Quyết định thứ nhất: thành lập bốn sư đoàn dân quân cách mạng. Quyết định thứ hai: tuyên bố ra mắt công khai Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt. Hai quyết định này nhằm xây dựng sức mạnh quân sự chính trị làm nồng cốt cho cuộc đấu tranh giành độc lập.
Đặt tên là "Dân Quân" vì các sư đoàn này là hình thức võ trang quần chúng được thành lập bằng cách giao trách nhiệm cho các đoàn thể tự triệu tập binh sĩ, tự huấn luyện võ trang, tự lo lấy quân nhu tiếp vận. Không có chánh phủ, nên không có cơ quan nào chánh quyền đứng ra động viên, đoàn ngũ và thành lập các đơn vị quân sự theo mô thức một quân đội quốc gia. Hơn nữa, dù có chánh quyền,cũng không có súng đạn để võ trang, không có quân trang quân dụng và quân khu tiếp vận. Chỉ có các tổ chức đã quy tụ sẵn được một số người như Bình Xuyên, cựu quân nhân (Sư đoàn 1), Cao Đài (Sư đoàn 2), Dân Quốc Quân (Sư đoàn 3), Phật Giáo Hòa Hảo (Sư đoàn 4). Trước hết phải có người, được huấn luyện quân sự cơ bản, được đoàn ngũ theo biên chế tổ chức quân dội, sẵn sàng chiến đấu, dù bằng võ khí cổ truyền và một ít súng đạn thâu thập được đó đây… Đó là thực trạng miền Nam vào giữa năm 1945 về mặt quân sự.
Với 3.000 binh sĩ Cao Đài có sẵn trong tổ chức Heiho, với một số Dân Quốc Quân do ông Nguyễn Hòa Hiệp, Phạm Hữu Đức (Việt Nam Quốc Dân Đảng) tổ chức, với các đoàn Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo, với các tổ chức Bình Xuyên, cựu quân nhân của Pháp, Nhựt, yếu tố căn bản là quân số tạm thời được giải quyết, cho nên việc thành lập bốn sư đoàn dân quân cách mạng ở miền Nam lúc đó đã gây hứng khởi nồng nhiệt cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, ngay từ ngày công bố thành lập, được sự ủng hộ nhiệt liệt của quần chúng miền Nam. Phong trào quần chúng lên cao, thể hiện trong cuộc biểu tình ngày 21-8-1945 tại Saigon. Trên 200 ngàn dân chúng, thuộc mọi thành phần xã hội, ngày hôm đó hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt Trận.
Sơ hở căn bản của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất là không nắm lấy chánh quyền trong lúc có phong trào quần chúng ủng hộ như thế. Thành ra chỉ khơi động phong trào, tạo không khí thuận lợi, để cho Việt Minh xen vào phỗng tay trên, tuyên bố thiết lập Lâm ủy Hành chánh Nam bộ lãnh đạo đấu tranh, chỉ bốn ngày sau cuộc biểu tình vĩ đại đó.
Theo sự nhận xét của hai nhân chứng thời cuộc là ông Ân và ký giả Nguyễn Kỳ Nam, thì sơ hở của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất là do "ban lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất thừa thiện chí nhưng thiếu sách lược". Điển hình là lời tuyên bố của người cầm đầu Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, ông Hồ Văn Ngà, mà báo chí có đăng (báo Hưng Việt).
Đây Hồ Văn Ngà viết:
"Việc nước là việc chung của quốc dân, không ai có quyền bảo quốc gia Việt Nam là "Hương hỏa
" riêng của một đảng phái nào."Riêng chúng tôi, từ giờ nào cũng vẫn thiết tha với vấn đề độc lập của nước nhà. Bấy lâu nay mỗi hành vi cử động của chúng tôi chỉ nghĩ đến sự độc lập, phải độc lập đã.
"Trong lúc này, chúng tôi thấy rằng: Phải cần có Chánh phủ hợp pháp mạnh mẽ. Thế nên, người Việt Nam nào đảm đương được và có hy vọng thành công, chúng tôi sẵn lòng tán trợ. "Nghĩa là lúc nào chúng tôi cũng vẫn đặt nền độc lập quốc gia lên trên vấn đề "địa vị".
"Ai bảo khôn ai bảo dại, ai chê hèn yếu, chúng tôi nhận lãnh cả. Miễn tránh được sự đổ máu giữa đồng bào, để dành bầu máu nóng ấy, mai sau hy sinhh cho đúng chỗ hy sinh".
Hồ Văn Ngà quá thành thật như thế, làm sao Việt Minh không thừa cơ hội, nhảy ra xưng tên: — Có Việt Minh đây!
Gửi ý kiến của bạn