9- Vai Trò Lê Quang Vinh Bảo Tồn VNDCXHĐ

01 Tháng Mười Hai 200512:00 SA(Xem: 86267)
9- Vai Trò Lê Quang Vinh Bảo Tồn VNDCXHĐ
Tuy nhiên, không phải người Phật Giáo Hòa Hảo không nhìn thấy dã tâm của Pháp. Cho nên đã xẩy ra những phản ứng, tuy là cục bộ, nhưng cũng làm cho Pháp phải nhức đầu.

Lần nhức đầu xẩy ra sớm nhứt là “cuộc đảo chánh” Ba Bần đêm 24-3-1948. Lúc đó Pháp có kế hoạch thành lập các đơn vị đặc biệt, gọi là ‘’Đại đội Danh dự’’ với quân số 200 người, bằng hai lần quân số đơn vị đại đội thông thường lúc đó. Các đơn vị mới này có sĩ quan Pháp đến trong Bộ Chỉ huy, với danh nghĩa cố vấn. Do đó Pháp có thể tin tưởng nhiều hơn, vì có thể trực tiếp kiểm soát và cung cấp các võ khí tối tân hơn. Đại đội Danh dự 1 lúc đó đóng binh tại Ba Bần (Long Xuyên), đang đêm quân sĩ nổi dậy hạ sát tất cả các sĩ quan Pháp và rút vào bưng biền, Pháp nổi giận vô cùng, và cho đó là một thất bại của họ đối với Phật Giáo Hòa Hảo.

Những lần nhức đầu khác xẩy ra với nhân vật Lê Quang Vinh tự Ba Cụt, một người mà Pháp cho là hiếu động nhứt và cũng bất ổn nhứt, đã năm lần rút quân vào bưng biền. Mới lãnh võ khí của Pháp là ít lâu sau lại đốt trại đốt xe, rút quân vào bưng, chận đánh quân Pháp. Pháp nổi giận với Ba Cụt, nhưng lại vẫn tiếp nhận mỗi khi Lê Quang Vinh rời bưng biền trở về hợp tác trở lại. Và cứ thế, mỗi lần trở lại hợp tác, đơn vị của Lê Quang Vinh lại được tăng thêm một số võ khí mới. Pháp cho Lê Quang Vinh cái biệt hiệu “đứa con bất trị của Phật Giáo Hòa Hảo” (l’enfant terrible). Cứ thế, cho đến năm 1954, Lê Quang Vinh chỉ huy một đơn vị với quân số vào khoảng 5.000 tay súng.

Pháp lại thường phải nhức đầu nhiều lần khác, khi xảy ra những vụ ám sát sĩ quan Pháp, chận đánh thiết giáp tuần lộ của Pháp, cướp võ khí của Pháp, xẩy ra ngay tại các khu vực an ninh Phật Giáo Hòa Hảo. Cuộc điều tra cho biết tác giả những vụ gây rối đó là các chiến binh Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng Pháp không làm sao bắt được. Pháp đã nhiều lần áp dụng các biện pháp trừng trị đối với quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, bằng cách cắt các nguồn tiếp liệu, nhưng cũng không thể làm mãi như vậy, e rằng phương hại đến hiệu năng chiến đấu và công tác bình định, an ninh nói chung.

Một điều khác mà Pháp rất bực bội, vì nghi ngờ là có, nhưng không thể khám phá được bằng cớ cụ thể. Pháp vẫn nghi rằng có sự đồng mưu bí mật giữa ông Trần Văn Soái và Lê Quang Vinh trong các hành động chống phá lại Pháp, và có sự tiếp tế võ khí đạn dược của ông Trần Văn Soái cho đơn vị Lê Quang Vinh. Điều này có thật, và do một sĩ quan thân tín trong Bộ Tư lịnh của ông Trần Văn Soái sau này tiết lộ cho biết:

...Giữa ông Trần Văn Soái và anh Lê Quang Vinh dường như có mối liên hệ đặc biệt nào đó, nên anh Lê Quang Vinh gọi ông Trần Văn Soái một cách thân mật là “tía tôi”. Khá nhiều đạn dược và võ khí đã từ kho quân nhu riêng của ông Trần Văn Soái, được chuyên chở bí mật đến giao cho đơn vị của Lê Quang Vinh. Cứ vài tháng một lần, anh Ba Cụt đi bằng đường sông Bassac, ghé chiếc tam bản nhỏ vào bến sông trước tư dinh ông Soái, và được đưa lên nhà, leo thang xoáy ốc lên một căn lầu nhỏ cất riêng làm phòng họp mật trên nóc căn nhà khách mới xây, nhìn thẳng xuống sông Bassac.

Tại phòng họp, anh Lê Quang Vinh trải tấm bản đồ ra để thuyết trình tình hình quân sự trong các vùng anh đóng binh ở bưng biền, chỉ những chỗ đơn vị Cộng Sản thường hay lui tới, và những hành lang giao liên của họ. Rồi anh đề nghị kế hoạch đánh Pháp phía trước và đánh Việt Minh phía sau mà anh đã dự tính. Sau hết là đề cập đến những nhu cầu, phần chính là đạn dược, võ khí chỉ ít thôi, vì súng có sổ sách, có số, Pháp kiểm soát dễ dàng hơn đạn dược. Và tiền bạc. Ông Trần Văn Soái ngồi vuốt bộ râu mép nghe anh Ba Cụt trình bày, với vẻ hài lòng, và thường hay cười nửa đùa nửa thật mà nói rằng: “Ba à, lần nào mày cũng đòi nhiều thứ quá, sao tao có đủ cho mày được”.

Và anh Lê Quang Vinh trả lời: “Thôi mà tía. Cái thế ỷ giốc này mới chọi lại bọn Việt Minh và bọn Pháp, tía tiếc làm gì”.

Rồi đến phần ăn cháo gà hay cháo cá giữa đêm, trước khi chia tay. Anh Ba Cụt thường khoác trên thân người gầy cao một chiếc áo pardessus cũ, vừa để đi đêm cho ấm, vừa để ngụy trang...

Thuật theo lời trung tá T. (dấu tên)

Trên đây là lời tường thuật của một sĩ quan thân tín, đặc trách công tác bí mật này (yêu cầu dấu tên) đã thực hiện nhiều năm mà Pháp không thể khám phá được. Sự bí mật được giữ kỹ vì chỉ có bốn người được biết: Ông Trần Văn Soái, Lê Quang Vinh, và hai sĩ quan tin cậy. Công tác tiếp tế bí mật này quả đã giúp cho đơn vị của Lê Quang Vinh chịu đựng ở bưng biền, để một bên đối phó với các bộ đội Việt Minh, một bên đối phó quân đội Pháp. Cũng nhờ chiến thuật “ỷ giốc” này (Lê Quang Vinh hay dùng danh từ ‘’ỷ giốc’’ này), mà Việt Minh bị ngăn chặn không thể len vào được các khu vực Hòa Hảo. Hơn thế, các đường giao liên của họ từ Tiền Giang về Hậu Giang bị bế tắc, làm cho sự phối hợp giữa hai chiến khu U Minh và Đồng Tháp rất khó khăn và ít hiệu quả. Khu rừng tràm vùng hậu bối Long Xuyên giáp giới Hà Tiên và Rạch Giá, trước kia là chiến khu an toàn của Việt Minh, nay cũng bị đơn vị của Lê Quang Vinh chiếm đóng hay đánh phá, làm cho các đơn vị Việt Minh không còn sử dụng làm hậu cứ trú quân an toàn được nữa.

Đó là dụng ý quân sự. còn dụng ý chánh trị trong công tác tiếp liệu cho đơn vị Lê Quang Vinh, đó là ông Trần Văn Soái vẫn còn muốn nuôi dưỡng một lá bài để đối phó với Pháp, vì ông cảm thấy khuynh hướng áp lực của Pháp đối với ông, tìm mọi cách bắt chẹt ông, làm cho ông rất tức tối. Có người thân cận ông hay nhắc lại một câu mà ông thường nói trong cơn giận: “Mấy thằng Tây chó đẻ chơi kiểu cha có ngày cũng phải chết.” Ngoài mặt tuy ông tỏ vẻ “dễ bảo” nhưng bên trong, đòn đối phó của ông được bảo mật tối đa, nên Pháp không thể khám phá được.

Hơn nữa, về mặt chánh trị, ông nghĩ rằng, dù có phải hợp tác với Pháp, cũng không được quên đường lối chống thực dân đòi độc lập mà Huỳnh Giáo Chủ đã vạch ra cho đoàn thể và tín đồ. Ông rất sợ Đức Thầy, cho nên khi nghe người em út Lê Quang Vinh nhắc đến đường lối chống thực dân của Đức Thầy, ông không thể cãi lại. Với hành động tiếp liệu cho đơn vị kháng chiến của Lê Quang Vinh, ông có thể an tâm phần nào trong việc bảo tồn đường lối của Đức Thầy, để quân bình đường lối hợp tác với Pháp mà ông đang theo đuổi trên mặt chánh thức công khai.

Cũng trong chiều hướng tâm lý và suy luận đó, ông Trần Văn Soái đã đồng ý với Lê Quang Vinh khi ông này đề nghị phục hoạt đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội. Ông Soái có khuyên Lê Quang Vinh nên giới hạn các hoạt động Dân Xã trong bưng biền, còn bên ngoài, là các hoạt động Phật Giáo Hòa Hảo.

Vào cuối năm 1950, ông Lê Quang Vinh đổi tên tổ chức quân sự Nghĩa quân Cách mạng thành “Quân Đội Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng”, sau khi tái lập Ban Chấp hành Trung ương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Từ đó, chức vụ của ông là ủy viên Quân sự Dân Xã kiêm Tư lịnh quân đội Dân Xã. ở vị thế này, các hoạt động của ông có mục tiêu chánh trị, mà quân sự được xem như phương tiện phục vụ cho chánh trị đạt các mục tiêu của Dân Xã Đảng. Một số cán bộ cao cấp của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng đã phải tạm ngưng công tác năm 1948, bây giờ được mời ra đảm nhận bộ phận Dân Xã Đảng. Nhân vật đảm nhận chức vụ Tổng bí thơ Dân Xã Đảng lúc đó là ông Trình Quốc Khánh, và ủy viên Chánh trị là ông Phạm Sĩ Thanh, hai vị này đóng vai trò gây dựng lại bộ máy đảng Dân Xã đã bị Pháp làm tê liệt từ năm 1948.

Như thế, Lê Quang Vinh là người đã đi ngược lại kế hoạch của Pháp “tách lực lượng quân sự Phật Giáo Hòa Hảo khỏi cái đầu chánh trị Dân Xã”. Đó là đặc điểm của con người Lê Quang Vinh, 100% nông dân, cũng là điển hình cho quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo.

So với ba vị lãnh tụ quân sự kia (Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên), Lê Quang Vinh là người trẻ tuổi nhứt, cho nên hiếu động và xông xáo hơn. Về mặt chỉ huy chiến trường, các vị lãnh tụ lớn tuổi ít khi đích thân cầm đầu binh sĩ chiến đấu tại mặt trận, nhưng Lê Quang Vinh thì lúc nào cũng tự mình đích thân chỉ huy chiến đấu và tiến tới trước để binh sĩ theo sau. Cho nên ông nổi tiếng là người gan dạ không biết sợ chết. Về mặt chính trị, Lê quang Vinh có ý thức là: quân sự phải được đặt dưới sự chỉ đạo của chánh trị, cho nên yểm trợ sự phục hồi hoạt động đảng Dân Xã, và tự đặt mình dưới sự chỉ đạo chánh trị của Dân Xã.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn