5- Ông Đạo Ngoạn (1820-1890).

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 40302)
 5- Ông Đạo Ngoạn (1820-1890).
A. Thân-Thế

Ông Đạo Ngoạn nguyên danh là Đặng-Văn-Ngoạn, sanh năm Canh-thìn (1802) nhằm Minh-Mạng nguyên niên. Theo quyển « Đạo-Ông giảng-tập » bằng văn nôm, chép theo thể thượng-lục hạ-bát, lời lẽ thận-trọng đáng tin cậy nhưng không rõ tác-giả là ai, thì ông Ngoạn là một trong « thập-nhị hiền-thủ » của Đức Phật-Thầy Tây-An ngày xưa. Chính thế mà thời nhân quen gọi ông là ông Đạo-Ngoạn.

Sinh quán ông tại làng Nhị-Mỹ, tổng Phong-Thạnh, quận cao-Lãnh, tỉnh Định-Tường (nay là tỉnh Kiến-Phong). Trong lòng sông Cần-Lố, thuộc xẻo rạch Trà-Bông (Đồng Tháp-Mười).

Ông có ba đời vợ. Vợ đầu tiên tên Thị-Nhị, vợ giữa là Thị-Thu, vợ sau tên Nguyễn-Thị-Huê (?). Vợ đầu bà vợ giữa không con. Vợ sau tức là Thị-Huê, ở với ông chỉ sanh được một trai là Đặng-Công-Hứa. Hiện nay Công-Hứa còn sống, tuổi thọ được 76, nối chí cha và đang trụ-trì tại chùa Trà-Bông (1).

Năm ngoài 20 tuổi, ông Ngoạn còn một mẹ già, một người anh và một em gái. Sau khi đã cần-mẫn làm ăn lập được một khoảnh ruộng vườn khả-dĩ nuôi sống đủ gia-đình, ông xin phép mẹ cho thong-thả tìm nơi dưỡng tính tu tâm, vì ông cảm thấy « lòng bồ-đề của mình đã bắt đầu nảy-nở ». Mẹ
-----------------
1.Tài-liệu sưu tầm vào tháng giêng năm 1956.
-----------------
ông thuận cho. Ông liền vào rạch ông-Bường, lựa một nơi thanh vắng để tịnh-niệm.

Trong thân-tộc của ông có người ghét bỏ đến cáo với làng rằng ông ngầm mưu làm chuyện bất lương chứ không phải thực tâm tu-tỉnh. Làng bắt ông ra nhà việc Cây-Me (bây giờ là Doi-Me) để tra hỏi. Anh ông là Bổn Chính hay tin phẩn-nộ không cùng, Chính đến nhà làng Phản-đối rồi cũng bị bắt luôn.

Bấy giờ có người bà con với ông có thế-lực, đang làm chức Quản-Khám tại Mỹ-Trà (Cao-Lãnh) đến can-thiệp nên hai anh em ông được tha. Từ đó ông Ngoạn buồn lòng, lập chí về non tu-tỉnh để tránh cuộc đời dua-mị đê hèn của thế-nhân chen-lấn.

B.Đến núi Sam

Tháng chạp năm canh-Tuất (1850) khi biết tin Đức Phật-Thầy Tây-An được phép nhà cầm-quyền tỉnh An-Giang cho vào núi Sam truyền đạo, ông Ngoạn liền từ-giã mẹ, tìm đến tận nơi để xin quy y. Với bẩm chất hiền-lương điềm-đạm, mới đầu ông được Đức Phật-Thầy ủy cho vào núi Voi hiệp cùng ông Bùi-Văn-Thân, tức Tăng-Chủ Bùi Thiền-Sư mở ruộng lập nhà, chùa rồi 14 tháng sau, ông được Đức Phật-Thầy đổi về núi Sam hiệp cùng ông Đạo Thạch để giúp Ngài trong việc phát phù trị bịnh và xem sóc trong chùa Tây-An.

Trong thời gian ở đây, ông được Đức Phật-Thầy tin yêu lắm. Đến những chuyện truyền đạo và thù-tiếp với những bậc nho giả bốn phương, Đức Phật-Thầy nhiều khi giao phó cho ông được trọn quyền định-liệu.

C. Trở về Trà Bông

Suốt bốn năm theo hầu hạ bên Thầy để học điều đạo nghĩa, ông Ngoạn tự thấy tâm hồn nhẹ nhỏm vui-tươi. Bỗng một hôm, Đức Phật-Thầy kêu ông lại gần mà bảo phải trở về Trà-Bông để « bảo dưỡng mẹ già » và phải « tìm nơi kết tóc » để sanh con nối hậu, vì nợ trần của ông còn nặng. Tuân lịnh Thầy, nhưng ông Ngoạn còn bịn-rịn, xin nán lại ít ngày để thu xếp công việc trong chùa rồi sẽ trở về quê-quán.

Chuyện bay ra ngoài, Thị-Nhị là một tín-đồ của Đức Phật-Thầy, bấy lâu lo việc nấu nướng ở liêu sau, nghe tin bèn đến tận mặt ông Ngoạn nguyền xin trọn đời theo ông để « nâng khăn sửa trấp ». Ông Ngoạn bằng lòng. Hai người dẫn nhau đến trước Đức Phật-Thầy trình bày ý-định và xin Ngài cho phép đi về Trà-Bông.

Đức Phật-Thầy nói: « Việc ấy tùy ý các con. Nhưng sau nầy, riêng Đạo-Ngoạn phải chịu nhồi quá: nghèo nàn đến nổi vận khố, đi giữa chợ đông, khốn cùng, đến đỗi trèo non lội suối để trốn tránh, cho đến năm 60 tuổi mới được thảnh-thơi nhàn-hạ ».

Ngày rằm tháng 7 năm Giáp-Dần (1854) ông Ngoạn cùng vợ rời núi Sam, về Trà-Bông viếng mẹ rồi lập một ngôi chùa tại vàm. Từ ấy chuyên lo chữa bịnh và phổ-thông mối đạo.

D. Mối oan-khiên
Với phương-tiện tại gia cư-sĩ và học Phật tu nhân, ông Ngoạn nhất-đán đã thu-phục được hàng ngàn tín-đồ. Vì thế Thị-Nhị sanh lòng lợi-dụng, thâu nạp của tiền, vật thực, chứa đựng đầy rương đầy lẫm. Mặc dù ông Ngoạn đã hết lời giảng-dứt cấm ngăn, Thị-Nhị vẫn làm liều không kiêng-nễ chi hết.

Một ngày kia chùa bỗng dưng phát hỏa, cháy sạch của tiền mà Thị-Nhị bấy lâu dành trữ. Kế tiếp, nạn binh lửa do Pháp vào chiếm đóng Nam-Kỳ tràn lan khắp nơi, ông Ngoạn cũng như muôn ngàn người khác, phải đem gia-đình truân-chuyên lánh nạn.

Năm 1867, quân Pháp cưỡng chiếm 3 tỉnh miền Tây và lập trật-tự ở Nam-Kỳ, ông Ngoạn trở về dựng lại chùa xưa, bổn đạo quy-tụ rất đông, sự chữa trị của ông càng linh mầu hơn trước nữa.

Phen nầy Thị-Nhị thâu thập của tiền đem về gởi cho quyến thuộc, lại còn sanh tâm chống-báng với ông Ngoạn mọi điều… Tín đồ của ông Ngoạn thấy vậy không dằn được lòng căm tức, yêu cầu ông cản ngăn. Thị-Nhị thấy thế lại càng kiếm chuyện hành-hung, buộc ông Ngoạn phải giao hết chùa-chiền, giao hết quần áo đang mặc trong mình chớ không được chừa lại một món chi cả. Nhị viện lý là nhờ công của mình chắc-mót.

Ông Ngoạn chỉ còn tay không với một cái quần đùi, để mặc ý cho Thị-Nhị dở chùa chở đi nơi khác, ông chẳng hề hở môi phàn-nàn than-trách.

Tín-đồ của ông rất đổi thương tâm, xúm nhau kẻ giúp lá người cho cây và ra công cất lại cho ông ngôi chùa khác.

Nhưng oan-quả vẫn chưa thôi, Thị-Nhị - sai khi dở chùa về cất tại giòng Thá-La gần đó - lại đến bắt ông về ở. Túng quá, ông Ngoạn chẳng biết làm sao với người ngoan phụ, chẳng lẽ mình tu-hành mà mãi rầy-rà, ông liền ẩn-lánh lên miền Thất-Sơn, với ý-định là mong Thị-Nhị quên ông, hay có chồng khác đi cho ông khỏi bận.

Nhưng sau đó ít hôm, Thị-Nhị dò biết được tin, bèn gom góp của tiền, lên núi Két là chỗ địa-cầu của Thất-Sơn, cất am ở đó để chận đón ông Ngoạn.

E. Sang Tà-Lơn

Biết là chuyện không hiền, ông Ngoạn sau khi chu-du cùng khắp Thất-Sơn, ông kết bạn với ông Tường (không rõ người gốc tích ở đâu) rồi rủ ông nầy sang Tà-Lơn tìm nơi tỉnh-dưỡng.

Trong khoảng ở Tà-Lơn, ông luyện được rất nhiều phép thuật. Có bận ông bảo ông Tường đem rỗ của ông đã đươn được trên non xuống Sốc-Thổ để đổi gạo về ăn. Ông Tường sợ lạc đường, lại sợ thú dữ nên từ chối không đi. Ông bảo ông Tường cứ đi, ông sẽ cho hùm thiêng dẫn lối. Ông Tường đánh bạo ra đi. Thế là quả thật, có cọp đi trước kêu chừng và giữ-gìn cho ông Tường một cách cẩn thận.

Ở Tà-Lơn một độ. Ngày kia thình-lình ông Ngoạn rơi lụy mà boả ông Tường rằng: « Chư thần cho tôi hay: hiện nay mẹ tôi ở nhà đau nặng, đang nguyện vái và mong mỏi tôi về. Vậy chú liệu xem có thể một mình ở lại hay cùng về với tôi ?».

Ông Tường nghe sao hay vậy chớ trong lòng bán tin bán nghi. Nhưng khi hai người về đến Trà-Bông thì quả thật, thân mẫu của ông Ngoạn còn đang trầm-kha trên giường bịnh.

F. Lên núi Két

Lo thuốc thang cho mẹ vừa mạnh, ông Ngoạn lại phải nghĩ đến việc mưu sinh, vì lúc nầy, đúng y như lời Phật-Thầy mách trước ngày xưa, ông Ngoạn thật nghèo nàn vất-vả, chỉ có một cái khố rách che thân mà thôi. Ông phải lên núi Két hái thuốc, nấu thuốc cao, thuốc dán để đổi kiếm chút tiền nuôi mẹ và độ hồ khẩu cho mình. Hồi nầy Thị-Nhị đã trở về giòng Tha-La, ông không còn lo vì sự trở ngại lôi-thôi ở núi Két nữa.

Theo tài-liệu trong « Đạo-Ông giảng-tập » thì khoảng nầy ông Ngoạn hiệp cùng ông Bùi-Văn-Thân ông Cả-Lăng, ông Chủ-Dương, chấn chỉnh tại chùa chiền trong làng Hưng-Thới. Và cũng chính lúc nầy ông bí-truyền tâm-pháp cho ông Từ-Đọt (hay từ Lão) một đệ-tử của Đức Phật-Thầy – và dặn-dò công việc truyền-đạo cho ông nầy trước khi ông Ngoạn rời khỏi Thới-Sơn.

G. Dựng lại chùa Trà-Bông

Rời Thới-Sơn, ông Ngoạn trở về Trà-Bông viếng mẹ. Một hôm, mẹ bảo rằng: Mẹ nghĩ con thì tuổi một ngày một lớn; mà mẹ thì mỗi lúc một già, nay mai mẹ nhắm mắt rồi, mẹ sẽ không vui lòng mà để con ở lại với cảnh lao-đao khổ cực như vầy mãi mãi. Nên mẹ đã lựa cho con một chỗ tại làng Mỹ-Long, con hãy sớm mà lo lập lại cho rồi gia-thất.

Vâng lời mẹ, ông Ngoạn xuống Mỹ-Long cưới vợ. Bà ấy tên là Thị-Thu: tánh nết thuần-hòa, dung-tư đứng-đắn. Không bao lâu bà đã lo làm lụng có một số vốn và mua muối đổi được một số lúa khá nhiều. Bà định giúp ông Ngoạn để dựng lại chùa-chiền, chấn bưng đạo-đức.

Nhưng Thị-Nhị với tấm lòng sâu độc, đem ghe từ giồng Tha-La xuống Cái-Sao-Hạ (Mỹ-Long) a vào nhà chở hết lúa và muối mà bà Thu đã dày công dành-dụm.
Thấy việc quá ngang trái, Hương-Chủ Sắc là người có thế-lực nhứt trong vùng, đến cản ngăn và thóa-mạ Thị-Nhị, nhứt quyết không cho chở lúa. Ông Ngoạn thấy vậy can ông Chủ Sắc và tự nhận là nghiệp quả của ông, vì theo lời tiên-tri của Đức Phật-Thầy, đến năm 60 tuổi sắp lên ông mới được thong-dong rổi-rảnh. Ông Chủ Sắc không biết tính sao, vì không có nguyên-cáo, ông đành để cho Thị-Nhị tự ý tung-hoành.

Nhưng trời vẫn còn tựa người lành, bà Thu lại ra sức làm lụng nuôi mẹ giúp chồng, ít lâu tiền bạc có dư, bà theo ông Ngoạn về Trà-Bông cất lại ngôi chùa ngay nền ngày trước, mà ông Ngoạn vì lánh Thị-Nhị đã bỏ hư, và nổ-lực vung trồng ruộng phước.

Bổn đạo nghe tiếng trở về thăm viếng và nghe thuyết Pháp rất đông. Nhưng công cuộc phổ-truyền đạo đức đang tiến hành hiệu quả thì bỗng bà Thu mang bịnh ngặt mà qua đời. Ông Ngoạn lại phải một phen bận lòng lo-lắng. Ông giao hết của cải của bà Thu cho hai người cháu là Hai Nhẫn và Bảy-Truyền rồi đóng cửa mà chuyên lo kinh-kệ. Năm ấy ông ngoài 50 tuổi.

H. Chữa bệnh thời-khí

Năm Giáp-Tuất (1874), bệnh thời khí hoành nhiều nơi làm cho nhân-dân nhộn-nhàng kinh-sợ không làm ăn được. Hương chức làng Nhị-Mỹ thấy thế hội nhau bàn-tính, rồi kéo đến chùa Trà-Bông thỉnh-cầu ông Ngoạn chữa trị.

Vốn sẳn lòng đạo-đức, lại giỏi về khoa cứu chữa bịnh nầy từ khi còn gần-gủi bên Đức Phật-Thầy, ông Ngoạn liền đem hết năng-tài thi-thố. Công hiệu của sự trị binh và quần-chúng kéo tới đông-đảo thế nào, thiết tưởng đoạn văn dưới đây trong tập « Đạo Ông giảng-tập » đủ miêu-tả rõ.

         Đạo ông pháp-thuật gắn keo,
Ra oai Phật-lực cứu-điều muôn dân.
         Chuyển xoay kinh chú như thần,
Ôn-hoàng dịch khí một lần phải kiêng.
         Phù linh hay tợ thuốc tiên,
Phun đâu giải đó mạnh liền như xưa.
         Tổng nào tỉnh ấy đều ưa,
Biết bao nhiêu kể người ta đông vầy.
         Kẻ lui người tới dẫy đầy,
Dòng sông chật nức ghe cây chen luồn.

Sự đông đúc hiện giờ đến đổi làm cho quân Pháp ở Định-Tường kinh sợ. Họ xuống lệnh cho nhà chức-trách ở Sa-Đéc quan-sát coi nếu thật là gian đạo-sĩ « hội dân làm loạn thì cấp tốc bắt ngay ». Nhưng lúc này giới hữu quyền ở đây phần nhiều đều cảm-phục uy-đức của ông Ngoạn, họ mật bàn với nhau, thỉnh sắc thần đem về để sau hậu tổ chùa Trà-Bông rồi báo về tỉnh đường rằng sự tụ-hội đông-đảo là để cầu an bá-tánh và cúng thần chớ không chi lạ. Nhờ vậy mà từ ấy sự lui tới của dân chúng mới yên. Ngày nay tại chùa Trà-Bông vẫn còn để thờ Long-Đinh, ấy là nếp cũ ngày xưa vẫn còn roi dấu.

I. Sanh còn và tịch diệt

Từ khi bà Thu là vợ giữa của ông Ngoạn mất đi, ông không hề nghĩ đến việc tục huyền nữa. Nhưng mẹ ông không nghe, thường dạy ông lấy vợ để sanh con nối hậu.

Nhớ lời Thầy xưa và tuân theo lệnh mẹ, ông Ngoạn cưới bà Nguyễn-thị-Huê ở rạch Cái-Vừng (thuộc làng Nhị-Mỹ) về coi sóc trong ngoài và sớm hôm nuôi dưỡng từ-mẫu. Bà nầy đức-độ thanh-cao, làm ăn giỏi-giắn. Trong việc giúp-đỡ bịnh-nhân và tiếp đãi tín-đồ của ông Ngoạn lúc sau nầy, một phần lớn nhờ ở bàn tay của bà giúp sức.

Căn-cứ theo bài du-ký Đế-Thiên (có lẽ là của ông Đặng-Công-Hứa) thì năm ông Ngoạn đúng 60 tuổi, tức là năm Canh-Thìn (1880), ông nằm mộng thấy có Khổng-tước bay đỗ vào lòng, rồi trong năm ấy bà Huê thọ thai và sanh hạ một trai. Nhân thấy điềm ứng chim công, ông Ngoạn theo đó mà đặt tên con là Đặng-Công-Hứa. Cuộc đời sóng gió của ông Ngoạn trước kia từ nay không còn có nữa. Ông sớm chiều thong-thả giảng đạo xem kinh, tịnh-niệm và tu bồi công-đức.
.Tết Canh-Dần (1890), giữa lúc có tín-đồ tựu về lễ Phật đông-đủ, ông Ngoạn vui vẻ nói: « Trong năm nay, chúng đệ-tử sẽ không còn gặp mặt ta nữa. Vậy mỗi người cứ trì-tâm đạo-tác phước-điền, chớ khá vì chẳng ai nhắc-nhở mà lảng-xao bổn-phận ». Tín-đồ nghe nói biết là lời trối nên đau đớn bịn-rịn chẳng chịu ra về, ông phải đem thuyết « hữu hình tắc hoại » ra giảng-giải, ai nấy mới chịu an lòng nghe theo.

Ngày 19 tháng 2 năm ấy, ông tắm gội sạch-sẽ rồi ngồi niệm Phật mà tịch-diệt, thọ được 70 tuổi. Tín-đồ xúm nhau chôn cất và thương-xót vô cùng, có người ở lại Trà-Bông đến ba năm để săn-sóc và bồi đắp chung-quanh nắm xương tàn của người liễu-ngộ cho thỏa-lòng luyến tiếc.

Qua mười năm khói lửa, ngôi chùa Trà-Bông đến giờ hãy còn giữ được nguyên vẹn phong-độ uy-nghiêm, mặc dù cây cối quanh chùa đã phải nhiều phen đương đầu với sự tàn-phá của miểng bom oanh-tạc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn