Tư tưởng cách mạng thoát thai từ đạo Phật

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 41182)
Tư tưởng cách mạng thoát thai từ đạo Phật

 

Tư tưởng cách mạng vừa nêu ở đoạn trên thoát thai từ Giáo Lý của Đức Thích Ca Mâu Ni, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tuyên bố tỏ rõ trên nhật báo Quần Chúng, số ra ngày 14-11-1946, như sau:

 

“Tôi, một đệ tử trung thành của đạo Phật, một chiến sĩ trì chí của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, sẵn sàng cùng đoàn thể mình cương quyết đứng dậy đáp lại tiếng gọi của non sông, cương quyết tranh đấu để bảo vệ quyền lợi chung cho nòi giống...

 

Đối với toàn thể tín đồ Phật giáo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca, tôi tin chắc rằng Giáo Lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở chốn thiền lâm mà còn phải thực hiện trên trường chánh trị”.

 

Song song với bổn phận báo ân đất nước Đức giáo Chủ còn chủ trương cách mạng xã hội để phụng sự một cách đắc lực cho đồng bào và nhân loại mà Ngài đã có dịp nêu ra trong phần sau hết của tứ đại trọng ân.

 

Ta hãy đọc qua một đoạn trả lời của Đức Giáo Chủ tại chiến khu miền đông, trong một cuộc phỏng vấn của báo Nam Kỳ do lý giả Hồn Quyên phụ trách, số ra ngày 29-11-1946 tại Sài Gòn, khi Ngài được hỏi về lý tưởng chánh trị của Ngài có liên quan với Giáo Lý nhà Phật không:

 

“Theo sự nhận xét của tôi về Giáo Lý nhà Phật do nơi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng lấy chủ nghĩa từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nồng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng; vì những câu “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhứt thể bình đẳng với chúng sanh”. Đã có những sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhân gian này còn có chúng sanh tiền tiến áp bức chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những Giáo Lý chơn chánh ấy. Giáo Lý đó, Đức thích Ca Mâu Ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã hội của Ấn độ xưa không thuận tiện. Thế nên Ngài chỉ phát dương cái tinh thần đó mà thôi. Ngày nay, trình độ tiến hóa của nhơn loại đã tới một mực khả quan, đồng thời với tiến bộ về khoa học thì ta có thể thực hành Giáo lý ấy để thiệt hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo. thế nên với cái tâm hồn bác ái, từ bi mà tôi đã hấp thự, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới, để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn