quần chúng. Sự tín nhiệm của quần chúng đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo làm cho họ có quyền uy, và từ trạng thái phát sanh của quyền hạn như thế, mọi đòi hỏi đặt họ vào khuôn khổ của một hệ thống pháp lý áp đặt sẵn, là một vấn đề khá phức tạp. Nó không giản dị như khi Thủ hiến Phan Văn Giáo chỉ thị cho Trung tá Nguyễn Ngọc Lễ hay Thiếu tướng De La Tour chỉ thị cho đại tá Leroy.
Trên bình diện khác, có thể nói rằng một Lê Quang Vinh khó so sánh với một nhà khoa bảng về mặt kiến thức, nhưng ngược lại, nhà khoa bảng kia cũng khó có thể so sánh với một Lê Quang Vinh về khả năng huy động quần chúng, và lãnh đạo quần chúng chiến đấu tại nông thôn. Những đổ vỡ đã xẩy ra trong lịch sử phần nào cũng do thái độ chủ quan trong sự lượng giá khả năng và sở trường của các thành phần dân tộc, tạo ra cái hố ngăn cách trở ngại cho một sự hợp tác hay phối hợp rất cần thiết trong những giờ phút nguy nan của lịch sử. Cho nên, ở đây cũng cần nhắc lại, hơn một lần, rằng tình trạng kia vẫn là hậu quả của chánh sách chia rẽ phân hóa mà thực dân Pháp đã áp dụng tại Việt Nam. Người Việt thuộc tôn giáo khác nhau, lý tưởng khác nhau, quyền lợi khác nhau mà không biết tạo ra một liên minh thần thánh (Sainte alliance), không hiểu được nhau lại bị lôi cuốn bởi các quyền lực bên ngoài, và bị cám dỗ bởi lợi quyền cá nhân hay phe nhóm, cho nên cái hố phân cách càng thêm sâu rộng.
Gửi ý kiến của bạn