Chương II: Chùa và trại ruộng

24 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 41295)
Chương II: Chùa và trại ruộng


Để cho có chỗ thờ Phật và làm nơi phát phù trị bịnh, Đức Phật Thầy đi đến đâu cũng hay dựng lên cái cốc và trại ruộng. Sở dĩ Ngài không lập chùa chiền như các nhà thiền, cũng có nhiều lý do.

Một là, lúc ban sơ Ngài cũng muốn có một chỗ vừa đủ cho Ngài phát phù trị bịnh, không tốn kém bao nhiêu. Chớ nếu cất chùa thì phải tốn kém nhiều tiền, và như thế là Ngài không muốn vì sợ hao tiền của bá tánh. Mặc dù là một cái cốc nhỏ, Ngài vẫn trang bị cho nó đủ nghi thức thờ phượng, song có điều, thay vì thờ phượng cốt, Ngài cho thờ một tấm trần điều thật hết sức đơn giản, đúng với giáo pháp vô vi chơn truyền của Phật Thích Ca.

Hai là Ngài muốn hiển thị cho môn nhơn đệ tử thấy rằng pháp môn hành đạo của Ngài vẫn không theo đời bỏ đạo, hay theo đạo bỏ đời. Ngài cho lập trại ruộng chớ ít cho lập chùa là vì cái lý ấy. Với danh từ trại ruộng, mặc dù ở đó có thờ ngôi Tam bảo như các chùa, người tín đồ của Ngài vẫn nhớ đến bổn phận của mình, trong lúc tu hành, còn phải làm ruộng rẫy để mà sống chớ không nên sống vào kẻ khác để mà tu. Như thế là hiển thị cái pháp môn tu nhân học Phật.

Lúc sanh tiền,, Đức Phật Thầy đã tạo nhiều trại ruộng và cốc, nhưng sau khi trải qua những cuộc biến thiên trong thời kỳ quân Pháp kéo đến, ngày nay còn giữ được bốn di tích của Ngài lưu lại, ấy là: Tây An cổ tự ở làng Long kiến, chùa Tây An ở núi Sam, chùa Thới sơn ở Nhà bàn và Bữu Hương Các ở Láng Linh.

Bấy nhiêu di tích cũng đủ biểu dương cái qui mô đạo hạnh hoằng đại của Đức Phật Thầy, vì rằng dầu trải qua bao nhiêu cuộc biến thiên, chẳng những nó không phai mờ theo thời gian mà trái lại một ngày một tu chỉnh thêm uy nghiêm, nêu cao tinh thần sùng ngưỡng đạo đức.


(Kiểm bài ngày 22-9-2010)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn