3- Pháp môn tu huệ hay là Thiền Tịnh song tu

24 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 33186)
3- Pháp môn tu huệ hay là Thiền Tịnh song tu

Noi theo giáo pháp vô vi chơn truyền của Phật, Đức Phật Thầy rất chú tâm đến pháp môn tu huệ, nên hằng khuyến khích môn nhơn đệ tử về đường tu tâm luyện tánh để mở huệ tâm, pháp môn hành đạo của Ngài vẫn khác hơn nhà Thiền, như Ngài đã viết:

Riêng chiếm non bồng một cảnh Tiên,

Tu trì phép đạo khác màu thiền.

Cái chỗ “khác màu Thiền” ấy, là Ngài không cho bày chuông mõ, đọc tụng ó la, hay cúng dường phiền phức như các nhà chùa, mà chỉ dạy môn nhơ đệ tử chuyên cần về pháp trao tâm trỉa tánh, tự mình mặc cải lấy mình.

Theo Đức Phật Thầy, sở dĩ người tu hành bấy lâu không đắc chánh quả, là vì mãi duyên theo âm thinh sắc tướng bên ngoài mà không thấy tự nơi tâm của mình là một kho tàn chứa đủ giác mê, ma Phật. Lời Phật thường giải: Hễ giác là Phật còn mê là chúng sanh.

Bởi thế, Đức Phật Thầy thường khuyên:

Lọc lừa thì đặng nước trong,

Ma Phật trong lòng lựa phải tầm đâu.

Cái tâm ví như một căn nhà. Sở dĩ nó tối tăm là bởi các cửa đều đóng bít, không có ánh sáng lọt vào. Một khi mở cửa ra, hay đốt ngọn đèn lên thì tức khắc căn nhà bấy lâu tối tăm kia sẽ được sáng tỏ. Đức Phật Thầy bảo hãy mở cửa ra, đốt ngọn đèn lên thì thấy được chúa Tâm Vương:

Mở cửa lầu ra vào ngày tháng,

Một ánh đèn soi rạng mười phương.

Muốn cho thấy chúa Tân vương,

Vào non bể ngạn kiết tường huê khai.

Cái tâm cũng ví như một kho tàng quí báu. Nó đã sẵn có chứa ngọc minh châu, chỉ vì người bỏ luống không giồi mài đó thôi. Đã sẵn có ngọc nơi lòng mà không biết, lại đi tầm ngọc ở đâu đâu; vì thế mà tầm mãi không được ngọc:

Đạo Thánh Hiền tầm đâu cho khó,

Ai dạy mình, mình lại dạy ai.

Ngọc nhà luống bỏ chẳng mài,

Tiểu tâm vì bởi cậy tài nên xa.

Cái tâm cũng ví như dòng nước. Nó đục là vì nó còn vọng động; chỉ khi nào nó không vọng động thì nó sẽ trong. Mà hễ nó trong thì soi thấu đáy nước, nhìn thấy rõ bóng trăng. Cái tâm mà vắng lặng như nước trong kia thì khó gì mà chẳng thấy được tánh, chẳng thấy được bổn lai diện muc.

Đức Phật Thầy khéo tả cái diệu tánh của tâm trong mấy câu này:

Thủy thanh nguyệt ảnh hiện tự nhiên,

Táo tận trần ai mãn tuế duyên.

Thủy nguyệt quang âm minh cảnh chiếu,

Danh như bổn tánh đoạn tiền khiên.

Không có phép tu nào mau ngộ bằng phép tu định tâm kiến tánh, bởi cái tâm là căn bản của các pháp, như kinh Lăng Già đã nói:Tâm sanh chúng chẳng pháp sanh, tâm diệt chủng chúng pháp diệt; Nghĩa là tâm mình sanh thì các pháp theo đó mà phát sanh, tâm mình diệt thì các pháp cũng theo đó mà tiêu diệt.

Thế thì, các pháp đều ở nơi tâm, hễ quán được cái tâm thì tức đạt được đạo giải thoát, như trong Quán Kinh có câu: Tam giái chi trung dĩ tâm vi chủ. Năng quán tâm giả cứu cánh giải thoát, bất năng quán tâm giả tất cánh trầm luân; Nghãi là: Trong ba cõi, lấy tâm làm chủ. Xem tâm được thì đoạt đến chỗ giải thoát rốt ráo, còn chẳng xem tâm được thì ắt bị trầm luân.

Cho nên muốn về cõi Tịnh độ hay muốn thấy được cảnh giới thanh tịnh của Phật, duy có tịnh cái tâm là thấy rõ các cõi tịnh, như kinh Duy Ma đã nói: Dục tắc tịnh độ, dương tịnh kỳ tâm, tùy kỳ tâm tịnh, tức Phật độ tịnh; nghĩa là muốn đặng cõi Tịnh độ thì phải tịnh cái tâm mình, tùy cái tâm mình tịnh thì tức là cõi Phật cũng tịnh.

Bởi các pháp đều do tâm, cho nên không cần phải tầm đâu xa cho nhọc. Đức Phật Thầy không dứt khuyên môn nhơn đệ tử:

Đi đâu cho khó nhiên đàng,

Kìa non Bửu tự nọ ngàn ma ha.

Kiểng nào kiểng chẳng có hoa,

Non nào non chẳng có tòa Thiên thai!

Chỉ cần quán tâm, tự lực trau sửa cái tâm thì tức nhiên thấy được tánh. Như thế là Đức Phật Thầy Tây An đã noi theo Đức Lục Tổ Huệ Năng hưng truyền pháp môn tu kiến tánh trong hàng môn nhơn đệ tử của Ngài.

Ngài hằng bộc lộ lòng sùng ngưỡng của Ngài đối với Đức Lục Tổ trong câu:

Khát thời uống nước Tào khê,

Đói ăn Ma phạn tối về canh tân.

Tào khê là nơi Đức Lục tổ hoằng pháp, cho nên nói Táo khê tức là ám chỉ Đức Huệ Năng.

Pháp môn tu kiến tánh của Đức Lục tổ là pháp môn tự lực, nghĩa là mình tự độ lấy mình bằng cách trở về chỗ rổng thông sáng tỏ của tự tâm. Nhưng pháp môn này rất khó tu, chẳng phải ai ai cũng có đủ đại lực để hành trì mà đạt đến địa vị Phật quả. Bởi vì khó tu, cho nên người ta thường gọi là pháp môn “Thụ xuất tam giới” cũng gọi là “nan hành đạo”. Thụ xuất tam giới có nghĩa là do bề đứng mà ra khỏi tam giới, tức là đạo khó hành, ví như con mọt ở trong cây tre mà cứ đụt lần hồi từ mắt một, đục hết mắt tre này đục lên mắt tre trên, cứ đục như thế cho hết mắc tre mới ra khỏi được, bởi thế cho nên gọi là thu xuất, nghĩa là đi ra bằng bề đứng.

Bởi nhận thấy pháp môn tự lực tu hành của phái Thiền tông khó khăn như vậy, nên chi đồng thời với pháp môn tu kiến tánh, Đức Phật Thầy còn khai thị cho môn nhơn đệ tử của Ngài pháp môn tha lực tu hành của phái Tịnh độ tông, chỉ chuyên tâm niệm Phật A Di Đà để cầu được tiếp dẫn về cõi Tây Phương Cực lạc, vì hễ được vãng sanh về cõi Tịnh độ rồi thì không còn bị thối chuyển, không như pháp tu tự lực kia cần phải trải qua nhiều kiếp.

Vì thế mà pháp môn niệm Phật được gọi là pháp môn “Hoành siêu tam giới” hay là “dị hành đạo”.

Hoành siêu tam giới có nghĩa là do bề ngang mà ra khỏi tam giới, tức là đạo dễ làm, ví như con mọt ở trong cây tre, hễ đục ngang cây tre là tự nhiên nó được ra khỏi, chớ không có khó khăn lâu lắc như cách đục bề đứng từ mắc một của cây tre.

Đức Phật Thầy khai thị pháp môn niệm Phật là vì Ngài thấy: Chỉ có pháp môn tu cầu tha lực mới mong cấp cứu chúng sanh trong thời kỳ Nguơn Hạ này là thời kỳ chúng sanh dễ bị ác duyên chướng ngại. Nếu tự lực tu hành để cầu liễu sanh thoát tử thì chẳng phải là một việc dễ, bởi nếu bị ác duyên chướng ngại mà thối chuyển thì tất phải trầm luân sa đọa không biết lúc nào mới trở lại được.

Ngài Thiên Như Hòa Thượng cũng có nói: Chánh pháp, tượng pháp chi hậu, chư kinh diệt tận, chỉ lưu “A Di Đà Phật” từ tự cứu độ mạt pháp chúng sanh, kỳ hữu bất tín giả ưng đọa địa ngục: Nghĩa là: Sau khi Chánh pháp và Tượng pháp qua rồi, thì các kinh lần lần tiêu diệt, chỉ còn lại bốn chữ “A Di Đà Phật” là cứu độ được chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp, nếu ai không tin sẽ đọa vào địa ngục.

Sở dĩ Phật khai ra pháp môn Tịnh độ. Là bởi chúng sanh ở thời mạt pháp, căn cơ thiển bạc, nếu đem những pháp môn khó tu mà dạy thì chi cho họ khỏi sanh lòng chán ngán.

Chỉ có Pháp môn niệm Phật là pháp môn tối thắng, dầu chúng sanh với trình độ tiến hóa cao thấp thế nào cũng đều có thể tu tập mà thoát nẻo luân hồi sanh tử.

Vì đâu vậy? Là bởi Đức Phật A Di Đà có đoạn nói rằng: “Nếu có người thiện nam thiện nữ nào, nghe nói Phật A Di Đà mà chấp giữ cái danh hiệu ấy; hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tán loạn thì người ấy lúc gần lâm chung sẽ thấy Phật A Di Đà và các Thánh chúng hiện thân trước mặt, mà khi chết tâm không điên đảo tức thời được vãng sanh về cõi Cực Lạc”.

Pháp môn niệm Phật còn có cái công năng là không tu sáu pháp Ba la mật mà vẫn được sáu pháp ấy, như kinh Di Đà Sớ Sao đã nói: Tịnh độ pháp môn chí huyền, chí diệu bất tu dư hạnh như đắc lục Ba La Mật; nghĩa là: Pháp môn Tịnh Độ rất huyền rất diệu, chẳng tu hành nào mà đặng tất cả sáu pháp Ba La Mật.

Ngài Tịnh Nguyệt Lão pháp sư còn chứng nhận rằng niệm Phật còn thâu nhiếp sáu căn. Ngài giải rằng: Trong lúc niệm Phật mà con mắt chẳng bị các “sắc” hoặc nhiễm, ấy là con mắt niệm Phật; lỗ tai chẳng bị các thứ “tiếng” hoặc nhiễm, ấy là lỗ tai niệm Phật; lỗ mũi chẳng bị các thứ “mùi” hoặc nhiễm, ấy là lỗ mũi niệm Phật; cái lưỡi chẳng bi các thứ “vị” hoặc nhiễm, ấy là cái lưỡi niệm Phật; cái thân chẳng bị các thứ “xúc động” hoặc nhiễm, ấy là cái thân niệm Phật; ý chẳng bị các “sự vật” hoặc nhiễm, ấy là cái ý niệm Phật.

Cái công năng của pháp môn niệm Phật đã thù thắng như thế, cho nên Đức Phật Thầy Tây An không dứt khuyên môn nhơn đệ tử:

Giữ lòng niệm Phật Di Đà,

Thời lên sơn lãnh thấy mà thời hay. (1)

(1) Cũng như Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Thầy không có viết. Ngài chỉ thuyết cho chư môn đệ tử chép lại. Bởi thế những điều đệ tử của Ngài viết ra, chẳng qua là lặp lại những lời của Ngài Thuyết hay lấy ý của Ngài mà viết ra. Như đoạn văn này là của đệ tử viết theo ý của Ngài.

Ngài vẫn lặp lại luôn:

Đêm ngày tưởng niệm Như Lai,

Lòng ta đốc quyết hoài hoài đừng quên.

Hỡi người niệm Phật cho bền,

Mai sau cũng đặng gần bên Phật Thầy. (1)

Ở thời kỳ mạt pháp này chỉ có pháp môn niệm Phật là cứu được chúng sanh mà thôi. Nhưng chớ lấy thế mà chỉ cầu tha lực, bỏ phần tự lực. Mình phải tự cứu lấy mình rồi sau Phật mới cứu mình. Bởi thế cho nên với Đức Phật Thầy, Ngài chẳng những khai thị cho môn nhơn đệ tử pháp môn tu kiến tánh của phái Thiền tông mà còn khai thị pháp môn niệm Phật  của phái Tịnh độ tông nữa, nghĩa là pháp môn Thiền Tịnh song tu.

Thế là, như một ông lương y tùy bịnh chẩn trị, Đức Phật Thầy Tây An sau khi nhận rõ: Hoàn cảnh, nhơn tâm và thời cơ của chúng sanh, khai thị cho chúng sanh những pháp môn hành đạo thích nghi gồm cả phần tu phước và tu huệ.

Đây chúng ta thử đem một bài kệ của Phật ra phân tách sẽ thấy rõ pháp môn hành đạo của Đức Phật Thầy đi đúng với yếu chỉ pháp môn hành đạo của Phật.

Phật có làm bài kệ rằng:

Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành;

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo.

    Nghĩa là:

Điều ác đừng làm,

Điều lành gồm làm.

Tự lắng lấy lòng,

Phật dạy như thế.

Trong bài kệ này, ai cũng thấy chia ra làm hai phần rõ rệt: Mỗi phần gồm có hai câu. Phần thứ nhất hiển thị pháp môn tu phước, còn phần thứ hai hiển thị pháp môn tu huệ.

Mà thế nào gọi là tu phước và thế nào gọi là tu huệ?

Cứ theo hai câu: Điều ác đừng làm, điều lành gồm làm, thì tu phước có nghĩa là dầu ở cảnh nào, kẻ tu hành trước hết chẳng nên làm điều chi tổn hại đến người mà chỉ lo làm việc lành, làm những việc có ích lợi cho quần sanh. Đó là căn bản của phép tu nhơn đạo.

Còn tu huệ là tự trao sửa lấy mình để được minh tâm kiến tánh, nhận rõ chơn lý, đoạn các hoặc nghiệp phiền não, liễu thoát sanh tử luân hồi, nghĩa là tin sâu vào lời Phật dạy.

Trong sáu phép Ba La Mật, có cái trình tự tu phước và tu huệ cũng thấy biểu lộ rõ ràng. Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục là cả pháp môn tu phước; còn Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ là cả pháp môn tu huệ.

Đức Phật Thầy khai thị pháp môn hành đạo hiếu nghĩa và Thiền tịnh song tu, là hiểu rõ pháp môn tu nhơn học Phật, đúng với giáo pháp của Đức Thích Ca về pháp môn tu phước và tu huệ vậy.

Ngài đã thấu rõ cơ huyền, thấy rằng đời Hạ Nguơn sắp mãn mà chúng sanh căn tánh lại cạn cợt, nếu thi thiết những pháp môn tu nhứt thừa thiệt tướng chi cho khỏi chúng sanh không thể theo được mà còn sanh lòng ngờ chán nữa.

Vả lại, Ngài lâm phàm là vì sứ mạng thức tỉnh người đời trong thời kỳ mạt pháp, có lý nào để cho chúng sanh chìm đắm trong biển pháp mà chẳng cứu vớt họ ra. Đứng trước những điều kiện bất lợi của hoàn cảnh, nhơn tâm và thời cơ. Ngài phải thi thiết những phương tiện nào vừa mau vừa dễ mới mong hoàn thành được sứ mạng.

Phải vừa mau mà lại vừa dễ, đó là đặc điểm của pháp môn tu tắt của Đức Phật Thầy, cốt làm sao cho chúng sanh hồi tâm hướng thiện, dọn mình cho được hiền đức hầu có đủ tư cách đón rước sự giáng lâm của Đức Di Lặc.

Những pháp môn tu phước và tu huệ của Đức Phật Thầy mở ra, phải nên hiểu là không ngoài mục đích đào tạo chúng sanh cho được hiền đức. Mà muốn trở thành con người hiền đức, theo Ngài, chỉ phải làm sao cho tròn cái đạo làm người và học theo những điều của Phật dạy, nghĩa là cả pháp môn: Học Phật, tu nhơn.

Về phương diện tu nhơn thì không ngoài phép khắc kỷ xử thế của sách Minh Tâm và việc đáp đền hiếu nghĩa của bốn điều ân trọng đại.

Đến như về phương diện học Phật thì trong thời kỳ mạt pháp này, chúng sanh cần hành cả hai pháp tu tự lực và tha lực, tức là pháp môn Thiền Tịnh song tu.

Đó là cả pháp môn của Đức Phật Thầy khai thị cho môn nhơn đệ tử của Ngài.

Có nhận thấy chơn cơ mới thấy pháp môn hành đạo của Ngài là quyền xảo, vì nó thích hợp với cơ duyên của chúng sanh trong thời kỳ Hạ Nguơn sắp mãn để dựng lên đời Thượng Nguơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn