2-Đức Bổn Sư

24 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 29976)
2-Đức Bổn Sư

Ngài tên tộc là Ngô Lợi sanh ở Dội gần Mộc bài giáp ranh với Cao miên, trong một gia đình nông dân. Thuở thơ ấu, cũng như bao nhiêu trai tráng trong làng, Ngài chăm lo giúp đở cha mẹ trong việc cày sâu cuốc bẳm. Có lẽ Ngài là con thứ năm, cho nên người trong làng mới gọi Ngài là cậu Năm khi Ngài ra cứu thế độ dân. Trường hợp tỏ ngộ của Ngài cũng không khác trường hợp của Đức Phật Thầy Tây An hay Đức Huỳnh Giáo chủ sau này, nghĩa là bỗng nhiên được sáng tỏ, không học mà thông, dùng phương pháp huyền diệu cứu độ sanh linh.

Có phải chăng cứ mỗi một vị siêu phàm xuất thế là để cứu vớt chúng sanh trong hồi nguy ngập mà Ngài ra đời giữa lúc dân làng gặp phải nạn ôn dịch, chết không kịp chôn? Chỉ với nước lã và giấy vàng mà Ngài cứu thoát chẳng biết bao nhiêu người khỏi tay tử thần. Chẳng bao lâu danh tiếng Ngài vang dội khắp nơi, hấp dẫn hàng vạn người đến qui y cầu đạo.

Ngài lần xuống Cù Lao Ba là một hòn đảo nằm trên Hậu giang cách phía Bắc châu thành Châu đốc độ bốn năm cây số. Trong Sám giảng của ông Sư Vãi Bán Khoai, có nói đoạn ấy như vầy:

Hạ Nguơn Giáp tý đầu năm,

Gẫm trong thiên hạ không an chỗ nào.

Lại thêm một nỗi tân trào,

Nhơn điền sổ bộ biết bao nhiêu người.

Thấy vui mà chẳng muốn cười,

Bơ vơ tôi chúa gẫm đời không cha.

Có người ở Cù Lao Ba,

Phật sai giáng thế mới ra cứu đời.

Bao giờ Nam Việt thạnh thời,

Minh Vương sửa trị ngôi Trời đặt an?

Ở Cù lao Ba một thời gian, Ngài mới đi vào vùng Thất sơn, rồi đi thẳng đường theo kinh Vỉnh Tế qua miệt Giang thành, Ton hon, thức tỉnh người đời, cứu độ chúng sanh.

Ngài lên hòn núi Nước ở Ton hon, nhận thấy ở đó người Tàu có chôn nhiều cái ếm. Không hiểu họ đặt cái ếm có mục đích gì, nhưng người ta được biết rằng những cái ếm ấy đều do người Tàu đặt, có lẽ là lớp người theo Mạc Cửu chạy vô Hà tiên vào khoảng vua Càn Long nhà Thanh. Như cái ếm ông Đạo Lập lấy lên ở Ton Hon mà hiện nay còn thấy để ở Bài bài, có khắc rõ là triều vua Càn Long.

Cũng như ông Đạo Lập, Đức Bổn Sư khám phá một cái ếm khá to của người Tàu chôn ở hòn núi Nước. Chỗ chôn cái ếm ấy, người Tàu có trông ba cây da, lúc Đức Bổn Sư đến thì nó to đến một người ôm không giáp. Ngài dẫn hơn 50 môn đệ. Mỗi người mang theo một cái riều và trên mỗi đầu riều đều có bịt khăn ấn; như thế mới phá nổi. Khi hạ xong, Ngài cho đào đất rất sâu mới lấy cái ếm lên được.

Vì phá cái ếm ấy, ý chừng làm hư hại cả mưu đồ của họ về việc phản Thanh phục Minh hay phá các huyệt long tụ của Việt Nam mà người Tàu sanh lòng thù oán Đức Bổn Sư. Họ treo giải, hễ ai hại được Ngài thì họ thưởng. Hơn nữa họ rao truyền rằng Ngài là gian đạo sĩ có ý chiêu mộ binh sĩ, cho nhà cầm quyền truy nã.

Để tránh tiếng và hơn nữa cho người đời không còn tìm ra dấu vết, Ngài mới giả ra phụ nhơn và trong chỗ giao tiếp, Ngài thường xưng là chị Năm. Sở dĩ Ngài có ý giả ra phụ nhơn là bởi Ngài có cái tướng dạng mảnh khảnh. Với lại Ngài thường mang một cái yếm tâm, ai ở xa cũng lầm nhận là cô vãi.

Chẳng những Ngài đã hóa ra phụ nhơn mà Ngài còn được người ta dặt cho cái tên Thiếp nữa. Mà sở dĩ Ngài được đặt tên Thiếp là vì Ngài ó phép đi thiếp. Ai có cha mẹ ông bà, hay cậu cô chú bác đã quá vãng mà trong lúc sanh tiền hoặc có giấu vàng bạc, hoặc có để tài sản mà thân nhơn tìm không ra hay không biết, thì cứ cậy Ngài đi thiếp cho. Ngài đi thiếp trong một đêm rồi qua ngày sau là Ngài nói lại chẳng những lai lịch của người quá vãng mà cả vật của người giấu cất ở đâu nữa, không sai một mảy.

Nhơn đó, người ta mới gọi Ngài là chị năm Thiếp.

Sau một thời gian đi hóa độ, Ngài trở về núi Tượng, lập chùa, phát phái, mở thành mối đạo Hiếu Nghĩa cho đến ngày Ngài tịch.

Cứ theo sám kinh cho biết thì ngày Ngài khai đạo là ngày rằm tháng chín năm Mậu dần (1978).

Sau 31 năm phổ hóa chúng sanh, Ngài tịch nhằm ngày 13 tháng 10 năm Kỷ dậu (1909), có lưu lị quyển Đồ Thơ, trong đó Ngài cho biết nhiều điều mật nhiệm về tương lai, đại loại như việc biến thiên trong những ngày đổi đời lập hội. Trong nhiều kinh sám thường nói sau này, khi quả địa cầu biến hình do nhiều cuộc đất bị sụp đổ, trên mặt địa cầu chỉ còn lại có mười tám nước, không thấy kể là những nước nào. Chỉ có quyển Đồ Thơ của Đức Bổn Sư nói rõ nước nào còn nước náo mất, nhưng tiếc vì đó là phần thuộc về bí truyền, cho nên chỉ có mấy ông Trò là những nhà đạo hạnh cao siêu, những đệ tử thân tín của Ngài mới được biết mà thôi.

Tương truyền rằng: Trước ngày tịch diệt, để trả lời cho môn nhơn đệ tử hỏi về ngày trở lại của Ngài, Ngài có đáp bằng hai câu thơ này:

Chừng nào cây quế trổ bông,

Bồ đề có trái thì ông trở về.

Cây quế thì Ngài cho trồng ở chùa Phổ Đà, nghe nói trong khoảng năm Mậu Tý (1848) và Kỷ Sửu (1949) nó có trổ bông, nhưng mới đây nó đã bị cháy.

Còn cây Bồ Đề thì trồng ở chùa Tam Bửu. Năm Kỷ Sửu (1949) nó có trái kỳ nhứt, nghe đâu lấy được bốn xâu chuỗi tay, mỗi xâu 18 hột. Năm Canh dần (1950) nó có trái kỳ nhì, nghe đâu cũng lấy được hơn bốn xâu chuỗi hột. Năm Tân mão (1951) nó có trái kỳ ba cũng bằng kỳ nhì. Còn năm Nhâm thìn (1952) thì trái không đậu.

Cây quế đã trổ bông, cây bồ đề đã có trái; thế là Ngài sắp trở về. Nhưng với hình thức nào thì không ai được biết. Có điều được biết là Ngài đã có lần hóa hiện làm ông Sư Vãi Bán Khoai.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn