Thuyết Pháp Để Truyền Giáo

20 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 42921)
Thuyết Pháp Để Truyền Giáo

Sau ngày “chịu lịnh Tây Phương thọ ký”, tức 18-5 Kỷ Mão, Đức Giáo Chủ ít trầm mặc và nói nhiều hơn xưa, gặp ai Ngài nói nấy. Ngài nói về sắc diện, tính tình và tương lai của người đối thoại, để gần cuối câu chuyện, Ngài khuyên làm lành, lánh dữ và nên tin Phật, xem Kinh.

Ngài luôn luôn khiêm tốn trong cử chỉ, văn từ và rất mực bình dân, nhũn nhặn với bất cứ người thân sơ, cao thấp. Riêng đối với hạng người quyền thế, Đức Giáo Chủ không hề có cử chỉ khúm núm hoặc dùng những tiếng “bẩm” tiếng “ngài” như thời lệ.

Biết bao người có khuynh hướng Cộng Sản đến chất vấn Đức Giáo Chủ, họ lấy làm khâm phục vì Ngài đã nói thấu ruột gan, và còn giải thích, biện luận rõ ràng để đánh đổ cái học thuyết Mác Lê mà người ta đang theo ấy.

Thế là trong số thập phương thiện tín tới viếng Đức Thầy, ngoài những người xin bùa, thỉnh thuốc, từ ấy lại có thêm nhiều người đến để hoặc nghe Ngài giảng giải giáo lý nhiệm mầu, hoặc dọ sức thử tài xem coi sở kiến của Ngài có áp phục được họ chăng.

Trong số những tay cự phách của làng nho, cùng những tay quyền quý tân học đang làm việc cho Pháp đến với Ngài, ta có thể kể Chủ Quận Tân Châu Nguyễn Văn Lễ, Chủ Quận Chợ Mới Lê Tấn Nẫm, y sĩ Nguyễn Kỳ Trân, thi sĩ Huỳnh Hiệp Hòa, Hương cả Đào Thành Đô và nho gia Phan Văn Cơ... Những vị nầy sau một lần gặp Đức Giáo Chủ thì đều phục tài kính đức.

Chúng tôi xin dẫn một giai thoại về chuyện ông Nguyễn Kỳ Trân thử tài Đức Giáo Chủ để bạn đọc đồng lãm.

Ông nầy ở Định Yên (Long Xuyên) là một bực thâm nho đầy lòng ái quốc, ông thấy nước nhà đang bị xâm lăng mà Đức Giáo Chủ lại ra đời với công việc cứu bịnh và truyền giáo thì không bằng lòng. Theo ông, tôn giáo sẽ làm nhụt chí phấn đấu của quần chúng, và cứu nước mới quan trọng chớ cứu bịnh chẳng cần thiết trong lúc quốc vận tiêu trầm, cho nên ông làm sẳn một bài thi mang tới chất vấn Đức Thầy.

Ông vốn biết Đức Giáo Chủ không học chữ nho, nên làm thơ bằng Hán văn, cũng như biết rõ Ngài chuyên chữa bịnh và truyền đạo nên lập tâm hỏi về công cuộc cách mạng để Ngài khó mong giải đáp. Nguyên văn bài thơ như sau:
 
Cường khấu xâm lăng kỷ thập niên
Vị tri đại đức giáng hà Tiên?
Hi Di ngũ quý kim yên tại?
Thái Thượng tam vương cổ bất truyền
Độc Nhãn sa đà tàng Bắc địa
Liên My chân mạng ẩn Nam thiên!
Phòng ngư sinh vỹ đương kim nhựt
Dẫn lãnh minh lương trứ Tổ Tiên!

Đại ý bài thơ:
Giặc mạnh lăng loàn đã mấy chục năm, vậy chưa tường Ngài là vị Tiên chi xuống trần? Chớ trong hiện tại, những bậc tài danh, tiên trưởng như Trần Đoàn, Lão Quán v.v... đều ẩn khuất cả rồi nơi đất Bắc hoặc trời Nam, có còn đâu! Chỉ thấy nơi thực tại, con cá phóng đuôi đỏ (ám chỉ lá cờ tam sắc của Pháp) phất phới cùng khắp non sông ta. Vậy nếu Ngài quả là bậc anh triết, xin hãy đả nó bằng một cây roi thần!

Xem xong bài thơ viết bằng chữ Hán giữa lúc có đông nghẹt quần chúng, Đức Giáo Chủ tức thời đáp họa, không chút suy nghĩ đắn đo. Bài họa chép dưới đây :
 
Thiên ký Lạc Hồng đắc ngũ niên
Sơn trung hồi giả bí danh tiên
Trần nhơn đãi thế Nam tồn tại
Lão đạo tiền phong Bắc ý truyền
Trình mỗ ngộ kim khuê cổ địa
Xích my hải hội luật trừng thiên
Dị phí minh đế đồ tôn nhựt
Thạnh khí đào thính giác kỷ tiên !

 
Đại ý, Đức Giáo Chủ trả lời từ câu bài trên và nói qua danh hiệu của Ngài. Trong hai câu kết, Ngài bảo ; Thời kỳ của minh chủ chưa tới, chờ khi ngày giờ đến thì chẳng những có một cây roi, mà sẽ có đến không biết bao nhiêu cây roi mang ra trừ địch.

Ông Diệm – tức nhũ danh của Nguyễn Kỳ Trân – xem qua bài thơ, tự nhiên thán phục và xin Ngài cho làm đệ tử. Một chuyện khác xảy ra giữa Đức Giáo Chủ và Hương cả Đào Thành Đô năm 1940, mang một tính chất thử thách khác hơn cách thử thách của Nguyễn Kỳ Trân.

Hương cả Đô là người có tính khí cương trực, ghét đồng bóng dị đoan, ông nghe đồn Đức Giáo Chủ có tài tiên tri và thuyết Pháp nói thông tâm lý của hàng thính giả, nên đích thân dò xét. Hương cả Đô chuyên chú để ý từ cử chỉ một của Đức Giáo Chủ, ông thấy Ngài luôn luôn ngồi trên một chiếc ghế trong số tám chiếc ghế cùng một kiểu, đặt quanh một cái bàn dài trong nhà, nên thừa dịp Đức Giáo Chủ đi ra đường, ông đứng dậy giả vờ dẹp lại mấy chiếc ghế cho ngay hàng rồi nhanh tay, đổi cái ghế của Đức Giáo Chủ ngồi và đặt thay vào đó một chiếc khác, cũng y hệt như chiếc ghế kia, không có dấu hiệu gì dị biệt. Xong, ông đi theo sát Đức Giáo Chủ để phòng có ai trông thấy mách lẽo.
Ông kiếm chuyện vờ hỏi Đức Giáo Chủ: Bạch Thầy, người xưa phải dùng nhiều tôi lương đống mới trị yên trăm họ, tại sao Thầy lại viết :
 
Như đời xưa có gã Tử Phòng
Xem thời cơ người đã rõ thông
Dùng tôi thiểu mà an bá tánh

 
Đức Giáo Chủ bình thản như không biết có chuyện gì khác lạ, lanh lẹ đáp lời ông Cả: Tôi nói láy đó. Tôi thiểu là tiêu thổi đó mà! Tử phòng chỉ thổi tiêu mà thành công, ông biết chớ ! Một chặp sau, Đức Giáo Chủ và Hương cả Đô vào nhà, Ngài đi ngay lại cái ghế cũ vừa nhìn ông Cả Đô nói cười vui vẻ, vừa nhắc đổi lại cái ghế ngồi một cách tự nhiên và ngồi lên nói chuyện. Hương cà Đô trình ra sự thật để cáo lỗi và xin được thu nhận vào hàng tín đồ. Từ ấy ông hết dạ theo Thầy và về sau, vì chí khí bất khuất, ông bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo và gởi xương luôn ngoài ấy. (2)
Còn một trường hợp khá đặc biệt nữa, có tính chất biện luận, chúng tôi xin dẫn thêm cho tạm được coi là có phần đầy đủ.

Một hôm, khi Đức Giáo Chủ thuyết Pháp, có hai ông khách vào nhà, dáng điệu có vẻ trí thức, cử chỉ lịch thiệp, nhanh nhẹn. Sau khi nói xong thời Pháp, Đức Giáo Chủ ôn tồn hỏi :

Xin hai Ông cho biết phương danh và đến tôi có việc chi?
Một trong hai ông khách lạ đáp:
Chúng tôi là người mộ đạo, chuyên nghiên cứu về các đạo trên thế gian, nên đến đây xin được thăm hỏi. Kính xin Thầy cho chúng tôi biết Thầy tu theo đạo nào?
Đức Giáo Chủ đáp: Tôi đạo Phật.
Ông khách tiếp : Thầy thọ giáo với ai và học những kinh nào trong Tam Tạng kinh điển? Và tài học của Thầy đến bực nào?
Tôi không thọ giáo với ai, cũng không học kinh luật nào hết. Còn về sức học ngoài đời, tôi chỉ học đến bậc tiểu học.
Ông khách hỏi thêm: Thầy không thọ giáo với ai, không học kinh luật nào, tài học chữ cũng không cao, làm sao Thầy truyền giáo và phổ thông đạo đức được?
Đáp: Tôi là hạng đã tiến hóa, tôi đây có tâm Phật, nói đến đây Đức Giáo Chủ để bàn tay mặt lên trước ngực, đoạn đưa ra và tiếp : Toàn thể chúng sanh đều có Phật tánh, sáng suốt là Phật, mê muội là chúng sanh.
Nói xong, Đức Giáo Chủ hỏi lại hai ông khách:
Hai ông hỏi tôi học kinh luật nào, vậy xin cho biết Đức Thích Ca Mâu Ni xưa đã học với ai, nếu không phải Ngài là bậc tiến hóa sáng suốt tự tìm đạo để hiến cho trần thế?
Thính giả đến mỗi lúc mỗi đông, tất cả đều im lặng, lắng tai theo dõi cuộc đối đáp. Ông khách thứ hai nảy giờ ngồi yên, bây giờ hỏi :
-Thầy truyền đạo để dạy dỗ chúng sanh làm lành lánh dữ, nhưng nếu chúng sanh không nghe theo Thầy, làm điều tội, thì Thầy có làm như Đức Chúa Giê Su không? Dạy chúng sanh không nghe theo Ngài, cứ làm điều tội lỗi, nên phải chịu gia hình nơi thánh giá để thế tội cho chúng sanh.
Đức Thầy hỏi vặn ông khách: Đức Giê Su ở ngôi vị, cấp bực nào?
Đáp : Ngài sáng lập tôn giáo độc thần, chủ trương thờ có bậc Chí Tôn là Chúa Trời, do chúa Giê Su khởi xướng.
Hỏi : Nếu Ngài là Chí Tôn, tha tội chúng sanh do Ngài, làm tội chúng sanh cũng bởi Ngài, thì Ngài chịu gia hình nơi thánh giá thế tội cho chúng sanh, là chịu tội với ai?
Hai ông khách không đáp, còn Đức Giáo Chủ thì tiếp tục giảng kinh (3)
Có nhiều trường hợp như trên được người ta đưa ra trong suốt thời gian Ngài thuyết giáo, nhưng Ngài đã áp phục được hoàn toàn và nhờ thế Đạo mỗi ngày một thêm bành trướng.
Ngài đã thuyết pháp chẳng những suốt ngày mà thâm cả về đêm. Thính giả tụ hợp để nghe đông ngoài mức tưởng tượng, mãi cho đến ngày 12 tháng 4 năm Canh Thìn (1940) thực dân Pháp sợ Ngài khởi xướng một cuộc cách mạng nên cho lịnh dời Ngài đi Sa Đéc. Ngài đã bình thản ngân nga:
 
Cơn dông tố mịt mù bụi cát
Chẳng nao lòng của Đấng Từ Bi
Vì thiên đình chưa mở hội thi
Nên Lão phải phiêu lưu độ chúng

Và có hồi phấn khởi:
Càng đi càng biết nhiều nơi
Càng đem chơn lý tuyệt vời phổ thông

 
Với một giọng thanh tao êm dịu, khi bổng lúc trầm, lưu loát mà rõ ràng, khi cao siêu lúc giản dị, Đức Giáo Chủ giảng giải cho quần chúng nghe giáo lý nhà Phật và phương pháp tu hành. Ngài thuyết pháp không vấp không ngưng, thật đáng xem là:
 
Miệng nhích môi đầy văn tao nhã
Hạ bút thần thơ đã đề khai

 
Một ký giả ở Sàigòn, ông Hiền Sĩ, khi viết về Đức Giáo Chủ trong hơn 30 bài báo, có phê bình tài hùng biện của Ngài bằng câu : “thao thao bất tuyệt” và kết luận rằng Ngài đã “chiếm giải quán quân về phương diện diễn thuyết”.

Lại nữa, lời văn của Đức Giáo Chủ có mãnh lực hấp dẫn quần chúng một cách lạ thường, nên thính giả nhiều khi mũi lòng rơi lụy, liền phát tâm tu hành theo Đạo. Ai đã từng dõi gót theo Ngài trong cuộc khuyến nông năm 1945, trong vòng 2 tháng với không biết bao nhiêu lý luận khác nhau, đều phải công nhận Ngài là bậc “mồm sông bút sấm”. Những cuộc thuyết pháp kể trên, nếu cộng với 107 lần chu du khuyến nông thuyết pháp trên gần khắp miền Nam năm 1945, chúng ta có thể nói Ngài đã trải qua trên một ngàn lần khuyến thuyết quan trọng với hàng ngàn đề tài khác biệt.

Thật quả đã kết quả thực sự như lời Đức Giáo Chủ ước ao :“Nên phương pháp của ta tuy trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam (...) nói Phật Pháp cho kẻ có lòng mộ đạo quy cần, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ”...

Nhờ những cuộc thuyết pháp như trên, người mộ đạo quy căn, ngày càng đông đảo.
*****
(1) Nguyễn Văn Hầu: chí sĩ Nguyễn quang diêu, Xây dựng xuất bản, 1964, trang 8i)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn