3- Giải Pháp Quân Sự Của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 77746)
3- Giải Pháp Quân Sự Của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm
Tại sao Thủ tướng Ngô Đình Diệm dùng quân đội để dẹp các quân lực giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo? Nguyên nhân nào làm cho không đạt được thỏa hiệp giữa ông và các giáo phái?

Vấn đề này đã thuộc về lịch sử quá khứ, và là một vấn đề rất phức tạp, chớ không giản dị như lập luận của phía chánh phủ đưa ra là “phải thống nhứt quân đội, vì các giáo phái chống lại, nên phải dùng quân lực để dẹp...”

Cố nhiên nguyên tắc căn bản “một quân đội quốc gia duy nhứt” là điều không thể bàn cãi, mà bắt buộc phải như thế. Điều này, vẫn trên nguyên tắc, các tổ chức quân lực Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo đều hoàn toàn đồng ý. Sự khác biệt nằm trong phạm vi kế hoạch thực hiện và phương pháp áp dụng kế hoạch thống nhứt quân đội.

Muốn hiểu vấn đề, phải hiểu từ nguồn gốc của nó. Vì sao và trong hoàn cảnh nào phát sanh tình trạng quân đội gọi là “giáo phái”? Quân đội giáo phái đã đóng góp được những gì? Và có những nguyện vọng nào?

Ông Ngô Đình Diệm đã đi xa Việt Nam từ nhiều năm, nên ông không hiểu rõ tình hình trong nước. Ông có thể biết sơ lược tình hình chánh trị, nhưng rất khó hiểu được người dân Miền Nam có tâm trạng nào, ước vọng những gì? Được Quốc trưởng Bảo Đại giao phó toàn quyền Thủ tướng, ông từ ngoại quốc về Sàigòn chấp chánh. Trong con người ông Thủ tướng mới, tai hại thay, đã có sẵn hai thành kiến: thành kiến của người tín đồ Công Giáo đối với các tôn giáo khác ở Miền Nam, và thành kiến của một ông quan hành chánh đối với các tổ chức quân sự giáo phái. Diễn tả theo phương pháp tương đồng, có thể hiểu thái độ ông giống như thái độ của triều đình Huế đã trừng phạt các lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp thời trước như Trương Công Định, Nguyễn Hữu Huân, khi các lãnh tụ này bất tuân lịnh buông súng giải tán do triều đình hạ chỉ. Triều đình không chấp nhận trạng thái bất tuân thượng lịnh. Ông đã nói với nhiều người rằng “các giáo phái dơ dáy lắm”. Thành kiến đó đã hình thành trong nếp suy nghĩ của ông, do các tin tức sai lầm phiến diện mà ông được cung cấp khi ông còn lưu vong hải ngoại. Ông không hiểu được nguồn gốc phát sanh các quân lực giáo phái và các điều kiện chiến đấu thiếu thốn của họ. Về mặt tôn giáo, con người rất mộ đạo Thiên Chúa ấy cho rằng chỉ có đạo Chúa mới là chánh đạo, là tốt, cần được phát triển. Khi một ông Thủ tướng đã có sẵn mặc cảm tự cao tôn giáo và thành kiến về các giáo phái như thế, tất nhiên cái nhìn của ông đối với các quân lực Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo khó có thể đúng và thiện cảm được.

Điều bất hạnh kế tiếp là ông có những cố vấn thiếu vô tư, kém sáng suốt, không nhìn xa thấy rộng, cũng lại có sẵn các thành kiến ác cảm đối với quân lực các giáo phái. Người cố vấn về các vấn đề Miền Nam mà ông Diệm tin cậy nhứt lúc đó, là ông đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ. Nếu người cố vấn ấy không phải là ông Thơ, mà là một con người cách mạng có tâm hồn “tổ quốc trên hết”, và có kiến thức cao rộng, thì chắc chắn các vấn đề giáo phái đã không phải giải quyết bằng võ lực. Nhưng ông đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ lại chẳng phải là người tranh đấu cách mạng, cũng không phải là người có tầm kiến thức cao rộng của cấp lãnh đạo quốc gia. Bản chất ông là một quan lại, xuất hiện từ một gia đình giàu có được ưu đãi trong xã hội miền Tây, cả đời là một vị công chức cao cấp theo Pháp, và thực tế là một người mang sẵn ác cảm đối với các giáo phái, đặc biệt đối với Phật Giáo Hòa Hảo, vì lý do ông đã không được Phật Giáo Hòa Hảo kính phục và tuân lịnh khi ông hành xưœ quyền cai trị tại tỉnh Long Xuyên.

Ông Thơ đã cố vấn cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm về các biện pháp đối phó với Phật Giáo Hòa Hảo, trong chiều hướng triệt hạ uy thế của tôn giáo này. Mặc cảm giai cấp, quyền lợi và ác cảm có sẵn, là các lý do khiến ông đã tìm mọi cách hướng Thủ tướng vào đường lối triệt hạ thế lực Phật Giáo Hòa Hảo.

Ông Diệm đã hành động theo đường lối đó, đã dùng võ lực triệt hạ các tổ chức quân sự Phật Giáo Hòa Hảo, đã lừa bắt Tướng Lê Quang Vinh, và đưa lên pháp tràng hành quyết (1956).
Vấn đề ảnh hưởng của các vị cố vấn này, không phải chỉ là điều võ đoán cá nhân, mà là điều rất nhiều người cũng nghĩ như vậy. Tác giả Nhị Lang trong cuốn sách “Phong trào Kháng chiến Trình Minh Thế” khi tiếp xúc với ông Ngô Đình Diệm, cũng rất lo ngại về ảnh hưởng của các vị cố vấn, mà ông cho là lớp trí thức quan lại đã theo phục vụ cho Pháp, và tiếp tục vì quyền lợi riêng tư, gây ung thối guồng máy quốc gia, ảnh hưởng tai hại không ít.

Trong bài diễn văn ấy, tôi còn nhớ rõ, tôi đã nêu chủ trương đối phó thẳng tay với bọn quan lại thối nát, với những hàng “đốc phủ sứ” tay sai đắc lực của Pháp, đồng thời yêu cầu chính phủ bài trừ nạn cờ bạc, đĩ điếm, vốn là cái tệ trạng kinh niên của thành phố Sàigòn. Ông Nhu đọc mấy đoạn văn naœy lửa kia, rồi cười mà bảo chúng tôi: “Quý anh em ở trong rừng nên không thấy rõ các vấn đề mà Cụ (tức ám chỉ Thủ tướng Diệm) đang đối diện. Chung quanh cụ còn đầy dẫy những quan lại, những đốc phủ sứ. Nếu các thành phần này thấy Cụ rục rịch đánh họ, thì họ sẽ tức khắc xúm nhau lại phá phách. Chính phủ đối phó sao nổi trong giai đoạn này? Vậy thôi, xin anh em vui lòng bỏ qua cho!” Nói xong, ông Nhu ngẩng mặt nhìn tôi với nụ cười cầu hòa. Thấy ông có lòng thành khẩn và khiêm tốn như thế, chúng tôi chẳng dám để ông nhắc lại lần thứ hai, bèn thuận ý xóa bỏ ngay mấy đoạn văn vừa kể trên. (*)

Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã nhìn thấy Phật Giáo Hòa Hảo qua lăng kính của ông Nguyễn Ngọc Thơ, và với thành kiến của chính ông, cũng là một vị quan lại, cho nên ông chỉ hiểu được một phần của vấn đề, cái phần bề mặt, chớ không hiểu được toàn bộ và chiều sâu của vấn đề. Ông đã hiểu sai, và do đó đã hành động sai.

Nếu lúc đó ông biết đặt vấn đề các giáo phái trên bình diện lịch sử của hai tôn giáo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, tìm hiểu bối cảnh và nguyên nhân phát sanh các quân lực giáo phái Miền Nam, tìm hiểu vai trò quần chúng của tôn giáo này... thì có lẽ ông đã hiểu đúng vấn đề, và đã không thấy cần thiết phải dùng võ lực để “đánh dẹp giáo phái”.

Nếu ông hiểu được rằng dùng sức mạnh quân sự đánh dẹp quân lực võ trang giáo phái và đàn áp hai tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, là gây hấn với một khối quần chúng khoảng bốn triệu người, đồng thời tạo mâu thuẫn tôn giáo, với hậu quả tất nhiên là làm rạn nứt tiềm lực quần chúng Miền Nam. Trong số quần chúng Miền Nam khoảng hai mươi triệu dân năm 1955, phải nói rằng bốn triệu tín đồ trong hai tôn giáo là thành phần tích cực nhứt của trận tuyến chống Cộng Sản. Chánh sách sai lầm của ông Diệm quả đã phá vỡ phòng tuyến chống Cộng đó, tạo ra một tiêu hao lớn lao trong tiềm lực dân tộc, điều này tất nhiên phải có những hậu quả trầm trọng về sau, không thể nào tránh được.

Tác giả tập “Hồi ký Chánh trị — Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”, Thiếu tướng Đỗ Mậu, một cộng sự viên thân tín và tận tụy của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, đã viết rằng:

Miền Nam mất vào tay cộng Sản năm 1975 cũng chỉ là kết quả tất yếu cuối cùng của một chuỗi dài hệ quả dây chuyền mà đầu mối tai hại là sự thành hình của một tổ chức ma quái tên là “Cần Lao Nhân Vị”.

Quy luật chánh xác là chính chủ trương độc tài, độc đảng, tiêu diệt tôn giáo và đảng phái quốc gia của anh em ông Diệm và đảng Cần Lao Công giáo, đó là những nguyên nhân sâu xa nhất và chính yếu nhất làm cho Miền Nam Việt Nam từ đó phải suy nhược, và cuối cùng rơi vào tay cộng Sản năm 1975...

Từ tiền đề thực tế và đau đớn đó, anh (Phan Nhật Nam) nhìn lại dòng lịch sử ba mươi năm qua để định giá lại công tội của các bậc đàn anh và đặc biệt lên án chế độ Ngô Đình Diệm mà anh cho là Thủ phạm chính trong việc “sẩy tay” làm cho Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.

Cuối cùng và để cho rốt ráo hơn, một trong những cái mầm mống quan trọng khiến cho Miền Nam sụp đổ đã được ông Diệm gieo lên từ ngay sau khi ông thành lập chính phủ đầu tiên vào năm 1955, chứ không phải đợi đến lúc MTGPMN ra đời vào năm 1960 để ông phải hốt hoảng tố cáo với 92 quốc gia trên thế giới hai năm sau đó. (*)

Cùng với sự hiểu biết thiếu sót về Miền Nam, ông Diệm đã không tìm hiểu hoàn cảnh và nguyên nhân phát sanh các tổ chức quân sự của tôn giáo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Nếu ông biết được rằng ngay từ 1945, hai tôn giáo này đã là những thành phần đầu tiên tại Miền Nam, tự nguyện và tự động đào luyện thanh niên, tổ chức các đơn vị võ trang để chống lại đoàn quân viễn chinh của Pháp, và chống luôn chánh sách độc tài của Cộng Sản, nếu hiểu rõ được sự kiện lịch sử đó, thì ông mới lượng giá được bản chất dân tộc yêu nước và đường lối chống Cộng triệt để của hai tôn giáo này, có giá trị khả tín và bền vững hơn “hiện tượng” chống Cộng của các phần tử xu thời chung quanh ông.

Nếu ông hiểu được rằng hai tôn giáo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo bản chất là phong trào quần chúng tín ngưỡng yêu nước, giáo lý của hai tôn giáo này bao gồm các giá trị văn hóa và truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, chớ không phải là tà thuyết tà đạo (như thành kiến thông thường và sai lầm của một số người) thì ông đã có một thái độ kính trọng tối thiểu, thay vì thái độ chủ quan và khinh mạn tai hại kia. ở cương vị một Thủ tướng, nếu ông nhìn thấy giá trị đích thực của khối quần chúng tín ngưỡng bốn triệu dân kia, thì thay vì “đánh cho tan” ông đã phải tìm mọi cách để hợp tác, để bảo tồn, bởi vì đó là bảo tồn sức mạnh của Miền Nam trong một tình thế phải chuẩn bị đối phó với âm mưu thôn tính mà Hồ Chí Minh đã sắp đặt sẵn từ Hànội.

Nếu ông Ngô Đình Diệm hiểu được rằng trong thời kỳ Việt Nam chưa có chánh quyền quốc gia, chưa có quân đội quốc gia, ở thời điểm 1947 về sau, mà không có lực lượng chống Cộng của hai tôn giáo Miền Nam, thì tổ chức nào dám nhận nhiệm vụ trực diện đối đầu với các lực lượng võ trang của Cộng Sản? Các nhân viên hành chánh, các toán partisan thân binh của Pháp, với tinh thần cầu an hưởng lợi chắc chắn không phải là đối Thủ của Cộng Sản. Kể cả quân đội viễn chinh Pháp cũng chỉ tạo được bề ngoài an ninh mong manh mà thôi. Thực sự thì nền an ninh của miền Tây Nam Việt chỉ vững vàng và bành trướng từ sau khi các tổ chức võ trang Phật Giáo Hòa Hảo chấp nhận hợp tác để trục xuất các bộ đội Cộng Sản ra khỏi vùng lãnh thổ này. Nói cách khác, nếu trong thời kỳ chưa có chánh quyền và quân đội quốc gia, mà không có luôn các quân lực giáo phái, thì ảnh hưởng Cộng Sản đã lan tràn khắp Miền Nam. Và như thế thì làm sao có cơ hội để ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh và cai trị.

Nếu Thủ tướng Diệm hiểu được rằng các chiến sĩ Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo đã đóng góp bao nhiêu xương máu để bảo vệ Miền Nam và đã chiến đấu trong các điều kiện thiếu thốn, thiệt thòi, mà tinh thần vẫn cao, hiệu năng vẫn tốt, thì ắt là Thủ tướng đã lấy tình thương yêu, lòng biết ơn mà đối với họ, thay vì chỉ chê bai họ là “dơ dáy” và đem quân đánh dẹp họ như kẻ thù.

Ngay từ bước khởi hành, vấn đề sáp nhập quân lực các giáo phái và quân đội quốc gia đã bị quan niệm sai và được giải quyết bằng phương thức sai.

Về quan niệm, trước hết phải nhận định rằng căn bản của vấn đề là chánh trị, chớ không chỉ đơn giản quân sự. Các chánh phủ liên tiếp từ 1952 đến 1954, trước Thủ tướng Ngô Đình Diệm, tuy có nhìn thấy tầm quan trọng về chánh trị của vấn đề này, nhưng đã áp dụng phương thức giải quyết thiếu thực tế. Tuy nhiên lúc đó không vị Thủ tướng nào có ý nghĩ cực đoan táo bạo dùng võ lực để giải quyết, như Thủ tướng Diệm đã làm năm 1955. Một khía cạnh khác cũng khá quan trọng, là thái độ của giới cầm đầu quân đội quốc gia lúc đó. Các sĩ quan trong Bộ Tổng tham mưu quan niệm giải quyết các quân lực giáo phái đơn thuần như thực hiện một cuộc hành quân, và xem việc giải tán các tổ chức quân sự giáo phái, tước võ khí xong, là đạt mục phiêu tối hậu của cuộc hành quân rồi. Vấn đề không giản dị như thế, vì nó liên hệ đến một khối quần chúng đại diện khoảng 1/5 dân số Miền Nam. Khối quần chúng này lại có những đặc tính chánh trị chớ không như quần chúng thông thường khác.

Đặc tính thứ nhứt là tôn giáo.
Đặc tính thứ hai là triệt để chống Cộng.
Đặc tính thứ ba là có tổ chức và có võ trang.

Nếu chỉ là một tổ chức võ trang, mà không phải là tôn giáo — như tổ chức võ trang Bình Xuyên chẳng hạn — thì quan niệm đơn thuần của bộ Tổng tham mưu quân đội có thể hữu lý. Vì cuộc hành quân, khi đã đạt mục phiêu quân sự rồi, có thể xem là đã giải quyết xong vấn đề Bình Xuyên, nhưng chắc chắn là chưa giải quyết xong vấn đề Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo. Thực tế lịch sử sau 1955 đã chứng minh điều này. Bộ Tổng tham mưu đã thắng một cuộc hành quân, nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm đã thất bại, đã thua một trận giặc. Chế độ Ngô Đình Diệm đã dẹp được các tổ chức võ trang, nhưng không dẹp được ngọn lửa bất mãn chống đối âm ỉ cháy mãi trong lòng bốn triệu người Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo.

Phía Huê Kỳ, Tướng tình báo Lansdale có thể hãnh diện vào năm 1955 rằng đã thành công trong chiến dịch dẹp các quân lực giáo phái và củng cố chế độ Ngô Đình Diệm. Nhưng chỉ ít năm sau đó, khi cái voœ bao đường bên ngoài đã tan đi, chính Tướng Lansdale đã phải nếm đến tê lưỡi những chất đắng cay trong bản chất viên thuốc độc đó.

Chế độ Đệ nhứt Cộng Hòa phải sụp đổ, không phải chỉ vì hành động tấn công Phật Giáo năm 1963, mà nguyên nhân sụp đổ đã nằm sẵn từ những cuộc hành quân đánh dẹp hai tổ chức quân sự Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, làm mất niềm tin quần chúng. Khi mà viên tư lịnh hành quân Dương Văn Minh, được đeo vào ngực những vòng hoa chiến thắng, hay là khi chiếc máy chém của chế độ đã phập xuống cổ viên “loạn tướng Hòa Hảo” Lê Quang Vinh, những nhân sĩ trí thức Miền Nam đã nhìn thấy ngay cái thế tất bại của ông Ngô Đình Diệm rồi.

Một thực tế lịch sử khác là trường hợp Tướng Trình Minh Thế tuy kéo quân từ chiến khu núi Bà Đen về hợp tác với ông Diệm và Tướng Lansdale, nhưng chỉ ít tháng sau đã cảm thấy bất mãn. Nếu ông không từ trần tại cầu Tân Thuận, thì chỉ ít lâu sau, ông Diệm sẽ phải mở một cuộc hành quân “đánh dẹp lực lượng võ trang giáo phái Trình Minh Thế”. Viên tướng có tinh thần độc lập và thẳng thắn này, tuy đã về thành hợp tác, tuy đã trở thành một cấp chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam, nhưng trong không khí của bầu trời chánh trị quân sự Sàigòn lúc đó, ông đã tự cảm thấy “mình không giống những tướng tá quân đội quốc gia”. Trình Minh Thế là một loại người khác, có bản chất khác hẳn với bản chất và nguồn gốc của các tướng tá mà ông gặp tại các buổi tiếp tân trong các dinh thự Sàigòn. Các tướng tá này, tuy bề ngoài nhã nhặn lịch thiệp, tuy ngoài mặt vui mừng đón nhận một viên tướng kháng chiến bưng biền về đứng chung hàng ngũ quân đội quốc gia, nhưng trong thâm tâm, họ vẫn có mặc cảm tự tôn cho rằng anh tướng bưng biền và nông dân kia không trí thức, không xuất thân các trường quân sự cao cấp (của Pháp) như họ. Trộn lẫn với mặc cảm tự tôn đó, là một niềm lo âu, e sợ rằng cái thế của Trình Minh Thế đang lên, có thể làm mờ mất ánh sáng các ngôi sao của chính họ. Bởi vì họ tự biết rằng các ngôi sao của họ chỉ lóng lánh dưới ánh đèn điện đô thị mà thôi; nếu ra chiến trường, trong bóng tối bưng biền và tại các môi trường nguy hiểm mà giá trị chân thực của chiến sĩ là lòng dõng cảm can trường, khả năng chịu đựng gian khổ, — thì ngôi sao của Tướng Thế sẽ sáng rực lên, và ngôi sao của một số tướng lãnh trí thức sẽ bị mờ đi một cách thê thaœm. Cố nhiên cũng có một số sĩ quan quân đội quốc gia xuất sắc, tài ba và dõng cảm, ở đây chỉ đề cập những lớp người có các ưu điểm đó, trong thời điểm đó. Những lớp sĩ quan VNCH sau này có ý thức và kiến thức cao hơn lớp người của buổi giao thời đó.

Chạm trán thực tế xã hội và tâm lý đó, Tướng Trịnh Minh Thế luôn luôn bực rọc, khó chịu, bởi ông cũng đủ thông minh để đọc được cảm nghĩ thầm kín của những tướng tá kia đối với ông. Ông đã chính mình trải qua nhiều trắc nghiệm, thí dụ khi trận tuyến cầu Tân Thuận cần đến ông, ông cần quân xa chuyển vận, nhưng đã không được cung cấp đến đỗi ông phải giận dữ hét lên trong điện thoại với Trung tá quân trấn trưởng Dương Văn Minh rằng: “Tại sao giờ này mà Trung tá vẫn chưa cung cấp số quân xa theo lệnh tôi?”

Hãy đọc một đoạn văn của tác giả Nhị Lang, cố vấn chánh trị của Tướng Trình Minh Thế viết về tình trạng đó.

Trong hai cuộc tiếp tân đặc biệt dành cho Tướng Thế tại dinh Độc Lập và tại tư thất của Tướng Lê Văn Tÿ đường Hùng Vương, tôi luôn luôn ở gần Tướng Thế để ngầm báo cho ông biết là cá nhân ông đã trở thành “cái đinh” trước mắt nhiều người, nhất là đối với các sĩ quan bao bọc chung quanh Tướng Lê Văn Tÿ. Tôi bắt gặp trong cái nhìn của họ một sự khiếp sợ chen lẫn với nỗi ghen ghét đố kÿ. Vì dù muốn dù không, thì theo cấp bực, từ nay họ phải dưới quyền một con người được coi là “ngoại lai”, nghĩa là một con người không cùng chung một lò đào luyện với họ, một con người khét tiếng anh dũng, xuất thân từ hàng nông dân áo vaœi, lập nên sự nghiệp bằng trí óc và tài năng riêng của mình, một con người tuy nhỏ nhắn đen đúa nhưng chẳng biết sợ ai! Và dĩ nhiên là tôi cảm thấy lo ngại giùm cho Tướng Thế. Tôi xem cảnh ngộ ông chẳng khác gì cảnh ngộ một cô gái, mới bước về làm dâu một gia đình nhà chồng mà người thương thì ít, kẻ ghét lại nhiều! Ông là một chiến sĩ cách mạng quen sống một cuộc đời hiên ngang phóng túng, còn các ông tướng tá kia đều trưởng thành trong một quân đội hoàn toàn do Pháp đào luyện, lại vừa mới được chuyển giao sang chính quyền Việt Nam, thì ta không thể nói là ảnh hưởng của Pháp một sớm một chiều đã phai đi ngay được.

Song song với tâm lý đố kÿ kẻ “ngoại lai”, biết đâu chả có một số các sĩ quan “cựu trào” đang âm thầm nuôi mối thù hận đối với Tướng Thế, đang coi ông như một địch Thủ hơn là một người đồng đội? Rút cục, sự hợp tác với chính quyền chỉ đem cái lợi tinh thần về cho Thủ tướng Diệm, còn riêng cá nhân Tướng Thế, chỉ vô tình rước lấy những hiểm nguy rình rập đâu đây trong bóng tối. Con hổ đã xa rừng, con hổ sẽ khó sống. Tôi tự nghĩ thế, và tôi thầm trách oán cả Thủ tướng Ngô Đình Diệm lẫn người đồng chí họ Trình của tôi, cả hai đều đã quên nghĩ tới mặt trái của công cuộc hợp tác. Dù Thủ tướng Ngô Đình Diệm có lòng thương yêu Trình Minh Thế tới đâu chăng nữa, ông cũng không thể nhất thời ngăn chận được nỗi thù hận ngấm ngầm trong tâm tư những kẻ đã từng được Pháp “đội mũ mặc áo cho” từ những ngày xa xưa. Huống chi thực tế đã chứng minh Thủ tướng Ngô Đình Diệm chưa làm chủ được quân đội quốc gia. Cái họa phản loạn của Tướng Nguyễn Văn Hinh còn sờ sờ ra đó. Còn Tướng Lê Văn Tÿ dù có nhận áo mão do Thủ tướng Diệm ban cho, thì vị tất ông ấy đã hết dạ trung thành với vị tân Thủ tướng mà Bảo Đại bất đắc dĩ phải kén chọn đưa về nước cầm đầu chính phủ! Tướng Lê Văn Tÿ có trung thành với Ngô Đình Diệm hay không, thì biến cố trong đêm 30 tháng 4 tại dinh Độc Lập (xem chương XVI) đã trả lời dư luận, và riêng tôi xin làm chứng nhân... (*)

Trường hợp Tướng Thế tiêu biểu cho nếp suy nghĩ và phản ứng của những chiến sĩ gọi là “quân lực giáo phái”, những con người bản chất nông dân và tín ngưỡng, ít học thức nhưng nhiều can đảm, kém lịch duyệt nhưng nhiều nhiệt huyết, lý luận mộc mạc nhưng dám làm dám chịu. Hãy đơn cử một sự việc để dễ so sánh và nhận xét. Năm 1945, tại miền Nam, khi Trần Văn Giàu ló mòi độc tài cộng Sản tại Ủy ban Hành chánh Nam bộ ra mắt ngày 25-8-1945 chính anh chiến sĩ Cao Đài Trịnh Minh Thế đã dám rút cây súng chỉ thẳng vào Trần Văn Giàu mà nói rằng: ‘’Mày là Việt gian lén lút đi với Pháp, tao phải bắn nát đầu mày...”

Có thể rằng đó là lối phản ứng bộc trực của những con người mộc mạc, mà người lịch thiệp không thích; cũng có thể rằng đó là nhiệt tình của những con người can đảm liều mạng, ít suy luận, khác với những người suy tính kỹ lưỡng nhưng không dám hành động, e ngại trước khó khăn, rụt rè trước nguy hiểm.

Thêm một so sánh nữa. Trong lúc Tướng Trình Minh Thế đang kháng chiến chống Pháp thì phần lớn các vị sĩ quan kia đứng vào hàng ngũ quân đội Pháp, do đó không thể tránh được sự cách biệt tư tưởng, và tình cảm đối với nhau.

Dù đã trở thành sĩ quan cấp tướng trong hàng ngũ quân đội quốc gia, Tướng Thế vẫn không thể thân thiện ngay với những sĩ quan mà ông không cảm phục, lại còn cảm thấy mình bị kỳ thị. Dù có được Thủ tướng Ngô Đình Diệm đặc biệt đãi ngộ, Tướng Thế cũng không thể thoải mái trong khung cảnh chật hẹp, xa lạ kỳ thị, giống như con cá từng sống ngoài biển nước mặn thênh thang, khó sống trong cái hồ nước ngọt chật hẹp được. Cho nên, nếu ông không qua đời, thì sớm muộn gì ông cũng sẽ lại phải kéo quân vào bưng, trở về với biển cả rừng xanh.

Ngoài ra, tuy mặc quân phục, ông vẫn là tín đồ đạo Cao Đài, còn mối liên hệ mật thiết với tín ngưỡng của ông. Ông có thể bỏ ông Ngô Đình Diệm, nhưng chắc chắn không bao giờ bỏ tôn giáo Cao Đài của ông. Những người sống không tín ngưỡng rất khó hiểu được điều này. Chỉ những tín đồ đã quy y theo một tôn giáo, mới cảm nhận được sự ràng buộc thiêng liêng và trường cửu của tín ngưỡng, ràng buộc ở hiện kiếp và luôn ở kiếp sau. Cho nên, dù Tướng Trình Minh Thế có được chánh phủ ưu đãi, nhưng người tín đồ Trình Minh Thế không thể không có phản ứng chống đối lại cái chánh phủ đó, khi tôn giáo của ông bị uy hiếp hay khinh bạc.

Đó là một phần tâm lý phức tạp của quần chúng và chiến sĩ Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, làm cho họ có thái độ e dè, nghi ngại, mà các giới bên ngoài diễn tả là “địa phương, ích kyœ, thiển cận, bè phái...” Chính họ không muốn hòa hợp với các giới bên ngoài, hay chính các giới bên ngoài không muốn hòa hợp với họ? Chính họ có thái độ kỳ thị hay chính bên ngoài có thái độ kỳ thị đối với họ?

Những câu hỏi trên đây chỉ được giải đáp hữu ích bởi các nhà tâm lý học hay phân tích xã hội. Nhưng điều bất hạnh đã xảy ra là: Không bao giờ chính quyền quốc gia đặt các vấn đề này một cách khách quan, để mà khách quan phân tích, giải quyết. Trái lại, giới chánh quyền và quân đội quốc gia lúc đó nhìn các tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo là “lớp nông dân thất học” và các lãnh tụ quân sự tôn giáo này là “lạc hậu ngoan cố, chỉ nghĩ đến quyền lợi bè phái, địa phương...” Các tôn giáo này đã bị trách cứ là “không nghĩ đến quyền lợi quốc gia, mà nặng về quyền lợi bè phái”. Những điều trách cứ này có đúng không, đó là một vấn đề khá phức tạp. Thưœ đặt ngược vấn đề lại rằng: những người lên tiếng trách cứ như thế, chính họ có thực tâm vì quyền lợi quốc gia không? Thực tế tại Việt Nam đã cho thấy rằng các giới cầm quyền kế tiếp nhau, các giới có quyền bính trong tay, có mấy ai đã đặt quyền lợi tối thượng của quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân và bè nhóm? Về phía các tôn giáo cũng thế, trong bốn tôn giáo chính yếu tại Miền Nam là Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, tôn giáo nào có nhiều ưu quyền và tài Sản nhứt? Và tôn giáo nào bị thiệt thòi nhứt? Xin cứ khách quan nhìn vào thực tế lịch sử để tìm câu trả lời trung thực, và để hiểu đúng vấn đề.

Một giai đoạn lịch sử hai mươi năm đã đi qua từ 1955 đến 1975.

Thời lượng hai mươi năm cũng tạm đủ để chứng minh sự thất bại của “trận giặc đánh dẹp các quân lực giáo phái năm 1955”.

Ông Ngô Đình Diệm đã lãnh đạo quốc gia Việt Nam chín năm (1954-1963) nếu ông đã nhẫn nại và khôn khéo tranh Thủ được sự ủng hộ của quần chúng và nhân sĩ Miền Nam, thì ông đã có thêm được rất nhiều yếu tố thuận lợi, để xây dựng một Miền Nam cường thịnh vững vàng. Ông Diệm có được một cơ hội tốt, nhờ có một khoảng thời gian hòa bình sau 1955, nhờ có sự ủng hộ dồi dào phương tiện của Huê Kỳ, đó là điều kiện thuận lợi. Nếu ông tranh Thủ được thêm nhân tâm đa số quần chúng Miền Nam thì tình thế hẳn đã tốt đẹp bội phần, và ông đã không đến đỗi bị thaœm sát, chế độ của ông sụp đổ, kéo luôn Miền Nam vào một thời kỳ đen tối, bởi nền móng đã bị đục ruỗng trong suốt chín năm ông cai trị.

Thái độ coi thường giá trị quần chúng hai tôn giáo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo là một thái độ phản chánh trị, cũng là thái độ độc tôn độc tài. Đến đây, người viết sách này lại nhớ đến lời nói của hai vị Giáo Chủ Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo về lòng dân. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc thường nói rằng:

Dân chúng như nước dưới sông, thuyền đè trên nước, nhưng hãy coi chừng khi nước nổi sóng, nước sẽ lật thuyền dễ dàng.

Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật giáo Hòa Hảo có nói:

Lòng dân chớ khá xem khinh,
Bạo tàn giết mất nhân tình, thì thua.

Nhưng hãy đặt ngược vấn đề lại. Nếu không áp dụng giải pháp võ lực, thì có giải pháp nào trong tình huống 1955? Làm sao thỏa mãn được yêu sách của các giáo phái? Làm sao thực hiện được một quân đội quốc gia thống nhứt và hùng mạnh để bảo vệ Miền Nam?

Muốn trả lời hữu ích các câu hỏi trên đây, hãy trở lại giai đoạn hỗn độn cuối 1954 và đầu 1955 ở Miền Nam.

Trước khi xảy ra những cuộc tấn công quân sự, đã có nhiều phiên hội nghị trao đổi ý kiến giữa chánh phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm và đại diện các lực lượng võ trang trong Mặt trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia. Và trước khi Mặt Trận này chuyển sáng giai đoạn đấu tranh quyết liệt, hai đoàn thể Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, đã một lần chấp nhận hợp tác với ông Ngô Đình Diệm, cử nhiều đại diện tham gia nội các Ngô Đình Diệm ra đời tháng 9-1954. Trong giai đoạn hợp tác này, vấn đề sáp nhập các lực lượng võ trang giáo phái vào quân đội quốc gia cũng đã được thảo luận tích cực, và đạt được sự thỏa thuận, cụ thể hóa bằng các nghị định ban hành bởi Thủ tướng Ngô Đình Diệm tháng 11-1954. (Nghị định 1025/QP và 1026/QP quy định các thể thức thi hành một tiến trình sáp nhập từng đợt 3000 quân sĩ các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo. Biện pháp này song hành với biện pháp sáp nhập quân sĩ Cao Đài (nghị định 973/QP).

Như thế, câu hỏi cụ thể là:

— Vì sao các điều thỏa thuận đó đã không được thi hành?

Tại sao lại không đạt được sự dung hòa quan điểm giữa Mặt Trận và Thủ tướng Ngô Đình Diệm?

Văn kiện mà Thủ tướng đã ký, là kết quả của những trao đổi quan điểm giữa Bộ tham mưu quân lực Phật Giáo Hòa Hảo và Bộ Quốc phòng lúc đó do ông Hồ Thông Minh làm bộ trưởng. Nhưng sau đó, nghị định này trở thành ‘’thư chết’’, không rõ vì lý do nào?

Trong nội các Ngô Đình Diệm thành lập tháng 9-1954 có mặt các đại diện Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo như sau:

Cao Đài: T.T. Nguyễn Thành Phương, Quốc vụ khanh
Ô. Phạm Xuân Thái, Tổng trưởng Thông tin
Ô.Nguyễn Mạnh Bảo, Tổng trưởng Xã hội
Ô. Nguyễn Văn Cát, Thứ trưởng Nội vụ
P.G.H.H.: T.T. Trần Văn Soái, Quốc vụ khanh
Ô. Lương Trọng Tường, Tổng trưởng Kinh tế
Ô. Nguyễn Công Hầu, Tổng trưởng Canh nông
Ô. Huỳnh Văn Nhiệm, Bộ trưởng Nội vụ.

Khi ông Ngô Đình Diệm đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn lúc mới ở ngoại quốc về, sự tham gia nội các của hai đoàn thể Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo đã lập thế quân bình, vượt qua cơn khủng hoảng trầm trọng. Nhưng sau đó, thái độ của những người chung quanh Thủ tướng đã đầu độc không khí hợp tác, đưa đến tan vỡ.

Về sự trao đổi quan điểm giữa Thủ tướng Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, phiên họp chiều ngày 25-3-1955 tại dinh Độc Lập được xem là quan trọng nhứt.
Trong hồi ký của nhân vật Trần Văn Ân, có thuật lại như sau:

Tôi là người miền Nam, có nghe nói từ lâu, từ lúc nhỏ, về các tôn giáo như Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Thầy Tây An... và sau này lại được biết Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Tôi lại biết rõ tinh thần Phật Giáo của Phật Thầy và cả người tiếp theo, là tinh thần ái quốc, là bất hợp tác với ngoại bang thống trị, nên tôi đã có thiện cảm, từ lúc bắt đầu kháng chiến năm 1945. Và lại phát động mạnh kháng Pháp giành độc lập chính là các đoàn thể tôn giáo, trong đó có cả quân Bình Xuyên. Nếu sau này có một sự nứt rã hàng ngũ kháng chiến, tôi thấy rõ không phải do các giáo phái.

Trong sự xung đột giữa các giáo phái và chánh quyền nhà Ngô, tôi xác quyết là giáo phái không vì giành quyền mà chính vì muốn đoàn kết để đương đầu thời cuộc sau hiệp định Genève 1954. Tự nhiên có người nghĩ khác, đó là quyền của họ.

Tôi rất tiếc có sự xung đột này xảy ra. Tháng 3 năm 1955, phái đoàn Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia, hội kiến Thủ tướng Diệm tại dinh Độc Lập, anh em có nhờ tôi tham gia phái đoàn, viện lẽ là tôi có quen thân. Trong phái đoàn, tôi không có tánh cách đại diện. Tôi có ý ngồi bên Thủ tướng, và tôi cố ý thưa: “Chính tôi dự thảo cơ cấu chánh phủ đoàn kết. Cụ an tâm, chỉ có chín (9) bộ lớn. Kỳ dư đều là Tổng giám đốc. Tôi đã đề nghị các giáo phái không giữ đến ba bộ. Mấy bộ quan trọng đều giành cho Cụ sắp xếp. Nay tôi đi theo phái đoàn là vì tôi có biết Cụ. Sơ đồ cơ cấu chánh quyền có đem theo đây, ở trong tay ông Thành Nam, phát ngôn viên của Mặt Trận. Cụ chấp nhận nguyên tắc hợp tác là ông Thành Nam trao cho Cụ...”

Ông Diệm chần chờ. Tôi có thưa thêm mấy lời lịch sử sau đây: “Thưa Cụ, Cụ cho giáo phái là dơ dáy. Có thể Cụ mới về cai trị. Thưa Cụ, nước mình nhỏ bé đành phải bắt tay với Mỹ, thật tình bắt tay, nhưng chơi tay đôi với họ là khó lòng lắm. Nước họ lại nước dân chủ, chánh quyền dễ thay tay. Rủi ngày nào, vì một lẽ gì đó mà họ buông bỏ ta, thì ta, không có bạn khác, ta sẽ chết như cá lóc bị dập đầu”.

Ông Diệm xiêu lòng. Rồi đột nhiên ông nói: “Để tôi xét lại coi ra sao. Thôi mấy ông về đi”.

Tôi còn nhớ có nói với ông điều này: “Mấy ông tôn giáo đó, là những người có tín ngưỡng, mới là người dám hết mình chống Cộng. Trí thức và nhà giàu, hữu sự họ sẽ chạy trước. Xin Cụ để ý cho. Tôi dám quả quyết với Cụ là tôi dàn xếp được vấn đề giáo phái. Không khó...”

Trong đoạn hồi ký này, có câu: “Nếu cụ chấp nhận nguyên tắc hợp tác, là ông Thành Nam phát ngôn viên của phái đoàn, sẽ trao ngay đề nghị của Mặt Trận cho cụ”.

Đề nghị đó nội dung ra sao? Đây là một điểm mà chưa tài liệu nào ghi chép. Lý do là vì sau khi các lực lượng giáo phái bị đánh tan, Mặt Trận không được tự do hoạt động, cho nên không có hoàn cảnh và phương tiện để phổ biến các tài liệu nói trên.

Người viết sách này chính là người cầm trong tay tài liệu đã soạn thảo sẵn của Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, đến tham dự phiên họp giữa Mặt Trận và Thủ Tướng, được cử làm phát ngôn viên chánh thức của phái đoàn, và được giao nhiệm vụ lấy quyết định tại hội nghị: trao tài liệu cho Thủ tướng hay không trao, tùy theo diễn tiến và kết quả phiên họp. Nếu hội nghị có không khí tốt, và nếu nhận thấy Thủ tướng có khuynh hướng hợp tác, thực sự muốn tìm giải pháp dung hòa, thì trao tài liệu. Ngược lại, nếu nhận thấy lập trường của chánh phủ vẫn cứng rắn, không đưa đến giải pháp, thì trao tài liệu cũng vô ích.

Tôi đã quyết định không trao tài liệu, vì trong hội nghị, Thủ tướng đã một mực khẳng định lập trường cứng rắn về vấn đề sáp nhập các lực lượng võ trang giáo phái. Điều kiện của Thủ tướng là hãy giải giới trước đã, để có một quân đội quốc gia duy nhứt, để có một uy quyền quốc gia, còn mọi việc khác sẽ bàn sau. Tại sao Thủ tướng lại khăng khăng với lập trường cố định đó, trong khi tình hình có thể được giải quyết cách khác, nếu chấp nhận giải pháp thống nhứt quân đội theo một công thức mất thì giờ hơn, nhưng êm thấm và kết quả tốt đẹp hơn. Tôi đã từng nghe giới quân đội và các vị cố vấn của Thủ tướng biểu lộ thái độ cứng rắn đó, và tôi đoán rằng họ bị ảnh hưởng của Tướng Lansdale, ông này lúc đó là cố vấn Mỹ tin cậy nhứt của Thủ tướng, và có chủ trương rõ rệt: không nhượng bộ các giáo phái. Chính thái độ của Tướng Lansdale và của các giới cố vấn dân sự và quân sự của Thủ tướng đã làm cho ông khăng khăng với quan điểm cứng rắn. Cuộc hội nghị 25-3-1955 vì thế mà bất thành, đưa tới những hậu quả lớn lao về sau. Đó là sự thành công nhứt thời về quân sự năm 1955, đưa đến sự thất bại trầm trọng về sau của chế độ năm 1963, và kéo theo sự sụp đổ Miền Nam năm 1975.

Nội dung các đề nghị của phía Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, có thể được tóm tắt như sau (về việc sáp nhập các lực lượng võ trang giáo phái vào quân đội quốc gia).

Trước khi cất bước đi lưu vong chín năm hải ngoại, người viết sách này đã có nhiều dịp gặp ông Thủ tướng Ngô Đình Diệm, và đặc biệt là ba lần ngồi thảo luận với ông về vấn đề quân lực các giáo phái Miền Nam. Lúc đó tôi có cảm nghĩ rằng cá nhân tôi được sự lưu ý đặc biệt của Thủ tướng.

Trong thời gian thương thảo giữa Chánh phủ và Phật giáo Hòa Hảo, tôi là người được đoàn thể tôi Ủy nhiệm công việc tiếp xúc và thương thảo. Lúc đó phía quý vị chức sắc và lãnh tụ quân sự Cao Đài cũng có cảm tình đặc biệt với tôi, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc thường tỏ thái độ tin cậy tôi, và tham khảo ý kiến tôi trong những trường hợp khó khăn của Mặt Trận mà Ngài là Chủ tịch. Một bữa, tôi được Thủ tướng Ngô Đình Diệm tiếp tại dinh Độc Lập lúc 10 giờ sáng. Khi ấy, văn phòng Thủ tướng vừa mới dời từ dinh Gia Long qua dinh Norodom, cho nên văn phòng trên lầu của Thủ tướng chưa hoàn tất. Thủ tướng ngồi tại một văn phòng tạm ở giữa dinh, từng trệt, và tiếp tôi tại đó, thảo luận đặc biệt vấn đề quân lực giáo phái. Đây là lần thảo luận thứ nhì về đề tài đó. Cuộc thảo luận kéo dài cho đến quá trưa và vẫn chưa kết thúc. Thủ tướng hút điếu thuốc này sang điếu khác, ngón tay troœ luôn luôn đập nhẹ trên mình điếu thuốc cháy dở chừng. Ông nói nhỏ nhẹ, không bao giờ lớn tiếng hay tỏ veœ khó chịu với tôi, dù ý kiến xung khắc. Tôi nhìn đồng hồ thấy đã 12 giờ 30 và nhiều lần thấy ông Ngô Đình Nhu tới lui như nóng ruột hay có điều chi muốn nói với Thủ tướng. Khi có người ra nói nhỏ vào tai Thủ tướng, thì ông đứng dậy và bảo tôi rằng “Tiện bữa, mời ông qua dùng cơm trưa với tôi và nói chuyện tiếp”.

Tôi hơi ngạc nhiên trước cử chỉ tự nhiên và thân mật của Thủ tướng đối với tôi, và không từ chối. Bước tới một chút là phòng ăn dựng tạm bên cạnh, chưa có gì được gọi là một phòng ăn của một Thủ tướng. Tôi được mời ngồi ngang mặt Thủ tướng. Chỉ có canh rau, tôm nhỏ rim, thịt kho hay cá kho, tôi nhớ không rõ, trứng tráng hay đậu huœ. Không có loại rượu nào. Tôi không ngạc nhiên về sự thanh đạm của bữa ăn, vì tôi cũng thường ăn uống thanh đạm như thế. Nhưng tôi hơi ngạc nhiên vì một Thủ tướng mà cũng ăn uống thanh đạm, điều này cũng tạo cho tôi sự cảm mến đối với ông.

Trong bữa cơm, câu chuyện “giáo phái” tạm ngừng. Thủ tướng hỏi tôi về đời tư của tôi, như tại sao tôi là người Bắc mà lại theo đạo Hòa Hảo ở tận trong Nam, và gia thế ra sao, học hành thế nào? Ông muốn biết thêm về cá nhân tôi. Khi tôi nói rõ vì sao tôi quy y đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Thủ tướng có veœ suy nghĩ gục gặc đầu mà nói: “Kỳ nhỉ”.

Tôi nói để Thủ tướng biết rằng gia đình dòng họ tôi vào Nam đã hai đời, lập nghiệp tại một làng trên sông Tiền Giang, tỉnh Long Xuyên, cho nên khi Đức Huỳnh Giáo Chủ giảng đạo, chúng tôi thấy dân cùng làng ruœ theo Đạo, chúng tôi cũng đến quan sát, và sau khi đã cảm nhận đây là giáo lý thích hợp, cả gia đình đều quy y theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Cuộc thảo luận tiếp diễn thêm một giờ nữa sau bữa cơm, nhưng không đi đến kết luận nào. Tuy nhiên, tôi đã trình bày đầy đủ với Thủ tướng, về quan điểm của phía Phật Giáo Hòa Hảo, và cũng là quan điểm chung của Cao Đài, về phương thức sáp nhập các quân lực giáo phái vào quân đội quốc gia.

Quan điểm phía Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo được lập luận và đề nghị thực hiện như sau:

Lập luận:

1. Hoàn toàn đồng ý nguyên tắc căn bản: một quân đội quốc gia duy nhứt; chấm dứt tình trạng quân lực các giáo phái.

2. Quan niệm rằng đây là một vấn đề chung có tầm vóc và ảnh hưởng đến tương lai quốc gia, cho nên giải pháp thực hiện không thể đơn phương, mà phải được thỏa thuận chung, để đạt mục tiêu chung.

3. Vì lực lượng Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo có nguồn gốc tôn giáo và chánh trị, có sẵn từ lâu các cơ cấu tổ chức, cho nên việc dẹp bỏ cơ cấu đó cần có một kế hoạch thỏa thuận trước khi thi hành.

4. Tính chất phức tạp và tế nhị của vấn đề này đòi hỏi hành động thận trọng, đối xưœ thành thật, tránh thái độ và lời nói có thể tạo ngộ nhận, va chạm tự ái hay mặc cảm tôn giáo.

Về phần kế hoạch, hai tổ chức Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo đề nghị những nét lớn sau đây:

1. Giai đoạn đầu, thực hiện quốc gia hóa 3.000 chiến sĩ Cao Đài, 3.000 chiến sĩ Hòa Hảo theo tinh thần các bản nghị định 973 và 1025/QP mà Thủ tướng đã ban hành ngày 3-11-54.

2. Đồng thời thi hành chiến dịch giải thích, giúp các chiến sĩ giáo phái hiểu rõ về vấn đề quốc gia hóa, để họ tự ý lựa chọn hoặc tự nguyện gia nhập quân đội quốc gia, hoặc tự ý xin giải ngũ về đời sống dân sự.

3. Các thành phần xin giải ngũ sẽ được chánh phủ tỏ lòng biết ơn về quá trình chiến đấu, bằng những biện pháp giống như xưa kia triều đình đãi ngộ các quân sĩ đã chiến đấu trong thời loạn: cấp bằng tưởng lệ hữu công, và được hưởng một ít quyền lợi vật chất như cấp phát công điền để mưu sinh, cấp tín dụng nông nghiệp hay tiểu thương, trong khuôn khổ các chương trình phát triển kinh tế quốc gia.

Các biện pháp này, nếu được nghiên cứu và thực hiện, sẽ có hiệu lực tâm lý rất tốt, chứng tỏ chánh phủ không quên công lao các chiến sĩ, cho họ được hưởng sự tưởng lệ tinh thần, và phương tiện tối thiểu để trở về đời sống dân sự. Đồng thời, nếu lồng vào các chương trình tái thiết kinh tế hậu chiến, các biện pháp này còn đáp ứng phần nào nhu cầu thăng tiến xã hội, cải cách ruộng đất và phát triển nông nghiệp.

Chúng tôi nghĩ rằng các chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài, phần lớn xuất thân từ giai tầng nông dân, không cao vọng, chỉ mong có được mảnh đất để canh tác, xây dựng mái nhà thân yêu và kiến tạo hạnh phúc gia đình... Lớp người mộc mạc ấy sẽ cảm thấy hãnh diện khi được “chánh phủ biết ơn” một cách cụ thể: mảnh bằng tưởng lệ treo trong nhà để hãnh diện với làng xóm, và một ít quyền lợi vật chất. Niềm hãnh diện này, ngược lại, nếu mất đi hay bị bỏ quên, sẽ tạo phản ứng bất mãn, chống đối rất bất lợi cho mối tương quan giữa chánh quyền và dân chúng.

Các biện pháp cấp đất, cấp tín dụng, trong thực tế cũng không tạo các tổn phí quá đáng cho ngân sách quốc gia, vì cũng nằm trong phạm vi ngân sách cải cách điền địa, tín dụng nông nghiệp, trong kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội. Sự giải ngũ binh sĩ đương nhiên tạo ra giảm chi quốc phòng, chỉ cần di chuyển phần ngân sách của biện pháp nói trên, chớ thật ra không tạo thêm chi phí mới. Hơn thế, bất cứ quốc gia nào thời hậu chiến, chánh phủ cũng phải giúp phương tiện cho nông dân khai thác, canh tác đất đai, để tăng gia Sản lượng quốc gia trong khu vực nông nghiệp, đồng thời thăng tiến xã hội cho giới nông dân và cần lao.

Về biện pháp này, tôi đã cố gắng giải thích trực tiếp với Thủ tướng Ngô Đình Diệm rằng đó không phải chỉ là lý thuyết sách vở, mà còn thêm kinh nghiệm sống của chính tôi. Tôi đã sống nhiều năm tại nông thôn miền Nam, trực tiếp chung đụng với người nông dân, tôi hiểu được tâm hồn của họ, tâm lý của họ, nguyện vọng của họ, cả nếp suy nghĩ và phản ứng của họ. Đặc biệt các nông dân tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, các đồng đạo của tôi, nhờ tín ngưỡng Phật đạo, họ hiểu rằng kiếp sống này là giả tạm, sự tích lũy tài Sản không phải là cứu cánh cuộc sống. Cho nên nguyện vọng của họ thật là giản dị, chỉ cần chánh phủ đáp ứng đúng tâm lý và ước vọng giản dị đó, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng.

Tôi cũng giải thích với Thủ tướng về đời sống hàng ngày của các chiến sĩ nông dân này, và yêu cầu Thủ tướng đừng có ý nghĩ sai lầm rằng tất cả quân lực Phật Giáo Hòa Hảo đều là “phường cướp bóc”. Một thiểu số có thể có làm điều bất chính, nhưng đại đa số chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo rất đáng thương, rất nghèo khổ mà vẫn chiến đấu cang cường cho lý tưởng của mình.

Tôi viện dẫn nhu cầu phát triển nông nghiệp phải đi đôi với nhu cầu thăng tiến xã hội của giới nông dân, cho nên các biện pháp cải cách ruộng đất và tín dụng nông nghiệp phải được thi hành càng sớm càng tốt. Bởi vì tôi đã chứng kiến cảnh cùng cực của người tá điền nghèo đi mướn đất của chủ điền để canh tác, và vay nợ với lãi suất 100 đến 200 phần trăm một năm. Các biện pháp tinh thần (tưởng lệ) và vật chất (đất cày, tín dụng) đáp ứng một cách chính xác nguyện vọng giản dị của người chiến sĩ nông dân Phật Giáo Hòa Hảo và gia đình anh ta. Đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu phát triển quốc gia về kinh tế và xã hội.

Đó là đối với những người xin giải ngũ. Còn những binh sĩ nào muốn tiếp tục phục vụ trong quân đội quốc gia, họ được hưởng thâm niên quân vụ trên những năm chiến đấu. Cấp sĩ quan Phật Giáo Hòa Hảo quốc gia hóa sẽ phải đi thụ huấn tại quân trường để cấp bậc có giá trị.

Tuy nhiên, điều quan trọng để thành công là cần phải có một thời kỳ chuyển tiếp để tránh ngộ nhận và va chạm. Sự nghiên cứu của chúng tôi lúc đó cho thấy rằng nếu trộn lộn ngay các binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo vào các đơn vị quân đội quốc gia, sẽ không thể tránh đụng chạm và hiểu lầm, bởi mặc cảm có sẵn của đôi bên. Nếu xảy ra tình trạng đó, sẽ có hậu quả rất tai hại về tinh thần đoàn kết trong quân ngũ, cũng như về hiệu năng chiến đấu. Đó là một thực tế rất phức tạp, đòi hỏi biện pháp đặc biệt và thích nghi để khắc phục. Dường như một triết gia có nói đại ý rằng: Chưa hòa hợp tinh thần với nhau, mà đã đem võ khí đến ở chung với nhau, thì sẽ bắn giết nhau dễ dàng...

Cho nên thời kỳ chuyển tiếp rất cần thiết để biện pháp thành tựu. Nghị định 1025 và 1026 ấn định các biện pháp đặc biệt để quốc gia hóa đợt đầu 3.000 binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo, vẫn cho phép đơn vị này được giữ một vài đặc điểm riêng biệt, bởi vì chưa thể thực hiện một sự trộn lộn toàn vẹn ngay được. Cho nên nghị định nói rằng thiết lập tạm thời một bộ phận đặc biệt trong quân đội quốc gia, danh từ Pháp ngữ gọi là “Phalange Hoa-Hao des Forces Armées Vietnamiennes” dịch là “bộ phận Hòa Hảo trong quân đội Việt Nam”.

Thật ra, đó chỉ là danh nghĩa và hình thức. Các điều khoaœn của nghị định 1025/QP và 1026/QP đã nói rõ như sau:

— Bảng cấp số theo biên chế tổ chức quân đội Việt Nam

— Nghị định đồng hóa và bổ nhậm ban hành bởi chánh phủ

— Cờ Việt Nam nền vàng ba sọc đoœ là lá cờ duy nhứt (không còn cờ Phật Giáo Hòa Hảo nữa), nhưng có huy hiệu Phật Giáo Hòa Hảo gắn trên góc.

— Quân phục quân đội quốc gia Việt Nam, chỉ khác là binh sĩ còn mang huy hiệu Phật Giáo Hòa Hảo trên ngực, và đội ca lô màu dà, như màu mũ của các quân chủng khác nhau.

— Các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo quốc gia hóa đặt dưới quyền điều khiển hành quân của Bộ tư lịnh hành quân quân đội Việt Nam

— Thiết lập một văn phòng đặc biệt tại Bộ Quốc phòng và một cơ quan của Bộ Tổng tham mưu để hướng dẫn sanh hoạt theo đời sống quân đội Việt Nam về mọi mặt: tổ chức, quản trị, huấn luyện, và có nhiệm vụ cố vấn, kiểm soát mọi mặt.

— Các biện pháp thanh tra của quân đội Việt Nam được áp dụng toàn bộ.

— Các cấp chỉ huy sẽ được đào luyện tại trường cán bộ Cái Vồn và Bình Mỹ, trường sĩ quan Thủ Đức và Đà Lạt

— Các quân trường Cái Vồn và Bình Mỹ cũng như các cơ cấu của bộ phận Phật Giáo Hòa Hảo sẽ được giải tán khi xét không cần thiết nữa

— Võ khí đạn dược của các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo phải giao nạp quân đội quốc gia, để thay thế bằng trang bị theo biên chế quân đội quốc gia Việt Nam.

Áp dụng các nghị định này, cái nhìn bi quan sẽ cho là chưa phải sáp nhập toàn vẹn, vẫn còn là một bộ phận riêng.

Cái nhìn lạc quan cho rằng tuy còn giữ một số đặc điểm riêng, bộ phận riêng, nhưng do quân đội quốc gia cố vấn, kiểm soát, bị chi phối bởi kỷ luật và điều hành theo quy chế quân đội quốc gia. Giống như một đơn vị hay một binh chủng đặc biệt. Quyền bổ nhậm do chánh phủ, và các bộ phận mang đặc tánh Phật Giáo Hòa Hảo từ nay đều đặt trong hệ thống quân đội quốc gia, để rồi sẽ bị giải tán khi không cần thiết nữa.

Với tình trạng phức tạp lúc đó, với các khó khăn tâm lý, nghi ngờ, e ngại, mặc cảm, thành kiến... một sự trộn lẫn lập tức sẽ không có kết quả. Phải đi qua một thời kỳ chuyển tiếp, chẳng khác nào đem người dân từ đồng ruộng về đô thị, nhứt định phải một thời gian để tập cho quen cảnh sống mới, trước khi thuần thục và không có phản ứng ngược chiều và nghịch lý.

Khi quân lực Trình Minh Thế về hợp tác với Chánh phủ Ngô Đình Diệm (2-1955) tình trạng cũng tương tự như tinh thần bản nghị định 1025-1026/QP. Quân đội Liên minh vẫn là một bộ phận riêng biệt đặt dưới hệ thống chỉ huy trực tiếp của các sĩ quan Liên minh, và Tướng Trịnh Minh Thế vẫn là vị tư lịnh cao nhứt của bộ phận đặc biệt này, mặc dù tất cả đã quốc gia hóa, và mang sắc phục quân đội quốc gia Việt Nam. Bộ Tổng tham mưu không trực tiếp điều động các đơn vị Liên minh, mà phải qua vị Tướng Tư lịnh Trình Minh Thế. Các binh sĩ Liên minh cũng chỉ tuân hành mạng lịnh của Tướng Thế và các cấp sĩ quan dưới quyền ông, mặc dù họ đã trở thành binh sĩ quân đội quốc gia.

Tình trạng đó là một thực tế không thể cưỡng ép lập tức và toàn vẹn. Phải có một thời kỳ chuyển tiếp.

Trong thời kỳ chuyển tiếp này, binh sĩ gốc giáo phái làm quen dần với nếp sống trong khung cảnh sinh hoạt của quân đội quốc gia, trong khuôn khổ một quân đội chánh qui, để rồi sẽ tự biến đổi để thích nghi hoàn cảnh mới. Với thời gian, chắc chắn họ sẽ trở thành người chiến sĩ quân đội quốc gia trọn vẹn, và đó là một tình trạng quốc gia hóa toàn vẹn.

Cũng trong thời kỳ chuyển tiếp đó, hẳn sẽ có một số binh sĩ thay đổi ý hướng, đó là những thành phần không có khả năng thích nghi hoàn cảnh và khuôn khổ mới. Họ sẽ tự chọn lấy con đường giải ngũ, trở về đời sống dân sự. Nhưng đây là do ý định của họ tự do lựa chọn, khác hẳn với lối giải quyết loại bỏ khỏi hàng ngũ quân đội, với các hậu quả tâm lý bất lợi. Những phần tử yêu thích quân ngũ sẽ tiếp tục và sẽ được đào tạo, tùy theo khả năng và khuynh hướng, mà trở thành quân nhân của quân đội Việt Nam 100%.

Tiến trình quốc gia hóa hay sáp nhập chậm này, có tác dụng tránh các biến chứng phức tạp của cuộc sống chung đụng chạm cọ xát giữa những người từ các nguồn gốc tôn giáo và chân trời dị biệt, để công cuộc quốc gia hóa được thực hiện êm ái và thành công tốt đẹp. Cố nhiên là phải mất thì giờ, tiến chậm hơn là một phương thức quốc gia hóa toàn vẹn lập tức. Thời gian được đề nghị với Thủ tướng lúc đó là một năm hay nhiều lắm là 18 tháng, để hoàn tất kế hoạch. Lúc đó là cuối năm 1954, nếu thực hiện theo tiến trình tiệm tiến đó, đến cuối năm 1955 hay trễ là giữa năm 1956, kế hoạch sẽ hoàn tất và thành tựu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn