3-Trại ruộng ở Thới Sơn

24 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31506)
3-Trại ruộng ở Thới Sơn


Muốn vào trại ruộng ở Thới Sơn, phải đi theo con lộ trải đá ở Núi Sam vô Nhà bàng độ 10 cây số ngàn. Con lộ này, sau đây sẽ đóng một vai trò lịch sử quan trọng, đẵm máu thê thảm mà người đời thường gọi là con lộ Văn giáo. (1)

Từ Nhà bàn vào trại ruộng Thới sơn là con đường truông đi quanh co trong rừng dưới chơn núi đầy cát trắng. Khi vào gần tới chùa, bên phía tay mặt có thấy một cây lâm vồ to cỡ năm sáu người ôm. Tương truyền cây lâm vồ này là của Đức Phật Thầy Tây An trồng khi trước.

Ngày nay, nhờ có đường lộ bằng thẳng và ngày ngày xe cộ lui tới dập dều, cho nên từ Núi Sam đi vào trại ruộng Thới sơn kể ra cũng không khó, chớ còn hồi thời Đức Phật Thầy, từ châu thành An giang đi vào Núi Sam cũng đủ thấy khó nhọc lắm rồi, nữa là từ Tây An tự đi vào trại ruộng Thới sơn, vì rằng lúc bấy giờ còn rừng hoang cỏ rậm, không có đường xá, lại thêm thú dữ rất nhiều. Nếu có việc cần phải đi, người ta hiệp nhau thành đoàn và phải có người võ nghệ cao cường theo hộ tống. Thế nên, từ ngày con kinh Vĩnh tế thông thương người ta thường dùng ghe xuồng đi vô ngang núi, rồi đổ bộ đi lên, nhưng đi như thế cũng khó khăn không thua gì đi bộ từ tỉnh thành vào Núi Sam.

Có hiểu những nổi khó khăn trong việc đi đường lúc bấy giờ, mới hiểu tại đâu Đức Phật Thầy không chịu cất chùa ở tỉnh thành mà lại vào cất ở Núi Sam và tại đâu lập trại ruộng ở Thới sơn.

Trước kia, Đức Phật Thầy định vào cất chùa ở Núi Sam một chốn hoang vắng khó khăn lui tới như thế là Ngài được ở yên mở cơ hoằng pháp lợi sanh theo ý muốn. Nhưng đến khi cất chùa rồi, nhà cầm quyền hằng tới lui, lại chừng như còn phái một nhà sư đến xếp đặt nghi thức thờ phượng theo lối nhà thiền, Ngài cảm thấy không được tự do. Như mỗi lần muốn truyền dạy điều chi cho môn đệ, người ta thấy Ngài phải đem nhau vào liêu vắng.

Có lẽ vì chỗ bất tiện ấy mà Ngài vào Thới sơn lập trại ruộng để tổ chức việc thờ phượng theo đúng giáo pháp của Ngài. Con đường đi vào Thới sơn là con đường đầy hiểm trở thì chắc rằng những người không có tâm đạo không khi nào đi đến, Nhứt là cái chùa ấy lại mang tên là trại ruộng thì nhà cầm quyền có cần đến viếng mà làm chi!

Khi Đức Phật Thầy đến Thới sơn lập trại ruộng, thì dân cư rất là thưa thớt chẳng được mấy người. Làng xóm chưa tổ chức, vì địa thế hiểm trở mà thú dữ cũng nhiều không ai dám ở. Sau khi Ngài đến ở, phát rẫy làm ruộng và cứu dân độ bịnh thì lần lần dân chúng mới dám kéo đến.

Tương truyền rằng từ ngày Ngài đến Thới sơn thì thú dữ không còn phá hại dân cư nữa, mà trái lại nó trở nên hiền lành. Có lẽ nhờ phép huệ linh của Ngài mà chúng nó thuần phục chăng? Nhờ đó, dân chúng mới dám đến ở, mở mang rừng bụi, làm rẫy, làm ruộng, trồng đủ các loại cây trái.

Đã mang tên là trại ruộng thì cũng phải làm sao cho danh chánh ngôn thuận. Ngoài các nông cụ, Đức Phật Thầy còn nuôi hai con trâu mà Ngài đặt tên là: con Sấm, con Sét. Một điều mà ai cũng lấy làm lạ là chỉ có Đức Phật Thầy điều khiển thì chúng mới chịu làm, còn ngoài ra thì không ai sai khiến gì được. Có lẽ vì thế mà người ta kêu tôn hai con trâu ấy là ông Sấm, ông Sét.

Đó là cách sắp đặt bên ngoài, đến như cách trần thiết bên trong thì hoàn toàn đúng theo nghi thức mà Ngài đã trang bị cái cốc ở Xẻo môn. Thế cho nên ở đây, mặc dầu là một nơi hẻo lánh, môn nhơn đệ tử của Ngài qui tụ rất đông, nhứt là hàng đại đệ tử, như anh em ông Đình Tây, ông Đạo Lập, ông Đạo Xuyến.. .

Bởi là chỗ hoang vắng, cho nên dễ bề cho Đức Phật Thầy truyền dạy môn đệ mà không sợ người ngoài dòm ngó, hơn nữa Thới sơn nằm trong hệ thống của dẫy Thất Sơn, chung quanh bao bọc những núi, rất tiện cho các môn đệ lên đó tu luyện.

Có lẽ vì để tránh tiếng mà khi hoàn thành trại ruộng ở Thới sơn, Đức Phật Thầy không ở thường trực. Ngài chỉ tới lui trông nom, còn mọi việc thì Ngài giao cho anh em ông Đình Tây coi sóc. Có phải vì thế mà Ngài thị tịch ở Tây An tự , con anh em ông Đình Tây thì tịch ở Thới sơn.

Từ ngày anh em ông Đình Tây tịch về sau, trại ruộng được tu bổ và mở rộng qui mô thành một cảnh chùa. Phía trước có đào ao sen và trồng một hàng dương.

Đến năm Tân tỵ (1941), chùa được sùng tu nguy nga to tác như nền chùa còn thấy hiện nay. Nhưng đến ngày 23 tết năm Bính tuất (1946) chùa bị phóng hỏa trong một cuộc hành binh. Bao nhiêu chén bát nồi niêu đủ dọn cho lối 100 người ăn đều bể không còn một cái. Sở dĩ chùa bị phóng hỏa cũng vì số nồi niêu quá to tác ấy.

Hiện nay, trên nền chùa rộng lớn ấy, có dựng lên một căn nhà bắc vần lợp lá để cho thiện nam tín nữ có chỗ lễ bái (xem hình số 8).

Nhìn thấy nền chùa thê lương thảm đạm, ai là người có đạo tâm mà chẳng ngùi ngùi trong dạ? Gạch tàu lót nền đều nứt nẻ, có chỗ xám đen một lỗ bằng mặt bàn, có chỗ thiếc kẻm máng xối cháy rớt đọng đóm trên mặt gạch một đường dài. Một vài cây cột góc, ẩn ba mặt trong vách tường, cũng cháy tiêu, chỉ còn trơ trọi một đường hủng đen sì.

Mặc dầu ngày nay trại ruộng Thới sơn đã cháy rụi, nhưng ở đây Đức Phật Thầy còn lưu lại vài di tích đáng quí. Ngài còn để lại một mớ tóc cho ông chủ Dương, nhà ở gần bên chùa. Hiện nay, vì tình thế bất ổn, con của ông này đã dời về tỉnh thành Châu đốc và vẫn còn giữ kỹ bảo vật ấy.

Còn mấy dụng cụ của Ngài rèn, như lưỡi mun, lưỡi câu, sợi dây, hai cây độc để cho ông Đình Tây trị “ông năm chèo” sau này, thì hiện nay rể ông Đình Tây là ông ba Hương còn cất giữ.

Ngày nay khách thập phương có đến viếng chùa Thới sơn là để chiêm ngưỡng ngôi mộ ông Đình Tây và anh của ông là ông Tăng. Hai ngôi mộ ấy chôn gần bên chùa.

 

(Kiểm bài ngày 22-9-2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn