Ông Sư Vãi Bán Khoai, một chuyển kiếp của Đức Phật Thầy, trong quyển Sám Giảng Người đời, có đoạn viết:
Minh Tâm là sách Hớn Đàng
Hiếu chỉ rõ ràng sao chẳng học coi?
Luật Nam nghĩa lý hẳn hòi,
Ơn cha nghĩa mẹ sự vua trung thần.
Thiệt là luân lý Tứ Ân,
Sao không coi đó xử phân lấy mình?
Đoạn văn nầy có thể tóm lược cả ý nghĩa pháp môn mà Đức Phật Thầy Tây An đã chỉ dạy môn nhơn đệ tử. Nó gồm trong luân lý tu thân của sách Minh Tâm và điều hiếu nghĩa của Tứ Ân, nghĩa là cả cái giềng mối của đạo làm người là cái đạo mà bất cứ người nào muốn đạt đến quả vị Tiên Phật cũng phải làm tròn trước nhứt.
Minh Tâm là một quyển sách đã giúp nhiều cho người hành nhơn đạo, vì nó là một quyển sách trích lục những lời thánh triết dạy về phép: Tu, tề, trị, bình, những điều nhơn, nghĩa, lễ, trí, tín. . . . Nhưng ngoài những điều dạy về phép khắc kỷ xử thế, sách Minh Tâm còn dạy về phép điều ngự cái tâm và thuận tùng thiên lý, không ngoài giáo lý của các đạo giáo chẳng những có ích cho người tu thân mà có ích cho người hành đạo nữa.
Như câu: Họa phước vô môn, duy nhơn tự triệu, thiện ác chi báo như ảnh tùy hình; Nghĩa là: Họa phước không có ngỏ, chỉ con người tự rước lấy mà thôi, còn sự báo ứng về thiện ác như bóng theo hình; cũng đồng một lý quả báo của nhà Phật.
Và tế nhị nhứt là cũng đồng nhận mọi điều thiện ác phát tự ở tâm và mỗi một niệm trong lòng người tuy không ai hay biết nhưng Trời đất đều hay, như câu: Thiên thính tịch vô âm, thương thương hà xứ tầm? Phi cao diệc phi viễn đô chỉ tại nhơn tâm. Nhơn tâm sanh nhứt niệm, thiên địa tất giai tri. Thiện ác nhược vô báo, càn khôn tất hữu ty. Nghĩa là: Trời kia không có tiếng tăm, xanh xanh biết đâu tầm. Không cao cũng không xa, đều ở tại lòng người. Lòng người sanh một niệm. Trời đất đều hay. Điều thiện ác, ví bằng không trả thì Trời đất lại riêng sao!
Không khác nhà Phật, sách Minh Tâm vẫn chú trong ở sự điều ngự cái tâm và cho rằng cái tâm là chỗ phất khởi mọi điều thiện ác. Sự điều ngự nó có thể ví như sự điều ngự sáu con ngựa, như câu: Tọa mật thất như thông cù, ngự thốn tâm như lục mã. Nghĩa là: Dầu người ở trong nhà kín cũng phải giữ gìn như ngoài đường cái trống. Điều ngự tất lòng mình cũng như điều ngự sáu con ngựa.
Và không trái với thuyết nhà Phật là sách Minh Tâm nhận rằng: Làm cầm thú hay làm Tiên Phật cũng đều do cái tâm mà ra cả, và con người có khác nhau chăng là khác ở cái tâm thiện ác chớ không ở hình dạng bên ngoài, như câu: Cổ nhơn hình tợ thú, tâm hữu đại thánh đức, kim nhơn biểu tị nhơn, thú tâm an khả trắc! Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh, hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt. Tam điểm như tinh tượng, hoành câu tợ nguyệt tà. Phi mao tùng thử đắc, tố Phật dã do tha. Nghĩa là: Người xưa tuy rằng hình ngoài chất phát như giống thú, mà trong lòng có đức đại thánh. Người nay tuy rằng bề ngoài đẹp đẽ tợ người, mà trong lòng thì như lòng thú biết đâu mà lường. Bởi vậy cho nên con người ta hễ có lòng tốt mà không có tướng đẹp thì tướng đẹp tự lòng mà sanh, chớ còn có tướng đẹp mà không có lòng tốt thì tướng đẹp sẽ theo lòng xấu mà diệt mất đi. Này chữ tâm ba chấm như tượng ba vì sao, vòng ngang tợ nửa mặt trăng tà; mang lòng cũng từ đó mà làm Phật cũng do đó.
Nói tóm một diều, sách Minh Tâm rất cần ích cho người tu thân, bởi nó dạy phép vừa khắc kỷ, xử thế và vừa đưỡng tánh tồn tâm.
Nhưng đạo làm người, chẳng phải hành bấy nhiêu đó là đủ, vì ngoài ra còn bao nhiêu điều hiếu nghĩa nữa mà người tu nhơn đạo phải làm tròn.
Và muốn làm tròn những điuề hiếu nghĩa, Đức Phật Thầy Tây An thường khuyến khích môn nhơn đệ tử phải lo đền đáp Tứ đại trong Ân.
Trước khi xét đến bốn điều ân của Đức Phật Thầy nêu ra, tưởng cũng nên xét coi bốn điều ân ấy có đồng với Tứ Ân trong kinh sách của nhà Phật nêu ra không?
Cứ theo kinh điển của nhà Phật, thì bốn ân ấy là:
1-Ân phụ mẫu,
2-Ân quốc vương,
3-Ân Tam bảo,
4-Ân chúng sanh.
Còn theo Đức Phât Thầy Tây An, thì Tứ ân gồm có:
1-Ân tổ tiên cha mẹ,
2-Ân đất nước,
3-Ân Tam bảo,
4-Ân đồng bào và nhân loại (với kẻ xuất gia thì ân đàn na thí chủ).
Như thế thì về Tứ Ân giữa kinh điển và Đức Phật Thầy nguyên lý không có chỗ sai biệt. Thay vì dùng từ ngữ hán học, Đức Phật Thầy lại phụ thêm vào nghĩa nôm cho thích hợp và dễ hiểu.
Như thế đủ nhận thấy rằng: Đức Phật Thầy không như bao nhiêu nhà sư khác, bất cứ ở hoàn cảnh nào cũng quá ư câu chấp kinh điển, không có quyền xảo, tùy cơ mà dùng phương tiện. Với Đức Phật Thầy, làm người ngoài bổn phận đối với quốc gai xã hội, òn có bổn phận đối với đồng bào và nhơn loại nữa; vì nếu thiếu cái ân đối với nhơn loại thì không thể đạt đến giới hạn của tình bác ái, tình yêu thương cả thảy chúng sanh.
Thế thì hành tướng và phương tiện để đền đáp Tứ Ân, theo Đức Phật Thầy thì như thế nào?
1- Ân Tổ tiên cha mẹ.- Con người sanh ra là nhờ cha mẹ, mà sanh ra cha mẹ là công ơn Tổ tiên. Thế nên hể biết đến công ơn cha mẹ thì đương nhiên phải biết đến công ơn của Tổ tiên.
Công ơn khó nhọc của cha mẹ không sao kể cho xiết được. Nào là công của cha mẹ sanh đẻ, chín tháng cưu mang, mất ăn mất ngủ. Đến khi sanh đẻ còn chịu bao sự đau đớn. Trong lúc ấy thì người cha chạy lo chu cấp cho mẹ con được an toàn, hết lòng chăm nom săn sóc. Sau khi sanh con ra, mẹ phải cho bú sữa, mớm cơm, bồng ẵm dắt dìu, không giờ phút nào được nhàn rỗi. Khi đau ốm, người mẹ phải bỏ ăn bỏ ngủ, lo sợ phập phòng, săn sóc nâng niu, lo thuốc thang cơm cháo.
Đến khi lớn lên, còn phải chăn nuôi dạy bảo giáo hóa cho thành người, chạy tiền cho con ăn học được nên danh nên phận, thông minh hiểu biết như người.
Công ơn cha mẹ thật là vô biên, không có chi đền đáp cho vừa được.
Trong kinh Đại thừa bản sanh tâm địa quán, Phật có nói: “Nếu chúng tỳ kheo mà có người nào vai bên tả cỏng cha, còn vai bên hữu cõng mẹ, cỏng như thế đến muôn ngày năm, nào là cung cấp đồ ăn, đồ mặc, đồ nằm đồ đắp, thuốc men trong khi đau ốm, mỗi mỗi đều sẵn có ở bên vai, cho đến cha mẹ ỉa đái trên vai cũng chịu đựng, như thế mà còn chưa đền được ơn thay! Vậy cho nên chúng tỳ kheo phải phụng dưỡng cha mẹ, thường nên hiếu thuận, chẳng được sai thời khắc”.
Lại trong kinh Nhẫn-Nhục có nói: “Hiếu là cái cực điểm trong sự lành, còn bất hiếu là cái cực điểm trong sư ác”.
Kinh Đại Tập cũng nói: “Nếu đời không có Phật xuất thế mà thờ cha mẹ một cách cho hoàn thiện tức là thờ Phật vậy.”
Vậy đối với công ơn to tác của cha mẹ, phận làm con phải đền đáp cách nào?
Trong lúc cha mẹ còn sanh tiền, phận làm con phải hết long tôn kính, vâng lời dạy bảo, hết dạ phụng thờ. Cần nhứt là phải nuôi dưỡng cha mẹ cho chu toàn về mọi phương diện, phải luôn luôn đừng làm cho cha mẹ phiền lòng bằng cách làm mất danh dự của gia tộc hay tư cách làm người, mà trái lại phải làm cho cha mẹ vui lòng đẹp dạ bằng cách cư xử hòa hiếu giữa anh em trong gia đình và hiển danh cha mẹ bằng cách tạo lập hạnh phúc và danh giá cho mình. Thảng như cha mẹ có làm điều chi trái nghịch với đạo lý, phận làm con phải tìm đủ cách khuyên lơn, nhứt là khuyến khích cha mẹ cải tà qui chánh, qui y Tam bảo như gương của Đức Thích Ca khi thành đạo trên cõi Trời Đạo Lỵ khuyến hóa cha mẹ và về thành Ca tỳ la vệ giáo độ phụ vương.
Đến khi cha mẹ khuất bóng qua đời, phận làm con phải thờ phượng nhớ thương như lúc còn sanh tiền và hằng cầu nguyện cho cha mẹ thoát cảnh mê đồ, vãng sanh nơi cõi Tây Phương Cực Lạc.
Trong kinh Trường A Hàm có nói: “Làm con kính thờ cha mẹ có năm điều:
1- Cung cấp đồ dùng cho cha mẹ đừng kém thiếu;
2- Làm việc gì, trước phải thưa với cha mẹ;
3-Những việc của cha mẹ làm, mình phải kính thuận;
4- Mạng lịnh của cha mẹ không dám cãi;
5- Chẳng đặng đoan tuyệt cái nghề nghiệp chánh đáng của cha mẹ.”
Như vậy đủ thấy phận sự làm con đối với công ơn cha mẹ thật rất lớn vậy.
Đến như muốn đền đáp công ơn của Tổ tiên, phận làm con cháu phải rán làm cho vinh hiển đời mình để cho dòng dõi được thơm lây và đừng làm điều chi điếm nhục đến tông môn. Thảng như Tổ tiên có làm điều gì di hại hay xú nhục cho con cháu, phận làm con cháu chẳng vì thế mà sanh lòng oán trách, mà phải làm sao cứ vớt những điều tuổi hổ đau thương ấy bằng cách hy sanh đời mình rửa nhục cho tông môn.
2-Ân đất nước.- Phàm con người sanh ra đời, ai cũng có quê hương xứ sở. Không ai có thể chối cãi rằng ta sống không nhờ quê hương đất nước ta. Nếu không ai giữ vững bờ cõi yên lặng, phỏng thân ta có được yên; xứ sở có nghiên nghèo, phỏng nhà ta có được vững? Như thế thì bất cứ người dân ở chốn nào cũng đều phải sống nhờ có đất nước. Người ta có thể nói đời sống của đất nước và đời sống của ta là một. Thế thì, muốn cho đời sống của ta được yên, nhà ta được vững, ta có cái bổn phận giữ vững quê hương xứ sở đừng để cho ai điếm nhục xâm lăng. Luôn luôn ta có bổn phận là nâng đở cho nước nhà vững chãi phú cường. Thảng như đất nước có lâm nguy, quốc gia có điên bái vì nạn ngoại xâm, ta phải hy sinh thân ta, nhà ta, mà bảo vệ nó, vì nếu ta để cho đất nước bị dày xéo, cũng chẵng khác thân ta hay nhà ta bị dày xéo vậy.
Còn như ta cảm thấy không đủ sức đảm đương việc lớn, hay chưa có cơ hội thuận tiện cho ta hy sanh, ta cũng không làm điều chi tổn hại đến quê hương hay giúp cơ hội và phương tiện cho quân địch chống lại quê hương xứ sở.
Như thế là ta đền đáp ơn của ta đã thọ hưởng của đất nước vậy.
3- Ân Tam bảo.-Về phương diện thể chất, con người sanh ra là nhờ Tổ tiên cha mẹ, còn sống là nhờ quê hương đất nước. Đến như về phương diện tinh thần, con người phải nhờ ơn Tam bảo, tức là ân Phật bảo, ân Pháp bảo và ân Tăng bảo. Tại đâu con người về mặt tinh thần, phải nhờ ân Phật bảo, ân Pháp bảo và ân Tăng bảo?
Vì mục đích cứu độ chúng sanh, Phật đành bỏ quốc thành, thê tử, xuất gia tầm đạo giải thoát, chẳng quản đói rét, khổ hạnh trong sáu năm và tham thiền dưới cội cây bồ đề. Đến khi thành đạo, trong 49 năm lao khổ, Ngài đi khắp nơi thuyết pháp độ sanh, lưu truyền chánh giáo.
Chính nhờ có giáo pháp của Phật mà chúng ta biết đường tu hành thoát ly anh tử. Và cũng nhờ có Pháp bảo mà chúng ta nhận rõ lý về vũ trụ và phân biệt các pháp tà chánh.
Sở dĩ Pháp bảo đuoc bảo tồn và lưu truyền đến ngày nay cũng là nhờ có Tăng bảo phát triển xiển dương, diễn giảng ba Tạng giáo điển, giúp cho Phật pháp một ngày một rạng. Sau khi Phật tịch diệt, chính nhờ các vị Tăng già, những bực đại đệ tử của Ngài, do lời phú chuac, kết tập những giáo pháp của Phật, ra công phát triển trùng tu, truyền nhau đời này qua đời nọ, đem đạo mầu giáo hóa quần sanh.
Ông bà Tổ tiên ta, từ lâu đã qui y Tam bảo, vun trồng đạo hành bằng noi gương các bực đại đức, gia công bồi đắp phụng hành, lưu lại cho nước nhà một tinh thần đạo hạnh rất cao và lắm phong tục thuần mỹ.
Bổn phận của chúng ta ngày nay là phải noi theo chí đức của tiền nhơn, tiếp tục công trình khai thông đạo đức hầu dìu dắt chúng sanh trên con đường đạo hạnh, gây những đức tánh từ hòa nhân ái trong dân gian cho một ngày một rộng, cho cả quần sanh đều diệt lòng tham nhũng, biết yêu thương giúp đở lẫn nhau, sống yên vui dưới lòng từ bi của Phật. Có như thế ta mới không phụ ơn Tam bảo vậy.
4- Ân đồng bào và nhơn loại.-“Con người vừa mở mắt chào đời, đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đở của những kẻ ở xung quanh, và cái niên kỷ càng lớn thêm bao nhiêu, sự nhờ nhõi càng tuần tự thêm nhiều chừng nấy.
“Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ nhà cửa của họ mới tránh cơn phong vũ. Vui sướng, ta đồng hưởng với họ. Hoạn nạn, họ cùng chịu với ta. Họ và ta cũng chỉ một màu da, cũng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một: Ấy Quốc gia đó. Họ là ai? Tức những người, ta thường gọi bằng đồng bào vậy.
“Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẻ vang oanh liệt, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tìền đồ của giang an đất nước. Đồng bào ta và ta có liên quan mật thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên, ta phải rán giúp đở họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.
“Chẳng những thế thôi, ngoài đồng bào t còn có thế giới, người đang cặm cụi cần lao, cung cấp những điều nhu cầu cần thiết. Họ là nhân loại, là những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa cầu. Nếu không có nhân loại, thử hỏi dân tộc ta ra như thế nào? Ta có đủ vật liệu để dùng chăng? Ta có thể tự túc một cách đầy đủ chăng? Nói tóm lại, ta có thể lẻ loi đương đầu với những khi phong vũ nhiệt hàn, với những lúc ốm đau nguy biến, giữ vững cuộc sống còn này chăng? Hẳn không vậy. Thế nên, dân tộc ta phải nhờ đến nhân loại, nghĩa là nhờ đến dân tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình cũng như đồng chủng mình.
“Vả lại, cái tình từ bi bác ái của Đức Phật mà ta đã nhận thức, rất thâm huyền quảng huợt. Cái tình ấy, nó không bến bờ, không phân biệt màu da, không phân biệt chủng tộc; nó cũng không luận sang hèn mà xóa bỏ hết từng lớp đẳng cấp xã hội mà chỉ đặt vào một: Nhân loại Chúng sanh.
“Thế, ta không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng bào mình, gây ra tai hại cho các dân tộc khác. Trái lại hãy đặt vào họ một tư tưởng nhân hòa, một tinh thần hỷ xả và hãy tự xem mình có bổn phận giúp đở họ trong cơn hoạn nạn.
“Đối với những kẻ xuất gia qui y đầu Phật, phụ vào những ân huệ đã thọ như đã nói trên, họ còn phải trực tiếp chịu ân của các đàn na thí chủ, nghĩa là những thiện nam tín nữ có hảo tâm cung cấp những vật dụng cần thiết cho họ. Họ nhờ đến hột cơm, đến miếng vải, đến thuốc men đặng sanh sống. Rốt lại, họ phải nhờ đến sự nuôi dưỡng hoàn toàn của những kẻ tốt lòng.
“Với quần sanh, họ mang cái ân rất nặng. Cho nên họ phải dìu dắt sanh linh đi tầm chân lý đặng đáp tạ tấm lòng chiếu cố của thiện tín.” ( Dẫn theo Đức Huỳnh Giáo chủ)
Đại lược ý nghĩa của đạo Tứ Ân là thế. Dầu là kẻ sang người hèn, hễ sống trên đời đều phải mang bốn cái ân ấy cả.
Theo Đức Phật Thầy, hễ sanh ra làm người mà muốn làm cho tròn cái đạo làm người thì không ai chẳng có bổn phận đền đáp bốn cái ơn ấy, vì đó là căn bản của cả cái đạo làm người. Nó là nất thang thứ nhứt đưa con người tiến trên con đường đạo hạnh, bởi cổ ngữ có câu: Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên; nghĩa là: Ngàn muôn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu. Có làm tròn cái đạo hiếu nghĩa ấy mới mong đi đến quả vị Thánh Hiền Tiên Phật, vì rằng: Dục tu Tiên đạo, tiên tu nhơn đạo, nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ; Nghĩa là: Muốn tu Tiên đạo, trước phải tu nhơn đạo, nhơn đạo không tu, Tiên đạo nó đi xa vậy.
Bởi thế, Đức Phật Thầy, vẫn khuyến khích chúng sanh tu nhơn đạo trước, bởi đó là căn bản của pháp môn tu phước. Nhưng ngoài pháp môn tu phước, Đức Phật Thầy con hoằng dương pháp môn tu huệ để dìu dắt chúng sanh tiến trên con đường Phật pháp.