2- Danh hiệu Thất Sơn .

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 48778)
2- Danh hiệu Thất Sơn .

A - Bảy núi là gì ?

Nói đến Thất Sơn thì ai ai cũng có cảm giác rằng vùng nầy chứa đựng biết bao huyền bí mà người nào có háo kỳ đến đâu cũng khó mà tìm hiểu cho tận tường . Không cần nói chuyện xa vời , nội một vấn đề danh hiệu cũng đủ làm cho ta mệt trí . Ngay những người ở Châu Đốc nếu tình cờ các bạn bảo họ kể thử danh hiệu Thất Sơn thì chắc chắn sẽ có nhiều người lúng túng …

Thất Sơn là Bảy núi . Như Bảy núi là núi nào với núi nào ?

a- Theo ông Lương Văn Phụng ( tục gọi là Chín Tròn ở thôn Vĩnh Thạnh Trung ( Châu Đốc ) , trước kia theo tông phái Hiếu Nghĩa và nay là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thì Thất Sơn là :

1- Anh Vũ Sơn ( nuí Két ) .

2 - Ngũ Hồ Sơn ( núi Giài 5 giếng , ở gần núi Két ) .

3- Thiên Cẩm Sơn ( núi Gấm hay núi Cấm ) .

4- Liên Hoa Sơn ( núi Tượng ) .

5- Thủy Đài Sơn ( núi Nước , một hòn núi thấp và nhỏ , gấn như đất bằng ( vì cao không đầy 50 thước ) ở gần núi Tượng , tại đó có cất một cái chùa ) .

6- Ngọa Long Sơn ( núi Dài ) .

7- Phụng Hoàng Sơn ( núi Tôi ) .

b -Theo ông Hồ Biểu Chánh thì tuy gọi là “Bảy Núi” song đếm cho hết các chỏm cao thì thấy cả chục có đầu chứ không phải bảy . Người xưa có đặt cho mỗi chỏm cao một cái tên riêng như : núi Tà chiếu , núi Trà Nghịch , núi Tượng , núi Thốt, núi Ca Âm , núi Năm Sư , núi Khê Lập , núi Ba Xoáy , núi Ngất Sung , núi Nam Vi , núi Doài Tốn , núi Chơn Sum .

Đó có lẽ là hồi mới khai mở tỉnh An Giang quan tổng đốc viết sách địa dư dưng lên triều đình đã do theo thổ âm hoặc hình thế hay phương hướng mà đặt tên cho các ngọn núi trên đây . Mặt khác , dân chúng ở miền sơn cước nầy , vì không biết được sách địa dư nói trên , hoặc vì trọng phong tục hơn sử sách nên gọi là núi Trà Sư , núi Két , núi Dài , núi Tượng , núi Bà Đội Om , núi Ông Tô ; còn mấy hòn núi cao nằm khoảng giữa ( Ba Xoài , Ngất Sung , Nam Vi , Đoài Tốn ) thì họ kêu chung là vùng núi Cấm .

c - Theo một nhà khảo cứu ngoại quốc thì Thất Sơn gồn có : Núi Trà Sư , núi Két , núi Bà Đội Om , núi Cấm , núi Dài , núi Tượng , núi Tô .

Giờ đây , chúng tôi xin nói sơ lược về vị trí của bảy hòn núi vừa kể trên ( kể từ phía Châu Đốc đi vô ) :

1 - Núi Trà Sư ( cao 50 thước , chiều dài 600 thước , chiều ngang 300 thước ) thuộc địa phận thôn Nhơn Hưng tổng Qui Đức quận Tịnh Biên , ở gần chợ nhà Nhà Bàng . Núi nầy có tên là Trà Sư là vì có lẽ một vị tu sĩ tên Trà đã lên đây tu đắc đạo .

2 - Núi Két ( cao 225 thước , chiều dài 1.100 thước , chiều ngang 1.000 thước ) thuộc địa phận thôn Thới Sơn , tổng Qui Đức quận Tịnh Biên , ở gần chợ Nhà Bàng . Sở dĩ núi nầy lấy tên là núi Két là vì nó có một mỏm đá lớn giống hình mỏ Két ( anh vũ ) .

3 - Núi Bà Đội Om ( cao 251 thước , chiều dài 2.400 thước , chiều ngang 600 thước ) thuộc địa phận thôn Tú Tề tổng Thành Ý , quận Tịnh Biên , ở phía tả đường lộ tỉnh , Núi nầy được đặt tên như thế là gì giống hình một người đàn bà đội cái om .

4 - Núi Cấm ( cao 716 thước , chiều dài 7.500 thước , chiều ngang 6.800 thước ) nằm trên địa phận bốn thôn Vĩnh Trung , Thuyết Nạp ( tổng Thành Ý , quận Tịnh Biên ) , Nam Qui ( tổng thành Lễ ) , và Châu Lang ( tổng Thành Nghĩa ) , quận Tri Tôn . Nó ở giữa núi Bà đội Om và núi Dài .

Núi nầy xưa kia lấy tên núi Gấm ( Thiên Cẩm sơn = núi gấm trời , có lẽ vì các rặng cây xanh và các chỏm đá trắng trên núi bị “ tứ vi ây phủ nhiễu đoanh” nên hiện ra màu gấm vóc đẹp xinh . Nhưng sau nầy , cái tên núi Cấm lại được phát hiện . Chung quanh cái tên núi nầy , nhiều giả thuyết đã được đưa ra :

a - Có người bảo rằng : Hoàng tử Nguyễn Ánh ( sau nầy là Hoàng đế Gia Long ) khi xưa thất trận bị quân Tây Sơn truy nã gắt gao , có đến ẩn náu trong núi nầy. Muốn cho sự ẩn lánh không bị tiết lộ , các quan ( của nhà vua ) ra lịnh cấm dân chúng vào núi nầy , viện lẽ nơi đó có nhiều yêu tinh và lắm độc xà ác thú . Danh từ núi Cấm được xuất hiện là vì cớ đó .

b - Có người lại nói rằng , sở dĩ tên núi Cấm được đặt ra là vì vùng nầy cao nhứt , cây cối mọc tràn lan dày bịt , đá nằm ngang dọc gồ ghề , khi trước không thấy khoảng trống , chẳng có đường mòn , khó cho nhà chức trách đến mà khám xét được . Cảnh hoang vu tịch mịch đó rất thuận tiện cho những tay “ Lương Sơn Bạc” tụ tập để gây rối cho xóm làng và các vùng phụ cận . Muốn giữ được sự yên tịnh cho dân tình , nhà chức trách ở tỉnh đương thời mới đem ra lịnh cấm họ ở trong vùng nầy . ( Cái thuyết nói tướng cướp Đơn Hùng Tín bị sở Mật Thám Mỹ Tho hạ sát năm 1926 – cấm dân gian bén mảng đến núi nầy , nơi hùng cứ của y , chắc là không đúng ) .

c - Cũng có người cho rằng tên núi Cấm sở dĩ có là vì Đức Thầy Tây An tiên tri ngày sau tại đây sẽ có đền vàng điện ngọc của Minh Hoàng nên Ngài cấm chư đệ tử cất chùa hay ở trên núi nầy , để tránh sự làm ô uế núi non trong khi đại tiện hay tiểu tiện . Chúng tôi xin nói thêm rằng về khoảng nầy , Đức Giáo Chủ cũng có dặn tín đồ Ngài như thế .

5 - Núi Dài hay núi Giài ( cao 580 thước , chiều dài 8.000 thước , chiều ngang 4,500 thước ) , nằm trên địa phận bốn thôn Châu Lang , Lương Phi , Ba Chúc , Lễ Trí , tổng Thành Ngãi , quận Tri Tôn . Người ta đặt tên như thế là vì núi nầy dài tới 8 cây số ngàn .

6 - Núi Tượng ( cao 145 , chiều dài 600 thước , chiều ngang gần 400 thước ) , thuộc thôn Ba Chúc ( tổng Thành Ngãi , quận Tri Tôn ) , ở gần núi Dài . Người ta kêu núi Tượng vì nó giống hình con voi .

7 - Núi Tô hay Cô Tô , hay Ông Tô ( cao 614 thước , chiều dài 5.800 thước , chiều ngang 3.700 thước ) , nằm trên địa phận bốn thôn Tri Tôn , Cô Tô , Ô LâmAn Tức ( tổng Thành lễ , quận Tri Tôn ) và ở gần biên giới hai tỉnh Hà Tiên , Rạch Giá . Sở dĩ có tên trên đây là vì núi nầy giống hình cái tô lật úp .

Để kết luận đoạn nầy , chúng ta thử hỏi : Trong ba vị đã kể danh hiệu Thất Sơn , ai là người hữu lý hơn hết ? Chúng tôi tưởng không dễ gì xét đoán , bởi vì :

a - Ông chín Tròn kể đủ bảy danh từ rất văn chương và có thi vị ( dường như ông kể đúng hơn hết ? Nhưng tại sao núi Trà Sư , núi Bà Đội v. v… lại không được kể tới ?

b - Ông Hồ Biểu Chánh kể tới 12 danh từ lạ tai , nhưng không biết phải áp dụng danh từ nào vào núi nầy cho đúng .

c - Còn nhà khảo cứu ngoại quốc nói trên thì mặc dù kể bảy danh hiệu , nhưng chẳng biết tại sao không nói đến núi Giài 5 giếng , núi Xuân Tô , núi Tà Bác ( hay núi Phú Cường ) , núi Nam Vi , núi voi ( Bà Khẹt ) v. v… ?

Âu cũng là một điều huyền bí !

B - Năm non là gì ?

Ai ai cũng nói đến Năm Non Bảy Núi , nhưng bảo kể danh hiệu Bảy Núi thì ít có người kể được . Còn nói đến Năm Non thì rất it1 người biết nó là gì . Theo kết quả sự tìm hỏi của chúng tôi thì Năm Non là Năm cái chỏn cao ( vồ ) của Núi Cấm . Năm cái vồ ấy là :

1 - Vồ Bò Hong

( vì xưa kia ít người lai vãng , giống bò hong sinh nở nhiều vô số ở tại vồ nầy ) , cao 716 thước , ở về hướng tây ) .

2 - Vồ Đầu

( phải chăng vì là cái vồ đâu tiên mà người ta gặp được khi lên núi do ngã chợ Thum Chưn ) cao 584 , ở về hướng Tây Bắc .

3 - Bà hay Phnom Barech

( vì ở đây có một cái điện thờ bà Chúa Xứ ) cao 579 thước , ở về hướng Nam .

4 - Vồ Ông Bướm

( vì xưa kia Ông Bướm Ông Vôi có về ẩn náo nơi đây ) , cao 480 thước , ở về hướng Bắc .

5 - Vồ Thiên Tuế

hay Phnom Prapéal ( vì ở đây có nhiều cây thiên tuế ) , cao 514 thước , ở về hướng Đông .

Để kết luận đoạn nầy , chúng tôi xin nhấn mạnh về sự quan trọng nhứt của Núi Cấm , một hòn núi mà từ trên không dòm xuống ta thấy chu vi chân núi vẽ thành một cái hình tam giác ba cạnh bằng nhau .

Trong những đoạn sau , chúng tôi sẽ nói nhiều về núi nầy .

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn