1- Ông Đạo Đèn hay Đức Phật Trùm ( ? - 1875 ) .

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 41554)
 1- Ông Đạo Đèn hay Đức Phật Trùm ( ? - 1875 ) .
A .Thân - Thế

Ngài tên thật là chi và sanh năm nào chưa tìm ra được. Quê ở sốc Lương-Phi, núi Tà-Lôn (núi nầy trong vùng Thất-Sơn, ở góc núi Dài về phía núi Tô, gần kinh Tám-Ngàn), thuộc quận Tịnh-Biên, tỉnh Châu-Đốc.

Nghe Ngài xưng là Trùm của Phật sai xuống cứu đời, người ta gọi là Đức Phật-Trùm. Lại thấy Ngài trị bịnh hay dùng đèn sáp đễ đốt cho bịnh nhơn coi và ngửi mà hết bịnh, người ta còn gọi Ngài là ông Đạo Đèn.

Ngài vốn thật là người Cao-Miên, lúc còn là thường nhân thì đầu cạo trọc, ăn mặc theo lối Miên, nhưng khi được sáng tỏ, Ngài để tóc và ăn mặc theo người Việt.

Ngài có vợ và sanh được bồn người con gái. Hiện nay miêu-duệ không thấy còn ai.

B. Trường-hợp tỏ ngộ

 Năm Mậu-Thìn (1868), quanh vùng Tà-Lôn, nhân-dân bị bịnh dịch mà chết vô số. Khi ấy Ngài cũng mang bịnh rồi chết. Lúc chết về đêm, gia-quyến Ngài định hoàn lại sáng sớm hôm sau sẽ đem ra hỏa-táng. Không ngờ trời rạng đông, Ngài tự nhiên sống lại và đi đứng mạnh giỏi như thường.

Nhiều người Cao-Miên thấy vậy xúm lại mừng-rỡ hỏi thăm. Ngài không trả lời bằng tiếng Miên mà chỉ nói tiếng Việt. Ngài còn bảo vợ con từ nay hãy ăn ở nói-năng theo phong-tục người Việt.

Vài hôm sau, Ngài bắt đầu nói giọng nửa hư nửa thực. có ai hỏi Ngài tại sao thế, thì Ngài trả lời đại lược rằng:
-    Tuy là phần xác của Miên,
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.

C. Bị bắt

Từ ấy Ngài bắt đầu trị bịnh. Ban đầu còn cứu người về bịnh dịch-tả, sau bịnh nầy êm rồi thì người ta đem đến bịnh chi Ngài cũng trị được. Tiếng đồn vang dội khắp nơi, thiên hạ đem nhau đến để quy-y cầu đạo mỗi ngày một đông không xiết kể !

Bởi thế nên có bọn người Cao-Miên ở Xà-Tón đem lòng ganh-tị, nhứt là họ thấy Ngài thâu-nhận nhiều tín-đồ người Việt thì lại còn ganh-ghét thêm. Một hôm nọ, họ đến cáo-báo quân Pháp ở Châu Đốc, nói rằng Ngài hiệp cùng người Việt để mưu cuộc dấy binh chống Pháp.

Liền theo đó. Ngài bị bắt về Châu-Đốc và không cần xét hỏi hư thực, người ta đem giam Ngài vào ngục.

Theo lời ông Nguyễn-Phước-Côn - tục gọi là ông Bảy Còn, hiện ở tổng Định-Hòa (Long-Xuyên) – đã nghe kể lại thì trường-hợp nầy cũng gần giống như trường-hợp bị bắt của Đức Phật-Thầy Tây-An.Mặc dầu Ngài bị giam cầm trong ngục thất, nhiều người vẫn thấy Ngài thong-thả dạo chơi như người vô sự ở ngoài phố chợ. Bởi vậy, nhà cầm quyền Pháp hết sức nghi-nan, họ bắt Ngài bỏ vào cũi sắt rồi đem liệng xuống sông. Thế mà khi khiêng đến bến, Ngài vẫn điềm nhiên ngồi trong cũi hút thuốc lá như thường.

Nhiều người tín-đồ của Ngài giả dạng khách thương-buôn để đến thăm dò tin-tức; họ thấy Thầy bị hành-hạ như thế thì đau lòng hết sức, định bụng rằng Ngài không còn tài nào sống được. Nhưng trái lại, một chập sau, họ thấy Ngài xả tóc, ung-dung đi đứng trên đường.

Người ta hết sức thử-thách mà không chết, có lần họ đem Ngài bỏ vào vạc dầu sôi, Ngài an nhiên không chút sợ-sệt, và khi đem ra, Ngài không bị một vết phỏng nào.

D. Bị đi đày

Thấy như vậy, người Pháp tuy có mến phục tài-năng, nhưng thâm tâm còn sợ nỗi nếu thả Ngài ra thì quần-chúng càng tin-tưởng thêm, mà chính cái tin-tưởng ấy sẽ gây cho Ngài một thế-lực mạnh-mẽ. Vì thế nên họ cho đày Ngài ra hải ngoại.

Trong lúc ở hải ngoại, người ta bắt Ngài đi làm việc và chăn heo, cũng như những tội nhân thường phạm khác. Hễ mỗi sáng sớm, mỗi người phải lùa lên núi hai con heo cho ăn, rồi chiều đến lại lùa về.

Khác hơn các tù-phạm, Ngài chỉ kêu hai con heo mà người ta đã cắt cho Ngài lại mà dặn nó sau khi đi ăn rồi phải về. Thế là hai con heo râm-rấp vâng lời, khỏi phải phiền Ngài đi theo giữ như kẽ khác.

Ở đây một thời-gian, Ngài bị nhà chức-trách Pháp cho uống nước cường-toan (eau régale) là một chất độc giết người, nà Ngài vẫn thêm mạnh. Lại xét thấy Ngài hiền lành, không có gì đáng cho là nguy-hiểm lắm, họ bèn tha Ngài về.

Trước khi xuống tàu về xứ, có người tù-phạm tên là Quăng - bấy lâu cũng bị đày như Ngài – than-thở rằng không biết số-phận của y sẽ ra sao, và bao giờ mới được về quê-quán. Ngài thấy vậy bảo Quăng đừng lo gì cho nhọc, nội trong bảy ngày nữa cũng sẽ được thả ra như Ngài vậy. Quả thật đúng y như lời Ngài nói, một tuần sau Quăng được đưa về.

E. Trở về Tà-Lôn

Sau lúc được trả tự-do, Ngài được người Pháp phát cho một cây súng hai lòng để đi săn chơi, song họ buộc Ngài mỗi một tuần lễ, cứ lệ ngày thứ hai thì phải có mặt để trình diện. Ngài tuy theo lịnh nhưng vẫn còn có thì giờ trở về sốc ở Tà-Lôn mà cứu độ bịnh nhân và nhắc-nhở cho người đời sớm lo tu-tỉnh.

Nơi đây Ngài thường lên núi lấy sáp đem về để xe đèn trị bịnh. Người ta không biết sáp ở đâu mà hễ cứ mỗi lần Ngài đi lấy thì những người đi theo không tài nào gánh hết được.

Cũng nơi vùng Thất-Sơn, có một lần Ngài sắp đặt một cuộc cúng tế có đông đủ tín-đồ. Người nhà than rằng không thể nào lo được chén bát để dọn ăn cho đủ. Ngài bảo rằng không hề chi, trên non không thiếu những vật ấy.

Thế rồi hôm sau, Ngài cho ít người môn-đệ đem gióng gánh theo chân Ngài lên núi để mượn đồ. Ngài dẫn đến một nơi nọ có hầm sâu, cây cối chung quanh sầm-uất, rồi chỉ cho họ lấy, và dặn muốn lấy bao nhiêu tùy ý, nhưng hãy đếm để về sau hòng trả lại co đủ.

Khi xong đám, mấy người tín-đồ quảy gánh chén bát lên núi để trả lại chỗ cũ, nhưng có điều rất lạ là họ cố tìm mà không gặp được chỗ hầm đã lấy, họ đành phải gánh trở về. Sau phải nhờ Ngài dẫn lên chỉ chỗ mới trả được.

Cứ nhiều lần như vậy, nên trong tín-đồ của Ngài có người đưa ý-kiến chặt cây và cột gút cỏ lại để làm dấu, rồi đợi khi vắng Ngài, họ lén lên tìm coi. Nhưng họ cũng thất vọng, những dấu họ làm bữa trước không sao kiếm được, mặc dần họ là đám người rất quen thuộc đường rừng.

Để cho phân biệt được tín-đồ của Ngài và tín-đồ các tôn-phái khác, Ngài phát cho mỗi người đệ-tử một bâu áo có hai khuy hai nút, còn những thân-chủ đến trị bịnh thì Ngài chỉ cho một khuy một nút mà thôi.

G.Trường-hợp tịch-diệt

Ngài ra đời giáo đạo được bảy năm thì tịch-diệt nhằm ngày 21 tháng mười một năm Ất – Hợi (1875). Ngày còn lưu lại cho đời một bổn « Sấm-Giảng » khuyên đời tu-niệm và tiên đoán việc thời-cơ.

Lúc Ngài tịch, có xảy ra một việc rất lạ, tưởng không thể bỏ sót được.

Một hôm, trước ngày tịch diệt, Ngài cho vợ con và tín-đồ biết trước rằng Ngài sẽ về cõi Phật. Thế rồi Ngài bỏ nhà lên núi mà không trở về.

Sau mấy hôm quá ngày trình diện mà không thấy Ngài đến, quân Pháp cho lính vào tận sốc Lương-Phi tìm kiếm, và sau khi nghi nghe nói Ngài đã tịch rồi, họ nhứt định cho là nói dối, bèn bắt hết cả vợ con của Ngài giải về Châu-Đốc, buộc phải có mặt Ngài thì họ mới thả vợ con ra.

Trước tình-trạng rắc-rối ấy, có người tín-đồ trung-thành của Ngài tên là ông Việm hết lòng nguyện vái rồi lặn-lội lên vùng Thất-Sơn, để tìm Ngài mà cầu xin giải-cứu.

Sau mấy hôm tìm kiếm hết sức vất-vả, ông Việm mới gặp được Ngài đang ngồi trong hang đá, cùng nói chuyện với những bậc dị-nhân.

Thấy ông Việm, chưa đợi ông nầy tường-thuật, Ngài tự nhiên đã hiểu rồi. Ngài bảo ông Việm hãy về trước rồi Ngài sẽ theo sau, và dặn rằng Ngài chỉ rán độ cho một phen nầy, sau thì tự liệu lấy.

Khi đến nhà, Ngài bảo tín-đồ đóng cho một cái hòm, rồi tự mình trải vào một cái khăn bằng vải rất rộng. Xong, Ngài vào nằm trong đó, sai người dậy nắp lại cẩn-thận rồi đi báo cho Pháp hay.

Được tin đã kiếm được xác Ngài, quân Pháp kéo vào xem-xét, thì quả nhiên, nhưng họ chưa tin rằng chết thiệt, bảo cứ gác thẻ dưới nắp hòm rồi để đó, hễ vài ba ngày thì họ vào một lần để dở ra khám nghiệm.

Sau khi đã khám-nghiệm đủ cách mà không thấy Ngài còn có chút gì là người sống - mặc dầu xác Ngài vẫn không hôi-thối – nhà cầm quyền Pháp thả hết vợ con Ngài ra , rồi hạ lịnh đem chôn Ngài, trước mặt cho họ trông thấy.

Từ ấy về sau, Ngài không có trở về nhà nữa. Nhưng thỉnh-thoảng Ngài có cho người ta xem thấy Ngài còn lảng-vảng trong vùng Thất-Sơn.

Hiện giờ, nghe đâu Ngài còn có một người tín-đồ đàn-bà ở tại sốc Tức (1), - tục gọi là bà Bảy, sống hơn một trăm tuổi mà vẫn còn khoẻ-mạnh, lại cứ một ngày một trẻ dần, đọ với con bà người ta thấy bà trẻ hơn nhiều. Nghe nói bà có xin phép

---------------------
 1.Ngả ba ông Cấm đi Ba-Chúc, đi rẽ về phía Tịnh-Biên lối một ngàn thước thì đến nhà bà Bảy.
---------------------

«  Ơn-Trên » để đi vào viếng cảnh trong ruột núi Cấm, nhưng chưa được lịnh, chẳng biết có quả thật như vậy không !

Trong khi đi sưu-tầm tài-liệu cho quyển sách nầy, vì tình-thế khó-khăn không cho phép, nên chúng tôi chưa đến tận mặt bà được. Xin chờ lại một dịp sau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn