4-Trại ruộng ở Láng Linh

24 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 30881)
4-Trại ruộng ở Láng Linh

Láng linh thuộc về làng Thạnh Mỹ Tây, tỉnh Châu đốc. Nó nằm cách sông Hậu giang gần 10 cây số ngàn, từ kinh xáng Vịnh tre đi vô.

Ở đây Đức Phật Thầy còn lưu lại hai di tích: một là trại ruộng, hai là cây thẻ mà người ta thường gọi là ông thẻ. Đây là một cây thẻ trong bốn cây thẻ mà Đức Phật Thầy cho trồng chung quanh vùng Thất sơn. Hiện nay, chừng như vì thấy nó hư nứt, nên người nhổ lên, rồi làm một nơi để thờ phượng.

Cũng như ở Thới sơn, ở Láng linh Đức Phật Thầy có lập một cái trại ruộng bằng tre lá. Cách xếp đặt vẫn cùng một thể thức như trại ruộng ở Thới sơn đúng theo giáo pháp vô vi của Ngài, nghĩa là tượng trưng lối thờ trần đỏ.

Điều đáng để ý là Đức Phật Thầy đặt hiệu cho trại ruộng nầy là Bửu-Hương-Các. Đây là lần đầu tiên Ngài nêu giáo phái của Ngài cho người đời thấy. Từ lâu, mỗi khi có một tín đồ nào đến xin qui y thì Ngài phát cho một lòng phái trong đó vỏn vẹn có bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Cái lòng phái này mỗi tín đồ của Ngài đều giữ kỹ, sống chết gì cũng phải giữ cho còn, không hề trao cho ai.

Phải chăng, nay lập trại ruộng ở Láng Linh, một nơi hẻo lánh hơn trại ruộng Thới sơn, vì cách tỉnh thành An giang rất xa, mà Đức Phật Thầy biểu lộ giáo phái của Ngài khi để danh hiệu cho rại ruộng ở Láng Linh. Nhưng đáng lý viết đủ bốn chữ Ngài chỉ để có hai chữ “Bửu-Hương” trước chữ “Các”.

Từ ngày cất xong Bửu-Hương-Các, Đức Phật Thầy thường lên xuống Láng Linh và giao phó cái trại ruộng này cho ông Cố Quản tức là ông Trần văn Thành một đại đệ tử của Ngài coi sóc, cũng như trại ruộng ở Thới sơn giao phó cho anh em ông Đình Tây vậy.

Về sau khi ông và ba Cố Quản tịch, con là Cậu hai Trần văn Nhu đứng ra cất một ngôi chùa gần Bửu-Hương-Cát, cách nhau độ 200 thước. Thể theo ý của Đức Phật Thầy. Cậu hai mượn danh hiệu của trại ruộng mà đặt tên cho ngôi chùa ấy là Bửu Hương Tự.

Chính Cậu Hai tự lấy vòng vàng của bà Cố Quản để lại đem ra bán mua cây ngói. Đến khi cẩn nền chùa, vì không đủ tiền mua gạch, cậu Hai phải bán chiếc ghe sáu bổ đầy lịch sử với giá bạc 300 đồng cho ông Khạo.

Vào khoản năm Nhâm tý (1912), sáu Phẩm cháu của Cậu Hai, vì lòng ganh tỵ, nên thừa lúc Bửu Hương Tự có cuộc lễ Phật tụ hợp đông đảo, bèn mật cáo với nhà cầm quyền tỉnh Châu đốc rằng ở đó có cuộc mưu phản. Chùa bị bao vây. Cậu Hai thoát khỏi, còn lại 56 người bị bắt và bị kêu 13 tháng tù, trong đó có ông chủ Khả là người đứng xin phép cất chùa.

Khi ra tù, ông chủ Khả bèn cho người dỡ chùa Bửu Hương Tự, vào khoảng năm Quí sữu (1913).

Trải qua thời gian, Bửu-Hương-Các cũng như Bửu-Hương-Tự, đều được tu bổ nhưng không được mấy phong quang.

Mãi đến năm 1941, Bửu Hương Các, rồi sang năm 1942 Bửu Hương Tự, được sùng tu chấn chỉnh, qui mô rộng lớn như nền chùa còn thấy hiện nay.

Cuộc sùng tu hai ngôi chùa này là do ông Nguyễn văn Tịnh cũng gọi là ông Năm Tịnh, một điền chủ ở Bình Thủy, thuộc tỉnh Cần thơ, tự động xuất tiền cán đáng. Ông là một môn đệ của Cậu Hai, con ông Cố Quản. Ông hằng hầu hạ bên Cậu và học hỏi ở Cậu về đạo hạnh. Cái cao cử của Cậu Hai trong công cuộc cất Bửu-Hương-Tự, nêu lại cho ông một tấm gương trong sáng để noi theo trong việc sùng tu hai ngôi chùa ấy.

Sau khi Bửu-Hương-Tự được chỉnh đốn nguy nga đồ sộ, ông tư Nhạn có viết bốn câu liễn đầy ý nghĩa, mãi đến nay còn truyền tụng trong nhân gian.

Bốn câu ấy như vầy:

Bửu điện Long Châu khải triệu Nam Phương, Phật pháp hòng khai huyền bí,

Sơn xuyên Hưng Thới cơ đồ Bắc khuyết, thiền môn chiếu diệu anh linh,

Kỳ nguyện thiên nhiên, vạn tải lưu phương, Phật giáo sùng tu cổ tự,

Hương dương địa thới thiên thu phổ đức, sư truyền đạo lập tân dân.

Đại ý như vầy:

- Điện báu Long Châu khai mở ở Nam phương, Phật pháp hoằng khai huyền bí,

- Nơi chốn núi sông Hưng Thới là cơ đồ ngôi báu, cửa thiền chói rạng anh linh.

- Kỳ nguyện với thiên nhiên muôn thuở lưu danh, Phật giáo sùng tu chùa cổ,

- Hương dậy đất yên, ngàn năm phổ đức, noi theo chơn truyền của Thầy đem đạo lập tân dân.

Long Châu là tên của Đức Phật Thầy đặt cho đất Láng Linh; như ngày nay tại Láng Linh có dựng lên một cái chợ gọi là chợ Long Châu. Còn Hưng Thới là tên đặt cho vùng núi Doi trước kia.

Một điều đáng để ý là khi đọc mỗi chữ đầu của các câu liễn, người ta sẽ thấy bốn chữ lòng phái của Đức Phật Thầy là “Bửu Sơn Kỳ Hương”.

Trong thời kỳ Nhựt chiếm đóng, trong lúc bao nhiêu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đều tản cư, người ở nơi này, kẻ ở nơi nọ, thì ông Năm Tịnh được Đức Huỳnh Giáo chủ kêu lên Sài gòn và được Ngài an ủi câu này:

- Ông ở Láng Linh có sợ không?

- Bạch Thầy, con không sợ.

- Phải! Láng Linh là gốc sau này, kia mà!

Rồi Ngài mới hỏi qua việc trùng tu Bửu Hương Tự và tỏ ý rất tiếc về công việc ông Năm Tịnh làm quá bề bộn, tốn nhiều công của, nhứt là nhận cho anh em đến làm công quả. Ông năm Tịnh hồi đó không hiểu hết ý nghĩa câu nói của Ngài, nhưng cũng không dám hỏi thêm.

Mãi đến năm 1948, Bửu Hương Các cũng như Bửu Hương Tự đều bị triệt hạ trong lúc binh biến, bây giờ ông năm Tịnh mới vỡ lẽ câu nói của Đức Huỳnh Giáo chủ trước kia.

Mặc dầu trong cuộc triệt hạ này, ông năm Tịnh mất hết hai người con trai yêu quí của ông, nhưng ông vẫn không nao núng. Nên chi liền sau đó, ông dọn dẹp đống gạch ngói ngổn ngang, rồi xếp từ miếng gạch này lên miếng gạch khác làm thành vách, trên thả đòn tay lợp ngói mà dựng lại Bửu Hương Các vừa đủ chỗ làm nơi thờ phượng cho thiện nam tín nữ đến lễ bái. (xem hình số 9). Còn ông tạm dựng cái nhà cao cẳng ở phía sau.

Bửu Hương Tự cũng được dựng lại cùng một cách như Bửu Hương Các. (xem hình số 11). Ngày nay, mặc dầu với cảnh tàn phá đớn đau, khung ảnh thiên nhiên của Bưu Hương Các và Bửu Hương Tự vẫn không mất vẻ uy nghiêm siêu thoát.

Kìa trước mặt, ngoài xa trong cảnh chiều tà, lồ lộ mấy ngọn núi đầy mây phủ của dẫy Thất Sơn hùng tráng, gợi trong tâm khảm khách viễn phương bao nỗi nhớ nhung về người xưa cảnh cũ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn