Trong thời-gian còn ở tại Tổ-đình, Đức Thầy có đi núi bốn lần:
a.Đăng sơn kỳ nhứt. - Lần đầu tiên nầy Đức Thầy đi núi Tà-Lơn với Đức Ông để cho Đức Ông đảnh lễ chư-vị Phật, Tiên và cảm thấy sự linh-thiêng huyền-diệu của chư-sơn liệt vị, và cũng để cho Đức Ông hoàn-toàn tin-tưởng rằng: Đức Thầy là một bực siêu-nhân chớ không phải thượng xác cỡi đồng như trước kia đã tưởng…
Núi Tà-Lơn (Bokor) nằm trên địa-phận tỉnh Cần-Giọt (Kampot) thuộc xứ Cao-Miên, giáp giới Hà-Tiên. Từ trước đến giờ Đức Thầy chưa hề có dịp bước chơn đến vùng nầy. Thế mà khi còn ở tại nhà, Đức Thầy đã kể cho Đức Ông nghe cuộc hành-trình phải từ đâu đến đâu. Đức Thầy cũng biết từ chặng nào tới chặng nào phải trả bao nhiêu tiền xe hơi hay xe ngựa.
Dọc đường, khi đến Sóc-Mẹt (Tuc-Méak) Đức Thầy có trị bịnh cho một đức trẻ đau nặng. Cha mẹ nó là người Miên và không biết nói tiếng Việt. Đức Thầy bèn nói chuyện bằng tiếng Miên với họ (1) rồi trị bịnh đứa trẻ ấy bằng cách mà Ngài đã dùng lúc ở nhà.
-------------------
1. Chẳng những Đức Thầy biết nói tiếng Miên, - một thứ tiếng Ngài chưa học – mà Ngài còn biết nói tiếng Tàu, tiếng Pháp, tiếng Nhựt v.v… mặc dù không có học các thứ tiếng ấy. Ngài lại còn đọc kinh bằng 18 thứ tiếng khác cho Đức Ông và ông Út đếm.-------------------
Điều đàng để ý là trước khi đăng sơn, Đức Ông có đem theo 4 ổ bánh mì. Nhưng lên núi một đổi, Đức Thầy lấy mấy ổ bánh liệng xuống giếng và nói rằng: « Đi đến cảnh Phật, Tiên mà sợ đói hay sao? » Thế rồi trong 4 ngày trèo non lội suốt, Đức Ông không có hột cơm trong bụng. Khi Đức Ông đói thì Đức Thầy bụm nước suối cho Đức Ông uống Kỳ diệu thay ! Khi uống nước rồi thì Đức Ông hết đói và khỏe-khoẳn lạ thường.Đêm đến, Đức Ông nhớ lại rằng ở trên núi to thường có cọp mà người ta kêu là « sơn thần » hay « ông hổ ». Một chập sau, hai « Thần hổ » to tướng lại nhìn Đức Ông với hai cặp mắt sáng ngời, Đức Thầy nói: « Thôi, hãy đi đi, đừng để ông cả sợ ! Cặp chúa sơn-lâm bèn ríu-ríu rút lui.
Lúc đi ngủ, Đức Ông lạnh run vì sương gió và khí lạnh của đá núi. Đức Thầy để hai bàn tay trên ngực Đức Ông, làm cho ấm-áp như đắp mền. Nhờ vậy Đức Ông ngủ một giấc ngon lành cho tới sáng. Càng lạ hơn nữa là lúc thức dậy, Đức Ông thấy mình ở trên chỗ khác rất xa và đối diện với chỗ mà Đức Ông nằm ngủ đêm rồi.
Trong cuộc đăng sơn nầy, có lúc Đức Ông được Đức Thầy dẫn lên những cảnh cao tột bực, mặt bằng phẳng, ít cây, có suốt trong veo, có cát trắng phích, có tòng bá xinh tươi… thì, trái lại, cũng có rất nhiều khi đường đi hiểm-trở, đầy-dẫy gốc-gai, có lúc phải bò, lắm phen phải mọp, khi lên vồ núi, lúc xuống triền non làm cho Đức Ông vô cùng mệt-nhọc và mặc dù có tinh-thần dũng-cảm chớ, cũng có lúc phải rởn ốc ghê mình..!
Sau khi qua cuộc thử lòng (thử đức-tín), Đức Ông được nghe Đức Thầy giảng giải: « Ông đi kỳ nầy là để giải quả căn, cũng như các vị hòa-thượng đã mấy chục năm công-phu bái sám ».
Cuộc đăng sơn nầy đáng lẽ phải được 8 ngày như đã định, nhưng đến ngày thứ ba Đức Ông nguyện xuống non để kịp trở về Hòa-Hảo nơi mà Đức Ông còn một bà mẹ già cần phải phụng-dưỡng. (Theo lời Đức Ông nói lại thì vì đi non còn thiếu 5 ngày nên khi về đến nhà Đức Ông bị đau bàn chơn trái 2 tháng mới lành),
Thế là Đức Thầy và Đức Ông xuống núi trở về Hòa-Hảo.
Khi về đến Tân-Châu, Đức Thầy nghỉ đêm tại nhà Ba sánh, nơi mà khi trước Ngài ở trọ đặng đi học.
Sáng ra, đức Ông trở về Hòa-Hảo, Đức Thầy còn ở lại, Ngài đi thẳng vô chùa cô Năm Hí, ở làng Long-Phú, cách đó hơn 1 cây số ngàn, ở về phía tả con lộ Tân-Châu – Châu-Đốc. Khi vô đến đó. Ngài có gặp một bà tuổi độ tứ tuần, ở vùng rạch Ông-Chưởng (Long-Xuyên) mà xác-thân Ngài chưa biết lần nào.
Và đây là cuộc nói chuyện giữa Đức Thầy và bà ấy.
- Sao cô biết tôi đến đây mà chờ?
- Bạch Thầy, vì có chư Thần mách bảo.
- Ba tờ giấy bạch còn không?
- Bạch Thầy, vì có người nài-nỉ quá nên đã cho hết hai, chỉ còn một.
- Đó là dấu-tích của « Người Xưa ». Khi về cô hãy xem lại. chừng nào có lộ chữ vàng thì được !
Sau cuộc nói chuyện nầy, Đức Thầy đi qua làng Phú-Thuận (phía bên bãi), đến nhà cô Hai Đê (là chị của Ngài) để cứu bịnh mấy đức con cô hai (vì Ngài đoán biết chúng nó đang đau). Ngài ở đó một đêm một ngày mới trở về Hoà-Hảo.
b. Đăng Sơn kỳ nhì. - Lần nầy, Đức Thầy đi với ông Ngô-ngọc-Chơn (tục gọi ông Đạo Năm) trong vòng tháng 7 năm Kỷ-Mão (1939).
Hai Thầy trò đi bộ qua vàm Cái-Đầm rồi xuống đò qua Năng-Gù đón xe đi xuống lộ tẽ Mặc-Cần-Dưng để sang xe khác đi Xà-Tôn (Tri-tôn).
Sau khi đến chợ Xà-Tôn, hai Thầy trò nhắm hướng núi Tô thẳng tiến, Đức Thầy và ông Chơn băng qua một cánh rừng rồi mới lên núi. Nhưng vì đường khó đi nên lại trở xuống kiếm đường mòn mà người đi núi nầy thường dùng. Gặp một người Miên (Thổ) Đức Thầy dùng tiếng Miên nói chuyện một người rồi mới khởi sự đi.
Hai thầy trò lần-lượt lên Sân-Tiên, Điện Năm Căn, Mũi Hải (tại đây có một chiếc thuyền chìm thành đá cả thuyền lẫn chèo) rồi lên chót núi là nơi có Điện Kín.
Nghỉ tại đây một đêm, Đức Thầy và ông Chơn trở xuống để đi qua núi Cấm.
Sau khi đến Rầy Đét, (một đường lên núi Cấm) Đức Thầy băng rừng vượt núi, vẹt phá chông gai mãi đến bữa sau mới tới vồ Bò-Hong. Đức Thầy nghỉ đêm tại đây. Trong đêm ấy, nhơn thấy một ông Yết-ma (ở Vĩnh-Long) chữa bịnh cho bổn-đạo của ông Đức Thầy kêu ông bằng « con » và cho biết rằng ông hiện còn giữ vật báu của « Người xưa ». Ông bèn xuất trình một tờ giấy bạch có bốn chữ son Bửu Sơn Kỳ Hương và lạy Đức Thầy hai lạy để tạ lỗi gặp bực « Trên-Trước » mà không biết.
Đến 4 giờ khuya, Đức Thầy và ông Chơn đi về hướng Tây. Bữa sau, hai Thầy trò xuống núi (không đi Hà-Tiên như đã tính) về Châu-Đốc.
Khi đi ngang « Nhà Lớn » (của gia-quyến Lê-Công ở Châu-Đốc), Đức Thầy gặp một lũ trẻ thảy đáo-lạc. Chẳng biết tại sao Ngài dừng chơn và ở xẩn-vẩn ngoài đường rất lâu. Sau rốt Ngài chọi vào hàng rào « Nhà Lớn » hai đồng xu rồi mới chịu đi…
Rồi đó Đức Thầy trở vô trại lính mã-tà kiếm Bếp Ngoan bảo đã đến thời-kỳ rồi đừng giúp việc cho ngoại-địch nữa, hãy lo việc lút lui và bỏ dứt việc phù-phép ngải-gồng.
Xong vụ nầy, Đức Thầy qua Tân-Châu đi xe hơi về Chợ-vàm. Tới đây, Đức Thầy qua bên bãi (Phú-Thuận) một lần nữa. Nghỉ ở đó một đêm, sáng ra ông Chơn đi về Hòa-Hảo trước, Đức Thầy về sau, trưa mới tới nhà.
c/ Đăng sơn kỳ ba. - Lần nầy, Đức Thầy theo 5 tín-đồ: Ông Phan-văn-Báo (tức Hai Báo người làng Phú-An, hiện ở chùa Hòa-Hảo), ông Vỏ-văn-Gia (tức Ba Gia), ông Võ-văn-Ban (tức Sáu Ban) và ông Ngô-ngọc-Chơn (tức Đạo Năm) ở Hòa Hảo.
Khởi hành tại Hòa-Hảo ngày 21 tháng 8 năm Kỷ-Mão, sáu Thầy trò đến viếng núi Két nội trong bữa ấy và nghỉ đêm tại đó.
Sáng lại, sáu Thầy trò trở xuống và đi tuốt vô Cấm-Sơn, lại đường Rầy-Đét lướt xòng lên núi. Thầy năm người tùy tùng quá mệt-nhọc trong lúc leo trèo, Đức Thầy nói: « Phải rán đi đặng giải quả ».
Trải qua lắm cuộc mỏi gối chồn chơn, mồ hôi như tắm, đoàn lữ-hành đến một vùng rộng hơn 100 công, có cây tòng, bá, và nhất là thiên-tuế mọc đều-đều, thỉnh-thoảng lại có những hòn đá mặt bằng-phẳng như cẩm-dôn và bốn cây thiên-tuế ở bốn góc. Ngoài ra, lại có rất nhiều cây le đọt bằng như đã hớt. Dừng trước cảnh thiên-nhiên kỳ-bí nầy, ai nấy đều có cảm-tưởng rằng mình đang ở giữa một cái vườn kiểng của những đấng vô hình. Cáng tin chắn hơn nữa là Đức Thầy dặn 5 vị tín-đồ đi ra khỏi chỗ nầy mới được tiểu-tiện.
Lần lượt, Đức Thầy đến chùa Phật-lớn, điện Đá-Dựng. Tại đây, ông Ba Gia có thấy tận mắt một chúa sơn-lâm. Nghỉ đó một đêm, Đức Thầy trở xuống đường chùa ông Ba Đạo rồi qua thất Cao-Đài, điện Rau-Tần. Trong khi nghỉ đêm tại đây, Đức Thầy có trị bịnh tà cho một người mà ông Bảy Ngọc (một ông thầy phù-thủy) đang chữa không hết. Đức Thầy bảo người bịnh cầu nguyện rồi uống một chung nước lã. Uống vừa xong, người bịnh rên vang dội. Đức Thầy bảo: « Vậy thì mi hãy ra, đừng phá cái xác nầy nữa ! »
Sáng lại Thầy trò trở xuống đi vô núi Tô, lên Điện Kín (1), trở ra Sân Tiên nghỉ đó một đêm. Tại đây, Đức Thầy mệt nên ở trần, ngồi trên một tảng đá có để một cái lư-hương. Vài người đàn bà thấy vậy nói: « Cũng thời đi núi mà có người đi rồi về mạnh giỏi, có người đi rồi về phải chết là vì vậy đó ! » Đức Thầy kêu 5 ông tùy tùng vừa cười vừa nói: « Họ rủa tôi đó đa ! ».
Bữa sau, sáu thầy trò về Châu-Đốc để qua Tân-Châu trở về Hòa-Hảo.
d. Đăng sơn kỳ thứ tư - Lần ầy Đức Thầy đi núi Tà-Lơn và dẫn theo có một mình ông Ngô-thành-Bá tức Biện Đài ở Hòa-Hảo (2).
Khởi hành ngày mùng 6 tháng giêng năm Canh-Thìn (1940), hai Thầy trò được chở đưa bằng xe đạp đến vàm Cái-Đầm. Sau khi đò cập bến nhà
-------------------
1. Theo lời ông Chơn và ông Hùm thì tại Điện-Kín có đường hầm đi suốt qua tới núi Cấm. Ông Chơn có đốt đèn cầy đi thử một đỗi rồi trở lại.2. Ông Ngô-Thành-Bá có tường thuật cuộc đi non nầy trong quyển « Dõi gót theo Thầy ».
-------------------
máy Năng-Gù (thôn Bình-Mỹ) Thầy trò lên xe hơi đò đi Châu-Đốc, rồi sang xe khác đi tới Tịnh-Biên vào lúc ba giờ chiều.Trong đêm nghỉ trọ tại nhà một người cô của ông Đài, Đức Thầy có giảng Đạo thuyết-pháp cho cho nhiều người đến nghe.
Sáng bữa sau. Thầy trò lên xe đò đi Cần-Giọt và tới đó lối 3 giờ chiều. Đức Thầy lại nghỉ trọ nhà một ông lão tuổi ngoài 70, đệ-tử của ông Cử Đa và là em của ông Trần-bá-Lương tức là Hai Lương đã nói ở đoạn trước.
Đức Thầy có minh-giải về sự khai mở trực-giác cho ông chủ nhà và nhiều người lân-cận đến nghe. Ngài cũng có đọc thuộc lòng rồi giải nghĩa cuốn thứ ba ( Sấm giảng) để khuyến-khích các vị ấy nên vững bước trên con đường đạo-hạnh.
Nghĩ đây một đêm, sáng lại Đức Thầy từ-giã ông lão để lên non.
Tới chơn núi hồi 8 giờ, hai Thầy trò xuống suối tắm rửa, thay đổi quần áo, mỗi người mặc một bộ đồ dà.
Tiến theo con đường « cam chại » (đường đi non) Thầy trò tới Trung-Tòa (hay là Long-Thuyền) lúc 1 giờ trưa, ghé vào một ngôi chùa nhỏ và tặng mấy nhà sư trong chùa 3 cuốn giảng của Đức Thầy (quyển thứ nhứt, thứ nhì và thứ ba) rồi từ-giã ra đi.
Đến ngả tẽ, Đức Thầy bảo đi qua diện Cô Nhứt (gần hơn một phần ba đường lên điện Minh-Châu). Đường đi dốc ngược, gập-ghềnh bước tới muốn sụt lui, nên 3 giờ chiều mới đến điện Cô-Nhứt. Lối 5 giờ chiều, Thầy trò đi ngang qua lộ lớn (bề ngang trên 4 thước) rồi đi lần tới điện Cao-Vân. Đêm đó đoàn lữ-hành nghỉ trên một tảng đá cao khỏi đầu, rộng bằng 2 bộ ván ngựa, mặt bằng phẳng.
Sáng ngày mùng 9, Thầy trò đi lên « Ruộng Năm dây ». Tại đây có đường mòn đi qua Bà-Ngự, nơi ông Cử đắc Đạo.
Rồi Thầy trò đi lần lên tới « Châu-Thiên », một cảnh thiên-nhiên tuyệt đẹp nhờ tòng bá lộn chen không cao không thấp. Khi còn cách « Tứ Giao điện » lối 100 thước, mặt trời vừa chen lặn. Đức Thầy dừng chơn bảo đừng nói chuyện. Chẳng có một bónh người ! Chỉ có chén bát, tương chao và những chiếc đủa nằm bừa-bãi trên bàn.
Sẳn có nồi nước tại đó và vì đói quá, ông Đài hốt cơm khô đeo theo bỏ vào nồi đun lửa nấu. Theo lời ông Đài thì bữa cơm ấy ông ta ăn ngon nhứt trong đời mặc dù thực-đơn chỉ gồm có một dĩa đọt khoai lang luộc.
Đêm ấy, Đức Thầy lên nóc điện thắp nhang đèn cầu nguyện, cúng lạy. Ngài nói với ông Đài: « Thầy đây chỉ lạy Phật-Tổ thôi kỳ dư các bực khác Thầy được miễn ».
Sáng ngày mùng 10 tháng giêng, Đức Thầy bảo sửa-soạn đặng trở về, vì Ngài biết ở nhà có việc lộn-xộn (1).
Bận về, Đức Thầy có vào điện của quan Ngự-Sử cựu trào, đã vào đây tu đến đắc Đạo vì bất phục nhà-nước Pháp vừa mới thôn-tính Việt-Nam. Đức Thầy bảo ông Đài lên hương, đèn đảnh lễ. Ngài nói « tiếng trên » với quan Ngự-Sử.
Xong xuôi, Đức Thầy cầm một khúc cây đi trước dọn đường.
Trải mấy lúc xuống triền lên đỉnh, hai Thầy trò đến trước một cái miệng hang, dòm vô thấy tối đen, mùi hôi-bám khó chịu. Ấy là hang cọp ! Đức Thầy hỏi ông Đài.
- Mầy muốn coi cọp núi không? Đây mầy chun vào hang nầy sẽ gặp !
Nói xong, Đức Thầy đẩy ông Đài vô hang và nói: « Mầy chun vô đi ! ». Ông Đài thụt lại và bạch với Đức Thầy:
- «Úy, Thầy ôi ! Coi kìa, đầy-dẫy dấu chưn « ông thầy ». Trong hang tối nầy « khềnh » con ! Vô không được đâu !
- Sao mày nhát quá? Cọp kêu cọp, tượng kêu tượng ».
Ngồi nghỉ đây gần nửa giờ, Đức Thầy cứ bảo
-------------------
1. Khi về đến Cần-Giọt, mới hay tin ông Đạo Quốc làm giặc, chém người lấy máu tế cờ tại Tân-Châu nên bị Pháp bắn chết và bắt hàng ngàn người bị tình-nghi là tín-đồ của Quốc.-------------------
Ông Đài chun vô hang cọp mãi, nhưng ông ta cũng vẫn không dám. Rốt cuộc Đức Thầy nói: « Không chun vô thì thôi, ta hãy đi ».Rồi đó, Thầy trò xuống triền, gặp nhiều cái suối (có cái thật lớn, một vài nơi rộng trót trăm thước tây) rồi đi ngược lên non vào một cái điện cảnh rất xinh. Tại đây, một lần nữa, Đức Thầy có nói « tiếng trên » với các bực siêu hình. Ngài cũng thường nói lớn những câu nầy: « Hỡi các chư vị Thánh, Thần ! Hãy theo Thầy xuống núi cứu thế trợ dân ! Hôm này Thầy đã lâm-phàm rồi, sao các ông còn ở đây? »
Rời khỏi điện nầy, Thầy trò đi đến tối để rồi nghỉ đêm trên một tảng đá cao bằng phẳng.
Sáng ngày 11 tháng giêng, Thầy trò vẫn còn đi theo ngọn suối lớn hôm qua. Có một lần Đức Thầy đi trước ông Đài cả một công đất rồi đứng chờ ông ta đi tới. Khi ông Đài vừa đến gần Đức Thầy thì ông gặp một con cọp xuống uống nước gần chỗ Đức Thầy đứng. Trong lúc ông ta đang kinh tâm tán đởm thì Đức Thầy kêu ông mà nói: « Lại đây kiếm cọp, mùi nó bay khét quá ! » Ông Đài nắm Đức Thầy và nói nho nhỏ : « Đi cho lẹ Thầy ôi ! Tôi thấy rồi ! »
- Thấy giống gì ?
- Bạch Thầy, « ông thầy » xuống uống nước kia kìa !
- Mầy thật nhát quá ! Lên non sợ cọp, xuống thế sợ Thổ !
Đi đến 10 giờ trưa, ông Đài mệt quá mắt hết thấy đường, ôm cứng vào một thân cây. Đức Thầy vuốt ngực ông ta và đọc chú bằng « tiếng trên ». Đức Thầy cho ông nhai nuốt một thử lá cây có chất ngọt. Vài phút sau ông ta được khỏe lại như thường.
Có lần Đức Thầy lội ngang một cái suối sân chừng một thước tây. Ông Đài đi sau thấy có cây ngã nằm ngang suối bèn đi trên thân cây ấy cho khỏi ướt mình, đức Thầy nghiêm-nghị bảo: « Thầy đi đàng nào thì phải theo đàng nấy, cấm mầy không được đi như vậy nữa !».
Cũng có lúc Đức Thầy tỏ ý muốn kêu cọp hoặc tượng đến đặng cỡi đi cho khỏe, nhưng lần nào ông Đài cũng trả lời không dám.
Sáng ngày 12 tháng giêng, hai Thầy trò phải băng ngang một trảng mây gai dài cả gang tay, tàu lớn như tàu cau. Xế qua, Thầy trò mới trổ ra lộ đá và về đến Cần-Giọt tới 6 giờ chiều.
Điều đáng để ý là kể từ ngày băng đường rừng trổ ra lộ thì hễ đi lối 100 thước là thấy vài nhánh cây bằng ngón tay cái chặt xéo, lá còn tươi xanh. Đức Thầy nói đó là những dấu hiệu của « trên trước » dẫn đường.
Ba giờ chiều ngày 13 tháng giêng, đoàn lữ-hành về đến Nhà-Bàng dùng cơm tại nhà ông Hương-giáo Tập.
Tối lại, một ông lão hỏi Đức Thầy: « Bạch Thầy, mấy ông Đạo trên núi thường luyện phép để ngày sau phò vua giúp nước, còn Đức Thầy sao không dạy đệ-tử luyện phéo như bên Tiên-đạo ? »
Đức Thầy ung-dung đáp lại: « Phép linh cũng như cá linh; nước vừa chớm hạ loài cá nầy đua nhau lên trước nên phải chịu chết sớm. Các ông đừng ham linh mà bỏ mình !»
Sáng ngày 14 tháng giêng, Đức Thầy đi núi Trà-Sư và chiều lai, Ngài đi núi Két, dẫn theo ông Đài và sáu, bảy người nữa. Đến « Sân Tiên », Đức Thầy ngâm cho Hương-giáo Tập chép bốn bài thi dưới đây:
Non tiên gió mát toại lòng thay !
Tức cảnh thi văn nhả một bài.
Cố tưởng ước mong về nhược-thủy,
Ngặt vì không cánh lấy gì bay ?
Dắt xác phàm-phu viếng non đoài,
Hỏi nhờ đá cục ngủ đêm nay.
Chư sơn Bảy Núi đồng qui tựu,
Thầy tớ kiểng Tiên rõ mặt mày.
Nhìn xem cây cỏ gió lung-lay
Sáng lại lui chơn trở gót hài.
Vậy hỡi chư Thần mau nối gót,
Theo Thầy dắt chúng khỏi nồng cay.
Lâu đài núi Cấm lộ nay mai
Thức tỉnh chúng-sanh mới trổ tài.
Khuyến dụ dân tình minh đạo-đức,
Tu hành được thấy cảnh Đồng-Lai.
Gửi ý kiến của bạn