4. Đức Huỳnh Giáo Chủ

12 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 33598)
4. Đức Huỳnh Giáo Chủ

 

Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), nghĩa là cách 30 năm sau Đức Bổn-Sư tịch, Đức Huỳnh Giáo-chủ ra đời, khai sáng nền đạo Phật-giáo Hòa-Hảo, khi Ngài được 21 tuổi, sau mấy năm đau ốm liên miên.

 

Cũng như trường hợp của Đức Phật-Thầy, Đức Phật-Trùm và Đức Bổn-Sư, Ngài bỗng nhiên sáng tỏ phi thường và ra đời giữa lúc chúng sanh gặp phải nhiều chứng bịnh hiểm nghèo khó trị. Điều làm cho người đời để ý là phương pháp chữa trị của Ngài không khác phương pháp chữa trị trước kia của Đức Phật-Thầy Tây An hay Đức Phật-Trùm, nghĩa là chỉ dùng giấy vàng cùng các thứ lá cây cho uống, thế mà hết bịnh mới là kỳ diệu. Nhứt là bịnh điên thì Ngài chữa trị thần tình.

 

Chẳng những Ngài làm cho người đời ngạc nhiên trước những phép màu, mà Ngài còn làm cho người đời kỉnh phục trước sự thông minh sáng tỏ ra một nhà quán chúng, chẳng học mà thông, thấu hiểu cả việc quá khứ vị lai, cả ý tưởng của người đời nữa.

 

Đứng trước những sự mầu nhiệm ấy, người ta không khỏi nhớ lại hai câu tiên tri của Đức Phật-Thầy Tây An cho biết về sự chuyển kiếp của Ngài mà lúc bấy giờ người ta đương lặp đi lặp lại, vì hai câu ấy đã thấy ứng hiện.

 

Như đoạn trước đã nói, trước kia Đức Phật-Thầy Tây An có cho biết về sự chuyển kiếp của Ngài về hai câu tiên tri này:

 

Chừng nào trâu rống dưới sông,

Lòng Ông bảy chợ thì ông trở về.

 

Và câu:

 

Chừng nào gốc mục lên chồi,

Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian.

 

Câu trước đã thấy thực hiện trong năm 1939, tức là năm Đức Huỳnh Giáo-Chủ ra mở đạo.

 

Đến như câu sau cũng thế. Năm Đức Huỳnh Giáo-chủ ra đời thì cái gốc dầu mục ở trước chùa Tây An Cổ tự đâm lên một cái chồi, cao độ năm sáu tấc.

 

Với sự chẩn trị kỳ diệu, thêm vào sự ứng hiện của hai câu tiên tri kia, người ta đã bắt đầu tin là Đức Phật-Thầy đã trở lại với Đức Huỳnh Giáo-chủ.

 

Nhưng cho được chắc ý hơn, nhiều người noi theo dấu tích của ông bà, môn phái của Đức Phật-Thầy có đem những điều bí truyền ra thử Đức Huỳnh Giáo-chủ, đều được Ngài đối đáp trôi chảy, chứng tỏ rằng Ngài với các chuyển tiếp kia không khác.

 

Về việc thử thách, đã xảy ra nhiều trường hợp rất lý thú, nếu phải kể ra hết, không biết bao nhiêu chương sách mới đủ.

 

Đây chúng tôi chỉ tóm lược một vài chuyện đặc sắc nhứt, trong đó có vài bí truyền của Đức Phật-Thầy được đem ra trình bày. Như trường hợp của ông bảy Còn là một. Ông hiện nay tuổi đã quá thất tuần, nhà ở tại chợ Cà Mau trong thôn Long Kiến thuộc tỉnh Long Xuyên, cách chùa Tây An cổ tự lối 5 cây số ngàn. Ông là nội tôn cảu ông Đạo Thắng, một đệ tử của Đức Phật-Thầy Tây An khi Ngài đến dựng lên cái cốc ở Xẻo Môn. Ông Đạo Thắng hàng ngày theo hầu bên Đức Phật-Thầy cho nên được Ngài truyền lại nhiều điều mật nhiệm.

 

Một hôm ông hỏi Đức Phật-Thầy rằng: Bạch Thầy! Thầy nói rằng sau này Thầy trở lại. Vậy chừng nào Thầy trở lại và làm sao con biết mà tìm?

 

Đức Phật-Thầy đáp: Ngươi không thể gặp Ta khi Ta trở lại đâu! Họa chăng có nội tôn của người mới gặp Ta.

 

Ông Đạo Thắng bèn hỏi tiếp: Vậy có bằng cớ gì cho nội tôn của con nhận ra Thầy khi Thầy trở lại chăng?

 

Đức Phật-Thầy đáp: Đây, để ta truyền cho bài thơ này, lấy tám chữ (... chữ Nôm...) làm khoán thủ cách cú. (Nên để ý tám chữ”Đại Đạo Ngao Du Châu Di Viễn Cận” này thuộc về bộ xước).

 

Ngài vừa nói vừa biết bài thơ ấy, rồi trao lại cho ông Đạo Thắng mà rằng: Sau này nếu có ai xưng là Ta trở lại thì hãy đưa tám chữ khoán thủ cách cú có bộ xước ấy mà hỏi. Nếu người ấy viết đúng lại hai bài này tức là Ta trở lại.

 

Ngoài bài thơ khoán thủ cách cú cảu Đức Phật-Thầy trao cho, ông Đạo Thắng còn chép được bài thơ “Bát Nhẫn” mà ông được thấy Đức Phật-Thầy dán ở đầu giường, mỗi khi ông vào quét phòng. Ông truyền lại cả hai bài thơ ấy cho con tức là thân sinh của ông bảy Còn.

 

Sau khi ông Đạo Thắng tịch, thân sinh của ông bảy Còn quy y với Đức Phật Trùm. Ông hằng lấy bài thơ “Bát Nhẫn” dạy lại con và xem bài thơ ấy như một bài gia huấn, một phương pháp tề gia xử thế.

 

Như các đệ tử khác của Đức Phật-Thầy, ông Đạo Thắng cũng giỏi về việc phát phù và chữa trị các bịnh tà. Thân sinh của ông bảy Còn được cha truyền lại pháp thuật ấy để rồi truyền lại cho con.

 

Hiện nay ông bảy Còn cũng noi theo pháp thuật của cha mà giúp đời cứu bịnh. Cứ theo lời ông kể lại thì quyến thuộc của Đức Huỳnh Giáo-chủ thường đến nhờ ông chữa trị. Ngay như Đức Huỳnh Giáo-chủ lúc còn thơ ấu thường hay ốm đau òi ọp, cũng nhờ ông săn sóc. Bởi thế, khi hay Đức Huỳnh Giáo-chủ ra đời tỏ ra sáng suốt, chữa bịnh bằng phương pháp huyền diệu thì ông không tin. Ông cho đó là yêu ma quỉ quái chi, mặc dầu có nhiều người đến xác nhận cùng ông rằng họ đã nhận thấy ở Đức Huỳnh Giáo-chủ nhiều cử động và ngôn ngữ của bực siêu nhân thoát tục.

 

Có một đêm, ông nằm mộng thấy chư thần đến mách cho ông biết là Phật đã giáng thế ở Hòa Hảo, khi thức dậy ông cho đó là mộng mị không đáng kể.

 

Rồi một lần nữa, ông cũng nằm mộng thấy chư thần đến kêu như lần trước. Mặc dầu đã hai lần nằm mộng, nhưng ông cũng không tin.

 

Thế rồi một lần thứ ba, ông lại nằm mộng nữa, và lần này, ông bị chư thần quở trách. Cho đến lần này, ông mới bắt đầu để ý và định lên thử Đức Huỳnh Giáo-chủ một phen cho biết thực hư.

 

Cứ theo ông thuật lại, khi ông lên Hòa Hảo, ông ghé lại nhà người chú của Đức Huỳnh Giáo-chủ trước, vì ông này là người thường đến nhờ ông hộ độ bằng phù phép. Trong lúc ông còn chuyện vãng thì Đức Huỳnh Giáo-chủ bước qua, nắm tay ông mà nói rằng:

 

Dữ hôn! Đợi cho chư thần đến đòi ông ba lần ông mới chịu đi. Thôi mời ông bảy qua nhà tôi.

 

Đức Huỳnh Giáo-chủ vừa nói vừa kéo ông bảy đi. Khi qua đến nhà rồi, Đức Huỳnh Giáo-chủ mới nói: Ông muốn thử tôi hả ông bảy? Vậy xin mời ông bảy ngồi.

 

Nói xong: Ngài bước vào trong lấy viết làm một bài thơ trao cho ông bảy và nói: ông đọc đi, coi có phải hay không? Bài thơ ấy chính là bài khoán thủ cách cú mà Đức Phật-Thầy đã mật truyền cho ông Đạo Thắng, nội tổ của ông bảy. Bài ấy nguyên văn như vầy:

 

Đạt Đạo Ngao Du Châu Di Viễn Cận

 

Đạt Đạo hoằng khai kế nghiệp truyền,

Chư bang hành thiện hiếu vi tiên

Ngao Du thế giới hoàn sanh chúng

Qíu tiện tri ngu trạch nhơn hiền

Châu Di phục thỉ an bá tánh

Thượng cổ hoàn ư thế tự nhiên

Viễn Cận chư châu quỉ nhứt thống

An cư lạc nghiệp phước vô biên

 

Về sau ông Cả Mười ở làng Mỹ hội đông, tỉnh Long Xuyên, có kể lại rằng: có nhiều tín đồ theo Hiếu Nghĩa của Đức Bổn-Sư ở núi Tượng, khi đến thăm ông được thấy bài thơ này thì ai ai cũng đều sửng sốt, vì Đức Bổn Sư cũng có truyền lại một bài như thế cho môn đệ thân tín của Ngài và cũng dặn khi nào có ai làm trọn bài thơ ấy, tức là Ngài trở lại.

 

Khi Đức Huỳnh Giáo-chủ làm xong, trao cho ông bảy Còn và bảo đọc thì ông bảy có trả lời là không biết Việt ngữ nên có nhờ Đức Huỳnh Giáo-chủ đọc lại cho nghe.

 

Khi nghe xong, ông bảy Còn đã đem lòng khâm phục rồi, nhưng Đức Huỳnh Giáo-chủ còn làm thêm một bài nữa, tức là bài “Bát Nhẫn” mà nội tổ của ông đã chép lại trong phòng của Đức Phật-Thầy và hằng lấy đó làm bài gia huấn truyền lại cho con cháu của ông. Bài ấy như vầy:

 

Bát Nhẫn

 

Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền

Nhẫn giải kỳ tâm thận thủ tiên

Nhẫnhương lân hòa ý hỷ

Nhẫn thành phu phụ thuận tình duyên

Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc

Nhẫn tánh niên niên đắc bảo tuyền

Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự

Nhẫn thành phú quí vĩnh miên miên

 

Về sau Ngài có diễn bài thơ này ra quốc văn như vầy:

 

Chữ thứ nhứt! Nhẫn năng xử thế

Là người hiền khó kiếm trong đời

Lập thân danh từng trải nơi nơi

Chờ thời đại mới là khôn khéo

Chữ Nhẫn giải kỳ tâm trong trẻo

Khuyên dương trần giữ phận làm đầu

Nhẫn hương lân với khắp đâu đâu

Trên cùng dưới đều hòa ý hỷ

Nhẫn phụ mẫu gọi trang hiền sĩ

Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau

Nhịn xóm chòm cô bác mới cao

Nhẫn tâm nọ ngày ngày an lạc

Nhịn tất cả những người tuổi tác

Nhẫn tánh lành yên tịnh dài lâu

Giữ một lòng hiền hậu mới mầu]

Quanh năm cũng bảo toàn thân thể

Chữ Nhẫn đức kể ra luôn thể

Thì trong đời vạn sự bình an

Chữ Nhẫn thành quí báu hiển vang

Khắp bá tánh được cầu hòa nhã

 

Khi nghe đọc xong bài “Bát Nhẫn” ông bảy Còn không còn nghi ngại nữa, bèn phục xuống lạy, nhưng Đức Huỳnh Giáo-chủ đỡ dậy mà rằng:

 

- Không nên, ông bảy. Phần xác đáng con cháu của ông, ông lạy như thế không nên. Như ông có muốn lạy thì hãy lại lạy bàn thờ Phật kia.

 

Ngoài việc ông bảy Còn thử thách, còn việc ông Hương sư Vàng ở làng Hòa Hảo đến hỏi thơ cũng không kém phần thú vị.

 

Sau khi nghe Đức Huỳnh Giáo-chủ đọc Sám giảng của Ngài vừa mới viết ra, ông Hương sư Vàng nhận thấy có nhiều câu nhiều ý giống với Sám giảng của ông Sư Vãi Bán Khoai mà ông đã sẵn có ở nhà một bản.

 

Hôm sau ông lấy quyển Sám Giảng người đời trở lại nhà Đức Huỳnh Giáo-chủ định hỏi. Không đợi ông Hương sư Vàng đọc, Ngài bèn chận lại mà rằng: Thôi, ông để tôi đọc coi có giống của ông không?

 

Nói rồi, Ngài đọc thuộc lòng quyển Sám giảng người đời không sai một chữ.

 

Ông Hương sư Vàng phải ngạc nhiên trước sự hiểu biết của Ngài, vì ông vẫn biết từ bé đến lớn Đức Huỳnh Giáo-chủ chưa từng đọc quyển ấy bao giờ thì làm sao thuộc lòng như thế.

 

Rốt lại, ông mới yêu cầu Ngài cho biết lý do thì Đức Huỳnh Giáo-chủ không ngại mà thuật lại việc ông Sư Vãi Bán KHoai đã truyền lại quyển Sấm Giảng đời người trong trường hợp như chúng tôi đã thuật ra ở đoạn trước.

 

Kể ra thì việc thử thách như thế rất nhiều, nhưng tựu trung đều đi đến một kết quả là tìm thấy lại bóng người xưa ở Đức Huỳnh Giáo-chủ. Do đó mà một phần lớn tín đồ phái Phật-Thầy Tây An qui ngưỡng theo Đức Huỳnh Giáo-chủ.

 

Ngoài những cuộc thử thách, người ta còn tìm thấy ở Đức Huỳnh Giáo-chủ sự tập trung tư tưởng của Đức Phật-Thầy, Đức Phật-Trùm, Đức Bổn-Sư và ông Sư Vãi Bán Khoai. Có đọc qua Sấm Giảng cùng thi bài của Ngài mới nhận thấy chhỗ tương đồng tư tưởng ấy. Ngay như nhan đề, người ta cũng nhận thấy chỗ trùng ý giữa Đức Phật-thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo-chủ rồi. Đức Phật-Thầy để nhan đề cho Sám giảng của Ngài là “Giác mê” còn Đức Huỳnh Giáo-chủ thì “Giác mê tâm kệ”.

 

Nếu đem đối chiếu tư tưởng người ta còn tìm thấy chỗ trùng ngôn trùng ý giữa Đức Huỳnh Giáo-chủ với Đức Phật-Thầy, Đức Phật-Trùm, Đức Bổn-Sư và ông Sư Vãi Bán Khoai nhiều hơn nữa, nhứt là ông Sư Vãi Bán Khoai (1)

 

Cứ theo khoa phân tâm học thì những hành vi hay hình ảnh quá khứ bao giờ cũng ăn sâu vào tâm não của con người. Thế cho nên, đứng trước những cảnh cũ hình xưa, lòng người không khỏi bâng khuâng tỏ ra luyến tiếc.

 

Điều nhận xét này có thể giúp ta hiểu thêm Đức Huỳnh Giáo-chủ khi Ngài đi qua những tàn tích của Đức Phật-Thầy lưu lại.

 

Như một lần nọ, Đức Huỳnh Giáo-chủ đi khuyến nông, có đi ngang qua chùa Tây An Cổ tự ở thôn Long Kiến. Anh em tín đồ có yêu cầu Ngài ghé lại viếng chùa xưa, nhưng Ngài không khứng. Lúc ghe máy cừa chạy ngang qua chùa, Ngài ra đứng trước ghe mà ngó cảnh chùa, rồi thốt ra những lời bỉ thiết “Thuyền dời mà bến không dời!”

 

Nội câu nói này đủ cho người thời nay hiểu cả dĩ vãng của Ngài và đồng htời cũng gợi cho người thời nay nhớ lại câu tiên tri trước kia của Đức Phật-Thầy Tây An thốt ra ở chùa này:

 

Chừng nào gốc mục lên chồi

Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian.

 

Nay Ngài đã vưng sắc lịnh mà tái hồi, như Ngài đã nhiều lần thổ lộ trong Sám giảng của Ngài:

 

Ngọc Tòa Phật Tổ nấy sai Ta

Xuống cứu thế gian nẻo vạy tà

Hiệp sức tớ Thầy truyền diệu pháp

Cho đời thấu rõ đạo Ma-ha

 

Hay là:

 

Ta vì vưng sắc lịnh Ngọc Tòa

Đến Linh Khứu soa trung chịu mạng

 

Nhưng lần “tái hồi trần gian” này có giống như mấy lần chuyển kiếp kia không?

 

Như đoạn nói về ông Đạo Xuyến, Đức Phật-Thầy có khuyên ông hãy lo lập gia thất cho có con có cháu nối dòng, vì Ngài cho rằng đời còn lâu lắm mới tới, nếu không có người kế nghiệp thì sau này nền đạo ắt phải sai lạc.

 

Đến Đức Huỳnh Giáo-chủ thì quan niệm thời gian ấy không còn nữa, vì theo Ngài:

 

Hạ Ngươn nay đã hết rồi

Phong ba biến chuyển đổi dời gia cang

 

Bởi thế, sứ mạng lâm phàm của Ngài kỳ này không còn như mấy lần lâm phàm trước, mà là:

 

Muôn thu thiên định khắc kỳ

Hạ Ngươn sắc lịnh khia kỳ Long Hoa

 

Và cái ngày Đại Hội ấy là ngày:

 

Thế gian sẽ biết Thành-tài

Bế bồng con dại hát bài khải ca.

 

Viết xong ngày 5.6.53

 

(1) Xem quyển Tận Thế và Hội Long Hoa của Vương Kim về đoạn đối chiếu tư tưởng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn