Nền văn minh Trung hoa phát triển từ ven sông Hoàng Hà phía Bắc đã theo thời gian mà lan dần xuống phía Nam. Các dân tộc không phải người Trung Hoa sống trên các vùng đất mà văn minh Trung Hoa tràn tới xâm chiếm, đương nhiên phải chọn một trong hai giải pháp: hoặc chấp nhận bị đồng hóa, hoặc bỏ đất mà tiến xa về phương Nam.
Phía Nam dòng sông Dương Tử có một dân tộc mà người Tàu gọi là dòng Việt tộc. Trong khi các chủng tộc sống ở miền Bắc sông Dương Tử đã bị Trung Hoa đồng hóa và nuốt trọn từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, thì chủng tộc sống ở miền Nam sông Dương Tử đã không để bị tiêu diệt bởi sức xâm chiếm của Trung Hoa. Do đó, khi triều đại Trung Hoa đầu tiên sụp đổ vào cuối thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, có một dân tộc tự mệnh danh là Nam Việt đã thiết lập một vương quốc ở phương Nam, mà người Tầu gọi là Nam Yueh (Nam Việt) và sau này trở thành dân tộc Việt Nam.
Sau khoảng 100 năm độc lập, vương quốc này bị nhà Hán xâm chiếm, đô hộ cho tới năm 939 sau Tây lịch. Trong thời kỳ gần 1,000 năm Nam Việt mất chủ quyền, người Tầu đặt ra cái tên An Nam, có nghĩa là Miền Nam đã an bài ngụ ý là đã được Trung Hoa khống chế bằng sức mạnh quân sự.
Một ngàn năm đô hộ là thời lượng rất dài, dư đủ để Trung Hoa nuốt trọn Việt Nam qua phương thức đồng hóa. Nhưng dân tộc Việt đã đề kháng chánh sách đồng hóa đó. Học và viết chữ Tàu được tầng lớp trí thức Việt chấp nhận, Khổng giáo và Phật giáo đại thừa du nhập vào xã hội Việt Nam, hệ thống cai trị với nhân sự được sắp đặt điều khiển bởi Trung Hoa, đó là các khí giới đồng hóa đã từng diệt chủng nhiều dân tộc rồi.
Suy luận từ tiền lệ đó, rất khó mà tin rằng dân tộc Việt Nam lại có thể tự tồn qua 1,000 năm Tầu đô hộ.
Chìa khóa của bí quyết chống đồng hóa của dân tộc Việt Nam có lẽ nằm sâu vĩnh viễn trong lịch sử bất thành văn của làng xã Việt Nam. Cho nên chỉ có thể hiểu một cách tổng quát mà không thể phân tích khúc chiết bằng dữ kiện. Sự giải thích hữu lý và duy nhất là tinh thần bất khuất tự tồn của dân tộc Việt dùng để đối phó sức mạnh quân sự và văn hóa của Trung Hoa.
Người Việt vẫn sử dụng ngôn ngữ Việt suốt một ngàn năm Bắc thuộc, đó là sự biểu hiệu rõ ràng của bản năng tự tồn. Tuy có mượn hàng ngàn chữ viết của Tàu, nhưng vẫn không đánh mất nền tảng văn hóa và ngôn ngữ Việt. Thế giới ngày nay đã tìm hiểu khá nhiều về ái quốc tính qua ngôn ngữ, cho nên phải nhận thức rằng dân tộc Nam Việt đã chứng tỏ một ý chí mạnh mẽ, nhiệt thành bảo vệ ngôn ngữ của họ.
Văn hóa dân gian thể hiện qua các thần thoại và phong tục làng xã, chính là nền tảng tự tồn Việt tính; do đó, không có gì đáng ngạc nhiên về trạng huống các quan cai trị người Tầu và người Việt, tức là những sứ giả của chánh sách đồng hóa, đều bị dân làng xa lánh. Tinh thần đề kháng ngoại xâm là động lực kích thích ý chí độc lập quốc gia. Sau 10 thế kỷ bị Tầu đô hộ, dân tộc Việt Nam đứng lên với truyền thống hào hùng chiến đấu dũng cảm, có thể được xem là một dân tộc có tinh thần ái quốc cao độ nhứt Đông Nam Á.
Ngoài ra, còn có thể nói rằng tinh thần tự chủ được bảo tồn trọn vẹn bởi giai tầng dân chúng Việt ở nông thôn làng xã, thì sức mạnh căn bản trong cuộc chiến đấu chống xâm lược Trung Hoa chính là những đội binh nông dân đi tiên phong trong cuộc chiến giải phóng quốc gia , nói theo ngôn ngữ Mao Trạch Đông sau này.
Tất cả những mưu đồ xâm lược Việt Nam của Trung Hoa từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19, đều phải thất bại. Quân Mông Cổ kéo đại hùng binh sang xâm chiếm Việt Nam, rồi đến triều đại nhà Minh, nhà Thanh, ở thế kỷ 17, 18 tất cả đã bị dân tộc Việt đánh cho đại bại.
Cho nên phải nói rằng sự kiện hào hùng sáng chói lâu dài trong Việt sử, chính là cuộc chiến đấu chống xâm lược Trung Hoa của dân tộc Việt Nam để tự tồn tự chủ.
Từ bước đầu lập quốc cho đến lúc xác định biên giới hiện nay của đơn vị Quốc gia Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, dòng Việt sử ghi chép những trang đau thương đen tối của các thời kỳ bị ngoại thuộc, nhưng lại sáng rực lên một cách huy hoàng với những trang sử hào hùng chói lọi, thể hiện đức tính đặc biệt của một dân tộc có ý chí bền bỉ dẻo dai, có khả năng đồng hóa phi thường, có tinh thần quật cường bất khuất để tự tồn và mở mang bờ cõi.
Nhưng từ thế kỷ 19, khi các đế quốc Tây phương đi chiếm thuộc địa tại khu vực Á châu, dòng lịch sử Việt Nam đi vào một khúc quanh mới: Nước Pháp đem quân đội viễn chinh với võ khí tối tân thời đó, khởi sự cuộc xâm lược Việt Nam.
Từ đây, Việt Nam bước vào kỷ nguyên tiếp xúc với Tây phương. Và trong kỷ nguyên này, xuất hiện tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương từ miền tân địa Nam Việt, tiền thân của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo sẽ được trình bày trong cuốn sách này.
Gửi ý kiến của bạn