Với thực dân

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 40113)
Với thực dân

 

Năm 1939, tức âm lịch Kỷ mão, Đức Giáo Chủ mở đạo. Mối đạo vừa phát dương dù với chủ trương đường lối rõ rệt là “dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh cho kẻ có căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị với trăm quan” để mọi người lánh dữ làm lành quy y Phật pháp, nhưng thực dân vốn là “con chim sợ tên” đối với dân tộc Việt này, nên bất cứ sự quần tụ, kết đoàn nào, là cấp thời đàn áp, muốn dập tắt ngay.

 

Còn ai lạ gì thủ đoạn của kẻ ngoại bang thống trị đối với các tôn giáo xứ này. Lần dỡ những trang sử các đạo giáo miền Nam, chúng ta thấy ngay từ khi Ngài Ta Paul tức Đức Phật Trùm (cũng gọi là ông Đạo Đèn) xuất hiện ở núi Tà Lôn (miền Thất Sơn) khoảng 1868, thì thực dân đã bắt đầu đàn áp. Người ta đã đày cụ Ta Paul ra hải ngoại và hành hạ đủ điều, không cho tông phái này có cơ bành trướng. Kế đến Ngài Ngô Lợi (tức Đức Bổn Sư, Giáo tổ tôn phái Hiếu nghĩa hóa hiện cứu đời 1830 – 1890) cũng bị quân Pháp nhiều lượt bao vây lùng bắt. Rồi đến Ngài Nguyễn Đa tức Cử Đa và Ông Sư vãi Bán Khoai v.v... cũng không khỏi sự dò la, lùng bắt của bọn người xâm lược.

 

Chính vì chủ trương của người Pháp như thế, nên khi dò biết Đức Giáo Chủ được đông đảo quần chúng ngưỡng mộ, là họ lập tức ra tay. Trước hết họ dời Ngài xuống Sa Đéc (tháng 4 Canh thìn 1940), rồi kế đến sang kinh xáng Xà No Cần Thơ (tháng tư canh thìn), lên nhà thương Chợ Quán (tháng 6 Canh thìn), xuống Bạc Liêu (tháng 5 Tân Tỵ 1941), và sau cùng họ đày Ngài sang Lào (1945).

 

Nhưng có một điều quan hệ đáng nói là:

 

Càng đi càng biết nhiều nơi

Càng đem chơn lý tuyệt vời phổ thông

 

Đi đến đâu Đức Giáo Chủ đều được cơ hội khuyến tu, thuyết giáo. Tại Sa Đéc, trong khi Bazin, chủ sở mật thám có phận sự điều tra, theo dõi Ngài thì trái lại, vợ của Bazin và nhiều nhân vật tên tuổi khác tôn kính, quy y. Các nơi khác như Cần Thơ, Chợ Quán, Bạc Liêu... đâu đâu Ngài đều được quần chúng theo về tấp nập. Hội đồng Điều, Bác sĩ Tâm, Ông Ký Giỏi, Hương bộ Thạnh là những người có thế lực, đang lệ thuộc trong bộ máy cai trị của Pháp đương thời, đã quy y với Đức Giáo Chủ và tự nhiên trở thành những người đứng trước, đầu sóng ngọn gió, không ngại sự liên lụy nguy nan. Bao nhiêu tín đồ từ Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc... càng bị khủng bố ác liệt, họ càng có sức chịu đựng phi thường. Hương Cả Đào Thánh Đô bị đày đi Côn đảo, nhiều phần tử trung kiên và càng khiến họ thêm kết đoàn chặt chẽ trên đường tín ngưỡng.

 

Thì ra thực dân đã thử sai bài toán: họ tưởng đâu cầm chân Đức Giáo Chủ để chận đứng phong trào, nào ngờ bậc siêu phàm kia chẳng chút lòng lay dao động.

 

Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn

Miễn sanh chúng thông đường giải thoát

Cơn giông tố mịt mù bụi cát

Chẳng nao lòng của đấng từ bi

 

Và kết quả là số tín đồ của Đức Giáo Chủ mỗi lúc mỗi thêm đông đảo. Tiềm lực tự tồn đã bắt nguồn trong tín ngưỡng và được trưởng dưỡng bởi những động lực tinh thần của Sấm kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn