6- Thành tích tranh đấu của Đức Thầy .

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 34775)
6- Thành tích tranh đấu của Đức Thầy .
huynh_giao_chu_0s-thumbnail

Từ ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão (1939) đến ngày 9-3-1945, Đức Thầy đã dùng tôn-giáo kết-nạp lối 2 triệu tín-đồ để làm lực-lượng hậu-thuẩn cho cuộc tranh-đấu giải-phóng quốc-gia mà Ngài bằng ưu-tư suy-luận

a.Việt-Nam Độc-Lập Vận-Động Hội. Sau cuộc đảo chánh 9-3-45, ông Hồ-vấn-Ngà và các đảng-phái đều vô cùng lạc-quan.

Trong cuộc lễ quốc-khánh tại Vườn Ông Thượng, họ tuyên-bố nước nhà đã thống-nhứt và độc-lập, và lấy làm lạ sao Đức Thầy lại đưa ra bài Hiệu-Triệu của Việt-nam Độc-Lập Vận-Động Hội, kêu gọi đồng-bào các giới đứng lên vận động cuộc độc-lập ? Đức Thầy cho các vị ấy biết rằng nước Việt Nam chúng ta chưa độc lập đâu ! Cần phải ráo riết vận động mới được ! Quả thật vậy: Hơn 24 năm chiến đấu gay go đã qua mà Nước Nhà vẫn còn trong vòng đau khổ.

Cũng sau cuộc đảo chánh nói trên, tình thế ở các tỉnh miền Tây Nam Việt có nhiều chỗ bất an vì sự thay đổi chánh quyền. Nhà binh Nhựt yêu cầu Đức Thầy đi trấn an dân chúng. Nhờ cơ hội ấy nên Ngài mới thăm viếng được các nơi theo bản hành trình dưới đây:

9-2 Ất-dậu (1945) : rời Saigon, ghé Mỹ-Tho, Cai-Lậy, Vĩnh-Long và đến Cần-Thơ ở đó ba hôm.

18-2 Ất-dậu: đến Long-Xuyên.

14-2 Ất-dậu: đi Châu-Đốc.

Rằm tháng 2 Ất dậu: Về Hòa-Hảo thăm Đức Ông và Đức Bà.

16-2 Ất dậu: đi Long Xuyên ở đó hai ngày.

19-2 Ất dậu: về Saigon (có ghé Sa đéc).

Trong kỳ Đức Thầy đi về miền Hậu giang nầy Ngài được toàn thể anh em tín đồ hoan nghinh nhiệt liệt. Người Nhựt vì muốn nắm trọn Việt Nam hay ít nữa là Nam Việt, và vì sợ lực lượng quần chúng của ĐứcThầy, nên họ yêu cầu Ngài chỉ giữ vị trí tôn giáo và đừng làm chính trị. Chương trình Việt Nam Độc-Lập Vận Động Hội vì thế mà chưa thực hiện được.

b.Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội. Đức Thầy liền kêu gọi « các tông phái Đạo Phật, các nhà sư, các tín-đồ, các nhà trí-thức có xu-hướng về Phật đạo để:

1.Tìm cách nâng cao tinh-thần đạo Phật;
2.Tìm những phương-tiện cứu giúp kẻ nguy-nàn vì thời cuộc gây ra;
3.Giúp-đỡ lẫn nhau trong việc quan, hôn, tang-tế,
4.Binh vực lấy nhau trong sự tín ngưỡng tự do.

Nhưng vì các nhà sư thiếu tinh-thần đoàn-kết chân-thành nên Hội Việt-Nam Phật-Giáo Liên-Hiệp phải ngưng hoạt-động.

c. Đức Thầy đi khuyến-nông. Vì thế-giới chiến tranh thứ hai làm cho hàng-hóa ngoại bang đắt đỏ mà giá lúa lại quá rẻ nên nông-gia thối chí nản lòng bỏ ruộng-nương lo làm nghề khác. Tình-hình nông nghiệp rất là nguy-khổn. Viễn ảnh của nạn đói (đã làm chết gần 2 triệu người ở Bắc-Việt) đang bao trùm non sông đất nước. Người Nhựt dư biết uy-tín của Đức Thầy ở miền Tây Nam-Việt (vựa lúa của Việt-Nam) rất nhiều nên yêu-cầu Đức Thầy đi khuyến nông.

Thừa cơ-hội độc nhứt vô nhị nầy, Đức Thầy đi khắp miền Tây khuyến-nông thuyết-pháp, thâu nạp tín-đồ và củng-cố hàng-ngũ để chờ cơ ứng dụng.

Trong vòng hai tháng, từ 10-6-1915 đến thượng tuần tháng 8 dl 1945, Đức Thầy diễn-thuyết 107 chỗ. Số thính giả có nơi đến 10 ngàn người. Cho ít lắm cũng là một hay hai ngàn người.

Không bút mực nào tả nỗi sự hân-hoan vô hạn của anh em tín-đồ khi gặp Đức Thầy sau hơn 2 năm xa cách. Nhiều khải-hoàn môn làm ở giữa đường và nhiều bàn hương-án được đặt hai bên lộ để tỏ lòng tín-đồ kính mến Thầy, còn hơn cuộc tiếp rước quan Toàn-Quyền đi kinh-lý. Hai bên đường, anh em tín-đồ nam phụ lão ấu đứng chờ cả buổi cả ngày để cặp mặt Đức Thầy đáng yêu đáng kính.

Giờ đây, ta thử xem Đức Thầy diễn-thuyết như thế nào ?

Bước lên diễn-đài (thường thường ở sân vận động, đình, chùa hay rạp hát) và sau khi chào thính giả, Đức Thầy khởi sự nhập-đề. Với một giọng nói trong-trẻo thanh-tao, rõ ràng hấp dẫn, khi bi-cảm lúc hùng-hồn, Đức Thầy dùng lối văn tả-chân
để vẽ lại những cảnh chết đói rùn-rợn ở Bắc-Việt làm cho phần đông thính-giả mủi lòng rơi lụy. Đến lúc Ngài kêu gọi đồng-bào lo khuếch-trương nông-vụ thì thính giả lần lượt trở nên hân-hoan. Rồi đến khi Ngài khởi sự thuyết-pháp Phật với những lời văn châu ngọc thường có ẩn-ý hay-bo và những triết-lý huyên-thâm thì thính-giả lại vô cùng cảm kích, phát tâm tu-hành, quy-y Phật-pháp. Số tín đồ, vì có cơ hội nầy, đã gia tăng gấp năm gấp bảy.

Có khi mỗi ngày Đức Thầy phải lên diễn đàn 5 hay 6 chỗ. Có lần Ngài nói ngót 2 giờ, cố nhiên là không có nghỉ trưa. Tuy vậy, người ta không thấy Đức Thầy có vẻ mệt nhọc. Đáng chú ý là Ngài nói không vấp, không ngưng và luôn luôn có mạch lạc, bố trí hẳn hòi. Ai có đi theo Đức Thầy trong kỳ khuyến nông nầy cũng đã thấy không có nơi nào mà Đức Thầy diễn giảng giống nơi nào. Tùy theo trình-độ của toàn thể thính-giả (auditoire), Ngài nói khi thì cao-diệu văn-hoa, khi thì thông-thường giản-dị.

Nếu chúng tôi nhớ không sai thì cuộc hành trình của Đức Thầy trong lúc khuyến-nông đã diễn ra theo thứ tự lược kể dưới đây:

Khởi hành tại Sài-Gòn (nơi căn nhà số 38 đường Miche) ngày 10-6-45, Đức Thầy và ông Lương-tạong-Tường cùng vài đồ-đệ thân-tín xuống Cần-Thơ rồi trải qua Cái-Răng, Sóc-Trăng, Bãi-Xào.

Sau khi khuyến-nông thuyết-pháp tại Sóc-Trăng và Bãi-Xào, Đức Thầy đến Bạc-Liêu ngày mùng 6 tháng 5 Ất - dậu (1945), ở nhà ông Võ – văn-Giỏi.

Chiều bữa sau, Đức Thầy khuyến – nông và thuyết-pháp tại đình Tân-Hưng (châu thành Bạc-Liêu). Thính-giả đông nghẹt làm cho mấy người đi sau không thể vô nghe được. Tỉnh - trưởng Truyện, Thẩm án Nguyễn-văn-Đây, Dược-sư Dương-thành-Quới, Trưởng-tòa Le Mons, tu-sĩ Trần-hữu-Lân và nhiều nhà trí-thức trong tỉnh lỵ có đến dự thính. Sau hai giờ chăm chú xem nghe, mọi người đều hoàn-toàn thán-phục tài hùng - biện của Đức Thầy.

Bữa sau, Đức Thầy đi khuyến-nông tại Vĩnh-Châu, chiều lại Ngài thuyết-pháp ở Sóc-Đồn (làng Hưng-Hội).

Ngày kế đó, Đức Thầy đi ghe vô chùa Linh-Quang-Tự của ông Chung-bá-Khánh dựng lên trong đồn-điền của ông tại làng Vĩnh-Lợi.

Chính Đức Thầy đã đặt tên cho ngôi chùa nầy và có làm trai đôi liễn (theo lời yêu cầu của ông Khánh) như vầy:

a.Phật-pháp khai-thông khổ-hải trùng-trùng tâm bất khiếp,
Trần-duyên bế-tắc, liên-đài điệp-điệp đạo vô cùng,
b.Phập-pháp hoằng-khai, chuẩn - tế thương – sanh đăng giác-ngạn.

Trần-tâm tịnh-tận, siêu-thăng cực-lạc tọa liên-đài.

Chùa nầy ông Chung-bá-Khánh giao cho một ông Giáo-Thọ ở Châu-Đốc xuống trụ-trì.

Khi Đức Thầy vừa đến thì trong chùa nổi trống sấm, gióng đại-hồng-chung, và gõ mõ tiếp nghinh trọng-thể. Thấy vậy, Đức Thầy hỏi ông Giáo. Họ có biết chuyện tích về chuông mõ chăng? Thấy ông lúng-túng, Đức Thầy liền tiếp: « Thôi, để lát nữa Thầy sẽ nói cho mà nghe ». Thế rồi trong khi thuyết-pháp, Đức Thầy có nhắc lại chuyện tích cái chuông, cái chày kình (có hình cá kình) và cái mõ có chạm hình con cá ngạc. Ở đây chúng tôi xin miễn thuật tích ấy để bớt sự dài dòng.

Nghỉ trưa tại đâu, chiều lại Đức Thầy mới về nhà ông Ký Giỏi.

Trước khi rời khỏi Bạc-Liêu, Đức Thầy có đi Hòa-Bình (khuyến-nông tại nhà ông cả Hốt), Giá-Rai và Cà-Mau.
Trong thời gian còn ở Bạc-Liêu, Đức Thầy có lại nhà một vài tín-đồ như: ông Lâm-ngọc-Vàng, bà Trần-văn-Minh, ông Đoàn-văn-Hoe, ông Trần-văn-Nhựt (Dật Sĩ), ông Trần-văn-Thắng. Ngài cũng có đến thăm vài nhân-viên quan trọng trong Cao-Đài giáo như Y-sĩ Nguyễn-văn-Tiềng và ông Cao-triều-Phát.

Cũng trong dịp nầy, Đức Thầy có nói chuyện « tam sách » cho vài nhân-viên giúp việc trong Tòa-Bố và Tòa-Án Bạc-Liêu nghe. Đức Thầy luận-thuyết đại-khái như thế nầy:

Ở đời, làm chuyện gì cũng có tam sách là : thượng sách, trung sách và hạ sách. Người thượng trí thi dùng thượng sách, người trung trí dùng trung sách, người hạ trí thì dùng hạ sách.

Thượng sách là không phí công mà được chuyện, trung sách là có phí công mới được chuyện, hạ sách là phí đủ công đủ sức mà không được chuyện.

Nếu Pháp biết dùng thượng sách thì trong lúc Nhựt đóng quân trên đất Việt (thuở ấy chủ-quyền của Pháp vẫn còn trên đất nước của ta) họ cứ tuyên-bố cho V.N độc-lập. Một khi được độc-lập, dân Việt sẽ cảm ơn và ca tụng nước Pháp có thái-độ quân-tử. Chẳng những thế, hoàn-cầu thế-giới cũng sẽ ngợi-khen Pháp biết trọng tinh-thần tự-do dân-chủ. Đã vậy, quyền-lợi kinh-tế và văn-hóa của Pháp trong nước V.N sẽ được kính-nể. Đó là không khí phí công mà được việc.

Nếu biết dùng trung sách thì Pháp đã cộng-tác thành-thật với Nhựt. Như thế, sau khi Nhựt đầu-hàng, chủ-quyền và binh-lực của Pháp sẽ còn nguyên vẹn trên nước ta. Phong-trào quốc-gia sẽ khó bành-trướng.

Đó là phải phí công mới được việc.

Nhưng Pháp lại áp dụng chánh sách thứ ba, nghĩa là trong lúc giả-vờ cộng-tác với Nhựt, họ âm-thầm chuẩn-bị để cùng phe De Gaulle thi-hành chiến-lược nội công ngoại kích hầu tiêu-diệt lực-lượng của Nhựt trên bán-đảo Động-Dương. Mưu mô bại-lộ, chánh-quyền của Pháp bị lật đổ, quân-đội Pháp bị giải giới và giam-cầm. Đó là phí công mà không được việc.

Ngày 12 tháng 5 năm Ất-dậu, Đức Thầy từ-giã Bạc-Liêu đi qua Vị-Thanh, Giồng-Riềng và đến Rạch-Giá ngày 16-5 năm Ất-dậu, ở tại nhà ông Nguyễn-công-Hầu. Bữa sau, Đức Thầy đi Kinh xáng Cái-Sắn. Ngày kế đó, Ngài đi Tân-Hội, ở nhà ông Doãn-thiện-Kế (tức Chín-Cây). Rồi Ngài trở về Rạch-Giá ở đó ngày 19 và 20 Bữa sau có ca-nô đưa Đức Thầy đi Sốc-Xoài và Ba-Hòn.

Trong lúc ở Rạch-Giá, Ngài khuyến nông thuyết pháp tại rạp hát Hòa-Lạc. Sau khi Đức Thầy xuống diễn-đài, một giáo-viên hỏi Ngài: « Tại sao đi đâu ông cũng ở nhà những người giàu có chớ không thấy ở nhà kẻ nghèo nàn ? » Đức Thầy ung dung đáp lại: « Nhà giàu như cái gò, nhà nghèo như cái hố. Tôi ở nhà kẻ giàu cũng như để ban cái gò xuống cho cái hố nhờ vậy !»

Trong lúc ở Rạch-Giá, Đức Thầy có viếng đình làng Vĩnh-Thanh-Vân (tại tỉnh-lỵ) vì đình nầy có thờ quan Thượng-Đẳng Đại Thần Nguyễn-Trung-Trực và thủ--cấp quan Phó Cơ Điều (Ông Phó Cơ bị tử nan trong một trận đánh với quân Miên tại Trà-Niên, Rạch-Giá).

Cũng tại Rạch-Giá, Đức Thầy đã trả lời trôi chảy nhiều câu hỏi về tôn-giáo, chánh-trị và khoa-học huyền-bí do các bậc trí thức đưa ra, làm cho họ tấm-tắc ngợi khen. Bác-sĩ Trần-Lũy hỏi thêm: « Ông có thể cho tôi biết quan-niệm của ông về thuyết Darwinisme không ?» (1)

Đức Thầy ung-dung hỏi lại: « Phải ông muốn hỏi tôi về vấn-đề ông Darwin cho rằng thỉ-tổ của loài người là con khỉ chăng? - Ồ ! Tưởng chuyện gì, chớ chuyện đó cũ mèm và dễ hiểu quá. Nếu quả thật khỉ là thỉ-tổ của loài người thì từ mấy chục ngàn năm nay nó đã thành người hết rồi, trong rừng sẽ không còn con khỉ nào. Còn như nói người là biến thân của khỉ cũng như con ếch là biến thân của con nòng-nọc thì khi sinh ra, loài người phải có cái đuôi như khỉ, đến lớn lên cái đuôi đó rụng như đuôi nòng-nọc mới phải chớ ! »

Khi Đức Thầy nói đến đây, ai cũng cười xòa và khen phục Ngài là một bậc sáng-suốt phi thường.

Từ giã Ba-Hòn (Rạch-Giá), Đức Thầy đi thẳng Hà-Tiên.

Ông phán Hồ-viết-Long và ông Thầy thuốc Đỗ-văn-Viễn (ở Châu-Đốc) đem xe vô Hà-Tiên rước Đức Thầy về Châu Đốc.

Khi xe về gần tới Châu-Đốc thì Hà-Tiên bị Huê Kỳ liệng bom Đức Thầy vừa ghé nhà ông phán Long thì có còi báo động (alerte) ngoài chợ

----------------

 1.Câu hỏi nầy khó trả lời vì tuy đã được nhiều nhà bác-học thế-giới nhiệt-liệt bàn-tán nhưng vẫn còn phân-vân bất nhứt.

----------------

Châu-Đốc. Một chập sau, Ngài đến nhà ông Viễn dùng cơm và nghỉ đêm tại đó. Sáng lại, Đức Thầy đến thuyết pháp khuyến nông tại sân vận động. Buổi diễn thuyết hôm ấy có nhiều nhà trí-thức đến dự thính, như: Tỉnh-Trưởng Hồ-tấn-Khoa, Đốc-công Trần-văn-Dương. Y-sĩ Phạm-văn-Tiếc, v.v… Sau khi Đức Thầy diễn thuyết xong, Quận-trưởng Nguyễn-Minh-Pháp thay mặt toàn-thể thính-giả lên diễn-đài cám ơn và khen ngợi Đức Thầy.

Trưa lại, Đức Thầy đi Bình-Di (Benghi) thuộc quận Châu-Phú thuợng bây giờ là quận An-Phú đến tối mới về tới Châu-Đốc.

Lúc Đức Thầy thuyết pháp tại Khánh-Bình ông Đạo Nổi (1) vì cảm-phục quá bèn la lớn « Hoan nghinh »
Đức Thầy day qua phía ông ta và nói lớn tỏ ý rầy: « Đạo Nổi !» mặc dầu Ngài chưa biết ông ta lần nào.

Cũng trong dịp nầy, vài ông sãi ở Khánh-An có nằm mộng thấy Phật về thôn họ. Nhưng khi Đức Thầy đến (nhằm lúc dùng cơm), mấy ông sãi vẫn cứ tiếp-tục bữa cơm và không đứng lên thi lễ. Đức Thấy mỉm cười nói với ông Hồ-văn-Lang: « Ngộ quá há ! Người ta trông Phật, nhưng khi gặp, lại chẳng biết nhìn !»

Bữa sau, Đức Thầy đi Tịnh-Biên. Bận về có

----------------

 1.Ông ta có cái đặc-tài ngồi xếp bằng dưới sông (chỗ sâu) mà không chìm.

----------------

ghé Tri-Tôn, Thới-Sơn và Nhà-Bàng. Khi về tới núi Sam, Đức Thầy lại có viếng mộ Phật Thầy. Ngài đi xung quanh coi, vẻ mặt buồn.

Hôm sau, cuộc khuyến nông thuyết-pháp cử-hành tại chợ Cái-Dầu.

Biết ông phán Long có việc nhà (đám giỗ) tại Sa-Đéc, Đức Thầy bảo ông cứ đi về, và cho ông biết ngày Đức Thầy sẽ đến Long-Xuyên để ông đón Ngài tại đó.

Bữa sau, Đức Thầy qua Tân-Châu khuyến nóng tại sân vận-động rồi đi Hồng-Ngự khuyến-thuyết tại nhà Hương-sư Sô (Chánh Hội-Trưởng Ban Trị-Sự quận Hồng-Ngự). Chiều lại, Đức Thầy về tới Hòa-Hảo (26-5 Ất-Dậu).

Đêm đó, anh em tín-đồ tựu lại quá đông, chen lấn bất kể hàng rào và kiểng-vật của Đức Ông. Anh em ấy ngồi sắp hàng ngoài lộ, từ nhà Đức Ông lên tới chợ Mỹ-Lương (Cái Tắc). Đức Thầy phải ra đường đi lên đi xuống, ngó qua ngó lại cho anh em thấy mặt Ngài nhờ ánh sáng của chiếc đèn măng-sông do một người cầm theo.

Sáng bữa sau (27-5 Ất-dậu), Đức Thầy lên diễn đài tại chợ Vàm (sân vận-động). Dọc đường Đức Thầy ghé nhà ông năm Hiệu, người làng Phú-An, có công đi theo Đức Thầy hồi Ngài ở căn-phố đường Lefèbvre (Sài-Gòn) vì ông nầy vừa mới tắt thở hôm qua. Đức Thầy cầu nguyện cho ông Hiệu và đưa linh cửa đến phần mộ (1) rồi mới đi Chợ-Vàm.

Chiều ngày 27 Đức Thầy thuyết-pháp khuyến-nông tại đình Hòa-Hảo.

Ngày 30-5 Ất-dậu Đức Thầy đem lư-hương từ Tổ-đình xuống chùa An-Hòa Tự (Hòa-Hảo).

Ngày mùng 1 tháng 6 Ất-dậu, Đức Thầy qua Năng-Gù. Ban Trị-Sự tỉnh Long-Xuyên đón Ngài tại đó và rước Ngài về Long-Xuyên. Tới tỉnh-lỵ nầy hồi 11 giờ trưa, Ngài lại ở trọ trong khách-sạn của tỉnh thành.

Chiều bữa đó, Đức Thầy dùng cơm tại nhà một bà Bang-trưởng, tín-đồ P.G.H.H.

Ngày 2-6 Ất-dậu, Đức Thầy đi Vĩnh-Trạch và núi Sập.

Ngày 3-6 Ất-dậu, Đức Thầy đi Chợ-Mới, ngày 4-6 Ngài đi Mỹ-Luông, ngày 5-6 Ngài đi Đốc-Vàng (Tân Thạnh). Chiều lại, Ngài về Mỹ-hôi-Động. Sáng bữa sau, Đức Thầy thuyết-pháp tại sân vận-động thôn Mỹ-hội-Đông rồi về Long-Xuyên.

Bữa sau, Đức Thầy thuyết-pháp tại Công-sở

----------------

 1.Đức Thầy dạy khiêng cái bàn Phật (đã đặt ngoài trời để cầu nguyện) đi trước. Anh em tín-đồ cầm nhang chắp trước ngực niệm « Nam-mô tây-phương Cực-lạc thế-giới, tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại-từ đại-bi tiếp-dẫn vong-linh A-Di-Đà Phật ». Linh cửu đi chót hết.

----------------

làng Mỹ-Phước (châu-thành Long-Xuyên).hiện giờ cũng là công sở.
Ngày kế đó, Đức Thầy đi Cái-Sắn.

Bữa sau, Ngài đi Thốt-Nốt rồi trở về Long-Xuyên. Rồi 11 giờ tối ngày ấy Đức Thầy đi luôn xuống Cần-Thơ.

Diễn-đài ở Cần-Thơ là sân vận-động của tỉnh thành. Không cần phải nói, chư độc-giả cũng dư biết rằng số thính-giả ở Tây-đô phải nhiều hơn các chỗ.

Bữa sau, Đức Thầy đi Xà-No thăm gia-quyến ông Hương-bộ Thạnh rồi thuyết-pháp tại Cái-Tắc (nhà ông Hội-đồng Lý-khắc-Tính). Bữa sau nữa, Đức Thầy khuyến nông tại Phụng-Hiệp và Cái-Răng. Trong các ngày kế đó, Đức Thầy thuyết-khuyến tại Trà-Mơn, Ô Môn, Cờ-Đỏ. Có điều kỳ lạ là trong khi Đức Thầy khuyến nông tại Phụng-Hiệp, trời chuyển mưa, mây đen kìn-kịt rồi mưa tuôn xối-xả ở tại chợ, cách đó chừng 100 thước. Nói tóm lại là chung quanh đều mưa to, duy có vùng Đức Thầy đang thuyết-pháp không có mưa?

Sau Cần-Thơ là đến lượt Sa-Đéc, Cao – Lãnh Vĩnh-long, Tam – Bình, An - Trường, Trà – Vinh, Càng-Long, Bến-Tre tiếp rước Đức Thầy.

Chính tại Sa-Đéc, trong dịp đi khuyến nông nầy, Đức Thầy đã viết ra bài « Phụ nữ ca diêu ».

Ngày 28-7-45, Đức Thầy đến Vĩnh-Long. Tại đây cũng như tại Sóc-Trăng, Cần-Thơ, Đức Thầy ở trong một khách-sạn.Các ông Hội-đồng Nguyễn-hữu-Lễ, Nguyễn-tiến-Hương và Thông-phán Nuôi túc-trực ở đó với Đức Thầy.

Sáng bữa sau, Đức Thầy thuyết-khuyến tại sân vận-động tỉnh thành. Trưa lại, anh em Thanh-Niên Tiền-Phong và anh em tín-đồ ở các thôn tụ họp lại để mong Đức Thầy thuyết nữa. Lúc đó, gương mặt Đức Thầy thật là khả ái. Toàn-thể thính-giả đều quì để nghe, trong lúc trời lâm-râm rớt hột.

Tại Bến-Tre, cô Võ-phụng-Kiều pháp – danh Diệu-Minh (một tu-sĩ đã từng tuyệt cốc, chỉ ăn ròng trái cây) có đến viếng Đức Thầy và được Ngài cho một bài thơ theo lời yêu-cầu của cô.

Trên đường về Sài-Gòn, ngồi trong xe với Đức Thầy, có thi-sĩ Việt-Châu mà Ngài vừa mới thâu-phục tại Sa-Đéc. Dọc đường, ông Việt-Châu có trình Đức Thầy một tập thơ nhan đề « Lông ngỗng gieo tình », vẽ lại, bằng những lời thơ chải-chuốt, du-dương, cuộc tình-duyên ngắn-ngủi giữaTrọng-Thủy và Mỵ-Châu. Để phê-bình tập thơ nầy, Đức Thầy ngâm:

Mỵ-Châu ơi hỡi Mỵ-Châu,
Mê chi thằng Chệt để sầu cho cha ?!

Rồi Đức Thầy bảo ông Việt-Châu thử làm thơ tả cảnh ngồi trong xe trên đường về Sài-Gòn. Thấy ông ta nặn óc mãi mà chẳng ra thơ, Đức Thầy liền ứng-khẩu ngâm bài dưới đây:

Xe về chở theo chàng thi-sĩ,
Bảo làm thi mãi nghĩ không ra.
Vậy mà giữa chốn phồn-hoa,
Vang danh thi-sĩ hiệu là Việt-Châu.
Quen thói viết thơ sầu thơ cảm,
Không dìu dân hắc-ám qua truông.
Ngâm nga giọng quá u-buồn,
Làm cho độc-giả quay cuồng mê ly.
Theo dõi gót từ bi mấy bữa,
Phàm tâm kia đã rữa hay chăng?
Đương cơn sóng dậy đất bằng,
Thi-nhân đứng ngó để tăng-sĩ làm.
Tăng sĩ quyết chùa, am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông-pha.
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền-môn trở gót Phật Đà nam-mô.
Chừng ấy mới tịnh vô nhứt vật,
Bụi hồng-trần rứt sạch cửa không.
Chuông linh ngân tiếng đại-lồng.
Ta-bà thế-giới sắc-không một màu.
Sài-Gòn đến trống lầu đã trở.
Đề-huề nhau nửa mở xuống xe.
Khuyến nông chấm dứt mùa hè…

Nói về vấn-đề khuyến nông mà không nói đến bài « Khuyến nông » (1) của Đức Thầy đặt ra là một khuyết-điểm vậy.

Bài nầy, Đức Thầy viết theo lối song thất lục

----------------

 1.Hai câu đầu của bài « Khuyến nông » như vầy:
Hỡi đồng-bào, Hỡi đồng-bào.
Thần chết đã tràn vào Trung, Bắc.

----------------

bát. Tuy lời văn lưu-loát và giản-dị để cho hạng nông-dân ít học cũng hiểu được, nhưng nó cũng có hàm-súc sự khuyến-khích võ-trang quần-chúng để chống nạn ngoại xâm, dành nền độc-lập:

Muốn cho dân được lòng bền
Mua giùm canh-cụ là nền khuyếch-trương.
Kẻ phu-tá cũng là trọng-trách,
Cứu giống nòi quét sạch non sông.
Một phen vác cuốc ra đồng,
Thề rằng ruộng phải được tuồng lúa khoai.
Mưa nắng ấy đâu nài thân xác,
Chí hy-sinh dù thác cũng cam,
Miễn sao cho cánh đồng Nam
Dồi-dào lúa chín gặt đem về nhà.

Điều mà chúng ta cần phải chú ý là Đức Thầy có nói với ông Lương-trọng-Tường (thuở ấy Chánh Thơ-Ký Ban Trị-Sự Trung-Ương P.G.H.H. thành-lập trong vòng tháng 5 dl 1945) như vầy: Bây giờ tôi viết: « Thần chết đã tràn vào Trung, Bắc » mà ngày sau người ta sẽ đọc « Thằng chệt đã tràn vào Trung, Bắc » cho mà coi !

Quả thật, ít tháng sau, khi Nhựt đầu-hàng Đồng-Minh đạo-binh của Lư-Hàn được lịnh chiếm đóng nước ta từ vĩ-tuyến 16 trở lên để giải-giới quân Nhựt. Chừng đó ông Tường mới hiểu ra là Đức Thầy tiên-tri.

Khi đi khuyến-nông về, Đức Thầy có cảm-tác làm một bài thi mà dưới đây chúng tôi xin chép bốn câu đầu:

Lìa Sài-Gòn trong vòng hai tháng,
Khi lộn về tiệm quán vắng tanh-banh.
Bởi chưng pháo-lũy phi-hành,
Quăng bom mù-quáng tan-tành còn chi.

 d. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt:

 

Sau khi về Sài-Gòn, Đức Thầy ra lịnh tổ-chức trước nhứt những đội Bảo-An để giữ việc trị-an trong làng, phòng ngừa trộm cướp, giải-tán những cuộc ấu-đả tìm bắt kẻ gian và các vụ cờ-bạc, giữ-gìn trật-tự (hương-thôn, bảo-vệ mùa-màng).

 Thượng tuần tháng 8 năm 1945, bom nguyên-tử nổ ở Quãng-Đảo, Trường-Kỳ. Rồi tin Nhựt-Bổn đầu hàng vô điều kiện đã bắn ra.

 Các đảng phái quốc-gia và các tổ chức chánh-trị công-khai hoạt-động.

 Đức Thầy đặt trụ-sở Việt-Nam Độc-Lập Vận-Động Hội tại căn nhà mới vừa dọn lại ở góc đường Sohier-Miche. Ngài gấp rút thành lập Đệ-tứ Sư đoàn Dân-quân (có Bác-sĩ Đào-tuấn-Kiệt coi việc quân-y và tuyển lựa quân-sĩ) để đối-phó với tình thế bất trắc.

 Ngày 14-8-45, Mặt Trận Quốc-Gia Thống-Nhứt được thành-lập tại Sài-Gòn với bốn khẩu-hiệu:

 Chống đế-quốc Pháp,

 Chống họa thực-dân,

 Bảo-vệ trị an,

 Bài-trừ phản-động.

 

 Mặt Trận nầy gồm có: Việt-Nam Quốc-Gia Độc-Lập Đảng (của các ông Hồ-văn-Ngà, Nguyễn văn Sâm, Trần văn Ân v.v...), Thanh niên Tiền-Phong, Nhóm Trí-Thức, Liên-Đoàn Công-Chức, Tịnh-Độ Cư-Sĩ, Cao-Đài Giáo, Việt-Nam Độc-Lập Vận-Động Hội. Về sau nhóm “Tranh Đấu” (Đệ-tứ Quốc-tế) cũng gia nhập.

 Ngày 21-8-45, Mặt Trận Quốc-gia Thống-nhứt có tổ-chức một cuộc biểu tình khổng-lồ: Trên 200 ngàn người biểu-diễn gần khắp các nẻo đường ở Sài-gòn.

 Sau đó, Mặt trận thường hội-họp mỗi đêm tại đường Léon Combes. Người ta đã bắt đầu nói đến hai tiếng Việt-Minh, nhưng chưa ai biết đại biểu V.M. ở đâu để mời họ gia nhập Mặt Trận. Đức Thầy mỉm cười và nói một cách có ý nghĩa mà không ai để ý: “Thì V.M. cũng có đâu đây chớ gì!” Té ra Đức Thầy ám-chỉ Trần-văn-Giàu.

 Rồi thì người ta thấy ở Sai-gòn rất nhiều truyền đơn (ký tên V.M.) hoan-nghinh “Phái-bộ Đồng-minh”.

 Chiều ngày 22-8-45 người ta thấy yết-thị cho biết rằng Thanh-niên Tiền-phong đã gia-nhập Mặt-trận Việt-Minh.

 Cũng ngày đó, Hoàng-đế Bảo-Đại cho dời thủ-lãnh V.M. lập Nội các mới.

 Ngày 24-8-45, Khâm-sai Nam-bộ Nguyễn-văn-Sâm cho dời thủ-lãnh V.M. ở Sài-gòn để bàn tính.

 

 e. Mặt trận Việt-Minh:

 

Ngày 24-8-45 có thông cáo cho hay các Đảng-phái trong Mặt trận Quốc-gia Thống-nhứt đã thỏa-thuận gia nhập Mặt trận Việt-minh.

 Sở dĩ có cuộc gia nhập đột-ngột nầy là vì tình-thế rất khẩn-cấp, không thể chần chờ phải thống nhứt lực-lượng mới kịp đối phó với thời-cuộc, bằng không thế, đại cuộc sẽ hư-hỏng. Các đảng-phái trong Mặt trận Quốc-gia Thống-nhứt đều cảm thấy rằng V.M. khéo đưa họ vào một tình thế tấn-thoái lưỡng-nan: hoặc là cứu-quốc, hoặc là phá-hoại trước mắt quốc dân. Và phải quyết định trong vài giờ.

 Sáng ngày 25-8-45, V.M. yết thị danh sách Lâm ủy Hành chánh Nam-bộ gồm có 9 nhân viên: Trần-văn-Giàu, và bè lũ của hắn. Đức Thầy nói: Đó là một hành động độc tài, trái với chánh-thể Dân-chủ Cộng-hoà.

 Sau ngày 25-8-45, dư luận các Đảng-phái và các báo chí đối với việc làm của Lâm ủy Hành-chánh Nam-bộ không được tốt. Rồi thì nhiều vụ bắt bớ Đảng-phái đối lập xảy ra lung tung, nhứt là sau vụ lộn xộn trong cuộc biểu-tình độc-lập ngày 2-9-45 và sau khi quần chúng xôn xao vì nghe tin bốn Sư đoàn Dân-quân bị V.M. giải tán theo lời yêu cầu của Đồng-minh.

 Trong một cuộc hội nghị có các ông Cao-hồng-Lãnh và Hoàng-quốc-Việt (đại biểu của Tổng bộ Việt-Minh ở Hà-Nội mới vào) triệu tập để tu chỉnh kỳ bộ, Đức Thầy có hỏi hai ông nầy rằng: “Đại-biểu thiệt của Việt-minh ở Nam-bộ trước nhứt là ai?”

 Ông Hoàng-quốc-Việt bèn nói rõ: “Chính ông Huỳnh-phú-Sổ”.

 

 Lúc đó Đức Thầy mới tố cáo một cách khéo léo rằng Ngài có đủ tài liệu thành một hồ sơ chứng rõ Trần-văn-Giàu đã có thông đồng với Pháp. Người ta thấy Đức Thầy càng gắt gao với danh từ Việt-gian, Việt-minh giả và Việt-minh thiệt trong khi lập luận, chất-vấn, ám chỉ vào Trần-văn-Giàu.

 

Ngày 7-9-45, theo chỉ-thị Trung-ương, Cao-hồng-Lãnh và Hoàng-quốc-Việt triệu tập một Hội-nghị để cải tổ Ủy-ban Hành-chánh Nam-bộ, Đức Thầy được đề cử vào Ủy-Ban Nhân-dân. Nhưng sau khi hội-nghị giải tán, Trần-văn-Giàu cho Cảnh-sát bắt Đức Thầy lúc Ngài vừa bước xuống thang lầu. Ngài kháng cự nên họ không dám làm hổn. Trong số đại biểu các Đảng phái, có người lại can thiệp nên họ đành phải để cho Đức Thầy thong thả trở về.

 Đứng trước những hành vi mờ ám, độc tài thế ấy, và trong lúc nền Đôc lập của nước nhà bị đe dọa, toàn thể tín-đồ P.G.H.H. có bổn phận áp-dụng quyền tự-do của người công-dân sống dưới chánh thể dân-chủ cộng-hoà để phản-kháng trước dư-luận quần chúng.

 Vì thế, anh em tín-đồ ở Cần-thơ được lịnh tổ-chức ngày 8-9-45 (mùng 3 tháng 8 năm Ất dậu) một cuộc biểu-tình lớn-lao để đưa ra ba khẩu-hiệu:

 - Võ trang quần-chúng.

 - Tẩy-uế những phần-tử thúi nát trong Ủy-ban Hành-chánh Nam-bộ.

 - Ủng-hộ triệt-để Chánh-phủ Việt-minh.

 Ban tổ-chức cuộc biểu-tình nầy đã có xin phép trước với Ủy-ban Hành-chánh Cần-thơ, thế mà, ngày nói trên đây, bọn độc-tài không cho mấy vạn tín-đồ P.G.H.H. đi biểu-diễn.

 Ba ông Huỳnh-thạnh-Mậu (bào đệ của Đức Thầy), Nguyễn-xuân-Thiếp (tức thi-sĩ Việt-Châu) và Trần-ngọc-Hoành (trưởng nam của ông Trần-văn-Soái, đương kim Tổng tư-lịnh quân đội P.G.H.H.) điều-đình mãi với họ mà cũng vô hiệu quả.

 

 Anh em tín-đồ nhẫn-nhịn chờ đợi tới trưa, nhưng rốt cuộc họ đành tự giải-tán ra về. Thình-lình bên V.M. bắn xả vào đám quần-chúng không võ-trang, bắt ba ông Mậu, Thiếp, Hoành và cả vạn tín-đồ ở Cần-thơ và ở các tỉnh miền Tây Nam-bộ giam-cầm, đánh-đập và phao-vu đủ điều… Trong số những người bị V.M. giam cầm, có các ông Lâm-thành-Nguyên (một ông Đạo đã từng tuyệt cốc, ăn ròng bông, trái và hiện nay là phó Tư-lịnh Quân-đội P.G.H.H.), Chung-bá-Khánh, Đỗ-hữu-Thiều và nhiều nhân-viên trọng-yếu của Ban trị sự P.G.H.H. ở các tỉnh.

 

 Sau lại, ngày mùng 2 tháng 9 năm Ất dậu (7-10-45) bọn độc-tài hành-quyết ba ông Mậu, Thiếp, Hoành tại sân vận động Cần-thơ.

 Rồi ngày 24 tháng 9 năm Ất dậu, họ giết các ông Chung-bá-Khánh, Đỗ-hữu-Thiều, Võ-văn-Thời, Nguyễn-hữu-Giáp….tại vàm Láng-thé (Trà-Vinh).

 

 Ở Sài-gòn, đêm mùng 4 tháng 8 năm Ất dậu (9-9-45), bọn thuộc-hạ của Trần-văn-Giàu bao vây Văn-phòng Đức Thầy tại số 8 góc đường Sohier-Miche (Đức Thầy dời Văn phòng về đây ngày rằm tháng 7 năm Ất dậu.) và bắt giam nhiều nhân-viên trọng-yếu, chỉ có một mình Đức Thầy thoát thân dễ-dàng, mặc dù trước khi bạo hành Trần-văn-Giàu có gọi điện thoại nói chuyện ngay với Đức Thầy và biết chắc rằng Ngài có mặt tại Văn phòng.

 Bữa sau, Đức Thầy từ Gia-Định đi Biên-Hòa để ẩn lánh.

 

 Hơn một tuần sau, thấy mòi khó giữ kín, Ngài lại đi Long-Khánh (Biên-Hòa) với một tín-đồ tại đây. Ngài ẩn thân trong một vườn trà Huế ở giữa rừng. Vì có việc lôi-thôi cho mấy anh em theo hộ-vệ Ngài nên Đức Thầy cùng họ phải di cư đến Cỏ-May (Bà Rịa). Về sau, Ngài phải đi sâu trong rừng chà là. Thật là:

 Từ ấy lao mình vượt khổn nguy,

 Băng rừng lội suối giả man di.

 Ngày mong ải Bắc, oan nầy giải,

 Đem sức ra nâng lá quốc kỳ.

 

 Hai tuần-lễ sau khi Đức Thầy thoát khỏi cuộc bao vây tại trụ-sở ở đường Sohier-Miche, nghĩa là ngày 23-9-45 quân Pháp ở Sài-gòn bắt đầu chiếm thành Sài-gòn. Các công-sở lần-lượt lọt vào tay họ. Ủy-ban Hành-chánh Nam-bộ dời về Chợ Đệm.

 Thủ-lãnh Thanh-niên Tiền-phong ở các tỉnh và lãnh-tụ các Đảng-phái đối-lập với phe Trần-văn-Giàu đều bị bắt, bị giết … Những tấn bi-kịch trảm-quyết Việt-gian phản-quốc (?) trong hàng Nhân-sĩ hay thường dân tản-cư làm cho dân-chúng phẩn-uất, chán-nản.

 Vì quân Pháp tấn công càng ngày càng mạnh nên Ủy-ban Hành-chánh Nam-bộ phải dời về Rạch-Giá và sau rốt về Cà-Mau để cùng với các chỉ-huy Đào-văn-Trương, Kiều-công-Cung v.v.. thành-lập Ủy-ban Kháng-chiến miền-Nam. Trong lúc đó, tướng Nguyễn-hòa-Hiệp, Trưởng Đệ-tam Sư-đoàn khởi xướng phong trào chống họa độc-tài đỏ, giàn binh chận ngang trung tâm Cao-Lãnh và Đồng Tháp-Mười.

 

 Ở miền Tây Nam-bộ, có những cuộc xô-xát lưu-huyết xảy ra (giữa V.M. và tín-đồ P.H.H.H.) do sự phẩn uất của một nhóm võ-sĩ mà Đức Thầy đã kết nạp vào hàng-ngũ Bảo-An đội.

 Gần cuối năm Ất-Dậu, tình-hình ở Nam-bộ trở nên vô cùng rối-rắm. Bọn Trần-văn-Giàu đào tẩu ra Bắc-bộ. Đức Thầy mới cùng anh em tín-đồ ở Cần-Giờ (đã đến lo liệu mọi việc ăn ở cho Ngài ờ rừng chà-là) trở về Chợ Lớn vào thượng tuần tháng chạp năm Ất-dậu.

 Sau lễ Tết năm Bính-tuất, nghĩa là trong vòng tháng 2 dl năm 1946, Đức Thầy có vài liên-lạc gián-tiếp với anh em tín-đồ. Những cuộc xung-đột dữ-dội ở miền Tây ngừng dứt một cách rõ-rệt nhờ những lời-lẽ cảm-động của Đức Thầy trong bài “Tiếng chuông cảnh tỉnh” mà chúng tôi xin chép dưới đây:

 

Hãy tỉnh giấc hỡi muôn ngàn chiến-sĩ,

Mở lòng ra thương nghĩ sanh-linh.

 Đồng-bào ai nỡ dứt tình,

Mà đem chém giết để mình an vui.

Dù lúc trước nếm mùi cay đắng,

Kẻ độc-tài đem tặng cho ta.

Sau nầy tòa-án nước nhà,

Sẽ đem kẻ ấy mà gia tội hình.

Lúc bây giờ muôn binh xâm-lược,

Đang đạp vày non nước Việt-Nam.

Thù riêng muôn vạn cho cam,

Cũng nên gác bỏ để làm nghĩa công.

Khắp Bắc Nam Lạc-Hồng một giống,

Tha thứ nhau để sống cùng nhau.

Quí nhau từng giọt máu đào,

Để đem máu ấy tưới vào địch quân.

Đấng anh-hùng vang lừng bốn bể,

Các sắc dân đều nể đều vì.

Đồng-bào nỡ giết nhau chi,

Bạng duật tương trì lợi lũ ngư-ông.

Hỡi những kẻ có lòng yêu nước,

Nghe lời khuyên tỉnh được giấc mê.

Anh em lớn nhỏ quày về,

Hiệp nhau một khối chớ hề phân ly.

Đả-đảo bọn Nam-kỳ nô-lệ,

Kiếp cúi lòn thế-hệ qua rồi.

Lời vàng kêu gọi khắp nơi,

Anh em chiến-sĩ nhớ lời ta khuyên.

 Mặc dù khi trước bị bọn độc tài âm mưu hãm hại hay là phao vu đủ điều, nhưng Đức Thầy cũng không đành để cho nước non tan vỡ dưới gót giày của bọn xâm-lăng:

 Nếu mất, thôi đành xong mối nợ,

 Nay còn há dễ ngó lơ sao?

 Bởi vậy cho nên, một lần nữa, Ngài cũng “Quyết rứt cà sa khoác chiến bào”. Và mặc dù quân xâm lăng hùng cường thế mấy, Ngài cũng không hề thối chí nản lòng:

 Dầu cho giặc mạnh há lòng nao,

 Nam Việt ngàn xưa đúc khí hào.

 Lúc giặc xâm lăng mưu thống trị,

 Anh hùng đâu sá cảnh gian lao.

 

g. Mặt trận Quốc gia Liên hiệp:

 

Thế là, từ đó Đức Thầy khởi sự gặp gỡ đại diện các đảng phái, các đoàn thể khác.

 Ngày 2-4-46, tướng Huỳnh-văn-Trí tức Mười Trí (Bình-Xuyên), Chỉ huy trưởng Chi-đội 4 Vệ-quốc đoàn triệu tập một hội nghị bất thường tại Bà-Quẹo, có đại diện chính trị các nhóm và các vị chỉ huy quân sự tham dự. Ủy-ban Liên-hiệp Kháng-chiến được thành lập và gồm có các ông Phạm-Thiều, Nguyễn-Bình, Phan-định-Công, Mai-thọ-Trân thay mặt cho V.M. cùng nhiều nhân vật khác trong giới quốc gia để phân chia công tác (thay thế Ủy-ban Hành-chánh và Kháng-chiến Nam-bộ).

 Ngày 20-4-46, ông Vũ tam Anh, Trưởng Đệ nhị Sư đoàn, hiệp tác với tướng Huỳnh-văn-Trí, có triệu tập cũng tại Bà Quẹo, một Đại Hội nghị quân sự và chánh trị đầy đủ hơn, nghĩa là, ngoài những yếu nhân có mặt kỳ trước, lại còn có các tướng lãnh Bình-Xuyên, tướng Nguyễn-hòa-Hiệp và một người mà toàn thể Hội nghị ước ao mong đợi, ấy là Đức Thầy!

 Sau những cuộc thảo luận sôi nổi kéo dài ba ngày đêm, mọi người đều chấp thuận giải pháp liên hiệp các đoàn thể, không phân biệt màu sắc chánh trị, tôn giáo để huy động toàn lực chống xâm lăng.

 Đức Thầy (dùng biệt-danh Hoàng-Anh) được bầu-cử làm Chủ-tịch cơ-quan lấy tên là Mặt-trận Quốc-gia Liên-hiệp. Ông Vũ-tam-Anh làm Phó chủ-tịch, ông Lê-trung-Nghĩa làm Ủy-viên Thông-tin và Tuyên-truyền. Các tướng-lãnh Huỳnh-văn-Trí, Nguyễn-Bình, Lê-văn-Viễn, Dương-văn-Hà, Lại-hữu-Tài, Bác-vật Hồ-ngọc-Chiếu … được dự vào Ban Chấp-hành Trung-Ương và thành-lập Ủy-ban Quân-sự tối-cao.

 

Mặt trận nầy quả thật là một Mặt trận kháng-chiến, võ-phòng đóng tại ấp Tám làng Vĩnh-Lộc (miệt Bà Quẹo, 18 thôn vườn trầu) và có một tờ báo bí-mật là tờ Tự-Do.

 Đức Thầy nhơn danh Chủ-tịch của Mặt trận, lo củng-cố lại các cơ-quan quân-chính đã tan rã sau cuộc đào vong của Trần-văn-Giàu và bè lũ của hắn.

 Sau đó, Đức Thầy, ông Lê-trung-Nghĩa và giáo sư Phạm-Thiều lãnh sứ-mạng về Sài-gòn hoạt-động công-tác, tăng-gia lực-lượng dân chúng kháng-chiến, ủng hộ Mặt-Trận.

 Nhưng rồi nhiều người bị đối-phương bắt, trong đó có Cha Luật, Cha Sang … Duy có Đức Thầy, ông Lê-trung-Nghĩa và một số nữ liên-lạc thoát khỏi.

 

 Thừa dịp nầy, Ung-văn-Khiêm và Nguyễn-Bình tách khỏi Mặt trận Quốc-gia Liên-hiệp và đề nghị đổi M.T.Q.G.L.H. ra Hội Liên-Hiệp Quốc-Dân Việt-Nam, nhưng đề nghị nầy bị đa số bát bỏ.

 Nguyễn-Bình liền lợi-dụng chánh-quyền ra lịnh giải-tán Mặt-Trận và khủng-bố các đoàn-thể có chơn trong ấy. Ở miền Tây Nam-bộ, cuộc xung đột giữa tín đồ P.H.H.H. và V.M. bắt đầu tái diễn. Ở Bắc-bộ, các đảng phái Quốc-gia bị V.M. (hiệp tác với quận đội Pháp) tấn-công, phải kéo sang Tàu.

 

 Đứng trước tình-thế nguy-ngập của nước-nhà, Đức Thầy liền triệu-tập Đại hội để quyết định thái-độ của phái Quốc-gia đối với sự phản-bội của phe Cộng-sản. Nhận thấy dã-tâm ấy, các đoàn-thể không tự cho phép mình dùng võ-lực để đối phó (sợ e làm suy-giảm lực-lượng kháng-chiến) nên tạm giải-tán Mặt Trận (trung tuần tháng 7 năm 1946), nhưng không gia nhập Hội Liên-hiệp Quốc-dân Việt-Nam.

 

h. Việt-Nam Dân-Chủ Xã-Hội Đảng:

 

Đứng trước tình-thế ấy, Đức Thầy thấy có bổn-phận tiếp-tục công-tác với các cấp chỉ-huy quốc-gia như các ông Huỳnh-văn-Trí và Lê-văn-Viễn.

Ngày 21 tháng 9 dl năm 1946, Đức Thầy đã cùng các ông Nguyễn-văn-Sâm, Trần-văn-Ân, Nguyễn-hoàn-Bích, Lâm-văn-Tết… đề thành-lập Việt-Nam Dân-chủ Xã-hội Đảng ngõ hầu kết nạp những đoàn-thể quốc-gia lẻ-tẻ khác.

 Trong một cuộc hội nghị, giáo sư Phạm-Thiều biệt hiệu Trường-Phong (Ủy-viên Tuyên-truyền Ủy-ban Hành-chánh Nam-bộ) có chỉ trích hành-vi của tín-đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Hậu-Giang. Đức Thầy trả lời: “Đứng về mặt tôn-giáo, tôi lấy đức hiếu-sinh của nhà Phật là tiêu-chuẩn, song tôi đã ra làm chánh-trị thì những sự xô-xát thương-tâm do bên Việt-minh gây ra, tín-đồ P.G.H.H. chỉ đứng về phương diện tự-vệ mà thôi”.

 Đáp lại lời Ông Phạm-Thiều cho rằng Mặt-trận Việt-Minh là một Mặt-trận dân-chủ, đã thực-hiện được một chánh-phủ hoàn-toàn dân-chủ, Đức Thầy nói: “Tôi chỉ nhìn-nhận những phần-tử Việt Minh chơn chánh, còn cái quái thai của Việt-Minh vừa qua, tôi nhứt định không nhìn-nhận”.

 

 Đầu tháng 10 năm 1946, ông Phạm-Thiều có làm 5 bài thơ tứ cú, đại ý xin Đức Thầy dẹp mối hiềm xưa để trở về tham chánh cứu nước cứu dân:

 Chẳng áo cà sa chẳng chiến bào,

 Về đây tham chánh mới là cao.

 Non song còn đợi người minh triết,

 Đừng để danh thơm chỉ Võ Hầu!

 

 Đức Thầy có đáp họa, đại-khái nói tâm Ngài đã từ-bi thì đâu có vướng mối hiềm xưa, nhưng Ngài vẫn lọc-lừa những đồng-chí trong sạch! Và nếu quả có bậc tri âm tri kỷ thì ta hãy hiệp lực vậy.

 

 Thế là, trung tuần tháng 10 dl 1946, Đức Thầy đã nhận tham-gia Ủy-ban Hành-chánh Nam-bộ với nhiệm-vụ Ủy-viên Đặc-biệt:

 1. Để tỏ cho quốc-dân và chánh-phủ V.M. thấy rằng Ngài chủ-trương thống-nhứt lãnh-thổ và độc-lập quốc-gia.

 2. Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc hầu mau đem lại thắng lợi cuối cùng;

 3. Để tỏ cho các đảng-phái thấy rằng Ngài không khi nào có những tham-vọng cao sang, vương-bá hay vì hiềm riêng mà hờ-hững với phận-sự cứu quốc.

 

 Sau khi Đức Thầy tham-chánh, đoàn-thể Phật Giáo Hòa Hảo bắt đầu tín-nhiệm nơi sự hiệp-tác với V.M.. Sự tham chánh nầy "cáo chung những tuyên-truyền láo-khoét phao-vu từ trước tới giờ. Những sự tuyên-truyền đó làm cho đoàn-thể bị tủi-nhục".

 

 Thấy Đức Thầy tham-chánh, ông Hồn-Quyên có xin Ngài cho biết lý-tưởng chánh-trị của Ngài có liên-quan với giáo-lý nhà Phật chăng? (Báo Nam-Kỳ ngày 29-11-46).

 Đức Thầy trả lời như vầy:

 “Theo sự nhận-xét của tôi về giáo-lý nhà Phật do nơi Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật đã khai-sáng; lấy Chủ-nghĩa từ-bi bác-ái đại-đồng đối với tất cả chúng-sanh làm nòng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách-mạng triệt-để về tư-tưởng vì những câu “Nhứt thiết chúng-sanh giai hữu Phật tánh”“Phật cũng đồng nhứt thể bình-đẳng với chúng-sanh”. Đã có những sự bình-đẳng về thể-tánh như thế mà chúng-sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình-độ giác-ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến-hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhơn-gian nầy còn có chúng-sanh tiền-tiến áp-bức những chúng-sanh lạc-hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo-lý chơn-chánh ấy. Giáo-lý đó, Đức Thích-Ca Mâu-Ni không áp-dụng được một cách thiết-thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã-hội Ấn-Độ xưa không thuận-tiện. Thế nên Ngài chỉ phát-dương cái tinh-thần đó mà thôi. Ngày nay, trình-độ tiến-hoá của nhơn-loại đã tới một mức khả-quan, đồng thời với tiến-bộ về khoa-học thì ta có thể thực-hành giáo-lý ấy để thiệt-hiện một xã-hội công-bằng và nhơn-đạo. Thế nên với cái tâm-hồn bác-ái, từ-bi mà tôi đã hấp-thụ, tôi sẽ điều-hòa với phương-pháp tổ-chức xã-hội mới, để phụng-sự một cách thiết-thực đồng-bào và nhơn-loại.”

 

 Trong tuần tháng giêng năm 1947, Đức Thầy ra lịnh cho ông Trần-văn-Soái di chuyển lên miền Đông một đạo binh để củng cố thực lực ở đó.

 Về vấn đề quân-sự, từ tháng 6 năm 1946, lực lượng Phật Giáo Hòa Hảo đã được tổ chức thành 3 Bộ đội (1, 2, 3) lấy tên là Nghĩa-quân Cách-Mạng Vệ-quốc Liên-đội Nguyễn-trung-Trực. Sau ngày thành-lập Đảng Dân-Xã, lực lượng nầy trở thành Chi-đội 30 Nguyễn-trung-Trực. Ban Chỉ-huy Bộ-đội nầy gồm có các ông: Nguyễn-giác-Ngộ, Chi đội Trưởng, Lâm-thành-Nguyên, Chi-đội Phó, Trương-kế-Tự, Chánh-trị viên. Sự chỉ huy Bộ-đội lưu-động số 2 miền Đông được Đức Thầy giao cho ông Trần-văn-Soái. Còn ông Lê-quang-Vinh tức Ba-Cụt (đương kim Chỉ-huy Trưởng Bộ-đội Nghĩa-quân Cách-Mạng) thì lúc ấy chỉ huy một phân-đội trong Chi đội 30 (1).

 

 Trong hạ tuần tháng 3 năm 1947, do lời mời của ông Lê-trung-Nghĩa, một phái đoàn gồm Đức Thầy, ông Huỳnh-văn-Trí, ông Lại-hữu-Tài (Đại diện phó Khu-trưởng Lê-văn-Viễn) đến Tòa thánh Tây-Ninh hội đàm cùng Hộ-pháp Phạm-công-Tắc.

 Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai vị Giáo-chủ, Đức Thầy đã được các chánh giới Cao-Đài kính yêu tín nhiệm nhờ tánh khiêm-tốn, tài hùng-biện và trí sáng-suốt của Ngài.

 

i. Đức Thầy về miền Tây và thọ nạn:

 

Nhưng rồi giữa Việt-Minh và Hòa-Hảo lại tái diễn nhiều cuộc xô-xát ở miền Tây Nam-bộ.

 Ngày 17-2-47, Mặt-Trận Quốc-gia Thống-nhứt toàn-quốc gọi tắt Mặt-Trận toàn-quốc ra đời (2) tại Nam-Kinh (Trung-Hoa) sau khi vài nhân viên trong Mặt-Trận Quốc-gia Liên-hiệp liên-lạc với các đoàn-thể bên ngoài như: Việt-Nam Cách-mạng Đồng-minh Hội (Nguyễn-hải-Thần), Việt-Nam Quốc-dân Đảng (Nguyễn-tường-Tam).

 ------------------------------

Ghi chú:

 

(1). Chi đội 30 gồm có 3 Đại đội: Ông Trần tín Nghĩa chỉ huy Đ Đ.1, ông Ngô trung Hưng tức Lâm thế Xương chỉ huy ĐĐ.2, ông Lê hoài Nam chỉ huy ĐĐ.3, ông Lê phát Khuynh là Tham mưu của ĐĐ.3

(2). Mặt trận nầy gồm có:

 Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội.

 Việt Nam Quốc Dân Đảng.

 Viết Nam Dân chủ Xã hội Đảng.

 Việt Nam Quốc gia Thanh niên Đoàn.

 Cao Đài.

 Đoàn thể dân chúng.

 Liên đoàn Công chức.

 -------

 

 Vì trong bưng bị địch quân đốt phá nên vào lúc 9 giờ tối ngày 23-3-47 (1-2 nhuần Đinh Hợi) Đức Thầy chuẩn bị cuộc di binh khởi hành tại Vàm-Vè. Đến 6 giờ sáng bữa sau, đoàn binh đến thôn Thủy-Đông (tục gọi vùng Hội-Đồng sáng-tạo). Chiều bữa đó đoàn binh di chuyển đến thôn Thuận-Nghĩa-Hòa (chiến khu 8) vào lúc 9 giờ tối. Lúc đó Chi đội 4 và 25 của Bình-Xuyên đóng tại Sông-Soài và Vịnh-Sao. Đức Thầy ở gần Bộ đội lưu động số 2 đóng tại Cái-Cỏ.

 Ngày 5-4-47 (14-2 nhuần) vào lúc 2 giờ chiều, Đức Thầy đi từ-giã anh em trong Chi đội 4 và 25. Đến 5 giờ chiều, Đức Thầy di-binh về miền Tây. Vào lúc 1 giờ khuya đêm đó, Đức Thầy đến trạm gác của Chi đội 18 (V.M.). Nhờ dịp nầy, 3 chiếc ghe, trong đó có một chiếc của Bà Xã Được, được trả tự do sau khi bị bắt giữ mấy hôm. Đến 6 giờ sáng, đoàn binh đến “Gãy” (Kinh Gãy).

 

 Vào lúc 8 giờ sáng ngày 6-4-47, Đức Thầy đến chợ Tháp-Mười, 1 giờ trưa Ngài đến chợ Cái-Bèo, 2 giờ chiều đến Ba-Sao, 5 giờ chiều đến vàm kinh Phong-Mỹ, 3 giờ rưỡi khuya đến ngọn Ba-Răng, Đức Thầy lên nhà nghỉ và sai liên-lạc cho Chi-đội 30 hay.

 

 Thế là, để cứu-vãn tình-thế, Đức Thầy đã từ Chiến-khu 7 (Miền Đông) trở về Chiến-khu 9 (Miền Tây) vì Ban hòa giải gồm có ông Hoàng-du-Khương (V.M.), Linh-mục Nguyễn-bá-Luật (Côn- giáo), ông Mai-văn-Dậu (P.G.H.H.) đã trở thành vô hiệu.

 

 Đức Thầy đặt Văn-phòng gần ngọn rạch Ba-Răng, thôn Phú-Thành (Long Xuyên), tại nhà ông Bí-thơ Ban chấp-hành thôn nầy, nghĩa là kế cận Chi-đội 30 Vệ-quốc Đoàn Việt-Nam do ông Nguyễn-giác-Ngộ chỉ-huy và Bộ-đội lưu-động số 2 do ông Trần-văn-Soái chỉ-huy.

 Cách mấy bữa sau, Đức Thầy có được thơ mời dự hội-nghị của Trần-văn-Nguyên, Đặc-phái-viên kiêm Thanh-tra Chánh-trị miền Tây Nam-bộ. Đức Thầy nhận lời. Thế là ngày 15-4-47 (24 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi) lối 7 giờ sáng, Đức Thầy xuống ghe đi với ba người chèo, bốn tự-vệ quân, ông Đại đội Trưởng Đại đội 2, Chi đội 30 và ông Huỳnh-hữu-Thiện (thơ-ký văn-phòng Đức Thầy). Kể luôn Đức Thầy thì trong ghe có tất cả 10 người, võ-trang 4 mi-tray-dết, 3 súng lục.

 

 Lối 8 giờ sáng, ghe tới chợ Ba-Răng, Trần-văn-Nguyên xuống bến chợ đón rước Đức Thầy. Mười lăm phút sau, Đức Thầy đứng lên diễn-thuyết tại chợ nầy. Trước một số thính-giả khá đông, Ngài kêu gọi hai bên V.M. và Dân-Xã nên gát bỏ thù-hiềm cá-nhân để chung lo vận-mạng của nước-nhà. Trần-văn-Nguyên đứng lên nối lời Đức Thầy và cũng kêu gọi đoàn-kết.

 Bữa ấy, Đức Thầy dùng cơm trưa với Trần-văn-Nguyên trong một căn phố gần đó. Lối 12 giờ trưa, Trần-văn-Nguyên và một người Thơ-ký xuống ghe đi chung với Đức Thầy đến Văn phòng Ủy-ban Hành-chánh tỉnh Long-Xuyên đóng tại ngọn rạch Đốc-Vàng-Hạ (thôn Tân-Phú).

 Tại đây, Đức Thầy và Trần-văn-Nguyên có thảo ra nhiều tờ hiệu-triệu kêu gọi hai bên đừng xô-xát nhau và bố-cáo cho dân-chúng biết rằng hiện giờ các vị chỉ-huy cao-cấp hai bên đang bắt tay nhau lo việc hòa-giải.

 Sau khi dùng cơm chiều tại đây xong, Đức Thầy xuống ghe lại nhà của một tín-đồ ở gần đó chừng 300 thước để nghỉ.

 

 Bữa sau, nghĩa là ngày 16-4-1947 (25 tháng 2 nhuần năm Đinh-Hợi), lối 7 giờ sáng, Đức Thầy trở lại chỗ cũ hội-đàm với Trần-văn-Nguyên và giàn xếp nhiều vụ xung-đột. Ông Ngô-trung-Hưng Đại-đội Trưởng Đại-đội 2/30 và một nhân-viên của Trần-văn-Nguyên được phái đi các thôn trong tỉnh Long-Xuyên để hòa-giải đôi bên.

 Sau khi dùng cơm trưa tại đây xong, Đức Thầy xuống ghe nghỉ. Ông Huỳnh-hữu-Thiện vẫn còn ở trên văn-phòng với Trần-văn-Nguyên. Vào khoảng 12 giờ trưa, Đại-đội 66 Chi-đội 22 do Bửu-Vinh chỉ-huy kéo binh kích xung quanh văn-phòng và trao cho ông Thiện một bức thơ gởi Đức Thầy, yêu-cầu Ngài cho yết-kiến. Xem thơ xong, Đức Thầy bước lên văn-phòng (ở trọn trong vòng binh của Bửu-Vinh), bốn tự-vệ quân của Đức Thầy cầm súng đứng bốn góc văn-phòng.

 

 Khi hầu chuyện với Đức Thầy, Bửu-Vinh có một cử-chỉ rõ-rệt cừu-thị. Mãi đến 3 giờ chiều, Bửu-Vinh đưa ra một bản phúc-trình báo-cáo rằng ở Lấp-Vò, Vàm-Cống (Long-Xuyên) Dân-Xã giết V.M. nhiều lắm nên y yêu cầu Đức Thầy đến tận nơi giàn xếp, Đức Thầy trả lời: “Để rồi tôi sẽ phái người đến đó!” Bửu-Vinh nhứt quyết buộc Đức Thầy phải đi.

 Đến đây cuộc bàn-cãi trở nên sôi-nổi, mặc dù biết mình đang ở trong vòng vây, Đức Thầy cũng không tỏ vẻ khiếp-đảm. Trái lại, Ngài biện-luận hùng hồn làm cho đối-phương nhiều phen im lặng.

 Sau rốt, Bửu-Vinh cũng nhứt định yêu cầu Đức Thầy phải đi. Thấy thế, Đức Thầy ưng-thuận đi nhưng với điều-kiện là Bửu-Vinh phải cùng đi với Đức Thầy. Bửu-Vinh từ khước và trả lời:" Nếu một nhân-viên cao-cấp của chánh-phủ đi với những người trong đoàn thể Hòa-Hảo thì cần phải có một bộ-đội Vệ-quốc đoàn võ trang theo ủng hộ".

 Đức Thầy trả lời với một giọng đanh thép:"Nếu quý ông nói vậy, tại sao tôi có một ít người, không Bộ đội ủng hộ mà dám đi vào sào huyệt của quý ông? Như thế thì quý ông không thành thật."

 Bửu-Vinh trả lời không được nên chịu đi và mời Đức Thầy tới văn-phòng của y rồi sẽ đi luôn thể. Đức Thầy hứa chịu. Bửu-Vinh rút binh ra đóng căn cứ phía ngoài vàm.

 Liền khi đó, Trần-văn-Nguyên trao cho Đức Thầy một mảnh giấy và nói rằng: “Tôi vừa tiếp được tin điện (?) của Ủy-ban Hành-chánh Nam-bộ gởi xuống mời ông và tôi lập tức trở về Miền Đông dự phiên nhóm bất thường”. Sau khi xem, Đức Thầy nói: “Tôi không thể trở về miền Đông dự phiên nhóm nầy vì cần phải ở lại đây giải quyết cho ổn thoả những vụ xung đột”. Trần-văn-Nguyên cho biết y phải đi 6 giờ chiều ngày đó mới kịp thì giờ.

 Trời sẫm tối, Trần-văn-Nguyên từ giã Đức Thầy.

 

 Y lời hẹn, Đức Thầy xuống ghe ra văn phòng Bửu-Vinh, có một liên lạc của Ủy-ban Hành-chánh dẫn đường.

 Trời tối như mực. Đi một đỗi xa xa, bỗng trên bờ có tiếng la: “Ghe ai đó? Tại sao giờ nầy đã thiết quân luật mà còn dám đi?”

 - Đi ra Văn phòng ông Bửu-Vinh, người liên lạc trả lời.

 - Ghe ghé lại! một tiếng khác tiếp theo.

 Đèn chóa rọi xuống ghe và có người ra lịnh trình giấy tờ. Ông Thiện lật đật chạy lên cho coi giấy. Thì ra người hỏi đó là Bửu-Vinh. Y hỏi ông Thiện: “Ông Ủy viên Đặc biệt có dưới ghe không?”

 - " Có!” Đức Thầy ở dưới ghe vội vã trả lời.

 Bửu-Vinh mời Đức Thầy lên văn phòng, Ngài liền đi với bốn tự vệ quân.

 Văn phòng nầy đặt trong một ngôi nhà ngói, Đức Thầy ngồi bàn giữa tiếp chuyện với Bửu-Vinh, còn 4 tự vệ quân thì cầm súng đứng hai bên cửa, cách Đức Thầy một thước tây.

 

 Mười phút sau, lối 7 giờ rưởi tối, bọn V.M. ở ngoài đi vô 8 người chia ra cặp nách bốn tự vệ quân của Đức Thầy và đâm chết ba người, người thứ tư, anh Phan-văn-Tỷ tức Mười Tỷ nhờ võ giỏi và trí lanh nên thoát khỏi, chạy ra ngoài có bắn một loạt mi-tray-dết. Lúc anh Mười Tỷ né khỏi mũi dao gâm của một trong hai chiến-sĩ V.M. cặp nách anh thì người chiến-sĩ kia bị đồng-chí của mình đâm trúng té quị. Vừa lúc đó thì Đức Thầy từ trước đến giờ vẫn bình-tĩnh, lẹ-làng thổi tắt cái đèn. Trong văn-phòng tối thui, không ai biết Đức Thầy đi đâu cả …!

 Tiếng súng nổ dữ-dội … Ông Thiện nhảy xuống rạch tẩu thoát. Ba anh chèo ghe chạy trước về báo tin cho các tướng-lãnh hay.

 

 Tiếng tù-và nổi dậy liên hồi, làm chấn-động một góc trời Tây! Đoàn dân-quân cương-quyết đi báo-thù. Nhưng, vào lúc 12 giờ khuya, một người tín-đồ P.G.H.H. ở gần chỗ xảy ra cuộc bạo-hành, chạy ngựa mang đến Phú-Thành một bức thơ chính của Đức Thầy trao tận tay ông ta.

 Bức thơ ấy như vầy:

 Ông Trần-văn-Soái và ông Nguyễn-giác-Ngộ.

 Tôi vừa hội-hiệp với ông Bửu-Vinh bỗng có sự biến-cố xảy ra tôi với ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên-nhân, còn điều tra; trong mấy anh em phòng-vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo-cáo rằng tôi bị bắt hay là mưu-sát thì các ông đừng tin và đừng náo-động.

 Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu-Vinh điều-tra kỹ lưỡng rồi sẽ về sau.

 Phải triệt-để tuân lịnh.

Ngày 16-4-1947 9 giờ đêm.

 (có ký tên)

 

Vì bởi có lịnh của Đức Thầy nên anh em sĩ-binh Dân-Xã cùng Ban chỉ-huy các Bộ-đội phải triệt-để tuân hành.

 Thế là từ ngày 16-4-47 đến nay không ai biết Đức Thầy lưu trú hà phương.

 Trong khoảng thời-gian ấy, nhiều tin trái ngược đã được đưa ra. Đối-phương thì nói Ngài đã bị V.M. làm hại, anh em tín-đồ thì tin chắc rằng Ngài đã thoát thân một cách dễ-dàng như kỳ trước (đêm 9-9-1945 tại Sài-gòn) và một ngày kia Ngài sẽ về, về để làm chấn động một góc trời Nam, về để cho thế giới hoàn-cầu biết rằng ở nước Việt-Nam nầy có một vị anh-hùng vô-địch mà cũng là một vị Giáo-chủ vô song, về để thực-hành câu “Khắp bốn biển liên dây Hòa-Hảo”…

 

 Ngày giờ ấy chẳng xa. Và cái gì phải đến thì nó sẽ đến.

 Tại sao anh em tín-đồ tin tưởng như thế? Đó là vì:

 

 1. Trước khi xảy ra tai nạn, Đức Thầy có hỏi một nhân-viên hầu cận Ngài bữa nay ngày mấy âm lịch. Nhân-viên nầy có trả lời là ngày 25 tháng 2 nhuần. Đức Thầy bèn chép miệng than rằng: “Ngày nay là ngày đau khổ nhứt! Ôi! Sao mà khổ quá vậy!”

 2. Chính Đức Thầy có hỏi ông Mười Tỷ biết hướng nào về Phú-Thành chăng. Khi anh nầy chỉ hướng thì Đức Thầy nói: Phải! Thì ra chính anh Mười Tỷ là người sống sót để chạy về báo tin, còn ba tự-vệ quân kia đều bị giết hết.

 3. Đức Thầy có nói với ông Ngô-thành-Bá tức Biện Đài trong dịp dẫn ông Đài đi núi Tà-Lơn rằng sau nầy Ngài xa vắng bổn-đạo trong một thời-gian và, trong khi ấy, không một người tín-đồ nào biết Ngài ở đâu. Ngài cũng nói với nhiều tín-đồ câu ấy.

 4. Trong Sấm Giảng của Ngài, Đức Thầy cũng có nói:

 “Rán nghe lời dạy của Thầy,

 Để chừng đến việc kiếm Thầy không ra.”

Và:

 “Tu kíp kíp nếu không quá trễ,

 Chừng đối đầu khó kiếm Điên Khùng."

 

 Bốn khoản trên đây chứng-minh một cách hùng-biện rằng Đức Thầy biết trước những nạn tai mà Ngài sắp phải gánh vác.

 Suy-luận như thế, chúng tôi tự hỏi vì sao Đức Thầy vắng mặt? Theo chúng tôi tin tưởng thì sở-dĩ Đức Thầy vắng mặt là vì:

 

 1. Ngài nhận thấy thời cơ chưa thuận-tiện. Mà hễ thời-cơ chưa thuận-tiện thì phải “Ẩn-nhẫn hoài chờ đợi vận hanh-thông”. Cái thái-độ không bôn-chôn không ỷ-lại của Đức Thầy về vấn-đề cứu-quốc đã bộc-lộ trong câu:

“Dùng sức mình đánh bại kẻ thù,

Tỏ ra khí phách trượng phu,

Vung Long tuyền kiếm tận tru gian thần”.

 

 2. Học chữ-nghĩa ở nhà trường thì phải thi mà học đạo-lý với Phật, Tiên thì phải chịu thử-thách. Đức Thầy xa vắng để thử lòng môn-đệ. Tại Sài-gòn năm 1934, Ngài có nói với Ông Cả Hốt ở làng Hòa-Bình (Bạc-Liêu) rằng sau nầy Ngài sẽ có một diệu-pháp để biết lòng bổn đạo. Chắc chắn diệu pháp ấy Đức Thầy đang thi thố bằng sự vắng mặt của Ngài.

 

 3. Anh em tín-đồ càng hoài-vọng Đức Thầy bao nhiêu thì sự hồi-hương của Ngài càng trọng-yếu và thú-vị bấy nhiêu.

 Đã biết rằng Đức Thầy là một “Đấng anh-hùng dựng nên thời-thế” có lãnh sứ mạng Ngọc-Đế và của Phật-Tổ, chúng tôi tin chắc rằng Ngài thế nào cũng sẽ về, vì nếu Ngài không về thì:

 1. Có ai mà “Thâu cho được con long ác-nghiệt”?

 2. Có ai mà “Trên đài cao gọi các linh-hồn”?

 3. Có ai mà “Lãnh cân thưởng phạt chư môn dữ lành” để chọn “người hiền đức đặng phò chơn Chúa”?

 Để chấm dứt, chúng tôi xin lấy thái-độ khách-quan mà chép y nguyên văn bài dưới đây của ông X.M. đã đăng trong báo Phục-Hưng ngày 16-4-1949 nghĩa là đúng ngày lễ kỷ-niệm đệ nhị chu-niên ngày Đức Thầy thọ nạn tại Đốc-Vàng (kể theo dương-lịch). Bài ấy như vầy:

 

Đức Huỳnh Giáo-Chủ vẫn còn sống!!!

 

 (Báo PHỤC HƯNG ngày 16-4-1949 dl)

  Ngay sau cái đêm mà Giáo-Chủ họ Huỳnh bị Bửu-Vinh, Ủy viên quân sự V.M. tỉnh Long-Xuyên âm mưu bắt ở văn-phòng Đại-đội của y trên tả ngạn một con rạch ăn sâu vào làng Tân-Phú thì cả một vùng chung quanh sôi-nổi như muôn lượn sóng ba đào giữa cơn phong ba bão táp. Bởi thế Bửu-Vinh lo sợ một cuộc phản-công của các tín-đồ và bộ-đội Hòa-Hảo.

 Trong óc con nhà quân-sự ấy nảy ra một ý kiến quá khích: Thủ tiêu!

 Nhưng bên cạnh viên tướng nóng-nảy ấy lại còn một người khác, mềm-dẽo và sâu-độc. Người ấy là Giáo-sư Trần-văn-Nguyên lúc ấy giữ chức: Thanh-tra chánh-trị V.M. ở miền Tây. Nguyên nhứt định phải đem ông Huỳnh về Nam-Bộ, để chờ sự quyết-định ở đây.

 Bửu-Vinh cự tuyệt quyết-liệt, bảo rằng đó là thuộc quyền-hạn địa-phương, nhứt là cuộc rối-rắm xảy ra ở địa-phương y. Cuộc tranh luận trở nên gay-go.

 Trần-văn-Nguyên lớn tiếng:

 - Đồng-chí không có quyền xử đoán một Ủy-viên Đặc-biệt của Nam-bộ trong khi đồng chí chỉ là Ủy-viên Tỉnh!

 - Cái đó thuộc về một việc xảy ra ở địa-phương tôi, vả lại tình-thế đang nguy-ngập.

 Rốt cuộc, Trần-văn-Nguyên phải nhượng bộ vì trong tay không có binh-lực. Nguyên đổ trách nhiệm:

 - Có chuyện gì sau nầy với Nam-bộ, trách-nhiệm về đồng-chí hết!

 Bửu-Vinh đã sợ Hòa-Hảo, lại háo-thắng, nhứt định tối bữa sau đem xử hình Giáo-chủ họ Huỳnh.

 Bửu-Vinh lại còn nỗi lo sợ bị cướp pháp-tràng nên y tính sẽ xử bí-mật vào ban đêm. Một cái hố đã đào sẵn lại còn một điều nữa là Bửu-Vinh không muốn tự mình thi-hành thủ-đoạn ấy hay là có mặt ở giờ phút ấy, có lẽ là vì sự cảm thấy thẹn-thùng và xấu-hổ (dù sao y cũng là người có chút trí-thức!) vì những hành vi quảng-đại ngay thẳng của ông Huỳnh-phú-Sổ đối với y.

 Thế là tối ấy, ba kẻ tâm phúc của Bửu-Vinh được lịnh dẫn ông Huỳnh đi hành hình.

 Đến pháp-tràng, ba người nầy tuốt kiếm sửa soạn ra tay thì Huỳnh Giáo-Chủ nghiêm nét mặt khoát tay nói:

 - “Khoan! mấy anh em hãy để tôi nói đôi lời”.

 - Nói đi.

 Ông Huỳnh nói thao thao bất tuyệt một lúc lâu với giọng-điệu chẩm-rải và rõ-rệt, lời lẽ dễ hiểu, giản-dị.

 Không thể nhắc lại được những lời nói ấy của ông. Nhưng chỉ biết rằng trong khi ông nói, ba tên đao-phủ nhìn nhau, rồi lâu lâu thở dài, dần dần cúi đầu xuống. Những nét hung-ác trên mặt chúng lần biến đi; thanh kiếm rời khỏi bàn tay hoen máu của chúng. Chúng trở nên hiền lành như ba con chiên nhỏ.

 Những lời của đạo-đức, những câu chơn-lý của sự thật, đã cảm-hóa được ba con người. Chỉ nội trong mười phút đồng-hồ mà ba tên đao-phủ biến thành ba tín-đồ của người mà chúng sắp xử!

 Nói vừa đoạn, Giáo-chủ họ Huỳnh hỏi chúng: - “Bây giờ ta nói đã xong, các anh cứ phận sự thi hành đi …”

 Câu nói ấy rơi bất thần vào óc ba tên đao phủ giữa lúc lòng đã mềm vì những lời bác-ái, lòng đã trắng vì những sự thật làm cho chúng trở nên kinh ngạc đến ngây ngô!

 Chúng không còn can-đảm cầm đến thanh kiếm nữa. Chúng nhìn nhau và nhìn vị giáo-chủ, ngại-ngùng. Một tên ấp-úng nói:

 “ Thưa ông Tư! Chúng tôi hiểu rồi. Xin ông Tư đi đi. Đi ngay bây giờ!

 - Thế còn nghĩa-vụ và trách-nhiệm của các anh?

 - Không sao. Ông Tư cứ đi. Chúng tôi sẽ tính được. Chúng tôi hiểu ông nhiều rồi và tay chúng tôi không còn gân sức đâu để giết ông. Ông hãy đi cho thoát và độ-trì cho ba chúng tôi.

 - Các anh nói thiệt à?

 - Thửa lòng chúng tôi lúc nầy có biết nói dối là gì đâu?

 Thế là vị Giáo-Chủ họ Huỳnh lại khoan-thai lên đường đi hút lẫn trong bóng tối.

 Và cũng đêm ấy, tại chỗ ấy có một người bị chặt làm ba, liệng xuống hố vùi đất lên.

 Và ba tên đao-phủ lạ-lùng vẫn về phúc-bẫm với Bửu-Vinh rằng phận-sự chúng đã làm xong.

 Trong khi ấy, ông Huỳnh lần trong bóng tối mà thất-thểu đi, thỉnh-thoảng dừng lại dừng lại, đau lòng nhìn mấy bàn thông-thiên thờ Phật Trời vừa bị lật tung lên, nằm chơi-vơi lỏng-chỏng giữa hoang-vu vắng-vẻ.

 Vài bữa sau, quả nhiên có lịnh ở Nam-bộ về đòi Bửu-Vinh phải đem trả Ủy-viên Đặc-biệt Huỳnh-phú-Sổ về Tháp-Mười.

 Lúc nầy thì kẻ thắng lý là Trần-văn-Nguyên. Còn Bửu-Vinh thì chỉ còn cách kiếm thế đổ thừa cho tình-thế khuẩn-bách, không thể làm hơn.

 Tuy nhiên, ít lâu sau, các báo ở bưng cũng như ở thành đều có đăng một cảnh Tòa-án và pháp-tràng xử-án ông Huỳnh với tất cả những chi-tiết như lúc tuyên-án, nét mặt của ông Huỳnh, vài giọt nước mắt trước đoạn đầu đài, vân vân …

 Các báo bày vẻ khéo-léo làm cho kẻ nhẹ dạ và không biết chuyện cứ yên trí nhắm mắt mà tin. Ai có biết đâu đó chỉ là tiểu-thuyết.

 Và ai có biết đâu giữa lúc người ta tả cái chết của chính mình, tại một cái lều nhỏ cô-đơn giữa rừng kia, vị Giáo-chủ họ Huỳnh bằng da bằng thịt vẫn an nhiên sống như chúng ta đang sống giữa cảnh trời đất nước mây bao-la trùng-điệp, và mỉm cười trước thế-sự đảo-xoay, mà chờ, chờ một ngày kia, cuốn thiên-thơ đến trang xuất đầu lộ diện, là ông lại trở lại giữa đám đông người.

 Lúc ấy sẽ có những cặp mắt kinh-ngạc, sẽ có những trái tim thán-phục và chắc cũng có những chiếc mặt nạ rơi!


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn