Đức Giáo Chủ có mục đích gì khi dùng lối văn ấy?

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 41655)
Đức Giáo Chủ có mục đích gì khi dùng lối văn ấy?

 

 Bình tĩnh mà xét, bắt đầu từ Vạn Hạnh thiền sư, Trạng Trình, La Sơn Phu Tử, Phật Thầy Tây An và Chư Tổ Sư cho đến gần đây Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, trước hết, ta thấy giữa thời hôn quân tác quái, Lê Long Đỉnh từng dám đạt mía lên đầu nhà sư mà róc, từng bắt người trèo lên cây cao rồi đốn gốc cho ngã xuống dập xác để mua cười, thì một câu nói sơ hở do một sự buột miệng gây nên cũng đủ chết cả dòng họ chứ đừng nói chi là những âm mưu hay tác động chống chế chánhquyền. Do đó mà bao nhiêu sách lược để làm một cuộc đảo chánh nhân đạo đã được Thiền Sư Vạn Hạnh gói gọn vào những vần chánh thi.

 

Còn Trạng Trình, sống giữa thời đại nhiễu nhương, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn bên nào trước sau rồi cũng nối tiếp mà có thế lực to, nếu không là hạng thức thời cứ thật như đười ưoi, thẳng như ruột ngựa, không dùng lối nửa úp nửa mở để chỉ vẽ, thì làm sao mà đứng vững đuộc và tiến xa được trong cái thế rất khó khăn rắc rối giữa bao tư tưởng đối lập và giữa các triều đình?

 

Đến như trường hợp La Sơn Phu Tử, thì tác dụng của lối văn trên lại càng cần thiết.

 

Con người đanh thép như vua Quang Trung mà phải xem cụ là bậc thầy, rồi đến vua Gia Long là tay đầu mưu lược, thế mà vẫn phải tôn trọng, mặc dù nhà vua đã biết rằng Phu Tử đã từng giúp rập cho Tây Sơn, thì ta đủ rõ được rằng trong lẽ xuất sử với những lời chỉ giáo hư thật phi thường phải có công năng chẳng ít.

 

Đức Phật Thầy Tây An đá tránh né khá nhiều trong cách ăn nói, như ta vừa thấy. Thế mà Ngài còn chưa hoàn toàn thoát khỏi cái nghi án tà gian đạo sĩ trong buổi khai thông đại đạo, cho nên thế tất Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư, Ông Sư Vãi cũng không sao không dùng cách ấy cho được.

 

Riêng về Đức Giáo Chủ lối viết nửa thực nửa hư lại còn cần thiết nhiều hơn. Bởi vì giữa hồi bị trị, mọi tác động có ý nghĩa đắc nhân tâm, cho dẫu là hạng tay sai thực dân, cũng là bị dòm dỏ, huống chi đắng này Đức Giáo Chủ với mục đích hoằng khai một mối đạo, mà không có cách áp dụng khéo léo như vậy để cho đối phương không để ý và không khủng bố gắt gao thì làm sao hơn?

 

Trường hợp thứ nhất, trong bài Diệu Pháp Quang Minh viết năm 1940, có những câu:

 

Đạo mở cửa bày câu minh mục

Nước Ma ha tưới tắt lòng phàm

Cõi Trung Ương luân chuyển phương Nam

Mở hội Thánh chọn người trung hiếu

Tử vì nước còn ghi linh miếu

Thác vì đời thanh sử danh bia

 

Như khi đưa ra, để tránh sự khó dễ của thực dân, đối với những người lương thiện ưa Kính trọng Phật, nên Đức Giáo Chủ bảo phải đổi lại câu “Tử vì nước còn ghi linh miếu” thành ra “Tượng Quan Thánh còn ghi linh miếu”

 

Chỉ mỗi một câu ca ngợi tinh thần trung hiếu của một số người xưa trong lịch sử, cũng phải dè dặt giữ kín, thế mà cũng không tránh khỏi hoài nghi, không khỏi sự câu lưu hoặc an trí nơi này nơi nọ. Thử hỏi nếu Đức Giáo Chủ cứ ngang nhiên tác động, cứ tỏ rõ lập trường mở Đạo giảng dân, thì kẻ thống trị bấy giờ thẳng tay đàn áp là bao?

 

Trường hợp thứ hai, ngày mùng một tết năm Canh Thìn (1940), một năm mà thế giới đang sôi động vì đại chiến thứ hai đang tàn hại sinh linh, và nhân dân các nước nhược tiểu cũng đều đang vùng dậy để tự cứu mình, Đức Giáo Chủ cảm xúc vì nước Việt Nam thân yêu vẫn còn bị nặng đè dưới gông cùm thống trị và ngọn cờ ba sắc củqa Pháp vẫn phất phới một cách tự do, nên đã khẩu chiếm bài thơ sau đây:

 

Tam sắc cờ bay phất phới mà

Ngồi nhìn nhớ kỹ héo lòng ta

Thuở xưa đâu có cờ tam sắc

Một cảnh vong bang ứa ruột rà...

 

Tuy ngẫu hứng như trên, nhưng khi đến nhà thương Chợ Quán, Đức Giáo Chủ đã có thư về dạy phải đổi lại, nguyên văn như sau:

 

Tam sắc cờ bay phất phới mà

Ngồi nhìn khoăn khoái cõi lòng ta

Thuở xưa đâu có cờ tam sắc

Nay hiệp Tây Đông thể ruột rà.

 

Anh em tín đồ ngơ ngẩn không rõ vì sao lại có sự đổi thay lạ lùng như thế, nhưng chỉ có cách là im lặng, nghĩ suy đợi chờ xác nhận mà thôi.

 

Thì bỗng một hôm, Cai Tổng Pho, một chức trách đang cầm quyền trong Tổng An Lương đương thời, phải đích thân đến nhà Đức Ông, thân sinh của Đức Giáo Chủ để điều tra về bài thơ Cờ Tam Sắc nói trên. Cai Tổng Pho toan làm khó dễ Đức Ông, bảo rằng bài thơ đó lính kín Pháp cho biết là Đức Thầy cố tình chống Chánh phủ.

 

Giữa lúc ấy sẵn có nhiều người, Đức Ông liền bảo ông Nguyễn Chí Diệp, một tín đồ thường được hầu hạ bên cạnh Tôn Sư, đọc bài Cờ Tam Sắc cho Cai Tổng Pho nghe. Ông Diệp liền chậm rãi đọc lên bài thơ mà Đức Thầy mới gởi về.

 

Cai Tổng Pho nghe xong, vừa ý, vỗ tay nói lớn:

 

-“Vậy mà người ta lại đọc khác chớ!”

 

Thế là huề cả làng! Thế là anh chị em tín đồ thêm một lần nữa, tin tưởng hơn lên về sự tiên đoán và đức thận trọng của bậc Chân Sư.

 

Đến đây chúng ta có thể xác định được rằng, sự thật hư, sự không cần niêm luật, sự chẳng nói cao xa, trong thơ văn của Đức Giáo Chủ, là một dụng ý rõ rệt của ngài với mục đích làm cho thực dân cũng như bất cứ ai là kẻ đối nghịch tư tưởng, sẽ xem Ngài là hạng tầm thường, không có khả năng gì để tiến vững và tiến xa để cho Ngài và bổn đạo Ngài không mắc vào những trở ngại lớn, đồng thời, Ngài cũng dụng tâm gây sự chú ý cho những ai quyết lòng suy nghĩ về Đạo của Ngài.

 

Riêng về lối viết bình dân giản dị, đôi câu mang tính chất vần vè, không cần lựa chữ, cũng là một chủ tâm khác nữa của Ngài chứ không phải vô tình. Chúng ta có thể thấy rõ được chủ tâm đó như sau:

 

-Phải có lối bình dân giản dị mới làm rung động được những tâm hồn phác thực trong lành.

 

-Phải có tính chất vần vè mới gợi cảm được những quả tim mà từ khi còn ở trong nôi, đã từng biết nghe những câu hát ru em qua tiết điệu Ca dao, thơ Vân Tiên, vè Sáu Trọng.

 

-Phải có những tiếng nói, nói được cái nói của gã chèo đò, của cô hàng nước, của bác nông phu, mới có tác dụng kích động tâm tính hồn nhiên của những hạng người ấy một cách chân thành.

 

 

Chúng ta có thể quả quyết rằng sự thực hư và lối vần vè trong Thi Văn Sấm Giảng của Đức Giáo Chủ là một chủ trương của Ngài, một phương thức mà Ngài có mục đích làm cho ngoại nhân không thể dòm tìm, xét đoán được; còn người tầm đạo thì sẽ hết lòng chú ý, theo đuổi mà nghĩ nghiệm ra (1)

 

 

Thật vậy, người ta đã nghi Ngài có thể thành công phương tiện tôn giáo vì có hàng đợt sóng người kéo đến quy y, nhưng khi cho lệnh xét qua Sấm Giảng Thi Văn, kẻ vô tâm không tàoi nào khám phá nổi mục đích của tác giả muốn gì và định làm gì trong mai hậu, bởi họ không hề nắm được một Giáo Pháp rõ ràng trong kho tàng Pháp bảo mà Đức Thày đã đưa ra.

 

Người ta cũng có nghi Ngài sẽ làm chính trị, nhưng khi phái người rình dò từ sinh hoạt đến những buổi Thuyết Pháp thì lại được thấy toàn những mập mờ khó hiểu, đôi khi như cuồng loạn đảo điên, khiến họ không biết phải trừng trị phải áp đảo bằng lẽ gì!

 

Lắm lúc quá bực vì những tờ báo cáo của hạ cấp, người ta ngờ là Ngài khùng điên thật y như lời Ngài tự xưng, nên cho lệnh dời ngày đến nhà thương Chợ Quán để phân tích bệnh trạng. Như vị bác sĩ ở đây đã ngẩn ngơ không tìm được bệnh, rồi lại quy y luôn với Ngài, khiến họ chỉ còn có cách giữ Ngài lại để thời gian giải đáp.

 

Sự thật, thời gian đã giải đáp được một cách rạch ròi, từ năm 1945 đến nay:

 

-Ngài là một Giáo chủ gương mẫu.

 

-Ngài là một lý thuyết gia quần chúng.

 

-Ngài là một nhà cách mạng chân chánh.

 

 

-Ngài là một thi sĩ tài hoa.

 

Nếu muốn nhận định một cách sâu sắc và tế nhị hơn, ta phải thấy những gì thực hư úp mở từ 1945 từ trước đã không còn trong những sáng tác phẩm của Ngài từ đó trở đi. Ta sẽ không lấy làm lạ ở hiện tượng đó là vì từ 1945 về sau, tình thế đã trăm phần sai khác.

 

Ngài cũng đã nhiều lần hé lộ huyền cơ qua dụng tâm ấy –sự dụng tâm “lập chí hiền nhân” mà không cho đối phương nắm được chủ đích- trong Thi văn của Ngài:

 

Hò xang xự xế

Mắc kế Trương Lương

Tự Giác thôn hương

Qua dương cơ khí

Lập chí hiền nhơn

Nên mới “có cơn”

 

hoặc là:

 

Thấy “điên khùng” làm như sắt nguội

Chẳng tranh đương nó lại khinh khi

Ngó về Tây niệm chữ từ bi

Cười trần thế mê si thái hóa!

 

Một chứ cứ cụ thể nữa để làm sáng tỏ thêm vấn đề, là năm 1943, khi có dịp bàn đến sự lễ bái, Đức Thầy đã có nói với đồng đạo Lương Trọng Tường (Hội trưởng Trung Ương) lúc đó đang ở bên cạnh Ngài, một câu như vầy:

 

“Sở dĩ thầy chưa cho lịnh thống nhứt về cách lễ bái là vì Thầy không muống người ta trông vào cách lễ bái đó mà nhận ra là tín đồ P.G.H.H.”

 

Vậy thì các sử gia, hoặc văn học sử gia, cũng như bất cứ ai muốn tìm hiểu Đức Huỳnh Giáo Chủ, đều không thể nào tách rời cái dụng ý hư hư thực thực và vần vè trong Thi Văn Sấm Giảng của Ngài mà xét nhận một cách đúng đắn được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn